3620. Thử xem xét ngân sách Việt Nam

Thử xem xét ngân sách Việt Nam/ Tiền Dân và xe Quan
Thu ngân sách năm 2015 và những năm tới của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng bởi nguồn thu từ dầu thô sẽ giảm và tiếp tục thấp.
(Tài chính) - Không biết có nước nào giống Việt Nam là ngân sách mà Quốc hội thông qua lại chỉ mang tính dự toán, kể cả phần chi và phần thu.

Quan điểm về ngân sách
Phần thu thì tất nhiên chỉ có thể dự toán vì Quốc hội nước nào cũng thế, chỉ có thể ra luật về sắc thuế, còn thu được bao nhiêu là tùy thuộc vào tình hình kinh tế.

Thế nhưng với phần chi, đặc biệt là phần chi không có tính quy định như chi lương hưu thì quốc hội nhiều nước ra luật quyết định số chi cho từng bộ ngành và chương trình hoạt động. Chính phủ không được phép vượt chi vì vượt chi là phạm luật.

Ở Việt Nam, do được coi là dự toán, Chính phủ có vẻ chi tiêu rất thoải mái, năm nào cũng vậy, chi vượt dự toán, không chỉ vài phần trăm mà hàng 30-40%. Và ở ta, chi vượt dự toán chỉ có thể biết được sau ít nhất hai năm.

Thử nhìn tính công khai của dự toán ngân sách

Có thể kết luận ngay là Bộ Tài chính đã công khai hơn nhưng tính công khai này vẫn không đầy đủ. Quan trọng nhất là thiếu địa chỉ về công trình và cơ quan được cấp ngân sách chi. Nếu địa chỉ và công trình không rõ ràng thì không thể theo dõi và kiểm tra.

Những năm gần đây, dự toán ngân sách được Bộ Tài chính đưa lên mạng của bộ. Có thể tìm thấy tài liệu dự toán thu chi ngân sách 2015 trên mạng này, bao gồm thông tin chứa trong các tập tin Excel, gồm chín tệp.

Trong chín tệp, chỉ có một tệp chứa thông tin về phân ngân sách, theo các địa chỉ thuộc bộ ngành trung ương (trong đó có phân ra chi cho các bộ, cơ quan trung ương, tập đoàn nhà nước và phân theo mục chi như đầu tư, trả nợ, quản lý hành chính). Tổng chi cho các bộ phận trung ương này năm 2015 là 183.000 tỉ đồng, bằng 22,4% khoản thu và vay của ngân sách trung ương.

Tổng chi cho giáo dục và đào tạo của ngân sách trung ương là 32.000 tỉ đồng (xem bảng 1). Nhưng khó biết hết và rõ số tiền này đi về đâu.

Nếu xem xét thông tin chi ngân sách cho các bộ ngành trung ương có địa chỉ rõ ràng thì cũng chỉ giải thích được 12.000 tỉ đồng mà ngân sách dành cho mục đích giáo dục đào tạo chuyển cho bộ ngành thuộc trung ương.

Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ là một địa chỉ, được phân 6.300 tỉ đồng; hai trường đại học quốc gia là Hà Nội và TPHCM được phân 2.000 tỉ; và phần còn lại gần 4.000 tỉ được phân cho các bộ ngành khác như Học viện HCM, Bộ Y tế, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn... phần còn lại không rõ về đâu.

Riêng về chi cho Bộ Giáo dục và Đào tạo 6.300 tỉ như nói ở trên thì bộ này chi 13% là để xây dựng cơ bản và 83% là chi thường xuyên, trong đó 78% là chi về giáo dục, và 2% là chi cho quản lý hành chính.

Như vậy phải chăng phần 78% chi về giáo dục này có thể là để chuyển về địa phương (?). Và phần còn lại của 32.000 tỉ là 20.000 tỉ đi về đâu?

Ở trên chỉ là một thí dụ có thể thấy khi xem xét phần ngân sách được nêu khá chi tiết nhất này. Các phần khác thì không thế, chúng không được báo cáo rõ ràng, do đó ngay cả việc giải thích chi ngân sách cho giáo dục từ ngân sách trung ương cũng không thể làm được.

Xem xét vài nét về dự toán ngân sách 2014-2015
Tỷ trọng phân phối chi tiêu trong hai năm 2014 và 2015 khá giống nhau. Điều này cũng là thường tình vì chính sách chi ngân sách thường cố định, khó chuyển đổi nhanh, một phần lớn vì ảnh hưởng nhất định của địa chỉ được nhận ngân sách và một phần nữa là chính quyền trung ương ít khi muốn lắc thuyền để phải đối phó với hậu quả của chấn động.

Vì tính ổn định của nền kinh tế ở tầm vĩ mô là tùy thuộc vào ngân sách trung ương nên đáng lẽ phải chi tiết để có thể phân tích hơn là những thông tin đưa ra hiện nay. Tuy vậy, vẫn có thể đưa ra một số nhận định sau:

1. Ngân sách trung ương dựa quá nhiều vào vay để chi. Tỷ lệ vay so với tổng nguồn năm 2015 bằng 28% số thu của trung ương (bảng 2) và hàng năm chi trả nợ lên đến 20% tổng chi ngân sách (bảng 1).

Đây là thời điểm mà lãi suất trên thế giới rất thấp. Nếu lãi suất cao hơn và mức phải vay để chi tăng nhiều như hiện nay thì việc mất khả năng trả nợ là rất lớn.

2. Trong phần chi của trung ương có một phần chi chuyển cho địa phương để họ tiêu là 229.000 tỉ. Phần này lên tới 41% ngân sách địa phương (xem bảng 2), và bằng 28% tổng nguồn của trung ương. Phần chuyển cho địa phương để chi rất lớn này đã không được làm sáng tỏ về mục đích trong dự toán ngân sách.

Việc trung ương phải vay nợ để cho địa phương chi có thể là yếu tố đưa đến bất ổn kinh tế vĩ mô. Nhưng đây là một hộp đen không thể phân tích về tính cần thiết vì thông tin không rõ ràng.

3. Phần chi lương hưu cũng chiếm một tỷ trọng lớn trong ngân sách, năm 2014 là 15,3% và năm 2015 là 12%. Sự giảm tỷ trọng này khó có thể giải thích. Chi lương hưu là chi trả nợ quốc gia cho những người đã làm với Nhà nước là điều không thể bỏ qua và là áp lực lớn đối với ngân sách.

Có thể cần thiết kế một chính sách tách rời khỏi ngân sách phần đóng góp hưu trí vào quỹ hưu trí được tài trợ bằng đóng góp của cá nhân lao động và nhà nước.

Người được hưu trí chỉ được hưởng từ những gì quỹ hưu trí có (tức là biến quỹ hưu trí theo nguyên tắc thụ hưởng theo quy định thụ hưởng (defined benefits) qua nguyên tắc thụ hưởng qua đóng góp (defined contribution).

4. Nhìn vào ngân sách dự báo thu được năm 2015, thu từ dầu hỏa giảm 63.000 tỉ do đó thu của trung ương cả năm sẽ giảm 38.000 tỉ. Tuy vậy số thu của địa phương lại tăng 47.000 tỉ.

Như vậy phải chăng vay mượn của trung ương sẽ phải lên đến 32% tổng thu? Vậy có thể phải xem xét lại việc chuyển ngân sách về địa phương ở mức như hiện nay không?

Có thể làm gì?
Về thu ngân sách năm 2015 và những năm tới, Việt Nam sẽ phải đối phó với hai vấn đề lớn. Thứ nhất, nguồn thu từ dầu thô sẽ giảm và tiếp tục thấp. Thứ hai, nguồn thu thuế xuất nhập khẩu cũng sẽ giảm nếu TPP thành hình.

Việt Nam dựa chủ yếu vào hai nguồn thu chính là thuế doanh nghiệp và thuế xuất nhập khẩu (chiếm 72% số thu thuế và phí), trong khi các loại thuế khác có tỷ trọng thấp hơn nhiều.

Điều này ngược lại với các nước phát triển, dựa chính vào thuế thu nhập cá nhân và đóng góp bảo hiểm xã hội.

Có thể tăng thu thuế không? Chắc là khó nếu theo đúng như tỷ trọng về thu như hiện nay vì ngân sách từ thu thuế và phí (không kể thu từ dầu thô và viện trợ) đã lên đến 19% GDP (phí chỉ có 1% GDP), cao hơn khá nhiều so với Ấn Độ (11%), Philippines (13%), Malaysia (16%), Thái Lan 16,5%, Trung Quốc 17%.

Còn ở các nước phát triển cao (không kể đóng góp bảo hiểm xã hội) thì ở Mỹ là 10,6%, Anh là 25%, Pháp là 21%, và Đức là 11,5%.

Về thu ngân sách, có thể xem xét lại thuế thu nhập cá nhân và thuế nhà đất. Riêng thuế nhà đất, thì hiện nay ngoài đất nông nghiệp và nhà ở vùng nông thôn (trừ nơi thị tứ) được miễn trừ, tỷ lệ thuế còn rất thấp, chỉ có 0,3% so với giá trị nhà và 0,5% so với giá trị nhà đất.

So với Mỹ thuế suất trung bình là 1,38% thì rất thấp. Do đó, tổng thu thuế nhà đất chỉ bằng 5,2% tổng thu ngân sách.

So với Ấn Độ, Việt Nam cũng dựa quá nhiều vào đánh thuế thu nhập doanh nghiệp mà ít dựa vào thuế thu nhập cá nhân.

Ở Ấn Độ, thuế thu nhập cá nhân chiếm 9% tổng thu và thuế doanh nghiệp chỉ chiếm 22% (so với Việt Nam là 53% tuy vậy không hiểu đây có cả thuế VAT mà doanh nghiệp thu giùm hay chỉ là thuế thu nhập doanh nghiệp). Và ở Ấn Độ cũng chỉ có 8% là dựa vào thuế xuất nhập khẩu, tuy vậy phần lớn thu là từ thuế tiêu thụ và tiêu thụ đặc biệt (chiếm đến 27% tổng thu).

Ở đâu cũng vậy, khi kinh tế phát triển và có tổ chức hơn, thuế phải dựa cơ bản vào hai loại: thuế thu nhập cá nhân, thu nhập doanh nghiệp, và thuế tiêu thụ.

Điều này thể hiện qua ngân sách thu của Mỹ, và nhiều nước phát triển khác, thu ngân sách dựa vào thuế thu nhập là chính trong đó thu nhập cá nhân là 32%, thuế thu nhập doanh nghiệp là 8%, và đóng góp bảo hiểm cho lao động (gồm cá nhân và doanh nghiệp) là 20%. Riêng ba phần liên quan đến thu nhập nói trên đã là 61%.

Ngoài ra là thuế tiêu thụ 10%, thuế nhà đất là 9% và 20% còn lại là phí và lệ phí. Nguyên thu thuế nhà đất thường đủ để chi phí cho giáo dục cơ sở (tiểu và trung học).

Xem thêm:
Theo TS.Vũ Quang Việt/ TBKTSG

Tiền dân và xe quan

Cải cách hành chính cần được đánh thức, vì một nền quản trị quốc gia văn minh, khoa học là không thể thiếu. Để góp phần giúp nước Việt sớm … chia tay với những đồng tiền “đực” phải đi vay (không sinh lời), và gắn bó mặn nồng với đồng tiền “cái” (sinh lợi?).
Ngẫu nhiên, có một vụ việc trong tuần bỗng thu hút sự chú ý của dư luận xã hội. Nó không chỉ khiến người đọc tự nhiên có triết lý về sức khỏe con người, mà quan trọng hơn, chính cái “dư âm” của nó buộc các nhà quản lý cần tính đến các chính sách công bằng, công tâm hơn với lao động của con người. Có thế mới tạo được sự bình an, và lành mạnh trong XH.
Bộ phận nào khỏe nhất?
Xin thưa, đó là đôi vai của người dân lao động. Đôi vai… gánh thuế và phí
Nói điều này, bởi trong tuần, dư luận XH hết sức lo ngại khi bất ngờ nghe thông tin của Bộ trưởng KH & ĐT Bùi Quang Vinh trong phiên họp tổ QH sáng 22/10 tiết lộ “sốc” về tình hình ngân sách năm 2016 (Dân trí, ngày 22/10), cho biết, mặc dù thu ngân sách năm 2016 sẽ tăng cao hơn dự toán năm 2015 gần 61.000 tỷ đồng song tình hình năm tới vẫn rất căngthẳng vì áp lực chi. Trong khi đó, con số thực để phân bổ hiện vỏn vẹn còn 45.000 tỷ đồng. 45.000 tỷ đồng này không biết phải làm gì, chưa nói đến phải trả nợ.  Trả nợ xong gần như không có tiền để làm gì cả! Thông tin đó khiến Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cũng phải đặt câu hỏi, với ngân sách cân đối như trên làm sao “phát triển bền vững” như mục tiêu đặt ra cho giai đoạn 2016 – 2020?
Một câu hỏi rất khó có lời giải.
Ảnh minh họa.congly.vn
Bởi cũng theo báo này, trước đó, ông Bùi Đức Thụ (Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách QH) cho biết, mặc dù tỷ lệ nợ công vẫn trong giới hạn an toàn nhưng bội chi đang có xu hướng tăng dẫn đến áp lực tăng nợ công. Và mới đây, được biết CP đã trình QH đề nghị cho phép phát hành 03 tỉ đô la Mỹ trái phiếu CP ra thị trường vốn quốc tế để đảo nợ trong nước giai đoạn 2015-2016. Do tình hình phát hành trái phiếu CP trong nước hết sức khó khăn, 09 tháng qua mới chỉ đạt được 51% (của kế hoạch 226.000 tỷ đồng bù đắp bội chi). Đại biểu QH Du Lịch phải hóm hỉnh mà có một phát ngôn ấn tượng: “Đi vay là phải vay tiền “cái”(tiền để đầu tư, đẻ ra tiền), còn ta vay toàn tiền “đực” (tiền để trả nợ).
Điều đáng nói, tính đến ngày 14/10, theo Đồng hồ nợ công toàn cầu của tạp chí The Economist, nợ công của VN là 84,6 tỷ đôla, có khả năng đạt suýt soát 64% GDP vào cuối năm 2015. Trong khi quy định của CP là nợ công không được vượt quá 65% GDP. Đi ngược lại thời gian, nợ công của VN có đôi chân… tịnh tiến.
Nếu biết rằng, năm 2010, nợ công của VN là 56,6%, năm 2011 có xuống một chút 55,4%, năm 2012: 55,7%, năm 2013: 54,2%, năm 2014 vọt lên 60,3%, năm 2015: dự kiến 61,3%, nhưng đến nay, con số đó đã vượt và dự kiến gần 64% vào cuối năm. Đáng chú ý nữa, thống kê nợ công theo cách tính hiện nay của nước Việt là không bao gồm nợ từ… DNNN.
Chính vì thế, trả lời Dân trí, ông Bùi Đức Thụ cho biết CP đang trình QH rà soát một loạt các chính sách thuế, trong đó nhiều loại thuế sẽ tăng nhằm bù đắp hụt thu, bảo đảm ngân sách nhà nước.
Ảnh minh họa: Dân trí
Ai cũng biết, thuế là một trong những nguồn thu chính và ổn định của quốc gia, được đóng góp từ dân, từ các DNNN, doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài FDI. Đó đồng thời cũng là nghĩa vụ công dân, nghĩa vụ DN. Tuy nhiên mức đóng thuế ra sao, để người dân, các DN còn có thể tái hồi sức sản xuất, mà không cạn kiệt, lại là một điều kiện rất quan trọng và cần thiết, để họ có bột mới gột nên hồ. Thế nhưng, cách đây ít lâu, dư luận XH đã phải lên tiếng bởi mức đóng thuế và phí của người dân Việt quá cao. Lịch sử đôi khi vẫn có những bước đi lặp lại, trớ trêu, bất kể thời quá khứ hay hiện tại.
Nếu như thuế là khoản nộp mang tính nghĩa vụ bắt buộc của con người (thể nhân, pháp nhân) với nhà nước, không mang tính đối giá hoàn trả trực tiếp, thì phí, lệ phí là khoản tiền mà con người phải trả khi được một tổ chức, cá nhân khác cung cấp dịch vụ được nhà nước quy định. Chưa tính đến các loại thuế, chỉ riêng phí, người nông dân đã cõng hơn 1000 loại phí, và con gà cũng phải cõng tới 14 loại phí, khiến tại phiên họp thứ 40 của UB Thường vụ QH, ông Chủ tịch QH đã phải “kêu trời”.
Trời có thể chưa thấu, nhưng người dân đã rất…. thấu.
Tại Diễn đàn Kinh tế mùa xuân năm nay 2015, các chuyên gia kinh tế cho biết, VN thu thuế và phí hiện nay ở mức rất cao. Mỗi người dân gánh chịu tỷ lệ thuế phí/ GDP cao gấp từ 1,4 đến 03 lần so với các nước khác trong khu vực. Cụ thể, năm 2007-2012, tỷ lệ này ở Việt Nam là 21,6% GDP, Trung Quốc là 17,3%, Thái Lan và Malaysia là 15,5%, Indonesia là 12,1%, còn Ấn Độ chỉ là 7,8%.     
Cũng không phải chỉ có người dân, điều lo ngại là ngân sách cạn kiệt đã khiến cho các doanh nghiệp tư nhân vừa và nhỏ, thậm chí cả kinh tế hộ gia đình, giờ đây cũng phải …. “chia đắng sẻ cay” với nhà nước.
Mặt khác, với một môi trường kinh tế cạnh tranh thiếu lành mạnh, xu hướng giao thương với các quốc gia càng mở ra, sự tràn ngập của hàng hóa ngoại, nhất là TQ và các nước khu vực, khiến cho các doanh nghiệp tư nhân vừa và nhỏ rất khó chống đỡ.  Mặc dù năm 2014 được xem là năm có dấu hiệu phục hồi của nền kinh tế, nhưng con số 60-70.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ bị phá sản, tăng hơn năm trước 10%, nâng thêm số người lao động thất nghiệp, và gánh nặng an sinh XH, sẽ trút lên vai ai, nếu không phải là người dân lại phải tiếp tục đóng thuế?
Cái vòng luẩn quẩn của chuyện thuế, phí, khiến cho đôi vai khỏe và chai sạn vì gánh của người dân cũng biết …. đau. Quan trọng hơn, nói như một chuyên gia kinh tế cao cấp, là đi ngược lại với sự phát triển bền vững!
Chợt nhớ một câu nhận xét, đại ý: VN giỏi chiến trận mà chưa giỏi làm ăn.
Cái “dớp” ấy chẳng lẽ cứ lẽo đẽo theo nước Việt từ thời bao cấp cho đến thời kinh tế thị trường và thời hội nhập?
Bộ phận nào yếu nhất?
Xin nói ngay, đó là đôi chân …quan chức!
Không yếu sao được, nếu vấn đề xe công lãng phí đã từng được báo chí xới xáo lên cách đây gần chục năm, với QĐ 59 (ban hành năm 2007) khoán xe công vào lương cho cấp thứ trưởng (ở cấp tỉnh là từ Phó Chủ tịch HĐND và UBND trở xuống). Nhưng theo báo Dân trí, ngày 26/10, chỉ có duy nhất một quan chức nghiêm túc thực hiện- đó là ông Trần Quốc Thuận, nguyên Phó CNVPQH.
Đáng nói nữa, tác giả của kiến nghị này là Bộ Tài chính, cũng không hề có một quan chức nào thực hiện. Ngạc nhiên chưa?
Đúng là nói zậy, hổng làm zậy!
Gần chục năm qua, nay, vào đúng lúc ngân sách eo hẹp, còn nợ công như diều no gió, vấn đề xe công lãng phí lại tiếp tục được đưa ra. Đủ biết, chủ trương, chính sách từ văn bản giấy tờ, qua gần chục năm cũng chưa đi vào đời sống thực tiễn. Đủ biết, đôi chân quan chức, khác hẳn với đôi vai người dân rất khỏe, lại rất… không khỏe.
Thông tin bất ngờ từ Bộ Tài chính cho biết, trong bối cảnh ngân sách nhiều khó khăn, trong khi một xe công trung bình mỗi năm tốn khoảng 320 triệu đồng. Ước tính mỗi năm, 40.000 xe công tiêu tốn khoản tiền ngân sách lên tới 12.800 tỷ đồng, một số tiền khá lớn. Con số này cũng chưa tính xe tại các đơn vị vũ trang nhân dân, và DNNN.
Ảnh minh họa
Con số này làm “choáng váng” một giám đốc một đơn vị kinh doanh vận tải lớn tại Hà Nội. Không “choáng” sao được khi ông này cho biết, con số chi 320 triệu là quá cao so với mức chi trung bình mỗi đơn vị xe. Doanh nghiệp của ông đang cung cấp dịch vụ thuê xe 4 - 7 chỗ đưa đón cán bộ cho khoảng 100 công ty (đa phần trong đó là công ty nước ngoài) với mức chi phí trung bình hàng tháng dao động chỉ khoảng 20 - 25 triệu đồng/tháng, trong khi nhu cầu đi lại của các đơn vị này cũng rất lớn.
Cũng báo Dân trí cho biết, TS Đinh Minh Tuấn, chuyên gia lĩnh vực kinh tế công, người từng tham gia Nhóm Tư vấn Chính sách, Bộ Tài chính cho rằng, trung bình mỗi năm, 01 xe công tiêu tốn hết 320 triệu đồng cho thấy việc sử dụng xe công không hiệu quả. Ngân sách phải “nuôi” rất nhiều khoản chi phí, trong khi nhu cầu sử dụng thì chỉ có “sáng đưa chiều đón”.
Tuy nhiên, chỉ có chuyện sáng đưa chiều đón, mà cũng lắm cách nhìn.
Bênh vực cho việc sử dụng xe công, là ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm UB Kinh tế QH khi cho rằng, không nên đặt vấn đề về số lượng 40.000 xe công tiêu tốn gần 13.000 tỷ đồng ngân sách mỗi năm là lớn hay nhỏ. Cũng không nên cực đoan hóa việc phải cắt bỏ chính sách cấp xe công vì tiêu chuẩn này phổ biến khắp các nước trên thế giới. Ở những nước khác còn có máy bay công: Tổng thống, thậm chí có những nước, Bộ trưởng Ngoại giao cũng có máy bay riêng! Vấn đề quan trọng nhất cần bàn bạc chính là hiệu quả của người sử dụng xe công đối với nền kinh tế - xã hội. Liệu với chế độ được hưởng, người đó có đem lại sự đột phá nào trong phát triển hay không? (Dân trí, ngày 26/10).
Khác hẳn với quan niệm này, TS Lê Đăng Doanh cho rằng, ngay cả các quốc gia giàu có như Thuỵ Điển, Thuỵ Sĩ cũng không có chế độ xe công đưa đón như Việt Nam. Trong khi đó, tại Việt Nam, ngay chủ tịch liên minh hợp tác xã của tỉnh hay ông giám đốc sở cũng có xe công đưa đón riêng. Số lượng xe công hiện tại của Việt Nam quá lớn và bị lạm dụng nhiều. Đã đến lúc cần xem xét lại toàn bộ chính sách, không chỉ xe công mà còn các chính sách khác (Dân trí, ngày 25/10)
Còn người viết bài cho rằng, hiện tượng có những quốc gia lãnh đạo có máy bay công, là chuyện của những đất nước phát triển, tài lực dồi dào và chính sách quản lý minh bạch, khó có thể so sánh với nước Việt ngân sách eo hẹp, nợ công tăng nhanh, và quản lý rất thiếu công khai minh bạch. Còn việc đánh giá hiệu quả đóng góp của những quan chức đi xe công với sự phát triển kinh tế- XH ra sao, quả là khó như “đếm sao trên trời”. Bởi đến bây giờ, Bộ Nội vụ- ngành quản lý công chức vẫn còn phải “bói hoa” về chất lượng công chức 1% ...30%...1%....30%...1% …30%  không làm được việc kia mà!
Nhưng ông Nguyễn Đức Kiên có lý khi nhận xét, yếu tố quyết định lớn nhất đến việc chi tiêu, chính là tổ chức bộ máy - đây là mới là bản chất cốt lõi của vấn đề. Cần nhìn câu chuyện theo hướng, vì sao nền kinh tế Mỹ có 16.000 tỷ USD nhưng sao lại chỉ có 11 Bộ? Do đó, đừng nói về vấn đề xe công mà hãy đi vào cốt lõi, bản chất là tổ chức bộ máy!
Điều này cũng rất phù hợp với câu chuyện tăng nhiều loại thuế để bù đắp ngân sách nói trên. Muốn xem xét ngân sách, cần đi vào cái gốc, cái lâu dài- cải cách hành chính, tổ chức lại bộ máy cồng kềnh, không hiệu quả, chứ không chỉ đi vào cái ngọn, cái trước mắt- tăng truy thu thuế người dân và các doanh nghiệp.
Cải cách hành chính, tổ chức bộ máy rõ ràng là cốt lõi của cải cách nền quản trị quốc gia, là cốt lõi của vấn đề ngân sách khi mà TPP đã… sáp gần.
Trong khi cải cách hành chính còn “ngủ đông” đâu đó, thì được biết mới đây, Bộ Tài chính đã nghiên cứu trình Thủ tướng ban hành Quyết định 32 quy định tiêu chuẩn, định mức và chế độ quản lý, sử dụng xe ô tô trong cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, Công ty TNHH MTV do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, với 06 nội dung chính, trong đó nguyên tắc không tăng số lượng xe công và siết chặt điều kiện sử dụng. Theo tính toán, có thể sẽ giảm được khoảng 7.000 xe công từ con số 24.460 xe hiện tại và tiết giảm cho ngân sách khoảng 500 tỷ đồng tiền mua xe thay thế, chưa kể phí vận hành trong quá trình sử dụng (Dân trí, ngày 23/10)
Chả biết QĐ số 32 này số phận có may mắn và đi nhanh vào thực tiễn hơn QĐ số 59 trước đây?
Nhưng chắc chắn, cải cách hành chính cần được đánh thức, vì một nền quản trị quốc gia văn minh, khoa học là không thể thiếu.
Để góp phần giúp nước Việt sớm … chia tay với những đồng tiền “đực” phải đi vay (không sinh lời), và gắn bó mặn nồng với đồng tiền “cái” (sinh lợi)?
Kỳ Duyên/TVN


Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.