3655. Khi trường học thành nơi tận thu tinh vi
Khi
trường học thành nơi tận thu tinh vi
![]() |
Bà Nguyễn Thị Minh – Thứ trưởng bộ Tài chính.
TGĐ Bảo hiểm Xã hội Việt Nam. Ảnh Dân luận
|
Theo định
nghĩa chung nhất của mọi quốc gia, BHYT là một hợp đồng giữa cá nhân người mua
hay tổ chức mà người đó làm việc với cơ quan cung cấp bảo hiểm, có thể là chính
phủ hay tư nhân. Bảo hiểm y tế nhằm cung cấp những chi trả quyền lợi khi bệnh
tật hay chấn thương cho chính cá nhân đó, với các điều khoản được quy định rõ
ràng chi tiết, cho dù đó là bảo hiểm công có sự tài trợ của nhà nước.
Như vậy, BHYT hoàn toàn
mang tính cá nhân, không có tính từ thiện, và không nên được khoác lên những mỹ
từ theo kiểu “chia sẻ cộng đồng”, “nhân văn, trách nhiệm”, “người trẻ giúp
người già”.
Theo những số liệu rất sẵn
có từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hay Ngân hàng thế giới (WB), tại các quốc gia
phát triển châu Âu, Mỹ, hay gần hơn là tất cả các quốc gia khu vực Đông
Nam Á, không có quốc gia nào thực hiện thu BHYT học sinh phổ thông qua nhà
trường. Các phương thức chính bao gồm bảo hiểm toàn dân do nhà nước chi trả
toàn bộ, BHYT thông qua công ty tổ chức sử dụng lao động và bảo hiểm thu theo
hộ gia đình hay cá nhân.
Việc bảo hiểm là bắt buộc hay
tự nguyện là theo luật của từng quốc gia, ví như Mỹ, BHYT là tự nguyện, hay VN
thì BHYT là bắt buộc. Luật BHYT sửa đổi của VN quy định Bộ GD- ĐT có trách
nhiệm chỉ đạo hướng dẫn và lập danh sách học sinh sinh viên tham gia bảo hiểm
theo các mẫu biểu.
Cho dù các nghị định dưới
luật hướng dẫn như thế nào, việc thu BHYT học sinh thông qua nhà trường, xác
định như một chỉ tiêu thi đua thực chất là một hình thức khoán để tận thu ở mức
độ tinh vi mà gia đình học sinh, thậm chí giáo viên gần như chỉ có thể tuân
theo. Nếu không được hiểu là các giáo viên “thu hộ” thì cần phải hiểu thế nào?
Chất lượng khám chữa bệnh
BHYT thấp, không đủ xét nghiệm, thiếu thuốc điều trị cùng với sự phiền phức hay
thái độ là một thực tế không phủ nhận ở bất cứ đâu, trong khi không có một bằng
chứng thực tế hay nghiên cứu nào được trưng ra để có thể đảm bảo rằng việc tăng
phí BHYT sẽ song hành cùng với chất lượng được nâng cao.
Tương tự như vậy, rất nhiều
các dịch vụ y tế nhất là tại tuyến cơ sở hoặc vùng sâu là không sẵn có (không
phải chỉ là trang thiết bị, mà là con người) như được thừa nhận mới đây của Bộ
trưởng Y tế trong hội nghị về y tế cơ sở, và cũng không có cơ sở nào để đảm bảo
việc tăng BHYT có thể giúp cải thiện khó khăn đó.
Về khả năng chi trả của
người sử dụng, mức phí bảo hiểm hiện nay được tính đồng giá, có thể chỉ là
không đáng kể đối với một số gia đình, nhưng lại là một gánh nặng lớn cho nhiều
gia đình khác, đặc biệt tầng lớp nông dân và công nhân hay những người không
nghề nghiệp. Vẫn không có bất kỳ một con số của một nghiên cứu hay khảo sát nào
đưa ra về mức độ ảnh hưởng của phí bảo hiểm hiện tại và khi tăng lên trên bao
nhiêu phần trăm dân số. Tất cả, là những chính sách ra đời trong các phòng
lạnh, của các bộ óc chủ quan và giáo điều đến kinh ngạc.
Ngoài ra, vô số câu hỏi
chưa bao giờ được giải đáp về tính minh bạch thu chi của quỹ BHXH, bao nhiêu đã
được chi trả cho bảo hiểm trên số lượng bệnh nhân như thế nào, bao nhiêu đã chi
trả cho chính guồng máy vận hành bảo hiểm hay các cá nhân, và được kiểm toán ra
sao? Ai có thể tin được số tiền BHYT đã đóng được sử dụng ngoài chi trả khám
chữa bệnh còn được dùng để nâng cấp hệ thống y tế và bằng cách nào?
![]() |
Hãy tính đến sự xóa bỏ độc quyền BHYT. Ảnh minh họa |
Nhà trường không phải là
đại lý BHYT
Chúng ta cũng có thể biết
rằng trong 10 chương của Obamacare ở nước Mỹ, chương thứ 07 được dành riêng cho
sự minh bạch và trung thực của chương trình bảo hiểm.
Trong báo cáo của OECD (Tổ
chức hợp tác kinh tế và phát triển), nước Úc (một trong 34 quốc gia thành viên
của tổ chức này) có độ bao phủ bảo hiểm y tế là 100% và tất cả người dân được
hưởng lợi từ chính sách BHYT miễn phí có tên là Medicare của chính phủ từ năm
1975 (tất nhiên, đó là các dịch vụ y tế thiết yếu tại cơ sở y tế công). Canada cũng có
chính sách BHYT miễn phí toàn dân tương tự. Tại Thái Lan, ngay từ tháng 10 năm
2001, khi đảng Người Thái yêu người Thái thắng cử, một chính sách BHYT toàn dân
đã ra đời, được gọi nôm na là chính sách 30 bath (tương đương khoảng 20,000
đồng VN, hay 01 dollar Mỹ).
Chính sách này cho phép tất
cả mọi người dân, nếu không có bảo hiểm từ các công ty tổ chức họ làm việc, khi
đăng kí vào chương trình sẽ thực hiện chi trả 30 bath cho bất kỳ lần khám và
điều trị bệnh nào, trong bất kỳ tình trạng bệnh nặng hay nhẹ (chỉ trừ ghép
tạng) tại các bệnh viện được chính phủ chỉ định, bao gồm cả bệnh viện tư nhân.
Đây là một dạng đồng chi trả, được thực hiện nhất quán, với sự trợ giá từ chính
phủ, và kết quả của nó (99,5% người dân được tham gia) được khen ngợi qua các
báo cáo của World Bank hay trên các tạp chí y khoa chuyên ngành.
Cần phải khẳng định BHYT
toàn dân là một mục tiêu hướng tới đúng đắn và văn minh. Vậy BHXH VN lúc này
cần làm gì?
Trước hết, không thể tăng
phí khi chưa có đủ các bằng chứng giải trình minh bạch như đã nói ở trên. Tiếp
theo, không thể triển khai thu BHYT qua nhà trường, bởi nhà trường không phải
là một đại lý bảo hiểm lấy hoa hồng. Một mô hình như Đài Loan và Mỹ có thể được
áp dụng bằng cách phân chia từng nhóm người cụ thể. Với những người đi làm, có thu
nhập ở một mức nào đó trở lên, việc đóng bảo hiểm tính theo phần trăm thu nhập
được áp dụng, bao gồm bảo hiểm cho cả gia đình.
Với những hộ nghèo và gia
đình chính sách, BHYT cần được tài trợ hoàn toàn từ nhà nước từ nguồn thuế an
sinh xã hội. Với tất cả những trường hợp khác, một mức đóng duy nhất cho mỗi cá
nhân sẽ được áp dụng. Bảo hiểm y tế cần phải được phân chia thành các gói với
quy định chi tiết như gói thiết yếu, gói bao gồm các bệnh lý nặng có các mức
đóng khác nhau. Cuối cùng, hãy tính đến sự xóa bỏ độc quyền BHYT, và tạo điều
kiện cho BHYT tư nhân tham gia và loại trừ bảo hiểm... chồng lên bảo hiểm.
Nguyễn Công
Nghĩa (TS, BS Đại học Waterloo ,
Ontario , Canada )/
Theo Tuần Việt nam
Nhận xét