3650. Vị hiệu trưởng từ chối học hàm phó giáo sư
Vị
hiệu trưởng từ chối học hàm phó giáo sư
![]() |
"Thầy Hiến" |
Giáo sư do nhân dân phong
Nhà văn Văn Chinh, một học
trò của ông cho biết: “Công chúng văn học biết đến Hoàng Ngọc Hiến là một giáo
sư, tác giả của thuật ngữ “hiện thực phải đạo”, nhưng thực ra chưa bao
giờ ông nhận học hàm này. Có lần người ta định đề nghị Nhà nước phong hàm Phó giáo
sư, ông đã nhã nhặn từ chối.
Tuy nhiên, giới đại học có
lối thoát của mình, và họ đơn giản gọi ông là “thầy Hiến””.
TS Chu Văn Sơn (giảng viên
khoa Ngữ văn, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) cũng cho rằng “Hoàng Ngọc Hiến là một
học giả có cỡ, nên nhiều người vẫn cứ băn khoăn vì sao ông Hiến không có những
học hàm như Giáo sư, danh vị như Nhà giáo nhân dân gióng bao nhiêu vị khác.
Ông chỉ có một học vị duy
nhất là Tiến sĩ, thực ra là Phó Tiến sĩ bảo vệ ở Nga hồi còn Liên Xô. Mà thấy
ông chả có vẻ sốt ruột hay bất mãn gì. Lúc nào ông cũng thản nhiên dù quanh ông
người ta cứ nhao lên, nhộn nhạo lên với những danh này vị nọ.
Có lần tôi đã hỏi, thì ông
cũng chả giấu giếm gì: Điều mình tâm đắc và lấy làm phương châm sống suốt đời
là ý tưởng ở câu cuối cùng trong Đạo đức kinh của Lão Tử “Thánh nhân chi đạo
vi nhi bất tranh”. Đạo của thánh nhân là làm mà không tranh giành với ai”.
TS Chu Văn Sơn chia sẻ một
câu chuyện thú vị: “Nhưng quả là cuộc đời này có những công bằng riêng của nó.
Nó vẫn luôn biết ai là ai. Lần vị hiệu trưởng trường Nguyễn Du là Huỳnh Khái
Vinh được phong học hàm giáo sư đã diễn ra một việc thú vị. Đám học viên Nguyễn
Du hồi ấy toàn những cây bút, những nhà văn đã thành danh cả. Họ đã chuẩn bị
sẵn hai bó hoa để chúc mừng.
Hoàng Ngọc Hiến (1930 - 2011), là nhà lý luận phê bình, và là dịch giả
văn học Việt
Ông có các học trò là nhà văn, nhà thơ đã thành danh như Nguyễn Huy
Thiệp, Phạm Thị Hoài, Bảo Ninh, Nguyễn Trọng Tạo...
|
Khi lễ mừng tặng diễn ra,
họ đã mời cả Huỳnh Khái Vinh và Hoàng Ngọc Hiến cùng lên sân khấu. Vị đại diện
tặng hoa cho thầy Vinh trước với lời chúc mừng “Đây là vị giáo sư do Nhà
nước phong”. Rồi quay sang tặng hoa và ôm hôn thầy Hiến thật hoan hỉ “Đây
là vị giáo sư do nhân dân phong”. Cả hội trường vỗ tay ầm ĩ. Thầy Vinh ôm
hôn thầy Hiến đầy phấn khích. Còn thầy Hiến sau một phút ngỡ ngàng, vẻ vẫn rất
thản nhiên. Lạ hơn, bây giờ trên các phương tiện truyền thông đại chúng, mỗi
khi giới thiệu ông, bao giờ người ta cũng cứ kèm danh vị giáo sư. Công chúng
chẳng ai ngạc nhiên”.
Ấn tượng về người thầy
Với học trò là những người
của văn thơ, chữ nghĩa, thầy Hiến có phong cách giảng dạy cũng như gây dựng
được mối quan hệ thầy trò rất đặc biệt, mà những học trò của ông không thể quên.
Nhà thơ Dương Thuấn nhớ
lại: “Khi còn học ở Trường viết văn Nguyễn Du, thường vào các tối thứ bảy bọn
tôi lại mời thầy đến uống rượu và hỏi thầy về chuyện văn chương. Thầy rất nhiệt
tình, lần nào mời thầy cũng đến và kể rất nhiều chuyện vui. Chúng tôi hỏi thầy
và thầy cũng hỏi chúng tôi rất nhiều chuyện. Nhiều hôm thầy trò thức đến tận
khuya. Thầy cho rằng đã vào học trường Nguyễn Du thì bao giờ cũng là người tử
tế và đứng đắn (đứng đắn theo quan niệm của thầy). Có một lần nghe gõ cửa, tôi
mở cửa phòng ra mời thầy vào. Thấy tôi có khách là một cô gái trẻ trung, thầy
hỏi một câu rất thi sĩ “Cậu đang làm thơ đấy à!”. Rồi thì thầy về luôn và hẹn
tôi sẽ gặp vào lúc khác”.
Nhà văn Dạ Ngân thì lại nhớ
“Thầy đã từng nói ở đâu đó rằng có hai loại người trong giới khoa học như động
vật và thực vật, “loại động vật suốt ngày lăng xăng chụp từ đề tài này sang đề
tài khác, dù thông minh cũng chỉ có ý kiến loe lóe thế thôi, chẳng nên sự
nghiệp gì. Loại thực vật ngồi yên kiên trì suy nghĩ, như cái cây cắm rễ xuống
đất sâu và tỏa bóng”.
Nhà văn này cũng cho biết
những cua giảng của thầy không dài, gần với tư cách phụ đạo hơn. “Dáng ngồi
thẳng, mắt sáng, giọng khàn đặc sắc. Thầy hay đan những ngón tay vào nhau trên
bàn và tôi thích nhìn hai ngón tay cái của thầy động đậy, ở chúng là nội lực,
trăn trở và phát tiết. Thầy là một trong những người chuẩn bị rất kỹ bài giảng
khi lên lớp. Thầy là người hay có ý tưởng khác người, nên thầy muốn ý tưởng của
mình phải thật sáng rõ, rành mạch, gây ấn tượng và có sức thuyết phục.
Nhà thơ Hữu Thỉnh thì nhận
xét “Phong cách sư phạm nổi tiếng của thầy Hiến là biến bục giảng thành diễn
đàn, thay độc thoại bằng đối thoại. Phương pháp mở ấy là những cải cách đầu
tiên theo xu thế hiện đại hóa nền giáo dục nước nhà. Phương pháp đó dựa trên
căn cứ duy nhất: Đánh thức tính trội của học sinh”.
Một người bạn thân thiết
của thầy Hiến – là GS Nguyễn Đăng Mạnh – cũng có ấn tượng mạnh mẽ về phong cách
giảng bài của bạn mình: “Anh không chỉ lo lắng tạo văn bản mà còn coi trọng
chuẩn bị ngôn bản nữa, nghĩa là bài nói, bài phát biểu miệng. Cho nên trong
giảng dạy, anh chuẩn bị bài giảng rất kỹ. Tôi đã dự một số giờ lên lớp của anh
nên thấy như thế. Hóa ra Hiến còn là một nhà sư phạm mẫu mực.
Anh cố gắng giảng dạy cho
sinh viên hiểu được chính xác những điều mình hiểu, dù đó là những vấn đề học
thuật phức tạp”.
Kỷ niệm mà GS Nguyễn Đăng
Mạnh nhắc đến, cũng giải thích được tại sao thầy Hiến có những giờ giảng thu
hút học sinh đếm thế: “Nhớ có lần chúng tôi cùng dự một cuộc hội thảo khoa học
ở Hà Nội. Hiến phát biểu rất hùng hồn, khẩu chiến rất đanh thép. Buổi trưa, anh
rủ tôi về nhà anh ăn cơm. Anh hỏi: “Sao, cậu thấy mình phát biểu có được
không?”. Tôi khen: “Khá lắm!”. Chị Tố Nga nói: “Lẩm bẩm suốt đêm, làm gì mà
không khá”. Hóa ra Hiến không chỉ chuẩn bị ý, chuẩn bị lời, mà còn luyện nói
nữa”.
Giờ giảng cuối cùng
Nhà văn Văn Giá nhớ về giờ
giảng cuối cùng của thầy Hiến tại Trường ĐH Văn hóa Hà Nội. Đó là ngày
10/11/2010.
Buổi học tan muộn, dễ đến
12h kém. Cả lớp, thầy trò trong khoa và một số người đến dự im phăng phắc nghe
thầy.
Một trong những vấn đề được
thầy Hoàng Ngọc Hiến trở đi trở lại trong bài giảng chuyên đề lần này là vấn đề
chăm lo giáo dục – hiểu theo nghĩa chiến lược tổng thể, tức là chăm lo con
người.
Thầy Hiến luận giải: “Vấn
đề của thời đại chúng ta hôm nay thật đơn giản, đó là thực hành cái Thiện. Minh
triết là lặng lẽ sống với cái Thiện bằng ứng xử, bằng việc làm của mình. Trong
mối quan hệ giữa BIẾT và LÀM, thì với minh triết là LÀM, mặc dù BIẾT rất cần.
Hồ chủ tịch từng nói: “Học để làm việc, học để làm người, học để làm cán bộ”.
Vậy là, ông Hồ nhấn mạnh việc học để hướng tới 3 cái LÀM, chứ không dừng lại ở
BIẾT. Theo tôi, toàn bộ nền giáo dục Việt Nam hiện nay chỉ hướng tới việc để
BIẾT thôi… Cụ Ngô Thì Sĩ (1740 – 1786) cho rằng “Đem đạo Thánh hiền để quở
trách thói đời không bằng đem đạo lý đời thường để cảm hóa lòng người”. Cái vế
sau của câu này hết sức quan trọng đối với ngành giáo dục…”.
"Ai đọc Hoàng Ngọc Hiến cũng thấy ở ông cái sở thích đối lập. Lối
đối lập này dần lâu dường đã trở thành một thứ thương hiệu Hoàng Ngọc Hiến.
Nhiều trường hợp ông đưa ra những đối chọi chữ nghĩa khiến chúng cũng ánh lên
những tia sáng triết luận triết lý bất ngờ nào đó. “ Một mâu thuẫn
oái oăm trong “cõi người ta là mâu thuẫn giữa “có” và “là”. Có thể có vợ,
nhưng không là một người chồng, có thể có con nhưng không là một người cha,
có thể có học hàm nhưng không là một người thầy, có thể có học vị nhưng không
là một trí thức… có thể có tất cả nhưng không là một gì cả”" - TS
Chu Văn Sơn viết.
|
Ngân Anh tổng hợp/
Theo VNN
Xem thêm:
Nhận xét