3579. Ông Nguyễn Xuân Anh trả lời PV Infonet

Ông Nguyễn Xuân Anh trả lời PV Infonet
Một góc T.p Đã Nẵng

PNTB: Xuân Anh trả lời rất hay!

Lời tòa soạn: Việc ông Nguyễn Xuân Anh làm Bí thư Thành ủy Đà Nẵng khi tuổi đời còn trẻ đang được người dân hết sức quan tâm và kỳ vọng. Báo điện tử Infonet đã thực hiện bài phỏng vấn ông Nguyễn Xuân Anh để người dân có thể hiểu được tâm tư và những quyết tâm của tân Bí thư Thành ủy Đà Nẵng. 
“Tôi nghĩ: Mình phải chủ động 
trong phát biểu”
"Nếu ba của ông không phải ông Nguyễn Văn Chi thì ông có nghĩ mình sẽ được bầu giữ chức Bí thư Thành ủy Đà Nẵng vào thời điểm hiện nay không?" – PV Infonet hỏi Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh.

9 giờ sáng thứ Bảy 17/10, tức đúng 17 tiếng đồng hồ sau khi Đại hội Đảng bộ TP Đà Nẵng lần thứ 21 bế mạc, ông Nguyễn Xuân Anh, tân Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đã dành cho báo Infonet cuộc trả lời phỏng vấn độc quyền ngay tại nhà riêng do là ngày nghỉ.

Infonet: Chiều hôm qua, đang diễn ra phiên bế mạc Đại hội thì tôi được Ban Biên tập yêu cầu cố gắng làm cuộc phỏng vấn độc quyền đối với ông. Thực tình lúc đó tôi nghĩ, ngoài vài câu trả lời bên lề Đại hội, chẳng ai “khùng” mà đi trả lời phỏng vấn độc quyền của báo chí ngay sau khi vừa nhậm chức, vì sẽ rất dễ đưa ra những phát ngôn bị "hớ” do chưa có sự chuẩn bị kỹ càng.

Tuy nhiên, sau khi nghe bài phát biểu bế mạc Đại hội của ông, tôi có cảm giác ông mạnh mẽ đưa ra những “tuyên ngôn”, thậm chí là “tuyên chiến” khi nhận trọng trách Bí thư Thành ủy Đà Nẵng. Vì vậy mà sáng nay tôi mạnh dạn gọi điện, thực lòng là rất mong thực hiện cuộc phỏng vấn để hoàn thành nhiệm vụ với tòa soạn, nhưng cũng thấy hơi bất ngờ khi được ông nhận lời ngay và mời đến nhà uống trà vào buổi sáng thứ Bảy mà lẽ ra ông phải dành cho gia đình, vợ con. Tôi sẽ đặt câu hỏi một cách thẳng thắn và cũng mong được ông trả lời thẳng thắn. Có cái nào chưa tiện trả lời thì ông cứ nói là chưa thể trả lời được hoặc là hẹn một dịp khác!

Ông Nguyễn Xuân Anh: Tinh thần là thế này anh Hải Châu (PV báo điện tử Infonet), anh em mình trao đổi để hiểu nhau, nếu được thì truyền tải để mọi người hiểu tâm tư, tình cảm, quan điểm của tôi thôi, chứ đây không nhằm mục đích đánh bóng. Anh phải ủng hộ cho cái đó. Không nhằm mục đích đánh bóng hay bất cứ gì! Cũng không đề cập đến việc trẻ nhất, nhì nước gì cả. Vì nếu đúng thì Bí thư Kiên Giang vừa được bầu, về tuổi còn ít hơn tôi mấy tháng. Tinh thần là tôi muốn cái gì tốt cho cái chung của TP thôi, chứ còn về cá nhân mình thì không phải là dùng báo chí hay này kia để lăng xê, đánh bóng hình ảnh.

Infonet: Với tinh thần đó, tôi mong là chúng ta sẽ trao đổi thẳng thắn!

Ông Nguyễn Xuân Anh: Anh cứ trao đổi thoải mái thôi!

Infonet: Việc ông được bầu giữ chức Bí thư Thành ủy Đà Nẵng kể ra cũng đã có nhiều người dự đoán trước. Và tôi nghĩ, với ông thì đây chắc cũng không phải là điều bất ngờ lắm. Dù vậy thì tôi vẫn muốn hỏi cảm giác của ông ngay tại Đại hội, khi được bầu giữ chức Bí thư như thế nào? Cảm giác của ông trong giấc ngủ đêm qua như thế nào? Và cảm giác của ông khi thức dậy sáng nay như thế nào?

Ông Nguyễn Xuân Anh: Khi được bầu giữ chức Bí thư Thành ủy Đà Nẵng tại phiên họp thứ nhất của Ban chấp hành, cảm giác của tôi lúc đó phải nói là rất đỗi tự hào, hạnh phúc. Thực sự tôi có quá ngạc nhiên lắm không, thì tôi nghĩ là cũng không quá ngạc nhiên lắm. Tình cảm chủ đạo trong tôi lúc đó là một niềm hạnh phúc, vinh dự rất lớn cho cá nhân mình, cho gia đình mình, cho tập thể đã tín nhiệm và thậm chí là sự tín nhiệm của cấp trên, Bộ Chính trị đồng ý giới thiệu tôi làm Bí thư Thành ủy Đà Nẵng.

Việc chuẩn bị để làm Bí thư Thành ủy thì TP cũng đã làm theo đúng quy trình, có thời gian chuẩn bị và đã trải qua những quy trình hết sức chặt chẽ theo quy định của TƯ. Đến lúc được bầu làm Bí thư Thành ủy thì tất cả quy trình được tuân thủ một cách nghiêm ngặt. Nói như thế nhưng cũng phải nói là về mặt tâm tư, tình cảm thì tôi thấy rất hạnh phúc, rất phấn khởi, rất tự hào. Cảm xúc đầu tiên là như thế.

Chiều hôm qua về cũng rất mệt mỏi vì đã trải qua thời gian chuẩn bị Đại hội rất dài, rồi anh em đến chúc mừng. Tối hôm qua tôi có một giấc ngủ rất là ngon. Sau hơn một tuần họp hội nghị TƯ 12 rồi về lao vào lo làm sao cho Đại hội thành công, và hôm qua theo đánh giá chung thì Đại hội của TP Đà Nẵng đã thành công tốt đẹp trên tất cả các phương diện chứ không riêng cá nhân tôi đâu, tối hôm qua tôi ngủ một giấc ngon lành.

Sáng nay thức dậy, thấy hôm nay ngày 17/10, mình là Bí thư của Thành ủy Đà Nẵng, cảm giác rất là sung sướng, hạnh phúc. Nhưng lập tức trước mắt là thấy ngay áp lực hết sức nặng nề, trọng trách sắp tới rất lớn. Vui đấy, nhưng lo còn gấp bội.

Còn tâm trạng chung thì tôi nghĩ ai cũng sẽ như tôi thôi. Được bầu giữ trọng trách cao nhất của một TP thì sẽ không ai mà không hạnh phúc cả. Rất thực lòng như thế. Hạnh phúc nhưng cũng thấy rất là nặng nề, thấy ngay áp lực. Có lẽ áp lực này rồi sẽ vào trong cả giấc ngủ nữa kia chứ không phải là bình thường. Tối hôm qua có lẽ do Đại hội kết thúc nên mình ngủ một giấc rất ngon, nhưng những giấc ngủ sắp tới đây tôi nghĩ không phải là dễ dàng đâu. Nó đi vào cả trong giấc ngủ. Mình phải làm cái gì đây? Sẽ rất là vất vả!

Infonet: Có thêm một câu hỏi “cũ” đã có nhiều người đặt ra, và hiện vẫn có nhiều người đang đặt ra. Vì vậy tôi muốn chuyển đến ông câu hỏi thế này: Nếu ba của ông không phải là bác Nguyễn Văn Chi (nguyên Bí thư Tỉnh ủy QN-ĐN, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương) thì ông có nghĩ mình sẽ được bầu giữ chức Bí thư Thành ủy Đà Nẵng vào thời điểm hiện nay không?

Ông Nguyễn Xuân Anh: Có lẽ đó là câu hỏi mà nhiều người sẽ đặt ra với tôi. Tôi từng trả lời là tôi không phủ nhận truyền thống gia đình. Truyền thống gia đình rất là quý báu. Có gia đình tôi, có ba tôi thì đương nhiên là sự quan tâm, ủng hộ, giúp đỡ sẽ tốt hơn. Nhưng để nói nhờ có ba mà tôi mới được bầu làm Bí thư Thành ủy Đà Nẵng thì cũng chưa phải là đúng lắm.

Vì thực ra ba tôi nghỉ hưu 5 năm rồi chứ không phải đang đương chức. Ông đã nghỉ hưu trọn một nhiệm kỳ, năm nay đã 70 tuổi rồi. Trong suốt thời gian ấy thì sự ủng hộ về mặt tinh thần giữa người cha dành cho người con là chính, còn sự can thiệp, sự tác động này kia thì hầu như không có. Bởi vì ba đã là một người quan chức lãnh đạo về hưu; và cũng không sống với tôi thường xuyên, nên chủ yếu là ủng hộ về mặt tinh thần, giúp đỡ, khuyên răn.

Và tôi nghĩ những cố gắng của bản thân cũng phải được ghi nhận. Cho dù tôi có là con của ai đi nữa, ba tôi có làm gì đi nữa, nhưng nếu tự bản thân tôi không nỗ lực, không phấn đấu và không đảm bảo một trình độ nhất định cả về trình độ năng lực, sự hiểu biết, phẩm chất đạo đức, truyền thống gia đình… thì cũng không được. Điều đó kết hợp nhiều yếu tố lắm chứ không phải chỉ vì Xuân Anh là con ông Nguyễn Văn Chi, cứ thế là lên làm. Còn nhiều người là con các vị lãnh đạo khác nữa, mình cũng chỉ là một thiểu số thôi. Có rất nhiều đồng chí là Ủy viên Bộ Chính trị, thậm chí còn lớn hơn cả ba tôi nữa. Thì mỗi người một chí hướng mà.

Tôi nghĩ ở độ tuổi này, 39 – 40 tuổi, làm Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, bởi vì cũng chưa có tiền lệ nên mọi người thấy là trẻ. Nhưng tôi nghĩ chúng ta phải nên quen dần với việc thế hệ trẻ ngày càng tiếp cận, tiếp quản những vị trí quan trọng để sẵn sàng gánh vác trọng trách của đất nước. 5 – 10 năm nữa thì thế hệ cha anh sẽ qua đi. 5 – 10 năm nữa sẽ không còn những người từng tham gia kháng chiến tham gia vào bộ máy lãnh đạo. Lúc đó là thời điểm của thế hệ trẻ. Ở nhiều địa phương, tôi thấy cán bộ trẻ làm Bí thư ngày càng nhiều, lớn hơn tôi vài tuổi rất phổ biến. Tôi nghĩ Bộ Chính trị tin tưởng giới thiệu tôi làm Bí thư Thành ủy; cán bộ chủ chốt ở đây giới thiệu tôi, qua hai vòng giới thiệu TƯ rất tập trung. Tôi nghĩ là người ta có niềm tin ở mình!

Khi nói về bài phát biểu bế mạc Đại hội Đảng bộ TP Đà Nẵng lần thứ 21 được dư luận rất chú ý, ông Nguyễn Xuân Anh tuyên bố: “Tôi nghĩ tôi có quyền được chỉnh sửa. Với tư cách Bí thư phát biểu bế mạc thì tôi nghĩ tôi có quyền được chủ động trong việc chuẩn bị bài phát biểu của mình!”. 
*           *           *
“Phải biết sửa sai để làm đúng”

“Tôi không ám chỉ bất cứ cái cụ thể nào, nhưng tôi nghĩ với tập thể mới, Ban Chấp hành mới, Thường vụ mới, qua quá trình công tác, nghiên cứu, xem xét cái gì chưa phù hợp thì phải mạnh dạn sửa để cho đúng" - ông Nguyễn Xuân Anh nói.

Infonet: Năm 2011, tại Hội thảo về ý tưởng xây dựng và phát triển Đà Nẵng thì ý tưởng xây dựng Đà Nẵng trở thành “TP sống tốt”, “TP đáng sống” lần đầu tiên được TS Trần Du Lịch đưa ra, sau đó trở thành mục tiêu phấn đấu của Đà Nẵng những năm qua. Tuy nhiên Đại hội Đảng bộ TP Đà Nẵng lần thứ 21 đưa ra chủ đề xây dựng Đà Nẵng giàu đẹp, an bình, văn minh, hiện đại; trong đó “an bình” nổi lên như một điểm mới, một mục tiêu mới của Đà Nẵng. Theo tôi thì “an bình” chỉ là một thành tố” để góp phần làm nên “TP đáng sống”. Vậy tại sao lại có sự chuyển đổi từ mục tiêu xây dựng “TP đáng sống” thành mục tiêu xây dựng “TP an bình”? Liệu đó là bước tiến hay bước lùi, thưa ông?

Ông Nguyễn Xuân Anh: Thực ra, xây dựng “TP đáng sống” vẫn luôn là mục tiêu của Đà Nẵng. Đà Nẵng chưa thể gọi mình là “TP đáng sống”. Có thể có người khác gọi Đà Nẵng như thế nhưng bản thân lãnh đạo TP, kể cả người dân TP Đà Nẵng cũng chưa dám gọi TP của mình là “TP đáng sống”. Để đạt được tiêu chí ấy thì mình còn phải cố gắng rất lớn. So với một số TP khác ở các nước lân cận thì mình còn thua kém nhiều.

Tôi nghĩ với Đà Nẵng thì mục tiêu xây dựng “TP đáng sống” không đổi. Tuy nhiên việc Đại hội lần thứ 21 lấy chủ đề xây dựng TP Đà Nẵng “giàu đẹp, an bình, văn minh, hiện đại” thì đó là nhiệm vụ của nhiệm kỳ này. 

Chủ đề đó cũng đã nhận được sự đóng góp ý kiến của các tầng lớp xã hội, các nhân sĩ, trí thức, của cả TƯ, trí tuệ của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và lãnh đạo TP quyết định chọn chủ đề của Đại hội là như thế, còn mục tiêu cao cả xây dựng “TP đáng sống” thì vẫn giữ. Đó không chỉ là mục tiêu của nhiệm kỳ này mà là của 5 – 7 nhiệm kỳ, cho đến khi nào đạt được!

Infonet: Xin hỏi ông đã viết bài phát biểu bế mạc Đại hội như thế nào?

Ông Nguyễn Xuân Anh: Bài phát biểu đó thực ra đầu tiên là do Văn phòng Thành ủy chuẩn bị, thư ký của tôi làm lại, chuyển cho tôi trình ra Ban Thường vụ. Tuy nhiên sau đó tôi viết lại. Bài đầu tiên tôi viết trước khi tôi đi dự Hội nghị TƯ 12. Gần như tôi thay đổi khoảng 60% nội dung. Đoạn sau hoàn toàn viết lại so với bài trình ra Ban Thường vụ để cho ý kiến. Sau khi họp TƯ về, còn hai ngày trước khi Đại hội thì tôi viết lại lần nữa. Những cái tôi mới đưa vào trong bài phát biểu bế mạc là những cái tôi đã suy nghĩ cả một thời gian dài. Có những cái tôi sửa, thay đổi liên tục. Trong đầu suy nghĩ ra ý tưởng gì là phải ghi lại ngay để khỏi quên.

Trong bài phát biểu bế mạc, tôi không nói theo ý tưởng của bất kỳ ai cả. Cũng không sao chép lại ở đâu cả. Tôi chỉ suy nghĩ thế nào thì thể hiện nó ra như thế. Tôi nghĩ những suy nghĩ đó phải là quan điểm xuyên suốt. 

Ở một người lãnh đạo với tư cách Bí thư Thành ủy thì phải làm được những việc như thế. Đó là những gì tôi suy nghĩ, tôi rút ruột ra để viết, vì tôi nghĩ đó sẽ là bài phát biểu mà người ta rất quan tâm đối với một Bí thư mới, còn tái cử thì có lẽ họ ít để ý hơn.

Infonet: Như vậy bài phát biểu cho tới khi ông trình bày trước Đại hội là chưa trình ra Thường vụ?

Ông Nguyễn Xuân Anh: Trước đó đã trình ra Thường vụ chứ, nhưng sau đó tôi chỉnh sửa rất nhiều. Và tôi nghĩ là tôi có cái quyền được chỉnh sửa. Những cái chung, cốt lõi thì tôi không nói, nhưng những cái tứ riêng thì tôi có điều chỉnh. Với tư cách Bí thư phát biểu bế mạc thì tôi nghĩ tôi có quyền được chủ động trong việc chuẩn bị bài phát biểu của mình.

Infonet: Vừa có quyền nhưng cũng vừa có trách nhiệm?

Ông Nguyễn Xuân Anh: Đúng vậy, vừa có quyền nhưng qua cái quyền đó cũng thể hiện trách nhiệm của mình đối với bài phát biểu và những vấn đề được nêu trong đó!

Infonet: Trong bài phát biểu, ông có nói một ý rất quan trọng. Đó là “phải biết sửa sai để làm đúng”. Theo ông, nhiều điều Đà Nẵng cần phải sửa sai để làm đúng trong thời gian tới là gì?

Ông Nguyễn Xuân Anh: Tôi không ám chỉ bất chứ cái cụ thể nào, nhưng tôi nghĩ với tập thể mới, Ban Chấp hành mới, Thường vụ mới, qua quá trình công tác, nghiên cứu, xem xét cái gì chưa phù hợp thì phải mạnh dạn sửa để cho đúng, chứ không phải sửa vì một mục đích nào khác, không vì mục đích phản bác ai cả. 
Tôi nghĩ, cái gì sai mình sửa thành đúng thì chỉ có tốt thôi. Và phải dũng cảm làm việc đấy, chứ không phải tôi sửa việc đấy để phục vụ lợi ích, mục đích cá nhân tôi. Nghĩ như thế là không đúng. Miễn sao nó phục vụ cho lợi ích của TP này, của nhân dân này thì mình phải quyết tâm làm. 

Nói thật là tôi không ngại va chạm đâu. Tôi rất không ngại cái việc đó, vì tôi không làm cái gì cho cá nhân mình cả nên tôi không bao giờ ngại. Miễn sao cái gì nó sai, nó không phù hợp, không đúng, không phục vụ cho lợi ích của TP này thì phải sửa!

Infonet: Nhưng muốn sửa sai thì phải thấy cho được cái sai. Vậy ông có thể điểm danh một vài cái mà ông cho là chưa phù hợp và Đà Nẵng cần phải sửa không?

Ông Nguyễn Xuân Anh: Ví dụ việc huy động các nguồn lực, kêu gọi đầu tư vào Đà Nẵng. Thời gian qua, ngay cả Báo cáo chính trị cũng nói rõ, là làm chưa tốt. Thu hút vốn FDI chưa tốt. 

Các nguồn lực mà mình khai thác chủ yếu dựa vào tài nguyên, khoáng sản thô là chính, chứ còn phát triển có chiều sâu và bền vững thì chưa. Thu hút các dự án FDI lớn vào TP có thể nói là chưa đạt yêu cầu. Với vị thế là một TP trung tâm của khu vực, cái gì cũng dẫn đầu, chỉ số năng lực cạnh tranh rồi cải cách hành chính…, cái gì cũng nhất nước cả, tại sao thu hút đầu tư lại thua kém rất nhiều?

Tôi đi họp, gặp lãnh đạo các địa phương, nhìn báo cáo thu chi ngân sách của họ, nhất là một số địa phương lớn, cảm thấy chạnh lòng về Đà Nẵng. Nếu không có hướng đi đúng thì sẽ rất khó khăn. Ý chung là như vậy, còn những cái cụ thể thì thời gian sẽ trả lời. Cái chung của TP như vậy ai cũng thấy cả, nên phải thay đổi. Nếu không thì Đà Nẵng sẽ bị chệch đường hẳn đi, sẽ rất khó khăn!

Infonet: Cũng trong bài phát biểu, ông khẳng định “không có quyền lực ngoài pháp luật” và “không cho phép các cấp ủy viên lợi dụng chức vụ để vun vén cho cá nhân”. Ông có biện pháp gì để biến sự “không cho phép” bằng lời nói đó trở nên có hiệu lực thực sự trong thực tiễn?

Ông Nguyễn Xuân Anh: Trong bài phát biểu tôi đã nêu rõ, chức vụ là do Đảng phân công chứ chức vụ đó không phải là của cá nhân nào cả, của gia đình nào cả. Không phải của nhà mà đem ra phân phát. Đảng phân công cho anh vị trí đấy, anh phải đảm đương cho tốt. Mỗi cấp ủy viên có một chức vụ, quyền hạn nhất định. Chức vụ đi đôi với quyền hạn nhất định, nên phải làm sao luôn nêu cao tính tiên phong, gương mẫu.

Tôi nghĩ, trước hết là người đứng đầu của Đảng bộ TP này phải gương mẫu. Trước hết và ít ra là anh phải gương mẫu cái đã. Anh nói cho bản thân anh làm nữa chứ không phải anh nói cho người khác làm, các đồng chí làm đi nhé, còn tôi thì không! Không có cái việc đó. Trước hết người đứng đầu phải đi đầu trong tất cả. Tiêu cực, tham nhũng, lãng phí… thì mình tránh xa, không làm những việc đó. Từ đó mới có sức lan tỏa.

Trước hết phải là như thế, và sử dụng các cơ quan tham mưu, giúp việc, các cơ quan chuyên môn để giúp mình trong việc phòng chống tình trạng tiêu cực, tham nhũng mà hiện nay, theo đánh giá thì không phải ít đâu. Điều đó gây nhức nhối lắm, người dân mất lòng tin. Tôi rất không hài lòng với cái diễn biến như thế. 
Tôi nghĩ, bất cứ người lãnh đạo nào, ở bất cứ vị trí nào, cũng phải sống và làm việc theo pháp luật, không được chệch ra khỏi các quy định của luật pháp. Phải thượng tôn pháp luật. Các nước phát triển sở dĩ người ta phát triển là vì người ta tuân thủ pháp luật. Pháp luật quy định thì anh phải chấp hành, bất kể anh là ai.

Tôi nghĩ trong thời gian tới, tư tưởng đó phải được quán triệt trong cán bộ, đảng viên và nhân dân TP Đà Nẵng. Sẽ không chấp nhận việc lợi dụng vị trí, chức quyền để vun vén cho cá nhân, lợi ích riêng là chính còn lợi ích chung thì ít. Phải luôn luôn đặt lợi ích chung lên trên lợi ích riêng. Trong cái chung nó có cái riêng. Còn anh đặt lợi ích riêng lên trên hết thì không bao giờ có cái chung cả. Tôi đảm bảo ông nào cũng nghĩ tới cái riêng thì không bao giờ có cái chung. Chắc chắn như vậy. Tôi nói đây không phải là nói cho nó hay mà trong tâm nguyện của tôi như thế. Tôi nghĩ TP Đà Nẵng phải phát triển theo hướng như thế!
*          *          *
"Tôi nghĩ tôi đủ trải nghiệm 
để hiểu về nhân dân"

Ông Nguyễn Xuân Anh: “Mình cấm chứng tỏ mình bất lực. Phương Tây quản lý xã hội rất tốt. Trình độ quản lý của họ cao hơn mình nhiều. Có tự do, có dân chủ nhưng có kỷ cương chứ không phải tự do quá trớn, mà cũng không phải xiết chặt hay bóp nghẹt!".

Ông Nguyễn Xuân Anh: Anh Nguyễn Công Khế nguyên là lãnh đạo cũ của tôi, là người đi trước rất quý mến tôi. Sáng sớm nay ảnh gọi điện cho tôi, bảo: “Đọc cái bài anh thấy rất phấn khởi. Xuân Anh à, chú cứ làm y như những gì chú nói. Nếu không làm được như vậy thì đất nước sẽ lộn xộn, nguy cơ ảnh hưởng đến sự tồn vong của chế độ chứ không phải không. Bây giờ anh em mình có phải thiếu thốn gì ấy đâu mà phải tiêu cực, phải này nọ. Chú phải làm y như những điều đã nói!”. Tôi nghĩ rất là đúng. Tôi nói với ảnh là: “Anh yên tâm. Em hứa em nói sao em sẽ làm như vậy!”.

Ảnh nói “Đà Nẵng mình có nền rồi Xuân Anh ạ. Từ hồi anh Bá Thanh để lại Đà Nẵng rất là tốt, có cái nền phát triển như thế, phải ráng mà giữ lấy, làm sao cho bầu không khí sinh hoạt chính trị, kinh doanh buôn bán ở địa bàn TP này phải phấn khởi, trong lành, an bình, mọi người đều được thực hiện quyền tự do của mình trong khuôn khổ pháp luật, ai cũng có cơ hội để thăng tiến, doanh nghiệp đều có cơ hội đến với TP và làm ăn, kiếm lợi nhuận ở đây mà không phải lo suy nghĩ bất cứ việc gì, không phải lo chính quyền, mấy ông lãnh đạo gây khó dễ!”. Tôi nghĩ chỉ cần làm được như thế thì người dân đã phấn khởi rồi. Chưa cần làm cái gì to lớn cả như cố gắng được như thế đã là tốt!

Infonet: Trước đây, tôi từng có lần đưa lên báo Infonet phát biểu gây sốc của ông: "Với TP du lịch mình, tôi cho rằng không thể không có mại dâm, nhưng đừng có bầy hầy như Hà Nội, TP.HCM để mà khám phá ra mấy cái quán karaoke này kia quá là bầy hầy, quá quắt”. Sau mấy năm, nếu cũng trở lại vấn đề đó, ông sẽ nói như thế nào trong cương vị mới của mình?

Ông Nguyễn Xuân Anh: Quan điểm của tôi cho đến bây giờ vẫn thế này, tôi thấy xu thế chung hiện nay mà báo chí đăng liên quan đến các tệ nạn nói chung, ma túy thì tôi không nói nhưng liên quan đến mại dâm thì đã có xu hướng phải làm thế nào đây để việc quản lý được tốt, vào khuôn khổ. Bây giờ chúng ta chưa có quy định nào về pháp luật để chế định cái này cả, trong khi tình trạng mại dâm thì vẫn bùng phát, không chỉ ở Đà Nẵng mà nhiều địa phương khác cũng rất nhức nhối.

Quan điểm cá nhân của tôi là phải làm sao quản lý nó thật tốt, không quá duy ý chí nhưng cũng đừng buông lỏng. Mọi việc phải căn cứ trên thực tế đời sống hàng ngày đang diễn ra để có giải pháp cho phù hợp đối với các tệ nạn cụ thể mà ở đây là mại dâm. Tôi không cổ súy, không phát động phong trào “TP du lịch phải là TP mại dâm”, nhưng phải làm sao quản lý. Cực đoan quá cũng không phải là biện pháp. Cái hay là phải làm sao chế tài, quản lý cho tốt chứ không phải bất cứ cái gì mình cũng phải cấm.

Mình cấm chứng tỏ mình bất lực. Phương Tây quản lý xã hội rất tốt. Trình độ quản lý của họ cao hơn mình rất nhiều. Có tự do, có dân chủ nhưng có kỷ cương chứ không phải tự do quá trớn, mà cũng không phải xiết chặt hay bóp nghẹt. Rất là hay ở chỗ đó. Vấn đề của mình là cách quản lý làm sao cho nó hài hòa!

Infonet: Trong bài phát biểu bế mạc Đại hội, ông nói nhiều về nhân dân. Xin hỏi, ông nghĩ mình đã thực sự gần dân và hiểu về người dân chưa?

Ông Nguyễn Xuân Anh: Tôi nghĩ nhân dân là cội nguồn của tất cả mọi vấn đề. Có nhân dân, còn nhân dân thì mới còn chế độ này. Không có nhân dân thì không làm nên hai cuộc kháng chiến thần thánh trước đây. Bản thân gia đình tôi cũng xuất thân từ nông dân. Ông bà già cũng từ nông dân mà ra, tôi xuất thân trước đây không phải như bây giờ làm Bí thư Thành ủy mà ngày trước cũng học mẫu giáo, cũng ở trên quê, tất cả tuổi thơ gắn liền với quê hương, với ruộng đồng.

Cái hiểu biết về nhân dân, thật lòng mà nói, nhiều người nghĩ tuổi của tôi còn trẻ, tuy nhiên tôi nghĩ tôi đủ trải nghiệm để hiểu về nhân dân. 18 tuổi tôi đã rời TP này, sau mấy năm học ở nước ngoài thì có 7 – 8 năm làm việc trong môi trường báo chí, cũng lăn lộn ghê lắm trong một môi trường hết sức phong phú. Rồi quay lại Đà Nẵng, có hơn 3 năm ở cơ sở.

Mức độ hiểu dân, gần dân tùy vào từng người. Không hẳn ngày nào anh cũng ra đường, đi xuống dưới dân là anh hiểu dân. Không có nghĩa ngày nào anh cũng mang tơi, đội nón là đường là bảo là tôi hiểu dân, gần dân. Hiểu dân là phải xuất phát từ tình cảm yêu thương, quý mến, quý trọng nhân dân, chia sẻ với những khó khăn của họ. Mình ăn ngon một tí cũng nghĩ là còn nhiều người khác còn nghèo khổ. Đó là sự chia sẻ, sự thấu hiểu, sự đồng cảm để từ đó làm những việc có ích cho người dân. Và phải hiểu được thực trạng của đất nước, của TP. Mức độ đi xuống dân nhiều hay ít là tùy mỗi người, nhưng điều đó không có nghĩa là anh hiểu dân ở mức độ nào.

Tôi nghĩ tôi đủ trải nghiệm trong cuộc sống, đã đi đây đi đó rất nhiều, quan sát trong nước, ngoài nước, môi trường làm việc khác nhau, thay đổi rất nhiều, nên tôi hiểu được sự cần thiết phải quan tâm, chăm lo đến người dân. Không có họ là không có mình. Phải có tình thương yêu đối với tất cả mọi người. Nhân dân là phạm trù lớn mà trong đó mình phải xuất phát từ những cái cụ thể như thương yêu đồng chí, đồng bào, anh em…

Infonet: Nói vậy nhưng nếu vẫn tiếp tục có những trải nghiệm thực tế, gần gũi với đời sống của người dân hơn thì vẫn tốt hơn chứ?

Ông Nguyễn Xuân Anh: Chính xác là như vậy. Sắp tới tôi sẽ làm sao đó để gần dân hơn nữa, hiểu được tâm tư nguyện vọng của họ để làm sao đưa ra những chủ trương, chính sách hợp với lòng dân!

Infonet: Tôi cho đây là mối quan hệ hai chiều. Người lãnh đạo hiểu người dân nhưng cũng phải tạo điều kiện để người dân hiểu người lãnh đạo !

Ông Nguyễn Xuân Anh: Đúng rồi, phải có sự tương tác với nhau !

Infonet: Nhưng làm sao tương tác nếu người lãnh đạo không gặp người dân trong thực tiễn cuộc sống của họ ? Rõ ràng nếu chỉ tương tác qua văn bản thì không thể hiệu quả bằng tương tác qua thực tế. Qua đó người dân hiểu được ông lãnh đạo của TP mình như thế này đây. Khi đó, lãnh đạo TP đưa ra một chủ trương, chính sách gì đó thì người ta sẽ dễ chấp nhận hơn?

Ông Nguyễn Xuân Anh: Đúng là như vậy! Tôi không nề hà việc gặp người này, người kia đâu. Ai gặp thì tôi cũng thoải mái chứ không nề hà gì hết!

Infonet: Lâu nay người ta thường gọi Báo cáo chính trị là sự hội tụ, chắt lọc, kết tinh công sức, trí tuệ của Đảng bộ, quân và dân mỗi địa phương. Nghị quyết của Đại hội càng là sự đúc kết từ Báo cáo chính trị nên càng tinh túy hơn. Vì vậy, sau mỗi kỳ Đại hội thì Nghị quyết thường được "đóng khung, cứ y như vậy, câu chữ như thế, cứ thế thực hiện. Nhưng trong phát biểu bế mạc Đại hội Đảng bộ TP Đà Nẵng lần thứ 21, ông lại nêu: "Trong quá trình triển khai thực hiện, Ban chấp hành Đảng bộ TP sẽ tiếp tục lắng nghe, bổ sung ý kiến đóng góp xây dựng để Nghị quyết thực sự đi vào cuộc sống". Như vậy có phải Đà Nẵng đang cố gắng hình thành nên một Nghị quyết "linh hoạt"?

Ông Nguyễn Xuân Anh: Thực ra nếu đóng khung theo một khuôn mẫu nhất định, câu chữ như thế, rứa là kết thúc rồi mình thực hiện cũng không hoàn toàn đúng đâu. Thực tế cuộc sống biến đổi hàng ngày, đòi hỏi mình cũng phải biến đổi theo cho phù hợp. Cái gì đúng diễn ra, nếu chưa có trong Nghị quyết thì phải bổ sung. Cái đó phù hợp với lợi ích của người dân, quyền lợi của người dân, phù hợp với lợi ích của TP thì chả có việc gì mà không bổ sung vào. Không phải Nghị quyết chỉ đóng khung, làm năm, ba việc chốt lại là xong. Đương nhiên anh phải làm những việc đó, nhưng ngoài ra anh cũng có thể làm thêm nữa, miễn nó tốt, chứ không phải nhất nhất cố định chỉ có như vậy thôi.

Trong thời gian tới có thể có thêm nhiều ý kiến hay, nhiều cao kiến thì mình phải lắng nghe, phải đưa vào Nghị quyết để Nghị quyết đi vào cuộc sống. Chưa chắc trong quá trình chuẩn bị Đại hội mình đã nghe hết. Có thể có những người chưa có cơ hội tiếp cận với mình, nhiều ý tưởng mới có thể phát sinh trong nhiệm kỳ này, nhiệm kỳ sau nữa thì mình phải sẵn sàng đón nhận. Cái nào tốt, cái nào hay thì Nghị quyết phải ghi nhận chứ !

Tự đánh giá về mình, ông Nguyễn Xuân Anh nói: "Tôi đánh giá tôi trong sáng. Trong sạch hay không thì để mọi người đánh giá, nhưng tôi nghĩ tôi không dính vào bất cứ vấn đề gì tiêu cực, không bè phái, không phe cánh. Thẳng thắn, không ngại nói thẳng…".

*          *         *
"Tôi đánh giá tôi trong sáng"

Ông Nguyễn Xuân Anh: "Tôi đánh giá tôi trong sáng. Trong sạch hay không thì để mọi người đánh giá, nhưng tôi nghĩ tôi không dính vào bất cứ vấn đề gì tiêu cực, không bè phái, không phe cánh. Thẳng thắn, không ngại nói thẳng…".

Infonet: Xin được hỏi ông câu cuối cùng: Tự nhận xét về mình, ông thấy điểm yếu lớn nhất của ông hiện nay mà ông cần bổ túc để đảm đương tốt trọng trách Bí thư Thành ủy Đà Nẵng là gì ?

Ông Nguyễn Xuân Anh: Nhân đây tôi nói luôn các điểm mạnh, điểm yếu của mình. Điểm mạnh của tôi là đang ở độ tuổi rất sung sức, độ tuổi đẹp nhất cả về thể chất lẫn tinh thần. Thứ hai là tôi xuất thân từ gia đình có truyền thống. Truyền thống đó rất quý trong bối cảnh hiện nay rất phức tạp. Không ai khác mà chính tôi phải hiểu được rằng phải giữ truyền thống đó, không bao giờ phản bội. Thứ ba là tôi được đào tạo một cách rất cơ bản, được trải nghiệm nhiều vị trí khác nhau trong suốt quá trình vừa qua.

Thứ tư là tôi đánh giá tôi trong sáng. Trong sạch hay không thì để mọi người đánh giá, nhưng tôi nghĩ tôi không dính vào bất cứ vấn đề gì tiêu cực, không bè phái, không phe cánh. Ai cũng có thể là bạn bè, ai cũng có thể là đối tác cả. Thẳng thắn, không ngại nói thẳng, thấy sai thì không ngại nói. Kể cả trong các phiên họp Thường vụ, Ban chấp hành mà tôi thấy có điều gì không đúng thì tôi cũng nói thẳng. Mình nói vì cái chung chứ không phải là phản đối. Có tâm huyết, biết nghĩ về cái chung. Đó là những điều mà tôi mạnh dạn nói về mình.

Còn khuyết điểm là nhiều khi thẳng thắn quá mức. Nhiều khi không chế ngự được tình cảm. Có thể có những việc mình không nên phản ứng như vậy, mặc dù phản ứng đó không sai. Và tôi hay thể hiện việc thích hay không thích, nhưng không để bụng, việc qua rồi là thôi. Anh em hiểu nhau rồi thì rất vui vẻ. Nhưng để mọi người hiểu mình hơn thì tôi còn phải cố gắng nhiều hơn nữa. Để mọi người hiểu hơn về những mặt tốt của mình thì tôi còn cần phải làm nhiều để anh em người ta đến với mình, tăng cường thêm khả năng quy tụ, tập hợp. Với cái chất của tôi như thế thì tôi có niềm tin là anh em sẽ hiểu và sẽ đến với mình, chung tay lại vì cái chung !

Infonet: Lúc nãy tôi đã xin phép hỏi câu cuối cùng, nhưng vì ông vừa nói nhiều khi ông không chế ngự được tình cảm nên tôi xin hỏi thêm một câu nữa: Tình cảm nhiều khi rất dễ trở thành cảm tính. Hai cái đó đôi khi rất dễ lẫn lộn. Ông lại ở vị trí làm lãnh đạo cao nhất trong khi cấp dưới có rất nhiều người lớn tuổi hơn ông nhiều. Liệu điều đó có gây khó khăn cho công việc sắp tới của ông không? Và để cải thiện "môi trường" đó thì ông sẽ làm như thế nào?

Ông Nguyễn Xuân Anh: Cái này không phải lần đầu tiên tôi gặp. Hồi làm Bí thư Quận ủy Liên Chiểu thì tôi là người trẻ nhất trong Thường vụ, thậm chí trong Ban Chấp hành cũng chỉ lớn tuổi hơn được vài người. Những vị làm việc chung với tôi toàn là thế hệ của ông bà già tôi. Lúc đầu cũng rất khó làm việc, nhưng tôi nghĩ tôi thuyết phục họ bằng phong cách làm việc, bằng sự gần gũi của mình, và đặc biệt là bằng sự tôn trọng. Anh là người quyết định nhưng anh phải tôn trọng, lắng nghe người ta. Và trong mấy năm tôi ở Liên Chiểu thì được anh em rất quý. Tôi nhớ là ở Đại hội Đảng bộ quận Liên Chiểu tôi chỉ mất đúng một phiếu. Tất cả anh em trong Ban Thường vụ, ra ngoài là anh em nhưng vào công việc là đồng chí với nhau. Tôi nghĩ cần phát huy cái đó.

Bây giờ ở TP cũng là trường hợp tương tự. Trong Thường vụ thì tôi là người trẻ tuổi nhất, dưới quyền là những người đều lớn tuổi cả. Cũng có khó khăn nhất định về mặt tuổi tác nhưng tôi nghĩ công việc phải là công việc. Đảng đã phân công rồi, mỗi người một vị trí. Trong công việc anh phải chấp hành cái đã, còn trong việc thực hiện chức trách của mình thì sẽ có sự phối hợp, sự tôn trọng nhất định, sẽ có trao đổi để có sự đồng cảm, chia sẻ.

Khi có sự thống nhất thì quyết, còn khi vấn đề chưa quyết được thì tôi phải có trách nhiệm quyết việc đấy và tôi sẵn sàng lãnh trách nhiệm đó. Đảng giao cho mình làm Bí thư Thành ủy mà mình không quyết việc đấy, cứ ngồi chờ người này, chờ người kia thì làm sao xong việc được? Trên tinh thần rất lắng nghe, rất cầu thị, tranh thủ kinh nghiệm, sự từng trải của các anh, cái nào hay là tôi ghi nhận, chắc lọc ý kiến của mọi người và quyết chứ không ngại chuyện đó.

Infonet: Xin cám ơn ông rất nhiều !

Ông Nguyễn Xuân Anh: Có gì đó thì anh biên tập lại, tinh thần là tôi muốn gởi gắm những tâm tư, tình cảm chứ không nhằm mục đích gì khác. Anh viết sao đừng để mọi người nghĩ là tôi có ý định qua báo chí để đánh bóng gì trong chuyện này !

Infonet: Tôi nghĩ tôi sẽ đề nghị Toà soạn giữ nguyên toàn bộ diễn biến cuộc trao đổi và chuyển đến bạn đọc. Bạn đọc bây giờ tinh ý lắm, PR hay không, đọc vào là họ biết liền. Tôi tin có nhiều câu hỏi trong cuộc trao đổi này có rất nhiều người muốn hỏi và muốn nghe ông trả lời, còn tôi chỉ hỏi thay cho họ. Qua trao đổi, tôi thấy trước mắt cái khó nhất với ông là độ chênh về mặt tuổi tác với những người dưới quyền. Làm Bí thư Quận ủy dù sao cũng nhỏ, gọn hơn, còn lâu nay ông chủ yếu giữ các vị trí cấp phó, bây giờ lên trưởng, lại là cấp trưởng cao nhất của một TP như Đà Nẵng…

Ông Nguyễn Xuân Anh (cắt lời): Tôi nói luôn ý này. Làm lãnh đạo, đặc biệt là lãnh đạo cao nhất, như Bí thư cấp ủy, thì khả năng tập hợp, quy tụ và khả năng giao nhiệm vụ cho người khác làm là quan trọng nhất. Người lãnh đạo giỏi không phải là tất cả mọi việc anh đều phải làm. Anh giỏi là phải làm sao quán xuyến được công việc, giao việc đúng người, anh cho chủ trương, đường lối và người ta thực hiện theo cái đó. Người ta thực hiện đúng thì giao việc cho người ta, rồi mình kiểm tra, đôn đốc và suy nghĩ chủ trương làm cái gì chứ không phải sa vào các chi tiết.

Quan điểm của tôi là làm lãnh đạo, đặc biệt là làm Bí thư cấp ủy thì không sa vào các chi tiết, tiểu tiết không nhất thiết. Cái đó để cơ quan tham mưu, để chuyên viên người ta làm. Vấn đề là làm sao giao cho đúng việc, giám sát, đôn đốc cho kỹ và phải nghiêm. Mình phải làm gương trong tất cả các vấn đề. Mình là người đứng đầu, phải làm sao cho người ta nhìn vào. Dù người ta lớn tuổi hơn mình nhưng người ta nhìn vào thấy ông này nói như thế và ổng làm đúng như thế thì người ta sẽ cùng với mình trên con đường này thôi !

Infonet:  Thực tế là có chuyện thế này, nhiều khi giao nhiệm vụ cho các cơ quan tham mưu, các sở, ngành nhưng họ ì ạch khiến công việc không chạy. Vì vậy mà có nhiều vị lãnh đạo bức xúc, xắn tay áo vào việc đó luôn, và như thế hóa ra là họ can thiệp vào những công việc rất cụ thể của cấp dưới. Đó là thực tế, vậy ông nghĩ thế nào ?

Ông Nguyễn Xuân Anh: Tôi nghĩ là có nhiều cách để xử lý chứ không nhất thiết là anh lãnh đạo phải xắn tay áo vào. Tôi giao việc cho anh, trách nhiệm đi đôi với cái quyền anh được giao. Anh làm không được thì tôi mời anh lên phòng lần thứ nhất. Anh để tôi kêu đến lần thứ hai thì rách việc. Vì Đảng lãnh đạo tuyệt đối, toàn diện, đặc biệt là công tác cán bộ. Tôi giao việc cho anh rồi, tôi mời anh lên phòng nói chuyện một lần mà anh để tôi kêu lần thứ hai, lần thứ ba thì anh không xong.
Tôi nghĩ mình phải mạnh dạn và sau này phải ủng hộ chuyện không ngại việc thay thế cán bộ nếu cán bộ đó không đảm bảo. Tại sao nước ngoài nội các 2 – 3 tháng có thể thay được? Là vì không đảm bảo, dư luận không đồng tình thì Thủ tướng phải thay thôi. Tôi không cổ súy việc bãi nhiễm này kia nhưng tôi nghĩ là có chứ không phải không "một bộ phận không nhỏ" các đồng chí lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức ì ạch, nhũng nhiễu, dư luận ồn ào thì mình để yên sao? Để làm được điều đó thì anh phải sạch cái đã. Anh phải làm được điều đó thì khi anh thay họ, họ mới tâm phục khẩu phục, chứ không phải thay họ để anh đưa anh em, bà con, thân tin, ê kíp của anh vào.

Tôi không có quan niệm đó. Dù thân quen nhưng năng lực chỉ ở mức độ đó thì chỉ ở mức độ thế thôi, vui vẻ. Tôi không có chuyện ê kíp đâu. Hồi nào tới giờ chưa bao giờ mọi người nói tôi có ê kíp với ai. Anh hỏi trong Thường vụ đi, hỏi thân ông nào? Không! Quan hệ tốt, chí tình, ngồi nhậu với nhau, có. Nhưng không phải là đệ tử hay ruột rà hay thế này thế khác. Được cái này thì mất cái kia, nên thôi, hài hòa vì cái chung. Mình phải có cách của mình. Người ta giao mình làm Bí thư cấp ủy, mình không làm được chuyện đó thì thôi chứ mình làm cái chi? Mình đã lên tới vị trí cao nhất rồi mà còn không làm được gì cả, nói không nghe, việc cứ ì à, ì ạch rồi mình cũng cứ cười cười là không được.

Anh Bá Thanh từng nói với tôi: "Mày làm lãnh đạo thì cấp dưới phải biết sợ, khi nó sai, nhìn mày thì phải biết sợ chứ không phải cứ nhơn nhơn ra đó. Nó sai mà nó gặp mày cứ nhơn nhơn cái mặt coi như không và nó tiếp tục sai nữa thì thôi mày làm đơn nghỉ quách đi!". Ảnh nói đúng quá chứ chi nữa. Không phải mình đi hù dọa họ, nhưng khi họ sai, họ nhìn mình thì họ phải biết sợ. Quan điểm của tôi là, đã bầu tôi lên làm Bí thư Thành ủy, đây là sự tín nhiệm của cả một tập thể, một quá trình thì tôi phải có chức năng, quyền hạn nhất định để vì lợi ích chung. Và mong mọi người ủng hộ !

Infonet: Một lần nữa xin cám ơn ông đã dành cho báo điện tử Infonet cuộc trả lời phỏng vấn hết sức trải lòng này!

HẢI CHÂU (thực hiện)/Infonet/
BVB


Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.