3769.Nhục nhã cho một cử nhân hay nhục nhã cho một quan điểm?

Nhục nhã cho một cử nhân hay nhục nhã cho một quan điểm?

XUÂN DƯƠNG


Hy vọng rằng những bài báo kiểu như “…Nhục nhã thay cho một cử nhân” sẽ không còn xuất hiện trên mặt báo.

Tại Hội thảo Quốc gia "90 năm Báo chí Cách mạng Việt Nam - Truyền thống, bản lĩnh và trách nhiệm", cố nhà báo Hữu Thọ nhận định về thực trạng đội ngũ làm báo như sau:  “…Những tồn tại không ít và có việc không nhỏ, nổi lên là thông tin sai sự thật quá nhiều, thậm chí bịa đặt, suy diễn gây bức xúc xã hội, có những sai sót mà chúng tôi cũng không thể ngờ…, cùng những hành vi tiêu cực khác mà tôi rất đau lòng khi phải nói lên một sự thật rằng uy tín của giới báo chí đang giảm sút”.

Nhận định của ông Hữu Thọ không chỉ đúng với những gì xảy tra trước Hội thảo mà còn được chứng minh bằng những gì xảy ra ngay trong những ngày vừa qua.

Đọc tít bài báo: “Cầm biển đứng giữa đường xin việc: Nhục nhã thay cho một cử nhân” người viết hơi ngỡ ngàng, đọc hết bài báo, tự nhiên trong đầu xuất hiện một câu hỏi: “nhục nhã thay cho một cử nhân hay nhục nhã thay cho một bài báo?”.
Còn nhớ cách đây không lâu, cử nhân y khoa Phan Thị Trang – con gái út của liệt sĩ Phan Huy Sơn hy sinh tại Gạc Ma trong cuộc chiến bảo vệ Tổ quốc ngoài Biển Đông, dù là con liệt sĩ thuộc diện ưu tiên cháu Trang vẫn không thể xin được việc làm. 

Sau khi biết fanpage của Bộ trưởng Y tế, cháu gửi hai bức thư đề nghị giúp đỡ, phải đích thân Bộ trưởng Trần Thị Kim Tiến can thiệp, cháu mới được nhận vào làm việc tại một cơ sở điều trị. 

Lại nhớ một lãnh đạo Hà Nội, ông Trần Trọng Dực - Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy, đại biểu HĐND TP. Hà Nội - khẳng định tại phiên thảo luận sáng 7/12/2013 của HĐND thành phố về tổng biên chế hành chính, sự nghiệp thành phố năm 2013, rằng “Chạy làm công chức thủ đô không dưới 100 triệu đồng”.

Con số cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp cho đến quý I năm nay được Viện khoa học lao động và xã hội công bố là 178.000 người. Vậy bao nhiêu người may mắn được đích thân Bộ trưởng hoặc Bí thư thành ủy (như trường hợp cố Bí thư Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh) giúp đỡ?

Trong tiếng Việt “nhục nhã” là hậu quả mà một cá nhân, một cộng đồng phải gánh chịu sau một hành động được xem là nhơ nhuốc, đáng khinh bỉ của chính cá nhân, cộng đồng đó hoặc sự cam chịu của con người trước sự áp đặt bởi sức mạnh cường quyền.
Câu nói “nỗi nhục của người dân mất nước” chính là sự nhục nhã khi dân tộc trở thành người nô lệ cho ngoại bang trên quê hương mình. 

Câu hỏi đặt ra là chàng trai cầm biển xin việc có ăn trộm ăn cắp không, có tham ô của công không, có lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm giàu bất chính không, có làm gì trái pháp luật không? Câu trả lời là không.

Người dân các nước phương Tây biểu tình, trưng biểu ngữ hoặc bảng chữ biểu thị nguyện vọng với chính quyền là chuyện bình thường, hình ảnh ra đường cầm biển xin việc đầy rẫy trên mạng, vậy tại sao lại nói việc cầm biển xin việc là “nhục nhã”? 

Người viết cho rằng, nội dung và nhất là tít bài “Cầm biển đứng giữa đường xin việc: Nhục nhã thay cho một cử nhân” quả đúng là đã làm cho “uy tín của giới báo chí giảm sút”, đó là việc mà người làm báo có tâm, có tầm không bao giờ nên làm.

Tác giả bài báo đặt ra câu hỏi là tại sao chàng cử nhân nọ không chịu đi làm những việc lao động bình thường mà lại cố đi xin việc theo chuyên môn được đào tạo?

Đặt câu hỏi như vậy cho thấy, những tác giả của bài báo đang cổ súy cho sự tự ti, mặc cảm, cam chịu thất bại, đang khuyến khích đội ngũ trí thức trẻ chỉ cần kiếm sống mà không cần phấn đấu cho niềm mơ ước khi đặt chân vào giảng đường đại học. 

Một dân tộc không dám đấu tranh, dân tộc đó xứng đáng làm nô lệ”, câu nói này hẳn rất nhiều người đã đọc. Trong phạm vi hẹp, một cá nhân không dám phấn đấu cho mơ ước của mình, cá nhân đó chỉ có thể làm đầy tớ cho người khác. 

Nếu một đất nước cứ đào tạo cử nhân rồi để cho họ đi chạy bàn, đi bán vé số thì có nên tiếp tục đào tạo? Vấn đề không phải là không tôn trọng lao động giản đơn, làm bất kỳ công việc gì mà xã hội cần đều là có ích, đều phải được tôn trọng. 

Lẽ ra, từ hiện tượng cầm biển xin việc, cần đặt vấn đề một cách nhân văn hơn nếu không nói là cần nhìn nhận ở tầm cao hơn.

Đó là quy mô đào tạo và chất lượng đào tạo cử nhân, kỹ sư có phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế xã hội hay không?

Đó là công tác tổ chức, tuyển dụng có gì chưa ổn không?

Đó là đội ngũ trí thức trẻ tốt nghiệp đại học đã được đào tạo một cách bài bản kỹ năng sống, trong đó có kỹ năng xin việc hay chưa?...

Về quy mô và chất lượng đào tạo trình độ đại học, cần phải nói thẳng rằng chúng ta không thể hội nhập quốc tế chỉ với đội ngũ kỹ sư, cử nhân đông đảo về số lượng nhưng chưa cao về chất lượng trong khi lại thiếu đội ngũ thợ lành nghề. Lỗi ở đây thuộc về những người hoạch định chiến lược ở tầm vĩ mô chứ không phải lỗi của người đi học.

Về công tác tổ chức, tuyển dụng nhân sự, bài viết trên nld.com.vn ngày 15/8/2015 “Bổ nhiệm kiểu con ông cháu cha” đã phản ánh phần nào góc khuất của công tác này: 

Hơn 10 năm qua, kể từ khi lên nắm quyền tổng giám đốc Công ty Môi trường đô thị Đà Nẵng, ông Phạm Minh Thắng đã đưa con, rể, anh em ruột và cả phía sui gia nắm giữ các vị trí chủ chốt tại các phòng ban và xí nghiệp trực thuộc, biến công ty nhà nước thành công ty gia đình”.

Đà Nẵng là thành phố được nhiều người ca ngợi về sự phát triển và phong cách làm việc của đội ngũ lãnh đạo còn như thế thì nơi khác thế nào?

Lẽ ra nỗi “nhục nhã của một cử nhân” phải dành cho những người cầm tấm bằng thật mà trình độ giả đang thong thả “cắp ô” mà vẫn đều đều nhận lương hàng tháng, cho những “hậu duệ” cứ có tấm bằng là biết chắc đã có một xuất “công chức”, cho những người bằng số tiền không dưới trăm triệu để có việc làm trong cơ quan. 

Tác giả nên hỏi những người đó xem họ có cảm thấy “nhục nhã” không? Còn với chàng cử nhân cầm tấm biển xin việc trong bài báo chẳng có gì mà phải xấu hổ.

Ngôn từ sử dụng trong bài báo không đơn thuần là chưa được cân nhắc cẩn trọng mà rõ ràng là còn có biểu hiện vi phạm quy định pháp luật, đó là hành vi xúc phạm nhân phẩm công dân, tác giả bài báo đã cố ý “làm nhục người khác” như quy định tại điều 121 Bộ luật Hình sự.

Trở lại vấn đề về trình độ chuyên môn, đạo đức và trách nhiệm của người làm báo, gần đây trước sự quá đà của một số tờ báo trong việc khai thác các tình tiết rùng rợn qua các vụ trọng án, Bộ TT&TT đã ra “tối hậu thư” cho báo chí về việc khai thác các hành vi tội ác nhằm câu view khán giả. 

Thứ trưởng Trương Minh Tuấn, Bộ TT&TT đã đã ký công văn số 2673/BTTTT-CBC gửi các cơ quan báo chí, công văn nêu rõ: “Các cơ quan báo chí phải tiên phong đi tìm nguyên nhân, bản chất và đưa ra cách giải quyết vấn đề này một cách nhân văn để giúp xã hội hướng thiện. Tuy nhiên, thời gian qua báo chí đã từ bỏ vai trò cao quý này. Đây là dấu hiệu báo động về sự xuống cấp của báo chí hiện nay”. [1] 

Người viết hoàn toàn ủng hộ lời “tuyên chiến” này của Bộ TT&TT, tuy nhiên có cảm giác là công văn 2673/BTTTT-CBC vẫn còn thiếu, chưa bao quát hết sự “xuống cấp của báo chí”. 

Khai thác các hành vi tội ác chỉ là một trong các hướng thu hút người đọc, có thể dễ dàng tìm thấy những bài báo vô bổ với cách giật tít “khủng” như “Ca sĩ có bộ ngực "khủng" nhất showbiz Việt”, lại có bài báo khuyến khích hiện tượng ngoại tình như “5 lý do tuyệt vời để hẹn hò "máy bay bà già”… 

Người viết mong rằng Bộ TT&TT rồi đây cũng cần quan tâm tới những mảng nội dung không phù hợp này. Chủ đề “cướp, hiếp, giết, sốc, sex” cần phải bị loại trừ khỏi các trang báo, bảo đảm cho người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ được hưởng thụ những món ăn tinh thần không độc hại.

Hy vọng rằng những bài báo kiểu như “…Nhục nhã thay cho một cử nhân” sẽ không còn xuất hiện trên mặt báo, không để những nhà báo chân chính bị đánh đồng với những người đang vô tình hay cố ý tạo nên “sự xuống cấp của báo chí hiện nay”.

X.D/GDVN
-------------
Tài liệu tham khảo:
Xem thêm:

Hàng trăm nghìn cử nhân thất nghiệp, đã ai dám trưng biển xin việc như thế?


Cầm biển đứng đường xin việc, sao đã “nhục” bằng ông Đỗ Hoài Nam?


(GDVN) - Ít nhất chàng trai đang gây bão dư luận vì cầm biển đứng đường xin việc chưa từng bị chủ nhà trọ đuổi ra khỏi nhà như vị lãnh đạo tiêu biểu Đỗ Hoài Nam.
LTS: Những ngày qua dư luận bàn tán xôn xao về chàng trai cầm biển đứng đường xin việc Phùng Đức Ninh. Tác giả Gia Bảo mạnh dạn đưa ra sự so sánh sự việc này với hoàn cảnh của ông Đỗ Hoài Nam - vị lãnh đạo tiêu biểu về khởi nghiệp công nghệ cao tại thung lũng Silicon (Mỹ).  

Tòa soạn trân trọng gửi tới độc giả ý kiến này. 

Dư luận đang tranh cãi nảy lửa về việc chàng trai Phùng Đức Ninh cầm tấm biển đứng xin việc giữa đường với dòng chữ: “Tôi vừa tốt nghiệp, tôi đã là Bố. Tôi cần một công việc để mua sữa cho con. Bạn cần tuyển tôi”. 

Chia sẻ với báo chí về mục đích của hành động này, Ninh cho biết đây là nỗ lực duy nhất vào lúc này để anh có thể kiếm được một công việc, qua đó lo cho vợ con.

Bản thân Ninh đã từng làm thêm phụ giúp cha mẹ trong quá trình học tập như bưng bê, dọn dẹp hàng quán hơn 1 năm trước khi bị đau ruột thừa và phải nằm viện 2 tháng. Ninh cho hay do sức khỏe yếu Ninh không làm được nhiều việc nặng. 

Trải qua nhiều năm cực khổ ăn học, không muốn số phận giống như nhiều bạn bè – phải làm công nhân để duy trì cuộc sống, Ninh đã bạo dạn cho mình một cơ hội không giống ai: Cầm biển đứng đường xin việc. 

Còn nước còn tát

Câu chuyện về chàng trai trẻ này làm tôi chợt nhớ đến những lời chia sẻ hết sức chân thành của TGĐ Công ty Công nghệ Seespace, Thung lũng Silicon, Hoa Kỳ - Đỗ Hoài Nam trong lần ông phát biểu trước hàng trăm sinh viên tham gia Cuộc thi Khởi nghiệp Startup Discovery do Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức vào ngày 16/5/2015. 

Ông Đỗ Hoài Nam - vị lãnh đạo tiêu biểu về khởi nghiệp công nghệ cao tại thung lũng Silicon (Mỹ) từng bị chủ nhà trọ đuổi ra khỏi nhà lúc mới khởi nghiệp(Ảnh: tinhte.vn)
Ông Nam cho hay, từ những ngày đầu khởi nghiệp vào năm 1999, ông từng có hơn 2 năm ăn mì gói, uống nước lọc, thậm chí còn bị đuổi ra khỏi nhà vì không có tiền nộp cho chủ nhà trọ. 

Bí quyết thành công của tôi là ngay cả khi đứng trước hàng nghìn người kể về câu chuyện cuộc đời mình, khi đã được ở nhà lầu, đi xe hơi xịn, tôi vẫn luôn tìm lại cái cảm giác tôi và các bạn đồng hành trong nhóm khởi nghiệp giàn giụa trong nước mắt”, doanh nhân này chia sẻ.
 
Rõ ràng, nghèo không phải là cái tội và dám ước mơ, dám đeo đuổi đến cùng đam mê, ước mơ của mình thì lại càng không. Nếu cứ quan tâm người khác nghĩ gì về mình khi đó, hẳn ông Đỗ Hoài Nam không thể có được thành công như ngày hôm nay. 

Bạn có dám khác biệt như Phùng Đức Ninh? 

Ai đó từng nói rằng “bạn cười tôi bởi vì tôi khác biệt. Tôi cười bạn vì bạn như những người khác mà thôi”. Quả thật, câu nói ấy luôn đúng và chàng trai Jeff Scardino (Mỹ) đã chứng minh cho cả thế giới thấy điều đó với bản thông tin cá nhân (CV) xin việc tự nói xấu mình mà nhận được tới 8 lời mời tuyển dụng vào tháng 7 vừa qua.
 
Thay vì tự tô hồng CV, phô bày các khả năng, trình độ của bản thân theo cách truyền thống, Jeff Scardino đã thành thật “khai báo” tất tần tật “thói hư tật xấu” của mình để chứng minh quan điểm "sự thật luôn giúp bạn toả sáng". 

Anh thú nhận: "Trong một năm đầu làm việc tại công ty cũ, tôi không thể làm được việc gì ý nghĩa. Tôi không thể hoàn thành những việc mình muốn trước 30 tuổi dù chỉ còn một năm nữa. Tôi vẫn chưa viết xong quyển sách từ cả năm trước…”. 

Ông bố trẻ Phùng Đức N. cầm biển xin việc giữa ngã tư
Hay anh thừa nhận, anh không giỏi nhớ tên, thường vẽ trong giờ họp và năm đầu tiên tại Đại học của anh bị huỷ hoại vì đã hẹn hò với một cô gái quá tự do.

Trái với suy diễn của nhiều người về một bi kịch, các nhà tuyển dụng rất hứng thú với bản lý lịch thẳng thắn này và khen ngợi anh vì đã đi ngược với truyền thống.

Nói thật đi, bạn có dám khác biệt như Jeff Scardino hay đơn giản như Phùng Đức Ninh - Chàng trai không hề treo lên cổ mình tấm bằng đại học mà đòi hỏi, kén chọn phải cho tôi vị trí có mức lương tương đương tấm bằng này?
 
Làm ơn, những nỗ lực cuối cùng dù là yếu ớt với mong muốn gia đình, những người thân yêu có cuộc sống tốt đẹp hơn, sung túc hơn không có gì là sai cả! 

Ai nỡ ném một nụ cười mỉa mai vào một cậu chàng dám sống hết mình, dám thành thật với bản thân, gia đình và cả xã hội như thế? 

Bất cứ người mẹ nào hẳn cũng đôi lần dạy con mình từ lúc lọt lòng rằng: Chỉ có ăn cắp, ăn trộm mới đáng xấu hổ. 

Giữa những ồn ào nơi phố thị, những vội vã đời thường, người ta rảnh để dừng lại xem và bình phẩm một chàng trai trẻ cầm biển xin việc đứng giữa đường đến bạc nhược mà không chút động lòng trắc ẩn, hẳn người có vấn đề không phải là chàng trai kia. 

Thế giới đang đổi thay từng ngày. Hãy thôi nói về những tấm gương lớn đi lên từ hai bàn tay trắng bởi chẳng bao lâu nữa họ sẽ trở thành người thiên cổ. Lịch sử hiếm khi lặp lại và nếu có lặp lại, nó cũng sẽ theo một cách khác, rất khác. 

Vả lại, vị thần may mắn không phải lúc nào cũng “rảnh” để mỉm cười với tất cả chúng ta. Hãy nói về thực tại, về những con số biết nói như trong 3 tháng đầu năm, số lao động trình độ đại học, sau đại học thất nghiệp là gần 178.000 người hay 1% người giàu nhất thế giới đã chiếm hết 48% tài sản toàn cầu, bạn sẽ thấy không có gì tự nhiên mà thành ra thế. 

Sinh ra được lành lặn, được làm những điều mình thích, có cơ hội biến ước mơ trở thành hiện thực…đã là thứ may mắn xa xỉ mà không phải ai cũng có được. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc ta phải gánh trên vai trọng trách lo cho những người khác – yếu thế hơn. 

Tôi thấy người ta so sánh Ninh với người đàn ông bị down vẫn ngày ngày bưng bê, bán phở trong con hẻm nhỏ tại TP.HCM. 

Xin thưa rằng chúng ta may mắn hơn họ - được là người bình thường – nếu làm chỉ đủ ăn, đủ đáp ứng nhu cầu cá nhân thì có đáng sống không? Ninh cần một công việc đủ để nuôi sống cả gia đình anh và lo cho tương lai của cô con gái bé bỏng vừa đặt chân tới thế giới này nữa. 

Bởi vậy, không phải ngẫu nhiên mà Giáo sư Ngô Bảo Châu chia sẻ: “Mình phải biết là ngay cả cái đắng cay đó cũng nằm trong hạnh phúc. Vì đó là cuộc sống”.

Nếu bạn hùa vào đám đông – không rõ là ai – đấy để ném đá chàng trai tội nghiệp đang ở bước đường cùng, hãy nhớ rằng, bạn cũng không thể chịu trách nhiệm về cuộc đời họ thay họ.

Người viết bài này chợt nhớ đến những lời tâm sự dốc gan dốc ruột của tân cử nhân sư phạm “không tiền, không quan hệ” bị lạc giữa xã hội kim tiền. Từng câu từng chữ của chàng tân cử nhân – lẽ ra sẽ được xã hội trân trọng gọi là thầy – cho thấy sự bất lực không chỉ của chàng trai ấy. 

Thay lời kết, xin khép laị bằng lời chia sẻ của lãnh đạo tiêu biểu về khởi nghiệp công nghệ cao tại thung lũng Silicon (Mỹ) - Đỗ Hoài Nam để những ai còn băn khoăn việc cầm biển đứng giữa đường xin việc của Phùng Đức Ninh có đáng nhục hay không có thể tự tìm thấy câu trả lời: 

Tôi thấy các bạn rất giỏi, biết cách thể hiện bản thân, có quan điểm và chính kiến rõ ràng. Tương lai của các bạn rất tươi sáng. Nhưng đó chỉ là bộ phận nhỏ, không phải bức tranh phản ánh chung của cả giới trẻ.

Có một thực tế là khi người Việt ở một nhóm nhỏ họ luôn có khả năng để cạnh tranh với bất cứ nhóm nào trên thế giới. Nhưng chúng ta luôn thiếu một cộng đồng cùng nhau đi lên như vậy”. 

 nếu các bạn vẫn cứ khăng khăng rằng đó là sự nhục nhã, đáng xấu hổ, hẳn không còn từ nào để mô tả “nỗi nhục” của TGĐ Công ty Công nghệ Seespace, Thung lũng Silicon, Hoa Kỳ. 

Trước khi phán xét người khác, hãy là sự thay đổi mà bạn muốn thấy trong thế giới này! 

Bài viết thể hiện nhận thức, quan điểm, góc nhìn và cách hành văn của riêng tác giả. 

Gia Bảo

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.