3616. Việc hoãn tử hình Lê Văn Mạnh: Bàn thắng không của riêng ai
Về việc hoãn thi hành
án tử hình đối với tử tù Lê Văn Mạnh, trên trang mạng VOA (*) vừa
có bài viết của Khánh An với lời bình luận mở đầu như sau:
“Quyết định tạm hoãn thi
hành án tử hình đối với tử tù Lê Văn Mạnh vừa được Chánh án TAND tỉnh Thanh Hóa
xác nhận trên truyền thông khiến nhiều người vui mừng và xem đây là một chiến
thắng bước đầu của xã hội dân sự khi sức mạnh truyền thông của mạng xã hội được
khai thác.”
Mình hoàn toàn đồng ý rằng
việc hoãn tử hình Lê Văn Mạnh là công lao của mạng xã hội “lề dân” và sự lên
tiếng của các tổ chức xã hội dân sự. Nhưng nếu nói đây là một “bàn thắng” thì
đó là bàn thắng chung, không phải là bàn thắng của riêng “xã hội dân sự” mà của
cả xã hội Việt Nam, trong đó có cả những người trong hệ thống công quyền biết
lắng nghe.
Không có ai thua trong sự việc
này mà tất cả cùng thắng. Hy vọng cả “hệ thống chính trị” Việt Nam cũng coi đây
là bàn thắng chứ không phải là bàn thua của mình để đánh giá đúng vai trò tích
cực của các tổ chức xã hội dân sự, để coi họ là đồng minh giúp mình đưa ra được
các quyết định cho cả xã hội cùng thắng hơn là “đối tượng đấu tranh”, coi đó là
cơ hội để đổi mới chính mình hơn là nguy cơ cần đối phó, từ đó chủ động đóng
góp vào việc xây dựng một xã hội dân sự lành mạnh ở Việt Nam, để ngày càng có
nhiều những bàn thắng đẹp nữa trong tương lai, những bàn thắng không phải của
riêng ai!
HH
(*) Bài
viết trên VOA:
Bà Nguyễn Thị Việt, mẹ của tử tù Lê Văn Mạnh,
cầm biểu
ngữ kêu cứu cho con.
Quyết định tạm hoãn
thi hành án tử hình đối với tử tù Lê Văn Mạnh vừa được Chánh án TAND tỉnh Thanh
Hóa xác nhận trên truyền thông khiến nhiều người vui mừng và xem đây là một
chiến thắng bước đầu của xã hội dân sự khi sức mạnh truyền thông của mạng xã
hội được khai thác. Phóng viên Khánh An của Ban Việt ngữ VOA tường thuật chi
tiết.
Vụ án kéo dài 10 năm liên quan
đến tử tù Lê Văn Mạnh, 32 tuổi, khiến dư luận trong và ngoài nước chú ý khi
những hình ảnh, video kêu oan của người mẹ tử tù này lan truyền trên mạng xã
hội mấy ngày qua. Nhóm luật sư của Ủy ban Luật gia Quốc tế (ICJ) và tổ chức Ân
xá Quốc tế đã cùng gửi thư đến Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang kêu gọi
dừng kế hoạch thi hành án tử hình đối với phạm nhân Lê Văn Mạnh và điều tra về
những cáo buộc bị ép cung, nhục hình khiến phải nhận tội của tử tù này.
Phạm nhân Lê Văn Mạnh bị kết
án tử hình vì tội giết người và hiếp dâm bé Hoàng Thị Loan, 14 tuổi, tại xã Yên
Định, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa vào năm 2005. Nhưng trong tất cả các phiên
tòa xét xử, ông Lê Văn Mạnh luôn kêu oan và nói rằng ông đã bị đánh đập dã man
đến mức không thể chịu đựng được nữa nên buộc phải nhận tội.
Gia đình Lê Văn Mạnh đã liên
tục gửi đơn đi các cơ quan thẩm quyền để kêu oan suốt cả chục năm nay. Bà
Nguyễn Thị Việt, mẹ ông Lê Văn Mạnh, khẳng định chắc chắn về nỗi oan của con
trai.
“Tôi khẳng định 100% con tôi
bị oan là vì lúc vụ án xảy ra thì ở con tôi không có ở hiện trường, con tôi
hoàn toàn vắng mặt. Con trai tôi đang chuyển nhà cho em gái. Nó đi làm với tôi
từ lúc 9 giờ sáng đến 5:30 mới về đến nhà, nó tắm rửa để kịp xem phim Phong Vân
vào lúc 6 giờ. Thời gian xảy ra vụ án theo pháp y mổ xẻ khẳng định là nạn nhân
bị chết ngạt vào lúc 17:30”.
Từ năm 2005 – 2008, có tổng
cộng 7 phiên tòa, gồm 3 phiên sơ thẩm, 3 phiên phúc thẩm và 1 phiên giám đốc
thẩm đối với vụ án của Lê Văn Mạnh.
Tháng 7/2008, Tòa án Nhân dân
tỉnh Thanh Hóa tuyên án tử hình đối với Lê Văn Mạnh. Tháng 11 cùng năm, Tòa án
Nhân dân Hà Nội y án sơ thẩm đối với phạm nhân này.
Vào trung tuần tháng 10/2015,
gia đình Lê Văn Mạnh nhận được giấy báo về việc thi hành án và yêu cầu gia đình
nộp đơn nhận đưa tử thi về an táng vào ngày 26/10/2015.
Mẹ phạm nhân Lê Văn Mạnh nói
bà cảm nhận được sự ‘dã man’ của lực lượng công an sau những ngày vác đơn đi
khắp nơi kêu oan cho con.
“Mấy ngày hôm nay tôi nhận được thông báo là con tôi ngày 26 này thi hành án tử
hình nên tôi ra ngoài đây [Hà Nội] thì các cơ quan công an đường phố ở đây đều
bắt tôi đưa về đồn trại để giam tôi, ngày nào cũng đến 2:30, 3 giờ, có hôm 3
giờ mới thả chúng tôi ra. Trong khi bắt cũng đánh, đè nén tôi, tôi ngã xuống
rồi thì bắt đầu khênh tôi lên xe, vứt tôi như thể người ta khênh con chó ném ra
ngoài đường vậy, cho nên tôi mới biết các hành động của công an là quá dã man.
Vì tôi là người dân thường, một bà mẹ đi kêu oan cho con, tôi đứng giữa đường
tôi kêu cho bà con, cộng đồng người ta thấy nỗi oan sai của con trai tôi. Tôi
chẳng làm gì vi phạm pháp luật cả, đến mức độ mà công an phải bắt tôi như thế.”
Hình ảnh người mẹ tuyệt vọng
đi kêu oan cho con của bà Việt đã lan truyền trên các trang mạng xã hội Youtube
và Facebook, làm dấy lên làn sóng phản đối, kêu gọi ngừng thi hành án đối với
ông Lê Văn Mạnh.
Nhiều luật sư Việt Nam đã cùng
viết đơn gửi Chủ tịch Trương Tấn Sang và các cơ quan liên quan để đề nghị hoãn
thi hành vì ‘chúng tôi nhận thấy trong các bản sơ thẩm cũng như phúc thẩm không
có chứng cứ nào khác ngoài lời nhận tội của bị cáo, mà chính bị cáo phủ nhận
toàn bộ tại phiên tòa’.
Hôm 26/10, Chánh án TAND tỉnh
Thanh Hóa Phạm Quốc Bảo xác nhận với báo Tuổi Trẻ về việc hoãn kế hoạch tử hình
ông Lê Văn Mạnh.
Nhiều người xem đây là một tia hy vọng giữa lúc tuyệt vọng, trong lúc một số
người khác xem đây là ‘bàn thắng’ đẹp mắt của xã hội dân sự.
Luật sư Nguyễn Văn Đài nhận
xét trên trang Facebook cá nhân:
“Với nỗ lực của gia đình tử tù
Lê Văn Mạnh, các luật sư, các tổ chức XHDS, lời cầu nguyện của Giáo hội Công
giáo, và hàng ngàn người yêu chuộng công lý ở trong và ngoài nước, các tổ chức
quốc tế. Mạng sống của anh Lê Văn Mạnh được tạm thời giữ lại để chờ điều tra.
Sức mạnh của truyền thông lề dân đã được ghi nhận. Nếu tất cả mọi người dân đều
đồng lòng và mạnh mẽ như thế này. Việt nam có tự do, dân chủ, nhân quyền chỉ là
chuyện của ngày hôm sau.”
Còn người mẹ nhiều năm đi kêu
oan cho con rất cảm kích trước sự giúp đỡ của cộng đồng:
“Cũng do bà con cộng đồng
trong và ngoài nước đăng tin lên, cho nên mới có tin này đến các nơi có chức có
quyền nên con tôi mới được hoãn thi hành án, chứ không ngày hôm nay con tôi đã
bị bắn oan rồi.”
Cả hai tổ chức Ân xá Quốc tế
và Ủy ban Luật gia Quốc tế đều nhắc nhở Việt Nam về các công ước quốc tế mà
Việt Nam đã ký với tư cách thành viên, trong đó có Công ước Liên Hiệp Quốc về
Chống tra tấn và dùng nhục hình, Công ước quốc tế.
Theo: hahien's blog
Nhận xét