3646. Mấy suy nghĩ về Nguyễn Du và Truyện Kiều

Mấy suy nghĩ về Nguyễn Du và Truyện Kiều
Vũ Đình Mai
 
Một góc không gian trưng bày các hiện vật mà
Đại thi hào Nguyễn Du từng dùng lúc sinh thời.
 Ảnh Internet.
PNTB: Các học giả viết về Truyện Kiều và Nguyễn Du đã quá nhiều, đơn giản vì cả tác giả và tác phẩm này đều hết sức vĩ đại. Tất nhiên không có sự vĩ đại nào lại trong vắt như pha lê, tại tuyệt mỹ như thánh thần. Đó là tư duy khoa học. Xin trân trọng giới thiệu một bài viết về Nguyễn Du và Truyện Kiều dưới góc nhìn của tác giả Vũ Đình Mai.

Trong năm 2015 này, chúng ta sẽ kỷ niệm lần thứ 250 năm sinh đại thi hào dân tộc, Danh nhân Văn hóa thế giới Nguyễn Du. (1765 – 2015).

Sau nhiều cố gắng của Nhà nước Việt Nam, ngày 20-10-2013, Đại hội đồng UNESCO đã thông qua Nghị quyết 37C/15, nhất trí vinh danh 108 Danh nhân Văn hóa thế giới, trong đó có Đại thi hào Nguyễn Du của nước Việt Nam.

UNESCO chỉ tố chức kỷ niệm những Danh nhân này trong những ngày lễ chẵn: 50 năm, 100 năm, 150 năm…năm sinh hoặc năm mất.

Như vậy, năm 2015 này, cùng với toàn thế giới, chúng ta sẽ long trọng tổ chức kỷ niệm lần thứ 250 năm sinh Cụ Nguyễn của chúng ta!

Sinh thời, Cụ Nguyễn viết nhiều tác phẩm, tác phẩm nào cũng được trân trọng, được người đời từ thế hệ này sang thế hệ khác đánh giá cao. Nhưng Truyện Kiều là tác phẩm chói sáng nhất, phổ cập nhất, mang hồn vía dân tộc nhiều nhất.

Hầu như người dân Việt nào cũng biết đến Truyện Kiều, (nhất là những người sinh trước năm 1945), dù nhiều người không biết tác giả của nó là ai. Chắc cụ Nguyễn Tiên Điền chẳng cho đó là một nỗi buồn. Bởi Cụ đã, đang và sẽ còn sống trong từng con chữ của tác phẩm vĩ đại ấy.

Hồn vía của Nguyễn Du, tình yêu thương của Nguyễn Du vẫn quấn quýt trong từng lời ru của các bà, các mẹ Việt Nam từ ngày này sang tháng khác, từ thế kỷ này vắt qua thế kỷ kia. Cụ trường tồn cùng Truyện Kiều, trường tồn cùng dân tộc.

Học giả, nhà văn hóa lớn của đất nước ta, dân tộc ta, Cụ Phạm Quỳnh đã khẳng định: “Truyện Kiều còn thì tiếng ta còn, tiếng ta còn thì dân ta còn”.

Câu nói này gợi cho ta mấy điều: Thứ nhất, Truyện Kiều là đại diện cho ngôn ngữ Việt, khẳng định thành quả lao động nghệ thuật tuyệt vời của Cụ Nguyễn Du. Thứ hai, nói câu này, chứng tỏ Cụ Phạm Quỳnh luôn canh cánh một lòng thiết tha yêu nước thương nòi, yêu từ tiếng nói của dân tộc yêu đi. Thứ ba, gợi cho ta thấy cái thế của nước Nam ta, dân tộc Việt ta nó chông chênh đến dường nào. Nhất là khi đó nó đang chìm đắm trong vòng nô lệ của thực dân Pháp. Thứ tư, ta thấy cụ Phạm Quỳnh đánh giá rất cao vai trò của văn hóa dân tộc. Chỉ cần Văn hóa của ta còn thì nhất định dân ta sẽ phục sinh, sẽ tồn tại cùng bè bạn năm châu.

Đại thi hào Nguyễn Du, tự Tố Như, hiệu Thanh Hiên, sinh năm 1765 tại phường Bích câu, Thăng Long, trong một dòng họ khoa bảng nổi tiếng bậc nhất thời bấy giờ. Bố Nguyễn Du là Xuân quận công Nguyễn Nghiễm, từng giữ chức tể tướng đầu triều; mẹ là bà Trần Thị Tần, cũng sinh trưởng trong một dòng họ có truyền thống hiếu học ở Kinh Bắc. Sinh ra và học hành ở kinh đô, Nguyễn Du sớm được thừa hưởng những tinh túy của nhiều vùng văn hóa nổi tiếng: Xứ Nghệ, Kinh Bắc, Thăng Long, Phú Xuân, Gia Định…Sống trong thời đại đầy phong ba bão táp, cuộc đời Nguyễn Du cũng vì thế mà ba chìm bảy nổi. Mười một tuổi, mồ côi cha; mười ba tuổi, mẹ mất, Nguyễn Du phải sống với anh cả Nguyễn Khản. Tình hình đất nước ngày một biến động, chính quyền Lê-Trịnh sụp đổ, Tây Sơn quét sạch giặc Thanh, họ Nguyễn ở Tiên Điền cũng tiêu điều “Hồng Lĩnh vô gia, huynh đệ tán”. Nguyễn Du lưu lạc nhiều nơi, hơn chục năm nương nhờ quê vợ ở Thái Bình. Cuối cùng phải trở về quê nhà để tìm kế mưu sinh. 18 năm làm quan cho triều Nguyễn, đã có đến ba bốn lần cáo quan về quê, khi thì lấy cớ dưỡng bệnh, lúc lại bận việc nhà…Nguyễn Du mất tại kinh thành Huế khi mới 55 tuổi.

Nguyễn Du là niềm tự hào của dân tộc chúng ta, Truyện Kiều là niềm tự hào của dân tộc chúng ta. Nguyễn Du vĩ đại, Truyện Kiều vĩ đại là điều không chỉ chúng ta tự tung hô mà cả thế giới đều công nhận. Cho nên, thiết nghĩ, có thêm vài bài viết, vài câu ca ngợi cũng chẳng làm cho Cụ Nguyễn và Truyện Kiều của Cụ vĩ đại thêm lên. Tương tự, nếu có một vài nhận xét về Truyện Kiều như cái thú chẻ sợi tóc làm tư thì cũng chẳng làm suy xuyển được cái hay, cái đẹp của Truyện Kiều.

Khổ nỗi, chúng ta hay mắc chứng tự hào một cách xa xỉ. Cái gì của ta cũng đáng tự hào, cái gì của ta cũng hơn của người khác. Các danh nhân của ta, các chính khách của ta cũng hơn những danh nhân, chính khách của các dân tộc khác! Đây là điều cần phải bình tĩnh, cùng nhau xem xét lại. Chúng ta ít “ra đường”, nên cứ đinh ninh rằng mẹ con ta là nhất (Ở nhà nhất mẹ nhì con). Như những người trong hang của Plato, chúng ta cứ tưởng mấy cái bóng lay động trên vách hang là tất cả hiện thực của thế giới xung quanh.

Ai cũng muốn thể hiện mình là người hiểu biết, yêu nước nhất, yêu các vĩ nhân của mình nhất, yêu những tác phẩm văn chương của dân tộc mình nhất. Thế là mỗi người cứ cố vống thêm lên một ít về những thần tượng của mình. Ai không làm được điều ấy, tệ hại hơn, có ý kiến không tán đồng những điều cố vống lên một cách rất cảm tính, rất xa xỉ ấy sẽ không thoát được búa rìu của đám đông đang say sưa với thần tượng.

Kẻ viết bài này là một kẻ ngoại đạo, đã từng tham gia vào những buổi tung hô ầm ĩ nhất, với những lời lẽ chân thành nhất.

Nhưng bây giờ nghĩ lại, thấy rằng như thế vẫn chưa đủ. Muốn tiếp cận chân lý, cần phải bình tĩnh để nhìn nhận sự vật với nhiều góc độ.

Sau đây là mấy suy nghĩ chủ quan của kẻ ngoại đạo, mang tính “gây sự một cách hiền lành”, mong mở ra một cuộc giao lưu vui vẻ với bạn bè.

Trước hết, nói về Truyện Kiều và Kim Vân Kiều truyện. Tại sao cứ phải nói rằng Truyện Kiều không phải dịch từ Kim Vân Kiều truyện? Rõ ràng chúng ta thấy Cụ Nguyễn đi sát bản Kim Vân Kiều truyện đến từng chi tiết, từng cảnh, từng mùa, từng câu đối thoại, nhất là từng địa danh của đất nước Trung Hoa. Làm sao chúng ta có Năm Gia lĩnh triều Minh? Sông Tiền Đường. Các tỉnh Phúc Kiến, Chiết Giang, Vô Tích, Lâm Truy…nằm ở đâu trên đất nước Việt Nam này?

Mở đầu Truyện Kiều, cụ Nguyễn đã nói rằng cụ kể câu chuyện xảy ra năm Gia lĩnh, thuộc triều Minh của Trung Hoa rồi mà?

Chẳng lẽ bảo Nguyễn Du dịch Kiều từ bản văn xuôi sang thơ lục bát là hạ thấp tác phẩm, hạ thấp tài năng của Nguyễn Du? Sao ta không lấy làm tự hào rằng Nguyễn Du dịch từ bản văn xuôi của một dân tộc khác sang thơ lục bát của dân tộc mình một cách cực kỳ hay mà vẫn sát nghĩa đến từng chi tiết? Chẳng lẽ đấy không phải tài năng kỳ lạ, xuất chúng của Nguyễn Du sao? Trong khi chỉ có bài thơ Đường bốn câu, vẻn vẹn khoảng ba chục chữ mà còn phải phiên âm, dịch nghĩa rồi mới dịch thơ, để người đọc nắm được cái hay, cái đẹp, cái thần thái của bài thơ gốc!

Nếu khăng khăng rằng Nguyễn Du không dịch tiểu thuyết của Thanh Tâm Tài Nhân thì bảo Nguyễn Du đã làm gì? Sáng tạo hoàn toàn mới thì không được rồi. Nếu nói rằng cụ Nguyễn mượn hay dựa vào bản gốc thì vô tình, chúng ta đã vu cho Cụ cóp, thậm chí đạo  văn của Thanh Tâm Tài Nhân! Có ai dám nói như thế không? Chắc chắn là không! Thế thì tại sao ta không nói rằng cụ Nguyễn Du đã dịch từ tiểu thuyết văn xuôi sang tiểu thuyết bằng thơ một cách kỳ tài, để con cháu còn mãi mãi tự hào?

Khi bà ta, mẹ ta ru ta bằng những câu Kiều hay những câu Chinh Phụ Ngâm thì cả bà ta, mẹ ta không nhớ đến tác giả của những tác phẩm ấy. Nếu có nhớ chỉ nhớ được cụ Nguyễn Du, cụ Đoàn Thị Điểm chứ mấy ai nhớ đến Thanh Tâm Tài Nhân hay cụ Đặng Trần Côn. Nhưng không vì thế mà những người nghiên cứu được phép bỏ qua tác giả gốc của nó. Khi được đọc nữ sĩ Đoàn Thị Điểm dịch từ    
               Thiên địa phong trần
               Hồng nhan đã truân  của cụ Đặng sang
               Thủa trời đất nổi cơn gió bụi
               Khách má hồng nhiều nỗi truân chuyên
Tự nhiên ta kính phục cả hai người. Dù ta thích ngâm nga của nữ sĩ họ Đoàn hơn. Nhưng cụ Đặng đã tiết kiệm chữ đến nhường nào! Chẳng lẽ đấy không phải tài của cụ?

Nguyễn Du và Đoàn Thị Điểm đã rất vĩ đại rồi, cần gì phải hạ thấp cụ Thanh Tâm Tài Nhân? Cần gì phải hạ thấp cụ Đặng Trần Côn?

Tôi nhớ một chuyện thế này: Có lần, Hội Nhạc sĩ Việt Nam định đưa cụ Hồ thành nhạc sĩ vì cụ bắt nhịp bài hát Kết đoàn. Nhạc sĩ Đàm Linh khi đó là Phó Tổng thư ký Hội đã thuyết phục đồng nghiệp rằng: Cụ Hồ đã vĩ đại lắm rồi, cụ có là nhạc sĩ hay không cũng chẳng ảnh hưởng gì đến sự vĩ đại của cụ. Đừng bắt cụ nhận những điều không phải của mình. Các đồng nghiếp của anh đã nghe theo.

Khi dịch Kim Vân Kiểu Truyện sang thơ lục bát của người Việt, rất nhiều điển cố, điển tích, địa danh, năm tháng, tên nhân vật và tính cách các nhân vật của Thanh Tâm Tài Nhân đều gần như được cụ Nguyễn giữ nguyên. Điều này không làm cho cụ Nguyễn nhỏ đi mà làm ta càng cảm thấy cụ Nguyễn là một nhân cách vĩ đại, một học vấn uyên bác.

Trước bài này, tôi đã viết một bài về các cặp tiểu đối trong Truyện Kiều. Sau đó tôi bắt tay vào viết tiếp về những sáo ngữ, ngoa ngữ trong Truyện Kiều. Nhưng bài thứ hai này chắc phải bỏ vì biết mình không đủ sức.

Theo cụ Đào Duy Anh thì trong Truyện Kiều có đến hơn một trăm từ HOA.

Nhưng tôi có cảm tưởng từ này hơi bị lạm dụng. Nó trở thành những từ độn trong câu. Thí dụ: Cửa ngoài vừa ngỏ then hoa. (Có bản in là Cửa sài vừa ngỏ then hoa). Trong tiếng Hán, từ Sài dùng để chỉ củi đun, hay những khúc gỗ chưa được đẽo gọt. Cửa sài hay cửa ngoài là cái cổng làm bằng những khúc gỗ mộc. Vậy trên cái then của cái cổng ấy người ta có chạm khắc những bông hoa không? Như các cụ người Việt vẫn nói, người ta có làm, có đính cái Nhài  của quạt giấy cho cái quạt mo không? (Trong câu thành ngữ: Cứt dớt có chóp, quạt mo có nhài)

Mới đầu tôi tưởng từ TẦN trong câu Mây Tần khóa kín song the  cũng là một từ đệm, một sáo ngữ, nhưng khi tra từ điển của cụ Đào Duy Anh thì thấy đây là một điển tích. Thế là hú hồn.

Tuy nhiên, nếu kiên nhẫn vẫn tìm được khá nhiều những từ độn như một số từ HOA trong Truyện Kiều.

Sang nói về nàng Kiều.


Nàng đã được người đời tôn như một mẫu mực của sắc đẹp, của tài năng và của lòng hiếu đễ, nhân ái, thủy chung.

Tuy nhiên, tôi vẫn lấn cấn một điều, vì chưa hỏi được ai nên cứ viết ra đây.

Khi mới xa nhà, Kiều còn hay nhớ cha mẹ, các em và người yêu Kim Trọng.

Nàng còn tự thán: Biết thân đến bước lạc loài, Nhị đào thà bẻ cho người tình chung.

Hay thương cha nhớ mẹ: Quạt nồng ấp lạnh những ai đó giờ. Sân Lai cách mấy nắng mưa, có khi gốc tử đã vừa người ôm…

Nhưng từ khi gặp, rồi về với Thúc sinh Một nhà sum họp trúc mai / Càng sâu nghĩa bể càng dài tình sông thì không thấy Kiều nhớ đến ai cả.

Đến với Từ Hải cũng vậy.

Kiều chỉ nhớ gia đình, người yêu khi vò võ một mình. (ngóng chờ Từ Hải đánh đông dẹp bắc chưa về). Từ khi theo đoàn rước dâu về với Từ Hải, không thấy nàng nhắc đến ai nữa. Âu cũng là lẽ thường tình của mọi con người. Viết ra đây để biết vậy chứ không có ý trách gì nàng.

Tôi rất thích đoạn cụ Nguyễn tả buổi rước dâu của Từ Hải. Sao nó hoành tráng, nó phơi phới, hào hùng thế! 

Hai bên mười vị tướng quân / Đặt gươm cởi giáp trước sân khấu đầu / Cung nga thể nữ nối sau / Rằng vâng lệnh chỉ rước chầu vu qui / Sẵn sàng phượng tiễn loan nghi / Hoa quan chấp chới hà y rỡ ràng / Dựng cờ nổi trống lên đường / Trúc tơ nổi trước kiệu vàng kéo sau / Hỏa bài tiền lộ ruổi mau /  Nam đình nghe động trống chầu đại doanh…

Chuyện Kiều báo ân báo oán cũng có điều bắt người đọc phải suy nghĩ. Việc tha cho Hoạn Thư thì kẻ ngoại đạo này không “có ý kiến ý cò” gì. Bởi Hoạn Thư là người đàn bà được dạy dỗ chu đáo, lại quá thông minh. Nàng không chỉ xử sự kín kẽ mà đối đáp cũng chẳng ai bằng!

Cũng may cho Kiều, nếu trừng phạt Hoạn Thư theo đúng tội trạng của mụ thì Hoạn Thư sẽ không bao giờ quên mối thù này. Khi nghe tin Hồ Tôn Hiến dùng thủ đoạn hèn mạt giết được Từ Hải, bắt được nàng Kiều thì, ta cứ tượng tượng xem, mẹ con họ Hoạn sẽ tức tốc lên đường đến gặp Hồ Tôn Hiến, đòi A Hoàn, gia nhân cũ của mình, đã ăn cắp đồ thờ cúng trốn đi. Lúc ấy nàng Kiều đáng thương của chúng ta sẽ ra sao? Không dám nghĩ thêm nữa. Hẳn phải khủng khiếp hơn bất kỳ hoạn nạn nào mà nàng đã trải.

Còn thằng bán tơ thì sao? Có phải vì quê hương của nàng Kiều và thằng bán tơ không nằm trong “khu giải phóng” của Từ Hải mà Kiều không thể sai binh hùng tướng mạnh tróc cổ cái thằng đã gây nên tội ác đầu tiên, gây nên mọi tan nát trong gia đình nàng, mọi đớn đau tủi nhục sau này của đời nàng? Nếu thế thì thông cảm cho nàng, cho cả Từ Hải nữa. Nhưng nếu không phải thế? Không phải thế thì quả nàng Kiều là người đáng trách. Nàng chỉ mải trả thù cho riêng mình mà quên mối thù của cha mẹ, của toàn thể gia đình. Cũng tức là nàng mải vui duyên mới quên hết mọi người thân?

Khổ nỗi, trong phần Kiều báo ân báo oán, giá mà có một vài câu rằng nàng Kiều muốn tróc cổ thằng này đến để hỏi tội, nhưng vì lẽ này lẽ khác (điều kiện khách quan), nàng không thực hiện được thì trọn vẹn cho Kiều biết bao nhiêu!

Còn chuyện này nữa, không biết có nên hỏi các bác không? Ấy là khi gặp lại Kim Trọng, Kim Trọng đòi cưới, Thúy Kiều từ chối rằng thân nàng Ong qua bướm lại đã thừa xấu xa. Và lời thề xưa đã có Thúy Vân thực hiện thay rồi. Kể như thế cũng đủ thuyết phục. Nhưng còn một lý do có phần thuyết phục hơn mà sao nàng Kiều không nói, đó là: Chồng nàng vừa chết, một cái chết tức tưởi, oan nghiệt mà nàng đã vô tình phải chịu một phần trách nhiệm?

Kiều đã coi Từ Hải là chồng chính thức, một mối tình có phần tiền định rằng: Đến bây giờ mới thấy đây / Mà lòng đã chắc những ngày một hai.

Thế mà chưa đoạn tang chồng (Từ Hải), nàng đã đồng ý làm đám cưới với người tình cũ:  Động phòng dìu dặt chén mồi, bâng khuâng duyên mới ngậm ngùi tình xưa.

Sau đám cưới này, trong gia đình nhỏ với một chồng, hai vợ này thì ai là vợ cả, ai là vợ hai? Ai phải gọi ai bằng chị?

Vài suy nghĩ vặt vãnh, vẩn vơ, hẳn rằng đúng ít, sai nhiều. Mà dù có đúng phần nào đi nữa thì cũng chẳng vì thế mà Truyện Kiều bớt đi phần vĩ đại, nàng Kiều bớt đi phần đáng yêu, đáng quí.
Viết ra đây như một sự góp vui lấy một phần mười trống canh mà thôi.

Cúi xin các bác nghiên cứu sâu Truyện Kiều cho kẻ ngoại đạo này vài lời khuyên bảo.
 
                                  Hải Phòng, 15-9-2015. VĐM
(Bài tác giả gửi PNTB)


Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.