3617. Nhớ bác Tuyển Nghệ An

Nhớ bác Tuyển Nghệ An

Hôm trước đọc báo Tuổi trẻ thấy đăng tấm hình của bác Tuyển. Bác đang thong dong đạp xe trên đường gần hồ Goong. Tác giả bài báo nhắc lại, nhớ hình ảnh bình dị của bác, nhất là hiện nay thấy tầng lớp quan chức sử dụng nhiều xe công đắt tiền.
 
Đương nhiên mỗi vị cán bộ có một phong thái khác nhau. Thời bác Tuyển cũng có nhiều vị có lối nhiêu khê, ngay quan chức nhỏ cũng vậy. Còn bác Tuyển là một trường hợp hiếm hoi.
Ngày nay không nhất thiết quan chức phải có lối sống giản tiện như bác Tuyển. Họ có thể sử dụng xe công hay các tiện nghi hiện đại khác, có thể có mức sống cao hơn mọi người. Điều đó cũng chẳng ai thắc mắc. Nhưng cái điều mà người dân mong đợi là những người quan chức đó đã làm gì mang lại lợi ích lớn cho đất nước. Họ đã làm được cái gì?

Anh em cơ quan bộ ngoại thương (cũ) có kể lại rằng. Hồi trước ông Lê Khả Phiêu có bảo với ông Tuyển:

- Anh về Nghệ An!
Ông Tuyển giật mình, ai lại bộ trưởng điều hành tầm vĩ mô lại trở về địa phương? Ông Tuyển nấn ná. Ông Phiêu cương quyết:

- Anh không về Nghệ An thì vào Lâm Đồng. Đó là quyết định của Bộ chính trị!

Vậy là ông Tuyển nhận lời về Nghệ An.

Ông Tuyển là người cũng hay thơ phú. Lúc Thủ tướng Phan Văn Khải dẫn thứ trưởng Vũ Khoan đến làm công tác bàn giao. Tức cảnh sinh tình, ông Tuyển ứng khẩu luôn mấy câu thơ:
Năm năm trấn cái cửa này
Ngọt bùi đã lắm đắng cay đã từng
Chả ai nước lã người dưng
Ta đi ai tiếc ai mừng ta đi...“

Ông Vũ Khoan nghe mấy câu thơ, nhưng im lặng.

Hồi đó quan chức Nghệ An đón ông Tuyển với thái độ thận trọng. Họ biết, ông Tuyển là người tài, nhưng về địa phương là do chỉ đạo chứ thực tâm ông Tuyển đâu phải xung phong về xốc lại tình hình Nghệ An. Thời đó báo chí đua nhau viết về ông Tuyển. Nào ông Tuyển trị quan tham, nào ông Tuyển vi hành bằng xe ôm, nào ông Tuyển đột ngột về xã về huyện. Ông còn cấm cả lạm dụng xe công…

Thực sự thì ông cũng có làm được mấy việc. Nhưng mà thay đổi lề lối làm việc của quan chức địa phương thì không được. Vẫn bè cánh, vẫn địa phương chủ nghĩa.

Nghệ An là một tỉnh đất rộng, người đông. Tính địa phương chủ nghĩa, tình đồng hương, người thân ngấm sâu trong đầu óc quan chức vì thế rất khó chỉ huy. Nói tóm lại là không ai chịu ai. Như dân nói là „dẫm lên chân chắc“. Vì tính cách của con người như thế nên hụt hơi trong việc thống nhất để tạo thành sức mạnh tổng hợp.
 
Không rõ từ bao giờ, tính vùng miền ngay trong tỉnh cũng đã hình thành liên minh phân bổ quyền lực.

Người ta hay nhắc đến:
Diễn- Yên - Quỳnh ( Diễn Châu, Yên Thành, Quỳnh Lưu)
Anh - Thanh - Đô ( Anh Sơn, Thanh Chương, Đô Lương)
Nam- Hưng- Nghi ( Nam Đàn, Hưng Nguyên, Nghi Lộc)

Vì vậy lãnh đạo hay mất đoàn kết. Đây là điểm yếu của Nghệ An mà lãnh đạo trung ương vẫn hay nhắc nhở mỗi lần về công tác.

Bác Tuyển sống ở khu tập thể cán bộ. Bác có lối sinh hoạt giản dị. Giản dị đến mức quan chức cỡ be bé cũng phải kêu không học được. Bác đã giản dị lại còn liêm khiết nữa nên trong cơ quan lãnh đạo hết sức căng thẳng mà không ai dám kêu vì nể bác cũng có phần sợ bác.

Mấy năm sau Trung ương thay đổi nhân sự. Hà Nội lại cho gọi bác về làm Bộ trưởng như trước.
Nghe tin bác trở ra Bắc, dân quan chức Nghệ An thở phào.
 
Mọi việc trở lại như nếp xưa.

Cũng nghe mấy vị hay giao lưu với bác Tuyển kể lại không rõ có đúng không, nhưng cũng xin nói ra. Đồn rằng mấy năm về Nghệ An công tác, bác có „cửu âm chân kinh“ truyền cho mấy ông quechoa như sau:

Muốn làm giàu vô Nam
Muốn làm quan ra Bắc
Muốn đập chắc* ở nhà
Hehe!

PS:* đập chắc có nghĩa là đánh nhau
Cá nhân mình thì rất ngưỡng mộ bác Trương Đình Tuyển



Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.