3747. Gian nan những nẻo đường truy lùng nghi phạm

Gian nan những nẻo đường
truy lùng nghi phạm
Ghi chép của Ngọc Dương/PNTB
Minh họa. Ảnh PNTB
PNTB: Nói đến Công an bây giờ, trong xã hội có nhiều trạng thái tình cảm khác nhau, thậm chí ác cảm, bởi còn không ít bất cập trong công vụ. Nhưng ở đâu cũng có người tốt, người chưa tốt. Nếu trong lực lượng còn nhiều bất cập thì phải tìm nguyên nhân sâu sa của nó, chứ bản chất Công an khi lập ra đã là Công an nhân dân, có nhiệm vụ giữ gìn sự bình yên cuộc sống. Còn về phương diện cá nhân, họ là con cháu mình cả, con cháu cũng có đứa hay đứa dở…
Nhân kỷ niệm 70 năm ngày CAND (19/8), mình đăng lại bài viết cách nay 6 năm về một chiến sĩ CSHS trong ngành.  
***
Cao ráo, điển trai và có vẻ thư sinh, nên mới gặp, tôi không nghĩ trung tá Đỗ Mạnh Tiến lại chuyên làm cái công việc “quăng quật”, đi nhiều, trèo đèo, lội suối, ăn bờ, ngủ bụi…Đã hai mươi bốn năm trong ngành, từ lúc mới là một chàng trai 19 tuổi, nay đã “đầu bốn” có lẻ, mà Tiến chỉ xoay quanh nhiệm vụ trinh sát và truy nã nghi phạm.

Rót mời tôi cốc nước lọc, Tiến bày tỏ: “Vất vả lắm anh ạ. Nhưng em không hề ngại. Chỉ thương bà xã, nhiều khi em đi biệt tăm hằng tháng, ở nhà, Phượng một nách hai con, đứa  học lớp 4, đứa chưa đi học. Công ăn việc làm không ổn định, hợp đồng đại lí Bảo hiểm Prudential, thu nhập bấp bênh…Nếu không có sự chịu đựng, hi sinh của cô ấy, chắc nhiệm vụ được giao có lúc đến phải “chào thua”! Tiện thể tôi bình luận: “Hoá ra mọi đam mê của đàn ông, nếu không có sự chia sẻ của vợ thì cũng chẳng thành!” Tiến cười: “Anh nói đúng. Chẳng hiểu sao em có tính đam mê những công việc phiêu lưu, mạo hiểm ngay từ bé. Lúc mới mười một, mười hai chỉ thích đi rừng lấy củi, cấm chịu ngồi yên. Và một khi đã vào việc thì làm cho kì được, không xong không chịu! Hay là tại em cầm tinh con ngựa?”

 - Được nghe, cách đây độ nửa tháng, chú vừa lập chiến công bắt tên nghi phạm giết người, cướp xe ôm trốn thoát, bằng việc lùng sục đến 7 tỉnh, thành phố từ Thanh Hoá đến Đăk Lăk, Bình Dương… Mình muốn nghe chuyện “Nam du kí” này được chứ? Tôi đặt vấn đề.

Tiến nói, chuyện truy lùng nghi phạm đã có trên hai mươi lần “Nam du” rồi. Còn vụ án này xảy ra đêm 23/4/2009 ở Trung Chải, Sa Pa. Nạn nhân là người lái xe ôm. Hung thủ trốn mất, nhưng công an đã bắt được 2 tên tòng phạm, nên sớm phát hiện được tung tích đối tượng. Khi biết nghi phạm là Doãn Văn Tiến, tức Tùng làm nghề đánh giày, trọ ở tổ 14 phường Cốc Lếu, thành phố Lào cai, quê Thiệu Hoá, Thanh Hoá, thì mặc dù lúc đó chưa kịp lập Ban chuyên án, biết trách nhiệm của mình, Tiến đã báo cáo lãnh đạo đơn vị quyết định cùng một chiến sĩ trong phòng phi xe máy đi Thanh Hoá. Nắng tháng Năm đổ lửa xuống đường. Cái nắng miền trung như đốt da đốt thịt. Vừa đi vừa về hơn hai ngàn hai trăm ki lô met, nhưng kết quả chỉ thu thập được hoàn cảnh gia đình của nghi can và một số mối quan hệ xã hội, họ hàng của anh ta, giúp cho việc nhìn nhận sự việc một cách toàn diện hơn... Nhưng nghi phạm vẫn “bóng chim, tăm cá”. Tiến cho biết, có trường hợp kéo dài đến mười năm ấy chứ. Có lần đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh chất vấn Giám đốc Công an tỉnh là tại sao có vụ án rất nghiêm trọng mà các ông cứ “ngâm” mãi? Anh Ngọc chỉ biết trả lời: “Thưa đại biểu, chúng tôi vẫn đang tiếp tục điều tra…”

Sau chuyến đi Thanh Hoá nửa tháng ròng, tuy không tìm được nghi phạm, nhưng tổng hợp các thông tin, Công an nhận định hắn đã trốn vào Nam sinh sống. Giám đốc Công an tỉnh chính thức lập Ban chuyên án. Do tính chất nghiêm trọng của vụ án, lần đầu tiên Tiến được điều xe ô tô đi truy nã nghi phạm. Đó là chiếc xe chuyên dụng chở phạm nhân, già nua, khắc khổ và tốc độ tối đa chỉ 70 km/giờ. Nhưng Tiến bảo, được như thế là ưu ái lắm rồi. Đi cùng là chiến sĩ trinh sát Tạ Viết Duy và chiến sĩ lái xe Nguyễn Khắc Trung. Thế là “ba anh em trên một chuyến vô Nam”. Xe chạy thẳng vào huyện Ma Đrăk thuộc tỉnh Đăk lăk. Sau mười ngày tìm hiểu, được biết: năm 2005, Doãn Văn Tiến đã từng có mặt ở đây với một người cùng quê làm nghề trồng rừng…
    
Đến Ma Đrăk, Tiến bỗng nhớ lại mười năm trước, 1999, trong một chuyến truy nã tội phạm, đã có một kỉ niệm khó quên. Đêm hôm đó, anh phải cuốc bộ bốn mươi cây số từ cơ sở lên huyện. Khoảng 8 giờ tối, đang đi, anh thấy ngâm ngẩm đau bụng, nhưng vẫn phải ráng, không thể ngủ giữa rừng. Đến huyện, có chiếc xe máy đi thuê gửi ở đó, Tiến phi một mạch hơn trăm cây số lên đến bệnh viện Buôn Mê Thuột. Trời chưa sáng. Nhìn đồng hồ, 4 giờ. Vào khám, bác sĩ kết luận: “Ruột thừa… Phải mổ ngay!”. Tiến nói vui: “Thế là chả ai xui khiến, em đã tự nguyện “tặng” cho mảnh đất này khúc ruột thừa duy nhất của mình. Tỉnh lại em chán quá, nghĩ: “Tệ thật, mình đang thiếu bao nhiêu thứ, mà ruột lại… thừa!”.
   
Lần này trở lại Ma Đrăk, trong vai những cán bộ kiểm lâm đi thị sát, các chiến sĩ đã trèo đèo, lội suối đến tất cả các lán, trại của những người nhà và người cùng quê với đối tượng. Được biết: đối tượng đã có mặt ở nhà một chủ rừng là Tô Huy Sơn. Ông Sơn đã mua sắm quần áo và trang bị bảo hộ lao động cho hắn đi làm rừng, làm rẫy. Nhưng ở đây, khi làm xong một khu rẫy, những người làm thuê lại chuyển sang rẫy khác cách xa năm, bẩy thậm chí đến mười lăm, hai mươi cây số. Tất nhiên không phải quốc lộ thẳng băng, mà là những cây số đường rừng, gập ghềnh, khúc khuỷu. Họ phải ăn ngủ tại chỗ, ngày nắng, đêm sương…với những cái lán tuềnh toàng, không thể che kín được những cơn mưa rừng, gió núi. Đó là một địa danh rất ấn tượng: Rừng đặc dụng Hòn vọng phu, thuộc huyện Ma Đrăk, Buôn Mê Thuột, nghe phảng phất như ở Xứ Lạng.  Các chiến sĩ công an  đã “ba cùng” với họ, nhưng cũng hết cả đồ ăn. Làm bạn với “những người khốn khổ” này vừa thu thập được thông tin, vừa có cơ kiếm miếng. Những bát cơm họ chia sẻ với các anh đôi khi bị gió to cuốn đầy bụi đất, mà vẫn phải ăn, vì đói và chả nhẽ dân họ ăn được, mình lại không?
   
Một buổi trưa nắng cháy trời, hai anh em giấu xe máy vào bụi rậm trên đồi, tụt xuống một cái dốc độ bốn, năm trăm mét để kiếm lấy một chỗ nghỉ mát. Chiếc xe để bên này một khe nước, bên kia khe nước có người đang dọn nương. Vừa xuống đến chân dốc thì người dọn nương phát hoả. Lửa bốc lên rừng rực, lại được gió và “lửa trời” tiếp sức, nên đám cháy đang lan sang khu vực để xe máy. Tiến và Duy hốt hoảng chạy ngược lên dốc giữa trời chang chang nắng, nhằm mục tiêu cứu chiếc xe máy đi thuê. Mất nó, đâu phải chỉ là tiền, điều quan trọng là không còn phương tiện quay về huyện với độ đường gập ghềnh hàng trăm cây số, có nguy cơ không hoàn thành nhiệm vụ! Gắng hết sức bình sinh lao lên, chân tay Tiến bủn rủn, mồ hôi vã ra như xông hơi, sấp xuống mặt, tràn vào mắt cay sè, làm cho nước mắt được thể cứ dào ra. Cuối cùng cũng vượt lên được gần nửa cây số đồi dốc, vồ lấy cái xe máy, đạp nổ, lao xuyên qua những bụi cây dại sang vị trí an toàn. Quay lại, Tiến nhận ra một cô gái có bầu, bụng vượt mặt, run rẩy giữ chiếc xe máy mà ba bề, bốn bên thần lửa đang đùng đùng nổi giận! Hai anh em xông vào cứu cô gái cùng hai xe máy của dân thoát ra khỏi vùng lửa… Thật là một cú kinh hoàng!
  
Sau mười ngày ở Ma Đrăk, vẫn không tìm thấy thủ phạm, họ chuyển sang Di Linh (Lâm Đồng), bởi nhận được thông tin hắn có người nhà ở đây. Đến Di Linh, thì người nhà của đối tượng đã chuyển lên Đăk Nông, cách nơi này khoảng một trăm tám mươi cây số. Ăn trưa xong đi ngay, sau 8 tiếng đồng hồ tới thị xã Gia Nghĩa (Đăk Nông). Nhưng lại nghe: người nhà của hắn đã chuyển cư về Krông Buc (Đăk Lăk) rồi, bốn trăm cây số nữa!…Thế là đành quay xuống thành phố Hồ Chí Minh. Một tuần lễ, xác minh tất cả các quan hệ đều không tìm thấy dấu vết đối tượng. Tiếp tục quay lên Đồng Nai với một số địa chỉ nghi vấn, mất mấy ngày trời, vẫn trắng tay!
   
Ở huyện Dĩ An tỉnh Bình Dương có hàng vạn người dân Thanh Hoá đến làm ăn, sinh sống. Các anh đến đây phối hợp với công an huyện xác định một số địa chỉ  mà tập trung là xã Tân Đông Hiệp, nơi thấp thoáng có dấu vết đối tượng. Nhưng vẫn chim trời, cá biển nên lại chuyển sang huyện Thuận An. Sau khi báo cáo về lãnh đạo Ban chuyên án, ở đây khoảng tám, chín ngày thì họ xác định được đối tượng đã xuất hiện ở xã An Phú. Hắn trốn ở nhà cậu ruột là Nguyễn Văn Hiệu, tức Ngọc. Hai vợ chồng làm nghề ve chai. Nhưng lạ thật, mẹ hắn họ Lê mà cậu ruột lại họ Nguyễn! Quê gốc mẹ ở Thanh Hoá, còn quê gốc cậu ở Thái Nguyên? Hơn nữa trong lí lịch, không thấy mẹ hắn khai người em này. Vậy liệu có phải đó là đối tượng mà mình cần tìm không, hay lại…“bé cái nhầm?”. Mãi sau phải điều tra rất nhiều mối quan hệ mới biết người em của mẹ hắn đã đi làm con nuôi ở Thái Nguyên và đổi sang họ Nguyễn. Về hình dạng, Doãn Văn Tiến bây giờ đã như kẻ lột xác. Đưa ảnh ra hỏi, có người bảo không phải, có người nói “nom hao hao, chẳng biết có đúng không?” Ảnh của hắn tóc dài, nước da trắng trẻo. Còn bây giờ thì tóc cắt ngắn gọn gàng, da đen sạm, đầy nắng gió. Tên hắn cũng không còn là Tiến hay Tùng nữa, mà là Hoàng…Thật là trăm mối tơ vò! Công tác điều tra không cẩn thận có thể hoặc gây oan cho người lương thiện hoặc bỏ sót tội phạm.
  
Tuy nhiên, bằng “linh cảm nghề nghiệp”, Tiến vẫn tin hắn chính là Doãn Văn Tiến, nghi can gây án. Vì vậy họ vẫn kiên trì mật phục quanh ngôi nhà của anh Nguyễn Văn Hiệu, cậu ruột của Tiến. Hằng ngày, trong vai “vô công rồi nghề”, ngồi chơi xơi nước, lê la các quán cà phê quanh ngôi nhà “ve chai” kia. Gần một tháng trôi qua, đối tượng chưa thấy, mà mấy anh em đã… mắc “bệnh viêm màng túi” cấp, phải báo cáo về Ban chuyên án xin “cứu trợ”! Tiến cho biết, nguồn kinh phí truy nã của đơn vị “còm” lắm, đã tằn tiện hết mức mà có lần đang đi phải tạm bỏ cuộc! Trước tình hình đó, họ quyết định bước đột phá bằng tăng cường thực hiện công tác vận động quần chúng kết hợp nhiều biện pháp nghiệp vụ. Trong khi chờ đợi thì một nguồn tin ở Đăk Lăk báo cáo về là có đối tượng rất giống Tiến. Lập tức, quay xe lên Krông Bốc (Đăk Lăk), vào được đến nơi trọ thì đối tượng đã đi rừng mất rồi! Lại ngán ngẩm trước rừng núi mênh mông…Trong khi đang xác minh thì nhận được tin từ xã An Phú là “Hoàng” đã xuất hiện ở nhà cậu Hiệu của hắn. Thế là xe lại quay một trăm tám mươi độ, ròng rã mười hai tiếng đồng hồ mới về đến Bình Dương…Sau khi xác định Hoàng chính là Doãn Văn Tiến, nghi can vụ trọng án, họ phối hợp với chính quyền địa phương và công an xã An Phú quyết định bắt.
   
Khi lên trụ sở, Hoàng vẫn nhất quyết: “Các ông bắt nhầm người, tôi là Hoàng, chứ đâu phải Tiến!”. Nhưng rồi với những chứng cứ ban đầu, tại trụ sở Công an xã An Phú, huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương, Hoàng đành nhận mình là Doãn Văn Tiến, tức Tùng…

Trên đường về, để phòng bất trắc trước một nghi phạm trọng án, anh em đã tạo tâm lí thoải mái bằng cách động viên, thăm hỏi gia đình, cuộc sống, nêu chính sách khoan hồng của pháp luật…Qua đó đã biết thêm được nhiều điều. Tiến cho biết, mẹ hắn  đã đi hỏi một luật sư nào đó, bảo hắn có thể bị thụ án tử hình và bồi thường đến 200 triệu đồng! Vì vậy quá sợ, hắn phải mai danh ẩn tích. Hơn nữa là nhà con một, nên hi vọng trốn được, lấy một cô vợ, đẻ nhanh một thằng con nối dõi tông đường, nhỡ sau này có mệnh hệ gì thì cũng còn giữ được giống. Nhưng hắn chưa kịp lấy vợ…
                                                                           
*
Chỉ nghe một câu chuyện về việc truy lùng nghi phạm trong số trên 200 đối tượng ở tất cả các tỉnh, thành trong cả nước mà Tiến đã thực hiện, tôi nghĩ nếu viết ra hết các câu chuyện thì có thể được nhiều  cuốn sách. Trước khi dừng bút, tôi xin tiết lộ một quan niệm của Tiến về tính nhân văn trong việc xử sự với nghi phạm.

Trong đời làm “chiến sĩ truy nã” của mình, Tiến luôn đi sâu tìm hiểu đối tượng, nắm được hoàn cảnh, nguyên nhân gây tội của họ, nên đã thuyết phục được nhiều đối tượng tự ra đầu thú. Điển hình như N.T.L ở Sa Pa, phạm tội buôn bán và tàng trữ ma tuý đã trốn hơn mười năm, tận Đồng Nai. Trong thời gian gần đây, Vụ H. T. X ở Nam Cường, thành phố Lào Cai phạm tội buôn bán phụ nữ, chuyên sống chui lủi ở bên kia biên giới, thỉnh thoảng mới về chớp nhoáng, nên trinh sát của ta không bắt được. Tuy vậy, khi bố chết do tự vẫn, X. về chịu tang, Tiến lại không bắt. “Bốn chín ngày” về cúng cha, vẫn chưa bắt. Anh đã kiên trì chờ đợi đến kì “bách nhật” để X cúng cha rồi lên đắp mộ xong, nghĩa là đối tượng đã hoàn tất nghĩa vụ hiếu đễ của một người con, thực hiện xong hành vi đạo lí của một con người. Và khi chị ta xuống đến chân đồi, Tiến mới quyết định thực hiện công vụ của mình…
   
Chia tay với tôi, Tiến nói như một triết lí: “Trong thực thi pháp luật, người công an nhân dân rất cần một trái tim nhân hậu, bởi trong sâu thẳm, tình cảm mỗi con người đã tiềm tàng một sức mạnh còn hơn cả sức mạnh pháp quyền.”

Lào Cai, tháng 7 năm 2009/

Cảnh sát với dân như thế này
thì đúng là Công an nhân dân rồi.
Nguồn ảnh VNN

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.