3624. Khôn vặt

Khôn vặt
Truyện ngắn: Ngọc Dương/PNTB


Tôi có đứa con gái út tốt nghiệp đại học xã hội nhân văn nhưng không xin được việc làm. Từ ngày ra trường về, nó cứ ngơ ngơ ngác ngác, chạy ngược chạy xuôi, chẳng biết “cửa” mà đi! Vợ chồng tôi thì sống ở trong làng, thuộc tầng lớp “chân đất mắt toét” có đi đến đâu bao giờ mà biết. Cũng chỉ nghe thấy người ta nói phong thanh, bây giờ muốn có việc làm thì phải “mua”, chả ai còn “lạc hậu” mà đi “xin” việc! Có được một chỗ làm ở cơ quan bây giờ dễ sinh lời lắm, nên chả ai cho không đâu. Nếu không kiếm được ra tiền thì cũng kiếm được thời gian, thời gian là vàng mà, “sáng cắp ô đi tối cắp về”, lương vẫn lĩnh đủ, khéo léo ra có khi còn được cất nhắc làm quan nữa đấy…

Nhưng mua thì làm gì có tiền, mà giả như có tiền cũng không biết đường mua. Mua việc trong các cơ quan nhà nước đâu có dễ dàng như mua hàng ngoài chợ? Thôi thì đành… “mặc kệ nó, giời sinh voi giời sinh cỏ”. Tôi bảo con: “Bây giờ doanh nghiệp tư nhân đầy ra đấy, mày đến đó mà xin việc, người ta “mua” sức lao động của mình, thuận thì làm, không thuận thì phắn!”.

Một hôm nó lên phố, vào xin làm việc cho một chủ hãng bán đồ gia dụng. Nó xác định “méo mó có hơn không”, thôi thì miễn là cứ có việc làm đã, người ta trả công bao nhiêu cũng cầm lòng vậy. Bà chủ bảo: “Mày đứng quầy bán hàng cho tao, tháng trả 3 triệu, sau làm tốt lương sẽ tăng”. Nghe thấy bùi tai, con bé chấp nhận. Cửa hàng nó bán toàn đồ gia dụng bếp núc như nồi, xoong, sanh, chảo, bếp ga, bếp từ…

Làm hết tháng, nó được bà chủ gọi đến trả lương. Nó mừng lắm. Nó nghĩ, cố gắng ăn dè hà tiện, để dành một phần tiền lương về giúp đỡ thêm bố mẹ. Bà chủ cửa hàng gia dụng dứt tờ lịch treo tường, lật mặt sau viết và đưa cho nó xem: - Tiền mặt: 1 triệu đồng, - Bộ dao thái đồ ăn nhà bếp 2 triệu đồng, Tổng cộng: 3 triệu!


Con bé giẫy nẩy: “Ấy chết cô ơi, cháu cần tiền chứ cháu có cần dao đâu? Cô trả lương cháu bằng dao thì cháu ăn làm sao được!”. Bà chủ quắc mắt: “Mày ngu lắm con ạ, thời buổi này cái gì chả quy ra tiền được. Dao của tao cũng là tiền đấy chứ!”. “Nhưng….”. “Nhưng, nhưng cái tiên sư mày! Cầm lấy, ra bảo con kế toán nó giải quyết!”.

Con bé định nói là, “nhưng… cái bộ dao kia hằng ngày con bán cho khách chỉ có 8 trăm nghìn đồng thôi, mà sao hôm nay bà chủ trả lương cho con bằng chính bộ dao ấy lại tính những 2 triệu ?!”. Tuy nhiên, con bé không dám nói gì thêm khi thấy bà chủ mặt đằng đằng sát khí. Và nó cũng đủ thông minh nghĩ rằng, có nói thêm gì thì bà chủ của nó cũng không thiếu “lý lẽ” để bảo vệ cho bộ dao thái đồ ăn 8 trăm nghìn trở thành 2 triệu.

Người ta bảo “chân lý thuộc về kẻ có quyền”. Bà chủ cửa hàng quyền lực cao nhất ở đây thì mọi thứ bà ấy phán ra phải là chân lý, đố ai dám cãi! Con bé cầm mảnh giấy ra gặp kế toán “lĩnh lương” mà… nước mắt, nước mũi cứ ứa ra không kịp lau!...

LỜI BÌNH:
Bây giờ, những loại “ông chủ, bà chủ” làm ăn theo lối “Văn hóa Việt Nam tân thời” như thế đâu có ít. Đó là kiểu làm ăn chụp giật, thiển cận, “tham bát bỏ mâm”, chỉ thấy trước mắt mà không thấy lâu dài, chỉ thấy cây mà chẳng thấy rừng…

Có lẽ phải tặng cho họ câu thành ngữ: “Khôn nhà dại chợ”. Nhưng Chợ ở đây không mang nghĩa hẹp như cái chợ “hàng tôm, hàng cá” ở nhà quê, mà nó là Thị trường. Một thị trường đúng nghĩa, văn minh, thì phải hoạt động theo quy luật của nó. Nó không thể bị thứ “tư duy khôn vặt”, chỉ dùng mưu mẹo lừa gạt nhau, để ăn cắp, để móc túi người khác bỏ túi mình, để bán hàng giả, độc hại cho khách hàng. Cao thủ hơn là lợi dụng cơ chế vơ vét của Nước làm của Nhà…

Và, thị trường đúng nghĩa nó cũng không bao giờ chấp nhận thứ “văn hóa cả vú lấp miệng em”, cậy thế cửa quyền, áp bức kẻ yếu, bất chấp đạo lý, thậm chí kể cả hành xử theo lối “xã hội đen” để đạt mục đích kiếm tiền. Câu khôn nhà dại chợ ở đây là mang hàm ý của cái thứ khôn lỏi, khôn vặt ở 'xó bếp' nhà mình thôi, nhưng bước ra cơ chế thị trường văn minh, hiện đại, rộng lớn... thì ngu ngơ như bò lạc vào thành...

Rất tiếc, cái tư duy “khôn vặt” đã được dung dưỡng một thời gian dài trong môi trường không đủ cơ chế, pháp luật và dân chủ để ngăn chặn, nên rất khó trị !

20/9/2015 - ND/PNTB 

20/9/2015 - ND/PNTB 

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.