3774. Người anh hùng - liệt sĩ áo chàm
Người anh hùng - liệt sĩ áo chàm*
(Viết về Liệt sỹ Hoàng Sào)
Ngọc Dương/PNTB
![]() |
Điểm di tích Khu căn cứ cách mạng Cam đường, tỉnh Lào Cai |
Sau Cách mạng tháng Tám (1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh
tuyên bố “Giải thể Đảng Cộng sản Đông Dương” nhưng thực chất Đảng đi vào hoạt
động bí mật. Mọi hoạt động của Đảng đều lấy danh nghĩa Mặt trận Việt Minh. Tuy
nhiên, cho đến trước Đại hội II của Đảng (2/1951), thời kỳ chưa ra công khai,
Đảng vẫn tiếp tục xây dựng tổ chức cơ sở và phát triển đảng viên để lãnh đạo
cuộc trường kỳ kháng chiến, gian khổ của Dân tộc.
Trên
tinh thần đó, Đảng bộ tỉnh Lào Cai được thành lập vào ngày 5/3/1947, tiếp theo
một số huyện ủy cũng được thành lập. Ngày 10/10/1948, tổ chức cơ sở đảng nông
thôn đầu tiên trong tỉnh được ra đời tại Khu võ trang tranh đấu Cam Đường (huyện Bảo Thắng). Những cán bộ tên tuổi như
Trần Long (Long Khánh) - Bí thư huyện ủy Bảo Thắng, Vi Văn Cắm (Quyết Chí), Mã Văn Vân (Tùng Quân), Nguyễn Văn
Đức (tức Ớt), Lương Văn Vần (tức Vĩnh), Sầm Văn Mòn, Trần Văn Khìu (Định Sinh),
Hoàng A Mây (Việt Sơn), Hoàng Văn Phìn (Quyết Thắng)…mãi mãi vẫn sáng danh
trong trang sử vàng của địa phương.
Cũng tại nơi đây, có một đảng viên trẻ kiên
trung, trở thành liệt sĩ đầu tiên trong cuộc kháng chiến chống Đế quốc Pháp của tỉnh
Lào Cai, để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng nhân dân các dân tộc trong tỉnh, đó
là liệt sĩ Hoàng Sào. Hoàng Sào hy sinh để lại câu nói bất hủ: “Thà tôi chết để Tổ chức** sống…”
Mùa Đông năm 1948, anh thanh niên Hoàng Sào,
người dân tộc Tày làng Hẻo mới hơn 20 tuổi. Anh được hít thở không khí cách
mạng ở địa phương, nơi chi bộ đảng nông thôn đầu tiên của tỉnh Lào Cai vừa được
thành lập. Hoàng Sào là một trong những người đầu tiên tham gia đội du kích Cam
Đường. May mắn, nhà Hoàng Sào được các đồng chí như Trần Long, Tô Vũ, Đinh
Chiêu…là những lãnh đạo ở huyện bộ, tỉnh bộ Việt Minh, những người từ vùng xuôi
được Trung ương cử lên xây dựng phong trào, chọn làm nơi ở và trở thành trung
tâm chỉ đạo phong trào cách mạng ở địa phương. “Gần đèn thì rạng”, Hoàng Sào
sớm được ảnh hưởng trực tiếp của những người cách mạng ngay tại gia đình, nơi
che giấu cho các đồng chí đảng viên hoạt động bí mật tuyên truyền tư tưởng
kháng Pháp, đánh đổ bọn cường quyền, ác bá ở địa phương, nhằm xây dựng cuộc
sống hòa bình, độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc. Từ sau Cách mạng, tỉnh Lào Cai
chưa được giải phóng, quê hương Hoàng Sào lúc này đang là vùng tề, do địch hoàn
toàn kiểm soát, bọn lý trưởng kỳ hào, tay chân của Thực dân Pháp vẫn tiếp tục
gây ra nhiều bi kịch cho người dân, như sưu cao, thuế nặng, bắt phu, bắt lính,
rồi bọn lính đồn Tây, nhiều khi ngang nhiên vào làng ghẹo gái, bắt trộm gà vịt…
Hoàng Sào tiếp thu ánh sáng cách mạng, được
phân công nhiệm vụ và anh hăng hái tuyên truyền để xây dựng lực lượng vũ trang khu làng Hẻo, làng Cóc, làng Pèng,
Đá Đinh, Cáng, Tượng, Kíp Tước, Nậm Rịa, Ú Sì Xung thuộc Khu vực Cam Đường.
Bằng những kiến thức sơ khai về độc lập dân tộc, đánh đuổi Thực dân Pháp, đánh
đổ lực lượng phong kiến, tay chân của thực dân và bằng ngôn ngữ địa phương, anh
đã giảng giải để đồng bào, nhất là lực lượng thanh niên ở các thôn bản hiểu
rằng, người Kinh, người Tày và các dân tộc phải đoàn kết với nhau, tạo thành
sức mạnh để đánh Tây và bè lũ tay sai nhằm lập ra chính quyền cách mạng của
nhân dân, đem lại tự do, hạnh phúc, mọi người dân đều có ruộng cày, có cơm ăn,
áo mặc, không bị đói, bị rách, không bị áp bức bóc lột…
Cụ
Sầm Văn Mòn, một trong 8 đảng viên của Chi bộ đảng nông thôn đầu tiên, cư trú ở
thôn Dạ 2, kể lại: Khi trở thành một trong những cán bộ nòng cốt của Khu cách
mạng, Hoàng Sào được kết nạp vào Đảng (Cộng sản Đông Dương) mà chính ông là
người giới thiệu. Do Đảng hoạt
động bí mật nên việc tổ chức kết nạp đảng cho Hoàng Sào cũng hết sức kín đáo,
vì thế nhiều người không biết Hoàng Sào là đảng viên. Ngay cả những người thân
cũng chỉ thấy rằng, anh luôn tích cực hoạt động, tận tâm tận lực với mọi nhiệm
vụ được giao, phong cách điềm đạm, chín chắn hơn…
Lúc ấy có một nhân vật trong hàng ngũ địch, một
cai dõng đóng ở Sa Pa, mà chủ trương của Thượng cấp đang cần lôi kéo hắn về
phía Cách mạng. Hắn tên là Vàng, thường gọi là Cai Vàng. Làm thế nào để chuyển
được lá thư hiểu dụ của Huyện bộ Việt Minh đến Cai Vàng là một vấn đề rất khó
khăn, nguy hiểm. Hoàng Sào được giao nhiệm vụ tìm người tin cẩn để chuyển lá
thư.
Sào nhớ đến Tẩn Kim Minh, một người bạn đồng
niên dân tộc Dao Đỏ. Minh là một thanh niên tốt, rất thân với Sào, đã được
tuyên truyền cách mạng, cũng là người hoạt động rất tích cực, Minh lại là em rể
của Cai Vàng. Dựa vào mối quan hệ này, Sào đã thuyết phục và được Minh đồng ý
trực tiếp mang thư của Huyện bộ Việt Minh từ tay Sào, mang lên Sa Pa
gặp anh rể. Sào tin rằng, nếu có vấn đề gì thì vì nể tình anh em rể mà Cai Vàng
sẽ không làm to chuyện.
Song, cuộc sống có nhiều điều bất ngờ. Sau khi
đọc thư của Huyện bộ Việt Minh huyện Bảo Thắng, Cai Vàng như vớ được vàng, hắn
không những không nghe lời hiểu dụ để đến với cách mạng, đến với Mặt trận Việt
Minh mà trái lại vẫn kiên trì cam tâm làm tay sai cho Thực dân Pháp. Hắn hy
vọng chính sự kiện này là cơ may để có thể tâng công với quan thày, hòng tiến
thêm những bước danh vọng. Hắn bất chấp mối quan hệ anh em rể, ra lệnh bắt giam
Tẩn Kim Minh.
Bọn thuộc hạ của Cai Vàng tra tấn dã man Tẩn
Kim Minh khiến anh không chịu nổi, buộc
phải khai người giao thư của Huyện bộ Việt Minh cho anh là Hoàng Sào. Bọn địch
cho rằng, Hoàng Sào là một nhân vật đặc biệt quan trọng và là đầu mối có thể
lần ra toàn bộ cơ sở hoạt động của Việt Minh trên địa bàn tỉnh Lào Cai, mà lâu
nay vẫn ám ảnh chúng như những bóng ma lẩn quất, nhưng có sức lan tỏa rất lớn
trong dân chúng, khiến chúng không thể ăn ngon, ngủ yên.
Một
buổi chiều mùa đông ảm đạm cuối năm 1948, Hoàng Sào bí mật đi tuyên truyền vũ
trang ở bản về, trên vai là một bó củi để ngụy trang. Bỗng anh giật mình nghe
tiếng hô đanh, gọn: “Đứng lại! Hoàng Sào, anh bị bắt!...”. Một tốp lính dõng
súng ống nhăm nhăm quây lấy anh, đặc biệt là trong tốp lính dõng đó lại có mấy
người quen trong xã. Chỉ huy tốp lính dõng là người Tày ở làng Cóc (do Tổ chức
của ta bố trí đưa vào hoạt động trong lòng địch) nhìn anh với gương mặt rất khó
tả rồi buông một câu như thanh minh: “Hoàng Sào à, chúng tôi được lệnh về bắt
anh ở đây!”.
Tối
hôm đó, trước khi dẫn giải Sào lên bốt thị xã Lào Cai, Tổ chức đã cho người bí
mật bàn với người chỉ huy tốp lính dõng về kế hoạch đánh tháo Hoàng Sào giữa
đường. Kế hoạch đó vừa bảo đảm cho Sào thoát nạn, vừa tránh sự nghi ngờ của
địch đối với những người “thực thi công vụ”. Tuy nhiên, Hoàng Sào đã khẳng khái
trả lời: “Không được, bọn địch sẽ nghi ngờ và tra tấn những người lính dõng đã
để tôi chạy thoát, họ có thể không chịu nổi và khai ra các cơ sở của ta, thà
tôi chết để Tổ chức sống.”
Sự
dứt khoát của Hoàng Sào là để bảo vệ an toàn tuyệt đối cho căn cứ địa cách
mạng. Có lẽ anh biết, dù mạng sống của mình là vô giá, không gì bù đắp được,
nhưng sự tan vỡ của Tổ chức và sự hy sinh của nhiều người còn lớn gấp bội. Vậy
là anh đã quyết định….Không còn cách nào khác, các đồng chí trong Tổ chức phải
ngậm ngùi vĩnh biệt Hoàng Sào!... Anh đã nhắn lại với Tổ chức: “Các
đồng chí cứ yên tâm, đừng lo cho tôi và dù có chết tôi cũng không để lộ đâu”.
Hoàng
sào bị đưa đi biệt giam ở thị xã Lào Cai, lúc đầu chúng hết sức dụ dỗ anh, hứa
sẽ cho nhiều tiền, bạc trắng và quyền chức nếu anh khai ra cơ sở của Việt Minh.
Nhưng Hoàng Sào chỉ nói: “Tôi là dân đói nghèo, chỉ biết cày ruộng, lấy củi,
chăn trâu, chứ không biết Việt Minh là gì”. Chúng bảo: “Thằng Tẩn Kim Minh nhận
thư chuyển cho Cai Vàng từ tay mày, mà lá thư là của tên trùm Việt Minh huyện
bộ Bảo Thắng. Vậy mày phải biết người đó là ai, ai đưa lá thư ấy cho mày, hiện
đang ở đâu?”. Sào vẫn từ tốn trình bầy: “Có một người Kinh tôi không quen, gặp
tôi đi lấy củi, thuê tiền bảo đưa cho thằng Minh làng Hẻo chuyển cho ông Cai
Vàng là anh rể của nó. Tôi đang nghèo, có người cho tiền thì làm, tôi có biết
họ là ai đâu?”… Biết Hoàng Sào còn trẻ, chưa có vợ, chúng còn hứa nếu nói thật,
chúng sẽ tìm những cô đẹp nhất ở trong làng, trong xã, thậm chí nếu thích gái ở
ngoài phố chúng cũng chiều… Nhưng tất cả những chiêu ngọt ngào nhử bằng “mồi”
tiền, chức quyền và gái đẹp, những thứ “bùa ngải” của con người cũng không lay
chuyển được Hoàng Sào, một nhân cách Cộng sản chân chính.
Nói
về sự hy sinh kiên cường của Hoàng Sào, ông Trần Văn Sẩu, người làng Dạ, nguyên
Bí thư Huyện ủy huyện Bảo Thắng kể: Chúng đã dùng dao cứa nát bắp chân anh rồi
lấy muối chà xát. Đau đớn đến tột độ, Sào đã ngất đi, tỉnh lại nhiều lần. Nhưng
bọn thực dân Pháp và lũ tay sai không cạy nổi răng anh để kiếm một chút thông
tin dù nhỏ nhất về căn cứ địa cách mạng Cam Đường, về những đồng chí cán bộ
Việt Minh thường xuyên ở nhà anh. Chúng vừa tra khảo vừa cắt gân Sào!... Nhưng
anh vẫn tâm nguyện câu nói của mình trước Tổ chức: “Thà tôi chết để Tổ chức sống…” và lời nhắn lại lúc chia tay: “Các đồng chí cứ yên tâm, đừng lo cho tôi và dù có chết tôi cũng không để lộ đâu”.
Sau
khi bị tra tấn dã man ở bốt Cốc Lếu, cũng như nhiều chiến sĩ cộng sản bất khuất
trước đó, biết không thể khuất phục được, kẻ thù đã nhét Hoàng Sào vào bao tải
mang ra cầu Cốc Lếu buông xuống sông Hồng. Đó là vào ngày 13 tháng 12 năm 1948.
Lại
một lần nữa dòng sông quặn mình đón lấy thi thể đau thương của một người anh
hùng vào lòng! Nước sông đỏ lựng như máu vẫn cuồn cuộn chảy…
Viết
tại Bắc Cường, TP Lào Cai, ngày 02 tháng 7 năm 2015
ND/PNTB
(*) Bài đã đăng trong Cuốn sách Lời dạy của Bác Hồ mãi soi đường cho Đảng bộ và nhân dân các dan tộc Lào cai Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, H, 2015.
(**) Do hoạt động bí mật, nên trong thời kỳ này đảng
viên chỉ dùng từ “Tổ chức” thay cho từ “Đảng”.
Nhận xét