4423. Điếc tai cày, sáng tai họ

Điếc tai cày, sáng tai họ
Trịnh Kim Thuấn /PNTB

Người nông dân Việt Nam sáng tạo ra câu thành ngữ nầy trong lúc đi cày ruộng. Về nghĩa đen là mắng con trâu lười, giục cày thì giả vờ điếc, nhưng giục họ (dừng lại) thì rất “sáng” tai. Tuy nhiên, nghĩa bóng là để chỉ những kẻ lười biếng, vụ lợi, bảo làm cái gì không có lợi thì “điếc”, nhưng hễ cái gì ‘có màu’ thì nhanh lắm. Ở miền Bắc còn có câu: “Giã gạo thì ốm, giã cốm thì khỏe”. Chả là giã gạo thì không ăn ngay được nên giả vờ ốm, rên hừ hừ, nhưng bảo đi giã cốm thì…khỏe re!
Cũng là một chính quyền, nhưng có hai việc, một thì chậm rì, giả vờ “điếc”, một thì lại quá nhanh, vừa có chủ trương cho làm dự án là “Sáng tai, sáng mắt, sáng lòng”, nhanh như chảo chớp.

Việc thứ nhất: “điếc”:
Bản tin 9h30 sáng 21/5/2015 trên VTV1: “Ở Thủ đô Hà Nội có một ngôi làng “năm không”: - Không hộ khẩu, không giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, không đăng ký kết hôn, không giấy khai sinh, không được đi học đúng tuyến... Đó là "5 không" mà hàng nghìn người dân tại hai phường Khương Đình và Khương Trung (quận Thanh Xuân) đã và đang tiếp tục gánh chịu”. Mới nghe có vẻ khó tin, nhưng đó lại là sự thật. Bằng chứng đây:
(HNM)- Không hộ khẩu, không giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, không đăng ký kết hôn, không giấy khai sinh, không được đi học đúng tuyến... Đó là "5 không" mà hàng nghìn người dân tại hai phường Khương Đình và Khương Trung (quận Thanh Xuân) đã và đang tiếp tục gánh chịu.

Sự việc bắt đầu từ năm 1991 - 1992, khi nhiều hộ dân chọn mua đất tại xã Khương Đình theo chủ trương giãn dân của thành phố. Thời điểm đó, một số cán bộ xã có sai phạm trong quản lý đất đai đã bị đưa ra xét xử. Ngày 28 và 29-9-1995, tại phiên phúc thẩm, TAND thành phố ra bản án số 757, tuyên thu hồi toàn bộ khu đất Đầm Hồng - Đầm Sen nhưng lại không chỉ rõ mốc giới và diện tích đất phải thu hồi. Hậu quả của bản án "tù mù" này là hàng nghìn người dân phải sống cảnh bất hợp pháp ngay trên đất Thủ đô...

 Làm việc gì cũng không xong!

Nằm cách trung tâm thành phố chỉ vài kilômét nhưng cuộc sống của người dân xung quanh khu vực Đầm Hồng - Đầm Sen thuộc địa bàn hai phường Khương Đình - Khương Trung (quận Thanh Xuân) chẳng khác "vùng sâu vùng xa". Giữa trưa nắng, con đường chi chít "ổ voi", "sống trâu" dẫn vào tổ dân phố số 9 - Khương Đình bụi mù mịt sau mỗi vệt bánh xe. Hai bên đường là những túp lều dựng tạm xiêu vẹo... 
…Ông Đặng Hồng Thái cho biết, quận đã kiến nghị thành phố điều chỉnh quy hoạch khu Đầm Hồng, Đầm Sen, trên cơ sở cho phép tồn tại những khu vực có nhà dân đang ở, khu vực khác được tiến hành theo quy hoạch phù hợp thực tế; đề nghị cơ quan chức năng sớm xem xét lại toàn diện bản án, đặc biệt là những khu vực chịu ảnh hưởng để có phương án khả thi, bảo đảm cuộc sống của người dân và tạo điều kiện thuận lợi cho chính quyền địa phương trong công tác quản lý. Bảo Nga - Chí Kiên” (Trích báo Hà Nội mới, ngày thứ Tư, 17/9/2014)

Giời ạ, chỉ việc hợp thức hoá thủ tục hành chính cho bà con Đầm Hồng – Khương Đình để bà con không phải chịu cảnh “5 không” mà khó lắm thay!? Đã trên 20 năm, đến nay cũng chưa thấy gì sáng sủa, may mà nay có mấy mấy phút tin ngắn của VTV1 nên bàn dân thiên hạ lại có dịp được thấy một nghịch lý tại Thủ đô.  Hay là vì làm việc này những người thực thi công vụ không xơ múi gì, chỉ có lợi cho dân nên mới “điếc” lâu đến thế?

Việc thứ hai: “sáng”:
Trái lại, cũng chính quyền này thì có việc lại rất “sáng”, rất nhanh. Ấy là Dự án thay thế 6700 cây xanh khởi động đầu năm 2015 làm rung chuyển dư luận và cả thế giới đều biết.
Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia:Vụ chặt 6700 cây xanh tại Hà Nội là một kế hoạch bắt đầu được Sở xây dựng Hà Nội thực hiện vào tháng 3 năm 2015. Theo đề án "cải tạo thay thế cây xanh" của Sở Xây dựng Hà Nội năm 2015, thủ đô sẽ trồng lại hơn 6.700 cây xanh trên 190 tuyến phố, với nguồn kinh phí thực hiện hơn 73 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc thực hiện này đã gây nhiều bức xúc và xôn xao dư luận trong và ngoài Việt Nam.
Theo Phó Ban Tuyên giáo Thành ủy Phan Đăng Long, các cây bị chặt hoặc vì sâu mục, hoặc không đúng chủng loại thích hợp với đô thị văn minh. Trên cơ sở đó, công ty Công viên cây xanh tìm hiểu và thay thế cây. Kế hoạch này được thực hiện không lấy tiền từ ngân sách quốc gia, mà là xã hội hóa, cụ thể việc chặt cây ở đường Nguyễn Chí Thanh là do tư nhân, các doanh nghiệp bỏ tiền ra. 

Thông báo khai mạc: không phải hỏi dân

Theo kế hoạch của sở xây dựng Hà Nội, cây xanh trên đường Lê Duẩn, Nguyễn Chí Thanh sẽ bị chặt hạ và thay thế bằng những loại cây khác để "phù hợp với cảnh quan và quy hoạch của thủ đô".
Trao đổi bên lề với báo chí Hà Nội chiều 17/3, Phó Ban Tuyên giáo Thành ủy Phan Đăng Long cho biết, việc chặt cây để thay thế cây khác ở Hà Nội do cơ quan quản lý quyết định, không cần thiết phải hỏi ý kiến người dân…”
Chắc là nếu hỏi dân thì sợ chậm quá không kịp đốn, ảnh hưởng tiến độ? Hay là sợ hỏi thì dân phản ứng không cho làm, nên cứ "tang... tang... tang..." cho nhanh.
Tờ Petrotimes trích lại của tờ Năng Lượng Mới, “chỉ trong một thời gian ngắn mà lực lượng chỉnh trang đô thị đã “chặt phăng” khoảng 2.000 cây, trong đó có rất nhiều cây cổ thụ, cây có giá trị.  Ồ, sao cái việc này thì nhanh thế? Giá việc giúp người dân Đầm Hồng, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân không còn trên cổ cái ách 5 không kể trên mà cũng nhanh như việc chặt cây thì có phải tốt không?
Thật là nghịch lý, chính quyền ‘của dân, do dân, vì dân’ mà những thứ dân cần thì chậm như rùa, một việc cỏn con 20 năm vẫn chưa giải quyết, trái lại, cái dân chưa cần thì lại “nhanh nhẩu đoảng”! Thế mà cứ bảo học tập và làm theo tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh: “Việc gì có lợi cho dân thì hết sức làm, việc gì có hại cho dân thì hết sức tránh”. Toàn bắn súng sậy!
Thời gian này nhiều người dân đang mong:
- Trường mẫu giáo 7 tỷ đồng ở thủ đô bị bỏ hoang vì khâu giải phóng mặt bằng, sớm được làm nhanh…
- Bệnh viện Tây Đô tại Cần Thơ trị giá 300 tỷ đồng bị bỏ hoang, vì không được cấp phép kinh doanh mới… Vụ án nội bộ của Bệnh viện cũng đã xử xong, Ban lãnh đạo mới đã có (hợp lệ) mà tại sao không làm nhanh đi để giảm bớt  việc quá tãi bệnh viện? Nếu Thành Uỷ, UBND, Sở Y Tế  Cần Thơ  không giải quyết được thì Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến 'xắn tay áo' vào cuộc xem nào. Chuyện nầy mà làm nhanh thì dân được nhờ đấy.
Quả là câu thành ngữ “Điếc  tai cày, sáng tai họ” bây giờ nó ám vào nhiều quan chức quá!

21/5/2014  TRỊNH KIM THUẤN/
PNTB


Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.