3620. Loạn giáo sư?

Loạn giáo sư?

Gs Nguyễn Văn Tuấn/Thứ Bảy, 19.9.15


PNTB - Có bình luận cho rằng việc bổ nhiệm chức danh Giáo sư của Đại học Tôn Đức thắng là Giáo sư... hạng bét! Nhưng đọc bài này của GS Nguyễn Văn Tuấn thì vấn đề lại khác... PNTB đưa lên đây để bà con có cái nhìn đa chiều.

GS.NVT - Liên quan đến việc Trường Đại học Tôn Đức Thắng (TDTU) đòi quyền bổ nhiệm giáo sư, một số người trong giới khoa bảng tỏ ra băn khoăn là nếu các trường đại học có quyền đó thì sẽ dẫn đến tình trạng loạn giáo sư. Tôi nghĩ đây là một quan tâm chính đáng, nhưng có thể quản lí.

Giáo sư là người làm nghiên cứu khoa học và giảng dạy. Dĩ nhiên, cũng có một số giáo sư làm quản lí trong đại học (như hiệu trưởng, hiệu phó), nhưng số này không nhiều. Hai yếu tố tạo nên tính "chính danh" của giáo sư là tiêu chuẩn học thuật và qui trình bổ nhiệm.
Một người xứng đáng với danh xưng giáo sư phải đáp ứng tiêu chuẩn học thuật. Vì nhiệm vụ là nghiên cứu khoa học và giảng dạy, nên tiêu chuẩn bổ nhiệm phải dựa vào thành tích xuất sắc của hai lĩnh vực đó. TDTU soạn tiêu chuẩn sau khi đã tham khảo tiêu chuẩn của các trường đại học có tiếng bên Mĩ và Úc, và tôi đã cố vấn trực tiếp cho trường. Chẳng hạn như TDTU không chỉ xem xét đến số công trình nghiên cứu, mà còn xét đến chất lượng nghiên cứu, đóng góp cho chuyên ngành, đóng góp cho đất nước, và đóng góp cho nhà trường. Đó là những tiêu chuẩn không có trong bộ tiêu chuẩn của Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước.

Tính chính danh của giáo sư còn qua qui trình bổ nhiệm. Giáo sư là người làm khoa học, mà khoa học dựa vào bình duyệt như là một trụ cột. Do đó, qui trình bổ nhiệm của TDTU dựa vào bình duyệt từ đồng nghiệp của ứng viên, một số từ nước ngoài. Đơn của ứng viên sẽ được gửi ra ngoài bình duyệt, kể cả một số đồng nghiệp ở nước ngoài. Dựa vào nhận xét của các chuyên gia, hội đồng học thuật của TDTU sẽ ra quyết định. Do đó, Hội đồng học thuật của TDTU chỉ đóng vai trò trung gian trong qui trình bổ nhiệm. TDTU sẽ không sử dụng cơ chế bỏ phiếu kín như Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước. Cơ chế bỏ phiếu kín không mang tính khoa học, mà còn là cơ hội cho việc "chạy chức", vốn rất tai tiếng hiện nay.

Do đó, với một qui trình minh bạch và tiêu chuẩn khách quan & khoa học, thì không có chuyện "loạn" giáo sư. Nếu ứng viên đáp ứng tiêu chuẩn học thuật và qui trình bổ nhiệm minh bạch thì làm sao có thể nói là "loạn được? Có thể nói rằng trong bối cảnh hiện nay, khái niệm "loạn" giáo sư chỉ là một cái cớ để ngăn chận cải cách trong việc bổ nhiệm giáo sư ở các đại học.

Thế nào là loạn giáo sư? Nếu những người đáp ứng tiêu chuẩn của một giáo sư nhưng bị Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước bỏ phiếu rớt, thì đó có phải là tín hiệu cho thấy qui trình có vấn đề không? Nếu những người không xứng đáng và không đạt chuẩn giáo sư, nhưng lại được Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước bỏ phiếu công nhận, thì rõ ràng là qui trình có vấn đề. Trong thực tế thì quả thật qui trình phong chức danh giáo sư theo kiểu tập trung hiện nay có vấn đề -- rất nhiều vấn đề. Trong thực tế thì hiện nay đã có tình trạng loạn giáo sư. Loạn là vì có nhiều người được phong chức danh giáo sư mà không trực tiếp làm nghiên cứu khoa học và giảng dạy. Tôi có cảm giác những người đang phát biểu về loạn giáo sư chính là những người cảm thấy thiếu tự tin vì họ tự cảm thấy không đáp ứng tiêu chuẩn giáo sư của TDTU.

Tóm lại, Tính chính danh của giáo sư được xác định qua qui trình bổ nhiệm và tiêu chuẩn học thuật. Do đó, nếu qui trình bổ nhiệm và tiêu chuẩn học thuật tốt thì chúng ta không sợ có tình trạng "loạn" giáo sư. Bổ nhiệm giáo sư cũng là một cách ghi nhận đóng góp của ứng viên cho khoa học và giáo dục. Thật là không thuyết phục khi có người sử dụng cái cớ "loạn" giáo sư để không công nhận những giảng viên Việt Nam xứng đáng chức giáo sư.

Gs Nguyễn Văn Tuấn (Tuan's Blog)
/TTHN
Xem thêm:

Hãy ủng hộ xu hướng mới

19/09/2015 09:06 GMT+7TT 
- Xung quanh việc Trường ĐH Tôn Đức Thắng bổ nhiệm GS, PGS theo những tiêu chuẩn riêng của nhà trường, để rộng đường dư luận, Tuổi Trẻ giới thiệu bài viết của TS Nguyễn Minh Hòa về vấn đề trên.
Nghe đọc bài: Hãy ủng hộ xu hướng mới
Sinh viên Trường ĐH Tôn Đức Thắng (TP.HCM) trong một tiết học với giảng viên người nước ngoài - Ảnh: Trần Huỳnh
Sinh viên Trường ĐH Tôn Đức Thắng (TP.HCM) trong một tiết học với giảng viên người nước ngoài - Ảnh: Trần Huỳnh
Mấy ngày gần đây có nhiều ý kiến tranh luận sôi nổi quanh chuyện Trường ĐH Tôn Đức Thắng đang trong quá trình xét bổ nhiệm GS, PGS. Ý kiến của các nhà quản lý thì cho là trường vi phạm pháp luật, nhưng cũng có nhiều ý kiến ủng hộ, trong số đó có không ít nhà khoa học uy tín.
PGS.TS Nguyễn Minh Hòa - Ảnh: Tự Trung
PGS.TS Nguyễn Minh Hòa - Ảnh: Tự Trung
“Ở VN, một ứng viên hoàn toàn đủ tiêu chuẩn, thậm chí thừa tiêu chuẩn, nhưng vẫn bị loại vì không qua được vòng bỏ phiếu kín. Mà bỏ phiếu kín thì lại là chuyện tôi thích anh hay không, hay việc anh là GS có ảnh hưởng đến vị thế, quyền lợi của người bỏ phiếu hay không?
Phong GS, PGS ở VN khác với nhiều nước
Điều đầu tiên mà tất cả trí thức và cả những người đóng vai trò xét duyệt người khác không thể không công nhận là cách thức phong chức danh GS, PGS ở VN không giống với thông lệ bất cứ nước nào trên thế giới (có chăng là Lào giống với VN).
Trên thế giới, GS là một chức danh nghề nghiệp, do một trường ĐH nào đó công nhận và bổ nhiệm. Do vậy, anh chỉ là GS của một trường ĐH chứ không có chuyện là GS nhà nước, GS của tất cả các trường như ở VN; và cũng không có chuyện là GS suốt đời, khi nào hết giảng dạy (nghỉ hưu hay bị thôi việc) thì không còn là GS nữa. Những người có công lao lớn lắm thì được phong GS danh dự suốt đời (số này ít lắm).
Bất kỳ trường ĐH nào cũng có quyền công nhận, bổ nhiệm GS. Tùy thuộc vào nhu cầu, quy mô, cấp độ của từng ngành, từng khoa, từng bộ môn mà hội đồng trường đưa ra các tiêu chí và số lượng tuyển GS từng năm.
Giá trị của một vị GS tùy thuộc vào danh tiếng của trường mà người đó phục vụ. Tất nhiên GS của trường Harvard, Stanford cao hơn hẳn GS của một trường cộng đồng.
Tuy nhiên cũng cần phải nói thêm: điều này không phải bao giờ cũng đúng, bởi có nhiều vị GS ở trường bé nhưng lại được kính nể vì người đó là chuyên gia đầu ngành quý hiếm của một môn khoa học mà ở những thành phố lớn, các trường lớn không có.
Trong thời gian làm việc ở Trường Chulalongkorn, trường ĐH số 1 của Thái Lan, tình cờ tôi được chứng kiến buổi xét duyệt ứng cử viên chức danh GS của khoa quy hoạch đô thị. Tất cả mọi chuyện đều minh bạch, các tiêu chuẩn rất cao và rất chặt chẽ; ứng viên, hội đồng khoa học tranh luận công khai từng tiêu chuẩn, từng bài báo, ai hội đủ tiêu chuẩn sẽ được làm thủ tục công nhận là GS của trường và có thư chúc mừng của hoàng gia.
Trong khi ở VN thì một ứng viên hoàn toàn đủ tiêu chuẩn, thậm chí thừa tiêu chuẩn, nhưng vẫn bị loại vì không qua được vòng bỏ phiếu kín. Mà bỏ phiếu kín thì lại là chuyện tôi thích anh hay không, hay việc anh là GS có ảnh hưởng đến vị thế, quyền lợi của người bỏ phiếu hay không?
Chính vì cách làm này mà rất nhiều người đủ chuẩn bị loại, và cũng có rất nhiều người thừa chuẩn không muốn làm hồ sơ xin được xét tuyển vì thấy không đủ “dũng khí” để theo đuổi. Việc bỏ phiếu kín chính là nơi phát sinh tiêu cực, đã có những người lợi dụng dịp này để hạ uy tín người khác, kể cả việc coi đó là cơ hội ban ơn cho người cùng hội cùng thuyền, là cơ hội làm ăn...
Có thể đó chỉ là “một vài con sâu”, nhưng điều đó cho thấy cách thức làm như hiện nay là có rất nhiều vấn đề không ổn, cần phải thay đổi triệt để từ tư duy đến hành động.
Trường ĐH phải có quyền tự chủ
Dù là quá muộn, nhưng đến lúc cần phải cất tiếng nói mạnh mẽ để khẳng định rằng hệ thống giáo dục của VN so với thế giới đã quá lạc hậu, bảo thủ. Một trong các nguyên nhân của tất cả nguyên nhân trì kéo giáo dục VN tụt hậu là Bộ GD-ĐT và các cơ quan trung ương liên quan đến giáo dục đang duy trì một cơ chế quan liêu, tập trung hóa quá cao, không chịu phân quyền và không tin vào bên dưới.
Bộ GD-ĐT chỉ nên làm công việc của cơ quan quản lý nhà nước là giúp Chính phủ tham mưu xây dựng chính sách chiến lược; tuyên truyền, hỗ trợ, tạo điều kiện cho việc thực thi chính sách; đôn đốc, kiểm tra, kiểm soát việc thực thi chính sách và làm cầu nối giữa các trường với Chính phủ, giữa các trường với nhau và các trường với đối tác nước ngoài, còn lại thì trả hết cho các trường. Trước mắt, Chính phủ cần trao quyền xét phong và bổ nhiệm GS, PGS cho hai trường ĐHQG Hà Nội, TP.HCM và các trường ĐH vùng như Thái Nguyên, Huế.
Phải chăng niềm tin của Bộ GD-ĐT đặt vào các trường ĐH quá thấp, lúc nào cũng cho rằng nếu buông ra là loạn. Chả lẽ với hơn 300 GS, PGS và hơn 1.000 TS của ĐHQG TP.HCM, rồi gần 400 GS, PGS, hơn 1.000 TS của ĐHQG Hà Nội lại không đủ năng lực tổ chức được việc xét phong, bổ nhiệm GS, PGS cho chính tổ chức mình.
Nếu các trường dân lập, các trường tự chủ tài chính có nhu cầu thì không nên cấm cản, mà có thể cùng lúc duy trì cả hai hệ thống - GS nhà nước và GS của trường, ai muốn đăng ký vào hệ thống nào là tùy theo nhu cầu, sở thích và tầm mức của họ.
Cái mới ra đời bao giờ cũng khó khăn, có thể sai luật, có thể có trục trặc về kỹ thuật, có thể rất khó chấp nhận, có thể làm ai đó phiền lòng, thậm chí mất đi chút quyền lợi, nhưng xét thấy nó đúng và hợp với thông lệ quốc tế thì nên ủng hộ, chớ nên hùa nhau “ném đá”, bóp chết nó. Luật không còn phù hợp thì sửa luật.
Biết đâu Trường ĐH Tôn Đức Thắng đang bắt đầu cho một sự thay đổi có tính cách mạng trong hệ thống giáo dục VN: hãy trả lại giáo dục cho nhà giáo dục và cho thị trường lao động. Các trường ĐH phải có quyền tự chủ trong chương trình đào tạo, tài chính, nhân sự, đường hướng phát triển và kể cả quyền tự chịu trách nhiệm trước xã hội, trước sinh viên, cha mẹ sinh viên, hơn thế nữa là quyền được sống hay phải chết do cung cách làm ăn của mình gây ra.
Không dại gì phong tặng GS, PGS vô tội vạ
Có một vài người cho rằng nếu tất cả các trường đều có quyền phong GS thì sẽ loạn, VN sẽ thừa GS. Xin chớ lo vội, khi mà GS gắn với tên tuổi, thương hiệu và “chén cơm” của mỗi trường thì tự khắc họ sẽ biết sử dụng sao cho việc phong GS tôn vinh trường của họ lên, chứ không dại gì tự làm hạ thấp nó xuống.
Cũng có thể sẽ có những sai lạc, tiêu cực ban đầu nhưng với cơ chế tự điều tiết của cả hệ thống sẽ biết cách làm sao cho đúng. Khi ấy, mỗi trường căn cứ trên nhu cầu thực và công việc thực mà chọn lựa số lượng, con người cụ thể vào vai trò GS. Họ sẽ không dại gì phong tặng GS, PGS vô tội vạ. Vì kèm theo trách nhiệm, nghĩa vụ là quyền lợi và chế độ lương bổng, vì phần tài chính đó không phải là của Nhà nước mà là mồ hôi, công sức của họ làm ra.
Thêm vào nữa, việc các trường tự chọn lựa GS cho mình sẽ loại bỏ được những GS “danh dự” không giảng dạy. Nên biết ở VN hiện nay hơn 60% (có ý kiến cho là hơn 70%) GS, PGS là các quan chức trung ương, địa phương, các lãnh đạo cấp vụ, cục, cấp bộ, thậm chí có người là giám đốc các doanh nghiệp.
TS NGUYỄN MINH HÒA

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.