3687. CHỦ TỊCH LỚP

CHỦ TỊCH LỚP

(Lọc Tin ngày 16/7). BY: CU VINH  ON: 21:56


PNTB: Hi hi... ở nước mình thời buổi này không ai có thể... buồn được. Ai vì lẽ gì mà buồn thì chịu khó vào mạng đọc tin sẽ có rất nhiều chuyện hài, cười vãi linh hồn ngay! Nhất là ngành Giáo dục. Có một số trong những tin dưới đây do Cu Vinh lọc chỉ trong 1 ngày đã thuộc loại đó rồi.

1.
Không chỉ là trên báo chí chính thống mà còn cả trên mạng xã hội, ồn ào, ngao ngán, xôn xao, hậm hực, bực bội, cáu kỉnh, làu bàu, càu nhàu với đủ trạng thái khi biết Bộ giáo dục đang làm dự thảo Điều lệ trường tiểu học trong đó có điều về việc bầu chủ tịch, các phó chủ tịch, các ban bệ lung tung lang tang trong một lớp học tiểu học theo mô hình nghe nói là của nước ngoài vác về.

Bình: Không dám bình, mà xin vái, vái các cô, các chú, các bác với tầm nhìn vĩ mô phối kết hợp với vĩ mò, dừng ngay cái thứ vớ vẩn này lại.
Chủ nghĩa hình thức đang là căn bệnh nan y ở nước nhà rồi, đừng tăng cường thêm nữa.

Hãy tìm cách để các cấp học thay đổi lại cách dạy và học, tiệm cận với sự tranh luận, với sự phản biện, thay vì cô nói trò chép thì biến những tiết học thành cuộc tranh luận, phản biện để khắc dấu kiến thức.

Hãy tìm cách để từng tiết học trở nên sống động, hấp dẫn và cuốn hút.

Hãy tìm cách trước khi nâng cao chất lượng biên soạn sách giáo khoa, thì hãy biên soạn đúng, đừng be bét sai ở nhiều sách như vừa qua.

Hãy tìm cách nâng cao thu nhập cho giáo viên.

Hãy tìm cách bớt đi sổ sách ghi chép đủ thứ bà rằn chẳng mang lại lợi ích gì, hãy bớt cho giáo viên thời gian chạy theo những phép thuật của hình thức, của sao chép, của báo cáo, dành cho họ khoảng trống nhiều nhất có thể để họ có nhiều thời gian hơn để đọc, để tự học, để thu xếp bài giảng lên lớp.

Hãy tìm cách gạt bỏ đi những khẩu hiệu, những đợt thi đua bằng giấy, bằng hô hào, tập trung vào chất, vào lượng, vào chỗ đứng của giáo viên.

Hãy tìm cách xóa bỏ đi cái kiểu đăng ký thi đua thi điếc, sáng kiến kinh nghiệm rồi người này chép của người kia, lớp giáo viên sau chép của lớp trước, giáo viên địa phương này xin của địa phương kia đang trở nên vô cùng bi hài và vô nghĩa lý.

Hãy tìm cách bớt đi những văn bản, những điều lệ, những tối kiến, những giải pháp tào lao, xa rời thực tiễn, ồn ào mà vô bổ để vì chất lượng giáo dục.

Đừng theo tư duy phong trào, bề nổi, xôi thịt, dẹp đi những cuộc bầu bán chủ tịch với lại chủ tịt ở trẻ con, ở đâu kệ họ, nước ta không phù hợp đâu, rồi lại tiêm nhiễm vào đầu óc trẻ con thói háo danh, thói gia trưởng, thói cửa quyền, thói độc tài ngay từ khi mầm non mới nhú.

Xin một vái.



2.
Vẫn giáo dục, nhưng là vấn đề tiền thù lao chấm thi, không thể tin được, quy định một đường, về mỗi nơi thực hiện một nẻo, tùy tiện, xâm phạm, lợi dụng, đồng tiền bồi dưỡng cho giáo viên chấm thi vẫn bớt ngược bớt xuôi, cố tình hiểu sai để lợi dụng là không thể chấp nhận được, thậm chí nếu phát hiện ra việc tham ô cần phải xử lý tới nơi tới chốn. 

+ Bức xúc thù lao chấm thi
Theo quy định, mỗi bài chấm thi, giáo viên được hưởng thù lao 18.000 đồng nhưng các cụm thi tại TP HCM chi trả thấp hơn nhiều, thậm chí môn ngoại ngữ chỉ 4.000 đồng/bài/2 giáo viên (http://nld.com.vn/…/buc-xuc-thu-lao-cham-thi-20150714221053…)

3.
Vẫn giáo dục, học 4 tháng lấy bằng thạc sĩ thì có mà rừng thạc sĩ à? Người ta lại đặt tên là thạc sĩ mi ni mới kinh:

+Chuyện lạ ở TP.HCM: học 4 tháng lấy bằng… 'thạc sĩ mini'

Không có chức năng đào tạo chương trình cao đẳng, đại học, thạc sĩ, nhưng Học viện lãnh đạo IFA- Viện Quản trị và tài chính (60 Nguyễn Văn Thủ, Q. 1, TPHCM) lại tuyển sinh, đào tạo chương trình thạc sĩ. Thêm một điều bất ngờ, IFA đào tạo chương trình thạc sĩ “có một không hai”: “thạc sĩ mini” chỉ học trong bốn tháng! (http://nguoidothi.vn/…/chuyen-la-o-tp-hcm-hoc-4-thang-lay-b…)

4.
Vẫn giáo dục, còn chi ở các trường nữa mà vẫn rút ruột hả trời:

+Được UBND TP.Pleiku và Sở GDĐT tỉnh Gia Lai cấp kinh phí nâng cao, sửa chữa cơ sở vật chất các trường mầm non, tiểu học và trung học cơ sở trên địa bàn thành phố. Số tiền nói trên, phát hiện bị “xà xẻo” hơn 300 triệu đồng, nhưng đã một năm trôi qua, không ai bị xử lý! (http://laodong.com.vn/…/21-truong-hoc-bi-rut-ruot-353360.bld)

5.
Như Đà Nẵng, chả cần ra Bộ quy tắc ứng xử lòng thòng và hình thức như Hà Nội đang làm mà chắc chắn cũng chỉ báo cáo cho vui, triển khai cho vui, chả đâu vào đâu, ở Đà Nẵng, mỗi việc đái bậy, anh nào, chị nào tè sai chỗ phạt 300 ngàn đồng một lần tè, nếu tè mỗi ngày 2 lần lung tung lang tang là phạt vị chi là 600 ngàn, rứa thôi.

+Tiểu bậy ở Đà Nẵng sẽ bị phạt đến 300.000 đồng

Ngày 15.7, UBND TP. Đà Nẵng cho biết sẽ ra quân thí điểm xử phạt hành chính hành vi tiểu tiện, xả rác không đúng nơi quy định trên địa bàn quận Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn.(http://sohaza.com/tieu-bay-o-da-nang-se-bi-phat-den-300-000…)

6.
Trong tất cả các công việc ở trong nước ta, cuối cùng, nghề đánh máy khổ sở nhất nhỉ, khi quan chức bí đường là y như rằng, phẩy tay tội tình sang anh đánh máy:

+ Ghi tăng số công tơ điện: "Do nhân viên đánh máy nhầm"

Thừa nhận việc “hóa đơn điện tăng cao vì ghi sai số công tơ”, Điện lực Hà Nội giải thích: Do thao tác nhập chỉ số vào máy tính của nhân viên có sai số và nhầm vị trí...(http://m.24h.com.vn/…/ghi-tang-so-cong-to-dien-do-nhan-vien…)

7.
Vụ án thảm sát 6 người ở Bình Phước, cơ quan điều tra cân nhắc để cho bị can thực nghiệm lại hiện trường, đó là việc nên làm và cần làm:

+Việc thực nghiệm điều tra là nhằm làm rõ các bị can trên đột nhập vào nhà bằng cách nào? Cách thức thực hiện hành vi giết người như thế nào? Bằng những loại hung khí gì? Tư thế thực hiện ra sao…

“Từ những nghi vấn trên, nếu như việc thực nghiệm điều tra mà các bị can không thực hiện đúng hoặc có nhiều mâu thuẫn thì cũng là những cơ sở để CQĐT xem xét còn những đồng phạm khác trong vụ án hay không và tiến hành mở rộng điều tra”, luật sư Thảo nói.(http://m.thanhnien.com.vn/…/can-nhac-thuc-nghiem-dieu-tra-t…)

PNTB: Còn đây là bài viết của nhà văn Sương Nguyêh Minh trên Fb của anh:

NGUY CƠ Ở BẬC TIỂU HỌC CÓ HÀNG CHỤC VẠN... CHỦ TỊCH TÍ HON.
“Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết, chức danh “Chủ tịch hội đồng tự quản” ở lớp tiểu học thay cho lớp trưởng... , ở nhiều trường trên cả nước trong mô hình VNEN. Theo Thứ trưởng, mô hình VNEN khởi nguồn ở Colombia từ những năm 1995-2000 để dạy trong những lớp ghép ở vùng miền núi khó khăn”
Tại sao Việt Nam không học các nền giáo dục tiên tiến như Phần Lan, Mỹ, Anh, Nhật Bản..., mà học Colombia - một nước lạc hậu cũng như Việt Nam?
Không phải đến bây giờ ngành giáo dục mới bắt đầu thực hiện “đề án” những chủ tịch tí hon, mà cái bộ giàu tai tiếng này đã “lặng lẽ” triển khai cách đây nhiều năm. Theo ông Phạm Ngọc Định (Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ GD-ĐT): “Mô hình trường học mới được Bộ GD-ĐT thực hiện thí điểm ba năm qua, từ chỗ triển khai tại 1.500 trường tiểu học ở nhiều vùng miền, hiện tại đã nhân rộng trên khắp cả nước. Ưu điểm lớn nhất của mô hình dạy học này là tập cho học sinh tự quản, tự học, biết làm việc nhóm, vận dụng sức mạnh tập thể trong các hoạt động, học tập, mạnh dạn nói lên ý kiến của mình...”. 
Nghe thì có vẻ ưu việt. Và ai cũng mong như vậy. Nhưng, từ lời nói đến kết quả việc làm đôi khi còn có khoảng cách chẳng bao giờ gần được. Bạn đọc không ngây thơ đến mức cả tin vào cái sự một tấc lên giời ấy, và chẳng tin mô hình trường học mới VNEN từ nước ngoài áp dụng vào Việt Nam... trao “quyền hành” cho các mầm non non nớt. Càng không tin tất cả các trường, các lớp đều răm rắp thực hiện mô hình này, sẽ có nơi làm tốt, có chốn làm không xong. Làm chưa tốt có khi lại là... phúc cho các em đấy!
Phụ huynh đóng tiền cho con em mình đến trường, thì có quyền đặt câu hỏi: Con nít tiểu học có cần thiết “Hội đồng tự quản” không? Lợi hay hại? Và nếu có thì hiệu quả đến đâu? Cái mà phụ huynh hiện nay đang quan tâm thiết thực là vấn đề đạo đức và chất lượng học tập của học sinh, rồi mới đến các hoạt động bổ trợ, hình thức bên ngoài. Một lớp học tiểu học có tới non nửa cán bộ các loại, gồm: Hội đồng tự quản, tổ, nhóm, ban chỉ huy đội thiếu nhi..., va vào đâu cũng thấy cán bộ nhí với các hoạt động kèm theo thì còn đâu là thời gian học và vui chơi?
Thói đời, đã bày ra nội dung gì, lập tức sẽ có hình thức tương ứng theo cùng. Tốt đẹp cũng có mà thô lậu, kệch cỡm, bi hài cũng không ít. Thực tế, đã thấy trong buổi bầu Chủ tịch, có lớp tiểu học trang trí rất long trọng, cầu kì; trên bảng chình ình dòng chữ: NGÀY HỘI TRANH CỬ CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG TỰ QUẢN. Cô giáo cười toe toét, còn các em trúng cử thì dụt dè, ngượng nghịu. Người ta đang bầu cử hóa, “tranh giành hóa”, và nhồi nhét ý thức công dân một cách khiên cưỡng cho các mầm non đất nước còn đái dầm. 
Từ trước đến nay, danh từ "Lớp trưởng" đã quá quen thuộc, chuẩn xác, giản dị, dễ hiểu; cùng với thành phần một lớp phó học tập, một lớp phó lao động, bốn tổ bốn tổ trưởng, thêm một quản ca nữa...; ai có việc người đó, rất đúng chức năng vai trò trong lớp học. Cái ban điều hành này thay đổi theo theo tháng, hoặc học kì, hay theo năm học là do tình hình thực tế mỗi lớp. Nơi nào làm bình thường thì thầy cô chủ nhiệm phải can thiệp sâu vào nội bộ, nơi nào làm tốt thì cũng là một hình thức tự quản, tự điều hành lớp. Cứ gì phải bày đặt nhiều thứ chức danh to tát, rối rắm. Nếu hướng dẫn đúng, cái ban tự điều hành lớp này có thể làm tốt chức năng, nhiệm vụ của “Hội đồng tự quản” theo mô mình VNEN.
Một thời, ở nông thôn, mỗi lớp tiểu học là một “Hợp tác xã măng non”, lớp trưởng được gọi là “Chủ nhiệm hợp tác xã” y như hợp tác xã sản xuất nông nghiệp vậy. Cũng quản lý, theo dõi, quản lý đi học sớm hay muộn, vệ sinh tốt hay kém, làm bài tập hay chưa, trong lớp ngoan hay nói chuyện riêng, hỗn láo?...vv. Mô hình ấy chết yểu lâu rồi! Nay nghĩ lại mới thấy buồn cười về sự ấu trĩ, sơ lược. Song nó chỉ là tự phát ở 1 số địa phương, hoặc nếu có hướng dẫn từ cấp trên nữa, thì chỉ là... hướng dẫn. Bây giờ lớp trưởng được gọi là Chủ tịch Hội đồng tự quản thì không phải là chỉ thị, hướng dẫn mà đã đưa vào... luật (dự thảo). Cái chức “Chủ tịch Hội đồng tự quản” ấy, số phận có như “Chủ nhiệm Hợp tác xã mầm non” ngày xưa hay không phải chờ thời gian trả lời. Nhưng, trước mắt phụ huynh vẫn phấp phỏng lo lắng tác động của nó đến quá trình hình thành tính cách, tâm hồn con cháu mình. 
Cái bệnh ngồi trên cao, “Xa thực tế, thơ vẫn hay/Ngồi nhà vẫn thấy mưa bay ít nhiều” thời nào cũng có, nhưng đời nay còn vẽ rắn thêm chân. Trẻ thơ như tờ giấy trắng, vẽ cái gì lên đó phải tính, phải nghĩ ngợi, con cháu chúng ta không thể làm vật thí nghiệm cho những việc làm thiếu khoa học của một số chuyên gia bắt chước. Cái “Hội đồng tự quản” ấy bắt nguồn từ đâu? Đề tài khoa học quốc gia, hay cấp bộ, tác dụng ảnh hưởng của nó như thế nào..., nên công bố cho toàn dân biết và để phụ huynh lựa chọn. 
Trẻ thơ đi học đã khoác cả ba lô sách vở trên vai, học đến mức lưng gù, mắt cận... Bây giờ, người lớn còn nghĩ ra những việc “tày đình”, rối rắm để con em chúng ta thao tác. Trẻ thơ chỉ nên học và chơi; bồi dưỡng kĩ năng sống thì đưa vào ngoại khóa. Dù là “Hội đồng tự quản” thì vẫn phải tự phải điều hành... truy bài, trả bài, giám sát, theo dõi, quản lý...tất cả học trò trong các buổi đến trường. Coi như thành lập một hệ thống học trò quản lý nhau nữa bên cạnh nhà trường. Vô tình đưa trẻ em vào vòng quản lý, giám sát áp đặt, vào giáo dục cưỡng bức... Còn đâu là tuổi thơ? Ấy là chưa nói, trước đây cô thầy sát sao học trò, bây giờ giao cho “Hội đồng tự quản rồi”, thì giáo viên bình chân như vại, thời gian nhàn rỗi, nếu người có lương tâm sẽ ngồi đọc sách, nâng cao chuyên môn, người ất ơ sẽ tranh thủ đi chợ, nháo về làm việc nhà, hoặc ngồi tán gẫu.
“Lớp trưởng” được gọi là... “Chủ tịch” không chỉ là câu chuyện ngữ nghĩa to đùng, rỗng tuếch, điển hình của thói danh gia vọng tộc, mà còn ảnh hưởng tác động đến tính cách, tâm hồn trẻ em - những công dân làm chủ đất nước trong tương lai. Đã có chủ tịch, ắt phải có 1 hoặc 2 phó chủ tịch, rồi các ban bệ trong lớp cồng kềnh, nhiêu khê... Cái căn bệnh hành chính nặng nề, quan liêu ở ngoài xã hội..., lại được bê vào trong lớp học của các bé. Xưa nay, phàm là có chức là... có quyền. Ai cũng có tuổi thơ đi học. Có ai trong đời mình không chứng kiến hình ảnh bạn lớp trưởng bé hin hin cũng uy quyền, hống hách, hạch sách, bắt nạt các bạn trong lớp ra phết? Bây giờ, cho học sinh tiểu học thêm cái chức Chủ tịch Hội đồng, nghe lớn lao to tát quá, quyền uy quá..., rất dễ khiến các em ảo tưởng về quyền lực sát phạt... Được phong chức Chủ tịch theo mô hình VNEN, các bé còn non tơ, cứ nghĩ Chủ tịch là oai, mang tâm thế của kẻ bề trên lúc nào không hay, rồi “tác oai tác quái” lúc nào chẳng biết. Bạn tôi là nhà văn Nguyễn Song Hào kể rằng: “Cháu bé nhà tôi bị sốt mấy hôm, nợ bài tập về nhà hơi nhiều. Tôi đã chứng kiến ánh mắt sợ sệt của con tôi...như van nài, lại có cả uất hận... trước lời hô dõng dạc truy xét của Hội đồng tự quản. Hệt như chị Dậu thiếu sưu thuế. Đấy là mô hình VNEN.” Tôi rất mong cái điều mà anh bạn tôi nói chỉ là số ít trong số hàng ngàn trường tiểu học đang thí điểm mô hình VNEN mới mẻ này.
“Hội đồng tự quản” tiểu học có cuốn phụ huynh vào vòng xoáy tranh giành quyền lực cho con cái bé bỏng ngây thơ? Thói xấu muốn làm quan bằng mọi giá của người Việt từ thời xưa, bây giờ vẫn mang cảm thức như thế. Không hiếm phụ huynh muốn con mình làm lớp trưởng, nên gặp gỡ thầy cô chủ nhiệm xin xỏ, đút lót. Bạn tôi là nhà thơ Mai Phương Thái dạy môn mỹ thuật ở tiểu học. Chị bảo mấy chục năm nay chị chứng kiến bao nhiêu “cuộc tranh dành quyền lực” bất phân thắng bại của các trò tí tuổi. Có em năng lực yếu, sức khỏe và học lực cũng yếu, nhưng bố mẹ rất máu, cứ một hai xin cô giáo chủ nhiệm cho con mình làm lớp trưởng. Thật khổ! Ra giữa đám đông, em ấy cứ ấp a ấp úng, không hô hoặc nói một câu nào cho dõng dạc. Cái “bệnh” xin cho con làm lớp trưởng cũng chẳng hiếm ở các vị giáo viên. Vì cùng là ngành cùng trường, nể nang, nên cho con đồng nghiệp làm lớp trưởng, dù năng lực yếu. Thế rồi trong lớp, cô giáo chủ nhiệm vẫn cắt cử một em khác có khả năng hô to, dõng dạc, học lực tốt hơn "quí tử” của cô giaó kia. Tình trạng mỗi lớp có hẳn... hai lớp trưởng xuất hiện. Chị bạn tôi đi dạy, bất ngờ vì có đến hai em cùng đứng dậy hô to: "Cả lớp... đứng dậy". Buồn cười quá! Chị bạn tôi hỏi: "Thế bạn nào là lớp trưởng thật?" Thì nhận được câu trả lời rất hồn nhiên từ các em: “Thưa cô bạn B ạ! Bạn A được làm lớp trưởng chỉ có cái danh thôi ạ, mà không làm gì ạ!” Chị bạn tôi bảo: Cái bệnh háo quan từ phụ huynh truyền cho các em, các em bị tiêm nhiễm thói quyền hành, hống hách, chứ bản thân các em có tội tình gì đâu. Câu chuyện này vừa hài hước, vừa xót xa. Mới có cái chức lớp trưởng bé tí mà phụ huynh đã khát như thế, thì cái danh “Chủ tịch Hội đồng tự quản”, về chức năng nhiệm vụ có thể nó khác với “Lớp trưởng” nhưng cũng chỉ là quản 35 em, vẫn hấp dẫn quyến rũ phụ huynh biết bao nhiêu. Rồi sẽ bao nhiêu người “chạy” để cho con cháu mình làm... chủ tịch. Phụ huynh đã tự mình cuốn vào vòng xoáy quyền lực như thế, trẻ thơ sẽ đi tiếp bước cha ông mình ra sao? Ngành giáo dục nên ngăn chặn tình trạng này, nếu phát hiện nó xảy ra!
Tập làm việc tập thể theo nhóm để tăng khả năng liên kết, sức mạnh tập thể là tốt. Không thiếu gì cách rèn luyện kĩ năng sống cho trẻ em. Phải rất cảnh giác, nếu vô tình biến trẻ con thành các ông bà quan tí hon trong một xã hội... háo quan chức sẽ là sai lầm của giáo dục.


Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.