4283. Vị tiến sĩ "từ quan" và câu chuyện "Cơm có thịt"

Vị tiến sĩ "từ quan" và câu chuyện "Cơm có thịt"
Tổng hợp và giới thiệu: Chử Thu Hằng

Khi biên soạn nội dung bài giới thiệu về Trần Đăng Tuấn, chúng tôi vào Google gõ tên ông. Trong 0,15 giây, công cụ tìm kiếm cho 30 triệu 600 nghìn kết quả về ông. Trong đó, thông tin chủ yếu xoay quanh hai “sự kiện” nổi bật, đó là ngày ông “từ quan” và Dự án “Cơm có thịt” do ông khởi xướng.

 Kẻ sĩ...
Vị tiến sỹ xin “từ quan” là Nhà báo Trần Đăng Tuấn, nguyên Phó Tổng Giám đốc Thường trực Đài Truyền hình Việt Nam (hàm Thứ trưởng). Ông sinh năm 1957, là tiến sĩ chuyên ngành truyền hình đầu tiên của Việt Nam, được đào tào tại trường ĐH Tổng hợp Lomonosov và Viện Hàn lâm Khoa học ở Liên Xô. Về nước, ông giảng dạy tại Trường Tuyên giáo Trung ương (nay là Học viện Báo chí Tuyên truyền). Năm 1989, ông sang làm việc tại Đài Truyền hình Việt Nam (VTV). Năm 1996, khi 39 tuổi, trên cương vị là Phó Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam, ông đã xây dựng các chiến lược phát triển cho VTV giai đoạn từ 1996 đến nay. Ngày 24/8/2010, ông  gửi đơn xin thôi việc trình lên Thủ tướng Chính phủ. Ngày 3/11, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ký quyết định để ông Trần Đăng Tuấn thôi giữ chức Phó Tổng giám đốc VTV.

Sự kiện” Nhà báo Trần Đăng Tuấn xin thôi việc thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận trong và ngoài nước. Xưa nay, ở ta, để có chức vị, có kẻ phải dùng thủ đoạn, kể cả những thủ đoạn đê hèn, độc ác để giành giật. Vậy mà một vị hàm Thứ trưởng, ở tuổi 53 lại xin thôi việc thì lạ lắm thay; thì mọi người muốn biết vì sao có chuyện lạ như vậy?

Trên các báo và các trang mạng xã hội dịp đó rộ lên những thông tin, bình luận, lí giải về “sự kiện” này nhưng toàn đồn đoán. Duy nhất, trên tờ VTC News, ông Trần Đăng Tuấn có cuộc trò chuyện với đồng nghiệp mà VTC News cho là “độc quyền”. Gọi là “độc quyền”, nhưng  khi phóng viên VTC News hỏi lý do ông rời xa Đài Truyền hình Việt Nam, nơi ông gắn bó và góp công gây dựng hơn 20 năm qua? Thì ông Tuấn  trả lời rằng: “Nếu thay đổi môi trường làm việc để được nhìn nhận cuộc sống từ những khía cạnh, góc độ khác, để thêm những trải nghiệm khác, thì đó cũng là việc đáng làm”.

Trong các bài viết về ông Tuấn mà chúng tôi cập nhật, có lẽ  bài “Chợt nghe tiến sỹ từ quan” của Nhà báo Xuân Ba, đăng trên trên Tiền Phong (ra ngày 1/9/2010)  là sâu sắc, tinh tế và ấm áp hơn cả. Đọc bài của Nhà báo Xuân Ba, bạn đọc hiểu được phẩm chất, năng lực, cốt cách của vị tiến sỹ “với nụ cười cố hữu nửa miệng nhưng cởi mở”.  Dù vậy, bạn đọc vẫn  đồ rằng, phải chăng, việc ra đi của ông Tuấn ấy là “kẻ sĩ khôn ngoan thì phải tìm được minh chủ mà thờ...” (?)
TS. Trần Đăng Tuấn và tác giả Chử Thu Hằng
               
CHỢT NGHE TIẾN SỸ TỪ QUAN    Xuân Ba

Năm đã xa ấy, tôi được nhập vào một nhóm công tác có những Đỗ Quý Doãn, Vũ Duy Thông, Hữu Ước, Trần Đăng Tuấn... Thời điểm ấy, Hồng Kông Ma Cao còn chưa về với Trung Hoa lục địa nên có lắm thứ bắt mắt cánh viết lách. Nhóm công tác khi đó chưa có vị nào là quan to những là tướng lĩnh cùng thứ trưởng này khác nên xuyên suốt chuyến đi là những xôm tụ cùng là những tở mở thân tình.

Chả phải là lần đầu nhưng đận ấy có lẽ là những lần được ngồi lẫn nằm lâu lâu với Trần Đăng Tuấn. Mới tứ thập nhưng Tuấn đã chững chạc ở vị thế Phó Tổng Đài THTW. Biết thêm Tuấn có lắm lắm kỷ niệm ở xứ Nga La Tư thời gian tu nghiệp báo chí tại Lomonosov và làm Tiến sĩ báo chí bên đó. Với phần đông các nhà này khác cầm bằng TS bên xứ Đông Âu nhất là Liên Xô, biết được địa vị thấp tịt của mình, tôi luôn có sự kính cẩn như các cụ dạy là kính nhi viễn chi (đứng xa mà ngó). Với Tuấn, lại thêm cả cảm giác khó gần? Nhất là cái cung cách cứ ngang ngang gióng một, đôi khi lại nhát gừng...

Nhưng với ông TS báo chí này, không mấy lâu lắc, dần dà tôi đã vun được cảm giác kính nhi cận chi thân gần lúc nào! Có lẽ chả phải mớ kiến thức lúc nào cũng bề bộn trong đầu ông TS mà Tuấn cởi mở và chia sẻ với anh em bạn bè những nhận xét khá sắc? Tỷ như đi coi cái nhà thờ đổ nát tại Ma Cao, không biết Tuấn găm trong đầu từ bao giờ chi tiết có cha cố người Việt từng hành đạo tại đây. Ngó qua những sòng bạc tầm cỡ thế giới ở Ma Cao, Tuấn xa xôi về những cái van xả van xì chi đó ở một xã hội hiện đại! Rằng mai kia ở xứ mình ai dám chắc rằng nó không có những cái van đại loại vậy?
   
Lại tò mò được biết Tuấn từ cậu học sinh giỏi của trường Lê Hồng Phong Thành Nam bước thẳng vào cơ chế học hành đào tạo thế mà không biết tại sao lại có khiếu quản lý? Tôi không rành lắm những khúc nhôi làm nên những nắc nỏm này khác của đồng nghiệp về một anh Phó Đài TH cứng tay này khác.

Có lẽ những ngày thường mờ nhạt của Trần Đăng Tuấn ở Trường báo chí T.Ư đã sáng đã cháy lên khi về làm việc ở Đài TH. Người coi ti vi những năm đầu 90 bắt mắt ưng tai với một BLV Trần Đăng Tuấn về mảng chiến sự Irak. Rồi nghe đâu trong thời gian ấy, Tuấn là một trong những người quyết liệt nêu ý tưởng và thực hiện việc mở nhiều kênh sóng truyền hình từ điểm xuất phát VTV chỉ có 1 kênh, phát sóng vài tiếng trong 1 ngày.
 
Không biết có chính xác không nhưng nghe nói Tuấn là người đề xuất ý tưởng tự thu, tự chi trong bối cảnh công tác quản lý báo chí còn khắt khe? Lại nghe nói Trần Đăng Tuấn đã bảo vệ thành công trước Chính phủ đề án để truyền hình Việt Nam có được doanh thu hơn 2.000 tỷ tự lo tiền lương và tái đầu tư? Cái năm mà Trần Đăng Tuấn đóng chức PhóTổng đài TH là năm Tuấn mới 39 tuổi. Là một trong những người thành lập ra VTV3 và tố giác với thiên hạ những MC những BTV, BLV bắt mắt Văn Sâm, Tạ Bích Loan, Nguyễn Thanh Lâm .v.v.
 
Chuyến đi ấy nhóm công tác cũng qua đại lục Trung Hoa đến cả Thâm Quyến Bắc Kinh. Bữa ấy ở Bắc Kinh tại một hiệu thư pháp Tàu, tôi thấy Tuấn cứ ngây người trước một bức tranh. Nói là quốc họa cũng chả phải nhưng hình như đã quá quen mắt với mọi người bức tam cố thảo lư về tích Lưu Huyền Đức đi cầu người hiền từng đứng chôn chân trước lều tranh của Gia Cát Khổng Minh.
 
Tôi ngạc nhiên làm chi mà Tuấn phải đứng ngây ra như thế? Khẽ hích Tuấn thì anh chỉ vào dòng chữ mé dưới bức tranh viết theo lối thảo. Tò mò coi kỹ thì người ta trích lời bài hát của Khổng Minh Phượng ngao tường ư thiên nhận hề, Phi ngồ bất thê! Sĩ phục xử ư nhất phương hề, Phi chúa bất y! Lạc cung canh ư lũng mẫu hề, Ngô ái ngô lư. Liêu ký ngạo ư cầm thư hề, Dĩ đãi thiên-thì... Lời ấy đại ý rằng, chim phượng (loài chim khôn) chỉ chọn cành ngô (ngô đồng) mà đậu! Kẻ sĩ khôn ngoan thì phải tìm được minh chủ mà thờ...

Minh chủ? Đề tài ấy dường như được khơi được nối khá lâu khi chúng tôi trở về nhà nghỉ! Mà chủ trò mà xôm tụ vẫn là nhà thơ Vũ Duy Thông và Trần Đăng Tuấn. Chao ôi nghe hai ông lắm chữ đang hào phóng thả lời về những minh chủ xưa nay, tôi thầm nghĩ, các ông có nói chi thì nói, khoe gì thì khoe chính các ông cũng phải rèn phải sắm cho mình tư thế và phẩm cách của thứ na ná như minh chủ! Chứ còn gì?

Vũ Duy Thông khi đó chức tước chưa lớn nhưng cũng là một yếu nhân của Ban Văn hóa tư tưởng. Nếu chả may kém đi sự đồng cảm thông cảm kể cả sự thưởng phạt nghiêm minh rạch ròi biết người biết ta với đám ký giả hay các Tổng Biên tập thì cũng phiền phức rắc rối thay! Còn ông Phó thường trực đài tivi Trung ương kia, đang đóng cái ngôi dưới một người trên... một số người, đằng sau ông là số phận là tình cảm là sự trao gửi tin cẩn của hàng trăm hàng ngàn nhân mạng cán bộ phóng viên. Lại chợt nghĩ thêm, những anh tính ngang như... Tuấn mà chợt tâm đắc với chuyện minh chủ nào đó tít mù xa thì phải có sự tinh tường chọn lựa lắm lắm?

Bẵng đi lẩu lâu chi tiết ấy đã nhạt nhoà. Chợt mồn một trở lại vào cái đêm đã xa nằm chung phòng với cụ Phạm Khắc Lãm, nguyên Giám đốc đài THTW trong một chuyến đi. Được hầu chuyện trưởng nam ngài Đổng lý ngự tiền Phạm Khắc Hoè là một cái thú. Trong những câu chuyện không đầu cuối vào cái đêm mất ngủ do lệch múi giờ ấy, có một lúc cụ Lãm kể tôi nghe những khúc sở đắc của cụ. Điều sở đắc của cụ kể ra cũng hiếm hoi nhưng mà cũng có... Ấy là đoạn tìm được người tài!

Người tài? Ví dụ? Cụ Lãm kể ra trường hợp Trần Đăng Tuấn khi đang làm cán bộ giảng dạy ở trường báo chí. Tình cờ trong một cuộc, cụ Lãm gặp được Tuấn. Biết nhau đã lâu nhưng cũng phải năm tao bảy tiết, gõ hết nơi này nơi khác cụ mới triệu được Trần Đăng Tuấn về đài TH. Mồn một trong đêm tôi tưởng tượng vẻ mặt thoải mái của cụ Lãm khi cụ đang hít hà khen Tuấn gì thì gì khi đó vẫn là một yếu nhân của đài THTW.

Nghề nó chọn người cậu ạ, chứ chả phải người chọn nghề! Cụ Lãm rủ rỉ. Tôi nghe vậy thì biết vậy nhưng chọn gì chả biết mà Tuấn đã gặp may khi gặp cụ Lãm? Minh chủ hay không chưa rõ nhưng Tuấn đã từng có một thời phát tiết khi làm chủ được cái môi trường do cụ Lãm tạo ra?

Có lẽ tạm hiểu, tạm biết về Trần Đăng Tuấn không phải chỉ có những cuộc tiếp xúc thoảng qua? Nhà quản lý ấy từng lập ngôn? Một dạo trĩu trên tay tôi là cuốn Phản biện và tự phản biện của Trần Đăng Tuấn. Hơn 200 trang in có vẻ như tập hợp hơn 30 bài báo nhưng thực sự đó là những suy ngẫm những ví dụ sinh động về một công cụ sắc bén hữu hiệu trong tiến trình dân chủ. Hãy lướt qua ít dòng tự bạch của tác giả:
 
Phản biện và tự phản biện là cách để cuộc sống diễn ra, cuộc sống đi lên. Nó là điều tự nhiên. Đó không phải là vấn đề muốn hay không muốn. Ở vị trí quyền lực, coi trọng phản biện sẽ có được phản biện xã hội có tổ chức, giúp ích lớn cho ổn định và phát triển; ngược lại, tránh né phản biện xã hội, kết quả là nhận được phản biện xã hội tự phát - mảnh đất thuận lợi để hình thành tâm thế phản kháng xã hội.

Nhưng áp dụng điều tự nhiên ấy vào cuộc sống xã hội, vào quản lý xã hội lại là việc không đơn giản. Ít nhất có ba vật cản với phản biện xã hội.

Vật cản thứ nhất là sự khó chịu thường tình với ai “trái ý”. Người ta vẫn hay ca ngợi “Người hay cãi” nói chung, và vẫn ác cảm với “Người hay cãi” cụ thể ở trong đơn vị của mình, dưới quyền mình.  

Vật cản thứ hai là ngại sẽ nảy sinh cái gì đó “bất ổn”, ảnh hưởng đến vị thế của cá nhân hay cơ quan quyền lực. Thực ra phản biện xã hội nghiêm túc, đúng đắn khác hẳn với phản bác. Phản biện nhằm rà soát, khẳng định, bổ sung, đề xuất giải pháp đúng để thực hiện các mục tiêu xã hội thống nhất. Lo lắng quá đáng chuyện phản biện xã hội dẫn đến phản kháng, gây mất ổn định, trong đa số các trường hợp xuất phát từ căn bệnh ích kỷ của người, của cấp đang có quyền lực. Mà căn bệnh ích kỷ ấy cũng lại rất tự nhiên, rất khó tránh.

Vật cản chủ quan thứ ba là: Ngại việc. Ngại mất thời gian; ngại tốn tiền bạc (một cuộc trưng cầu dân ý dĩ nhiên là tốn kém, không thể làm tràn lan được). Ai đó ngầm nghĩ trong bụng “Rách việc! Trăm người trăm ý, chắc gì đã hơn một người quyết”. Những người đó không hiểu một điều là: thực hành dân chủ bao giờ cũng mất thời gian, mất công sức hơn là quyết định một chiều. Cái hay duy nhất của dân chủ là tránh được sự độc đoán, quan liêu. Mà độc đoán, quan liêu sớm muộn đem lại những khốc hại khôn lường.

Không có điều kiện ngồi với Trần Đăng Tuấn lâu hơn để tường ngọn nguồn lạch sông trước sự quyết định có vẻ như đột ngột ấy? Nghe nói thời gian gần đây Tuấn không gặp may? Hình như đã đứt đi cái mạch hào sảng như thuở nào khi gặp minh chủ và bây giờ tình thế đã khác?! Tôi không thể biết và chả thể đoán định được khi nghe những phong thanh này khác đại loại như thế? Nhưng tôi biết với tính cách của mình có lẽ Tuấn đã không thể làm khác? Giang sơn dị cải bản tính nan di? Sông núi còn dễ di rời nhưng tính cách của con người khó thay lắm!

Chợt nhớ cái câu của Nguyễn Du không biết ai chép vào sổ của Tuấn như là đóng đinh một thân phận vào cơ chế: đạp hướng danh đồ bất điếu đầu (Bước lên con đường danh vọng thì không quay đầu lại được nữa). Nhưng Tuấn đã lui, đã đột ngột một khúc ngoặt vào cái tuổi 53? Muộn còn hơn không?

Hình như hơi bị hiếm những người ở cương vị như Tuấn từ quan? Chợt nhớ đã lâu có một ông quan báo, cũng tên Tuấn, ông Nguyễn Anh Tuấn chủ sự VietNamnet cũng làm đơn từ quan! Nhưng hình như ông chỉ... dỗi một tý thôi cho vị thế của ông vững vàng như bây giờ! Quả là quan chức thời nay không biết thế nào mà lần? Tuấn này với Tuấn kia khác nhau không phải một ông cấp trưởng một ông cấp phó?

Với Trần Đăng Tuấn này, cái bắt tay và nụ cười cố hữu nửa miệng nhưng cởi mở của Tuấn khi gặp vội lúc chiều nay dường như ngầm mách tôi rằng Tuấn không thể quay đầu lại được nữa rồi! Cái cười ấy khiến tôi chợt nhớ kiểu cười thoải mái của anh Lương Văn Lý buổi anh tuyên bố từ quan! (Anh Lý đang làm phó GĐ sở KH-ĐT TPHCM đã trả chức ra mở công ty - mà trước đó ít năm anh cũng rời sở ngoại vụ thành phố nơi anh cũng ở chức vụ phó GĐ. Anh Lý là thạc sĩ công pháp quốc tế, được đào tạo từ bé ở Thụy Sĩ, rất giỏi 2 ngoại ngữ thông dụng Pháp và Anh).

Thôi làm chi thì làm, mong cho cái cười cùng tính cách ấy như một thứ hữu sản theo Trần Đăng Tuấn đến cuối cuộc chơi! Và nữa, nếu chưa hoặc không gặp được minh chủ thì tự mình phải gắng làm chức phận ấy?

   Đêm 31/8/2010
X.B

  
“Có một ngày” nặng trĩu nỗi  niềm

Ngay sau khi nhận được quyết định thôi giữ chức Phó Tổng Giám đốc Thường trực VTV, ông Trần Đăng Tuấn đã ngẫu hứng sáng tác một bài thơ tâm sự nỗi lòng ngay trên điện thoại của mình với đầu đề “Có một ngày”. Theo Vietnamnet, ông sáng tác bài thơ này ngay trong đêm 3/11, cách thời điểm Thủ tướng Chính phủ ký quyết định để ông thôi giữ chức Phó TGĐ thường trực VTV vài giờ đồng hồ và được nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo giới thiệu trên trang web của ông. Sau đó, bài thơ được đăng tải trên các báo, trên các trang mạng xã hội.

CÓ MỘT NGÀY
Trần Đăng Tuấn

Có một ngày
Rời chậu cảnh, cây ra ngoài đất bãi
Đất cằn hơn và bãi rộng hơn
Có một ngày
Không vui sướng cũng không ngần ngại
Tôi rẽ vào ngả đời
Gập ghềnh hơn mà thanh thản hơn!

Tết này có ai cho rượu ngoại?
Càng thấu tình men lá rượu ngô trong
Xuân này thôi họp hành lễ lạt
Cha dắt con đi chơi non biếc nắng hồng

Giờ như bao chú cô bác khác
Cha loay hoay tìm việc để nuôi con
Chút gian khó của đời cha sẽ nếm
Để gần hơn bao thân phận mất còn! 

                                                        3.10.2010.


Chuyện “Cơm có thịt”

Gần một năm sau. Trong chuyến đi lên xã vùng cao Suối Giàng, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái cùng với mấy người bạn, đoàn của ông  ghé thăm Trường Tiểu học dân nuôi Suối Giàng,  chứng kiến cuộc sống vô cùng khó khăn, thiếu thốn của 80 học sinh tiểu học và 45 học sinh trung học cơ sở trong khu nội trú. Ở đây, mỗi em một tuần chỉ có 2 cân gạo và 5 nghìn đồng do cha mẹ đóng góp.

Chứng kiến bữa ăn chỉ có cơm trắng và canh loãng của các cháu học sinh trong khu nội trú, ông và vài người bạn rủ nhau góp tiền gửi lên hằng tháng để mua thêm thức ăn, mong sao mỗi bữa ăn mỗi cháu có thêm một, hai miếng thịt.
   
Chuyện đó được ông kể trên trang blog cá nhân của mình với đầu đề  bài viết “Hôm nay đi Suối Giàng”. Thật bất ngờ, những dòng tâm sự, chia sẻ của ông trong bài viết trên làm lay động hàng nghìn trái tim bạn đọc. Hàng trăm người đã qua trang blog của ông thúc giục ông lập ra một địa chỉ để cùng chung tay “gắp thịt” vào bát cơm cho các em học sinh vùng cao. Sau khi mở tài khoản để nhận và chuyển những đóng góp cho “Bữa cơm có thịt”, rất nhiều người đã đăng ký ủng hộ thường xuyên hằng tháng. “Cơm có thịt” lan tỏa rộng lớn tới khắp mọi miền của đất nước và tới cộng đồng người Việt ở nước ngoài. Sinh viên Việt Nam ở nhiều nước, bắt đầu từ Úc, cho đến Mỹ, Phần Lan, Thụy Điển, Nhật Bản, Singapore... đang gọi nhau đến với “Cơm có thịt”. Dự án “Cơm có thịt” được khởi động từ tháng 9/2011, đến nay đã có 5.841 học sinh ở 46 trường thuộc các tỉnh Yên Bái, Lai Châu, Điện Biên, Hà Giang, Lào Cai được hỗ trợ với tổng số tiền hơn 10 tỉ đồng.

Ông Trần Đăng Tuấn cho biết, ông và các bạn của ông  quyết tâm sẽ theo đuổi Dự án “Cơm có thịt” cho học sinh vùng cao dài hơi hơn và đã lập hồ sơ xin thành lập Quỹ từ thiện “Cơm có thịt” gửi Bộ Nội vụ để giải quyết

 HÔM NAY ĐI SUỐI GIÀNG
Trần Đăng Tuấn
 
Sáng nay, lần đầu tiên lên Suối Giàng, định ngắm mấy cây chè cổ thụ. Vào tuổi này, có lúc chợt lo là nhiều cái lạ ở đất nước, mình đã nghe, biết từ lúc còn là trẻ con, mà giờ chưa nhìn thấy tận mắt.

Vậy có thời gian thì phải đi  để biết. Nhưng quả thật thời gian là cái gần một năm qua mình có ít nhất. Cứ tiếp tục thế này thì cũng gay đây. Gọi cho Tiến trọc, rủ đi cùng. Tiến trọc chối đay đảy, rằng vừa lang thang một tháng ( thằng cha này số sướng) ở Tây Nam bộ, nay phải cày kịch bản bù. Thì thôi vậy!.

Xe lên đến trung tâm xã Suối Giàng, thế nào lại đỗ ngay trước cửa trường học. Mấy trăm đứa trẻ con đang tập thể dục. Ngay cạnh đó là mấy dãy nhà nội trú của chúng nó. Không hiểu sao, cứ nhìn thấy trẻ con miền núi là mình mê . Cậu chủ  quán trước cửa trường, sau mới biết rằng có vợ là giáo viên , cho biết : Trường tiểu học có 80 đứa nội trú. Phải có từ 100 đứa nội trú trở lên mới có chế độ hỗ trợ của nhà nước. Khu nội trú này dân nuôi hoàn toàn. Cha mẹ góp gạo mỗi  tuần hai kg, và 5 ngàn tiền thức ăn. Bọn mình không tin, cứ  lục vấn mãi : Sao lại 5 ngàn thì chúng nó ăn uống kiểu gì ?. Cậu ta cứ khăng khăng đúng thế, đúng thế. Vừa lúc có một bác H Mông xách xô nước đi ngang, cậu chủ quán bảo : Đấy, ông này nấu cơm cho chúng nó đó. Thế là bọn mình đi theo luôn. Trèo tắt qua mấy dãy nhà trên đồi, đi thẳng vào cổng Ủy ban Xã Suối Giàng, rồi vòng ra sau nhà Ủy ban, thì có cái lều tường che gỗ ván, giữa có cái bếp đang đỏ lửa, ngoài cửa có cái chậu tắm lớn đầy những cái bát to bẩn chưa rửa. Một loại bát như nhau thôi. Trong bếp ngoài nồi cơm đang nấu, một nồi nữa chắc để nấu canh, còn thì chẳng có đồ đạc gì cả.
Đây là một cái nồi!

Hỏi : 80 đứa chỉ ăn  cái nồi cơm này đủ à ?. Bác H Mông nói : Nồi to lắm đấy, 13, 14 cân gạo mới đầy đấy. Lại hỏi : Thế ăn cơm với cái gì ? – Với canh rau…. Bây giờ mới nhìn ra chỗ tối tối có mấy bó rau cải bé tẹo, mà lại đã úa vàng một nửa. Không hiểu canh nấu với gì, vì mắm muối giấu ở đâu, chứ không có trong bếp. Hỏi : Sao ít rau thế ?- Ừ, không đủ đâu, phải mua thêm nữa đấy- Thế có thịt cá ăn bao giờ không ?- Không có đâu, bao giờ bố mẹ đóng thêm tiền thì mua cho ăn một bữa có thịt.

Một nồi cơm (hy vọng là đủ) và một nồi canh rau cải (gồm xô nước vừa được xách lên, mấy bó rau, chắc ít muối, mắm, dầu mỡ cho vào nữa- nhưng quả thật bọn mình không thấy chúng được cất chỗ nào, chắc không có trong bếp vì sợ chó mèo hay ăn trộm chăng ?). Đó là bữa ăn trưa cho 80 mầm non của đất nước vào ngày 22 tháng 9 năm 2011. Tức là khi đất nước đã bước vào thập kỷ thứ hai của thế kỷ 21. Là sau một năm tưng bừng kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, là năm đầu của nhiệm kỳ Đại Hội 11.vv..và ..vv..

Bọn mình nói : Trưa nay bác mua thịt cho chúng nó ăn được không? . Bạn mình đưa ít tiền. Mình đưa thêm nữa, vẫn băn khoăn hỏi: Đủ mua thịt chưa ?. Bác H Mong : Đủ chứ, đủ chứ. Chốc nữa lên xem chúng nó ăn thịt mà.. Nói xong bác đi xuống chợ ngay, hình như chợ gần thôi,ở mé núi bên kia
 
Lúc đi xuống, cậu lái xe, vốn ít nói, văng ra: Mẹ, ăn uống thế này trẻ con sống thế nào được.
Sống thì chắc được thôi, nhưng mình nghĩ học khó vào lắm. Hồi đi học, lúc nào mình cũng muốn ăn, dù bố mẹ nuôi nấng đầy đủ hơn bọn trẻ con hàng xóm nhiều. Khi đi bắt đầu đi học đại học ở Thanh xuân, cả ngày thấy đói. Ăn tập thể, xong bữa, rửa bát cầm về, dọc đường từ nhà ăn đến phòng ở đã thấy thèm ăn nữa. Cơm không thịt ăn đủ suất rồi mà bụng  cứ như chưa ăn. Ngồi trên lớp, lúc nào cũng nghĩ đến ăn. Tối bọn chúng nó rủ sang phòng con gái tán, mình không đi, vì nhìn mặt con gái cũng thích nhưng đang nói chuyện tự nhiên thấy đói thì không thích gì nổi nữa. Mình hình dung sự thèm ăn là một thằng cha khả ố, nó cứ ngồi chồm chỗm trong  người ta, lúc nào nó cũng nhắc là nó đang ở đây, ở đây..Nó cứ ngồi đấy thì cảm xúc không từ trong ra ngoài được, chữ nghĩa với toán, tính không từ trên bảng chui vào đầu được.

Từ bếp vào chỗ học sinh nội trú ở. Có giường tầng, mỗi buồng có bảng ghi ở cửa “ Nhóm bản Lóp”, “ Nhóm bản…”.. Chăn chiếu bẩn lắm. Nhưng thôi, cái này mình nhìn thấy nhiều rồi. Được cái nhà cũng kín, mùa đông trên núi nhà kín là quan trọng nhất.

Sang bên khu nội trú (cũng dân nuôi) của trường trung học  cơ sở thì nhà cửa có vẻ tuềnh toàng hơn nhiều. Mùa đông thế này chết rét mất. Các cô giáo ở ngay cùng dãy với học sinh. Một cô khi từ dưới đi lên nhìn cứ tưởng học sinh,vì thấp nhỏ, mặc cái áo khoác trắng như đồng phục, đến nơi nghe cô ấy nói mới hiểu là cô giáo. Bếp chung luôn với khu gường tầng , cả hai bếp đều đỏ lửa hun hai cái nồi to đen, mở ra thấy một nồi cơm, một nồi canh bí. Mình tò mò cúi hẳn xuống nhìn , thấy mấy miếng xanh xanh cứ nhảy lộn tùng phèo trong đó ( lửa rất to, ở đây không thiếu củi). Hình như cũng có ít váng mỡ. Hỏi : Thế có món gì nữa không hả cô ? . Cô giáo chỉ gói nilon nhỏ trên bàn, mình cầm lên xem , thì ra mấy miếng cá khô. Có 45 đứa cấp hai nội trú ăn ở đây , cũng tiêu chuẩn 5 ngàn /tuần. Nhưng bọn này có vẻ được ăn khá hơn lũ cấp 1. Các cô giáo bớt tiền lương của mình, cộng vào tiền bố mẹ góp, để mua thức ăn. Theo nhẩm tính thì mỗi tháng 45 đứa có 900 ngàn tiền thức ăn (trừ gạo) do bố mẹ góp. Tiền các cô giáo cho thêm cũng chừng ấy nữa. Bình quân chúng nó mỗi đứa mỗi ngày có được 2.000 đ tiền thực phẩm ( bên cấp 1 chỉ 1 ngàn/ ngày, như ông nấu cơm H Mong nói cho chúng tôi biết). Quy củ hơn bên cấp 1, bên này đều đặn mỗi tuần được một bữa ăn thịt. Cụ thể là: Mua dưới chợ 1 kg loại thịt rẻ nhất, rồi kho lẫn với đậu phụ ( cái này mình biết rồi, hôm ở gần Mèo Vạc mình cũng nhìn trẻ con trường nội trú ăn cơm, thấy chúng nó ăn cái món gì cứ trắng trắng, mình cầm bát lên nhìn kỹ , thì ra là đậu phụ màu trắng có lẫn thịt mỡ bèo nhèo, cũng màu trắng, cái bát nhôm méo cũng trăng trắng nữa, hóa ra một món màu sắc như vậy. Hôm đó các thày cô giáo nói thật là có khách đến thăm nên mới thêm món đó, chứ theo lịch thì chưa đến ngày có món ăn mặn).

100 ngàn đồng, thế là cả khu nội trú có món thịt cộng đậu phụ kho. Còn như bây giờ, một tuần may ra chúng nó mới có một lần được như vậy.
Mỗi anh em gởi Cô giáo ít tiền, để cô mua thêm thức ăn  cho học sinh.
Lại nhớ đã 6-7 năm trước, làm Nối vòng tay lớn lần thứ hai hay thứ ba gì đó, mình cử mấy nhóm đi vào các miền nghèo. Mỹ Linh ( Giờ vẫn dẫn Văn hóa- Sự kiện và nhân vật trên VTV3) đi mũi Tây Bắc. Cũng vào chỗ học sinh dân tộc nội trú, quay cảnh bữa cơm của lũ trẻ. Rồi hôm phát trực tiếp từ trường quay S9 Mỹ Linh  nói, rằng chỉ cần 2 ngàn đồng/ngày cho mỗi đứa bé thôi thì hàng ngày chúng nó thì bữa ăn có màu sắc hơn, chứ bây giờ chỉ thấy có  màu trắng của cơm và trắng của măng nấu muối….Rồi cô nàng không nén được , khóc nấc trước cả bao triệu người xem TV. Khóc thật sự, dù cố nén. Bằng ấy năm trôi qua. Năm vừa rồi là năm đầu tiên mình không còn chủ trì làm Nối vòng tay lớn của VTV. Nhưng hôm nay lên Suối Giàng, vẫn thấy bữa cơm như thế, rồi vẫn thấy con số 2 ngàn đồng thì mỗi ngày sẽ có thịt ăn, nhưng vẫn chưa có được cái hai ngàn ấy. Mà hai ngàn đồng cách đây 7 năm to hơn 2 ngàn đồng bây giờ  lắm chứ.

Đi xuống, gặp cô H. Mông trẻ bế con chắc mới 7-8 tháng tuổi, ngồi trên tảng đá . Hỏi ra mới biết từ bản xuống thăm con ở nội trú cấp một, đang đợi giờ tan học để gặp con. Và chắc đem 5 ngàn với hai cân gạo xuống nộp tiền ăn một tuần cho con. Đứa bé ngoan thật, người lạ bế cứ cười toe toét. Còn cô mẹ cũng hóm ra phết, mình hỏi đùa “Cho tao mang về nuôi nhé”, thì trả lời “Ừ, cho đấy, đẻ đứa khác được mà!”. Mấy anh em cho ít tiền gọi là mừng tuổi bé (mới tháng 8, khà khà..) thì đỏ mặt gạt ra, phải dúi vào tay mới chịu lấy.

Trên đường trở ra, mới tính kỹ: Để mỗi khu nội trú (một khu 80 đứa cấp một, bên kia 45 đứa cấp hai) ngày nếu một bữa có thịt kho lẫn đậu phụ, sẽ cần 2kg thịt cho cấp 1, 1kg cho bọn cấp hai, kèm đậu phụ nữa là 300 ngàn/ ngày, hay là 9 triệu đồng / tháng. Mỗi năm sẽ cần 108  triệu đồng. Nếu cả hai bữa có thịt trong ngày thì cần gấp đôi: 18 triệu/ tháng, hay 216 triệu/ năm.

Nếu cứ như thế 10 năm , để 125 đứa học sinh này ngày nào cũng có món thịt kho kèm đậu phụ (chắc chắn học sinh được ăn cơm với tý thịt khác với học sinh chỉ ăn cơm với món canh loãng, vì tuổi ấy, chúng nó cần đạm lắm để phát triển não), cần có từ một tỷ hai đến trên hai tỷ bốn trăm triệu. Với bằng ấy tiền, 125 đứa trẻ con được ăn có đạm trong cả mười năm!. Với từng cá nhân thì đó là món tiền lớn rồi. Nhưng để có 125 đứa trẻ ( à, sau 10 năm, đó là các cô cậu thanh niên chứ) khỏe khoắn, đầu óc sáng láng…thì thêm số tiền đó có gọi được là nhiều không ?. 10 năm cơ mà, sau 10 năm, cả một thời đại công nghệ mới đã thay thế cái cũ trên thế giới này. Trong 10 năm ấy, ở chỗ này, nếu có từ 1 đến 2 tỷ (VNĐ đấy nhé, đừng nhầm sang USD mà phải tội) – giúp được trên 100 đứa trẻ lớn lên khỏe mạnh hơn, thông minh hơn để bước vào thời đại đó.

Mình biết nước ta nghèo (nói chung, rất chung thôi). Nhưng có nghèo đến thế không ?.

Thôi, không nghĩ chuyện xa xôi, mình quyết định là về nhà, gọi ngay Tiến trọc và Linh để bàn về dự án cơm thịt kèm đậu cho 125 nhóc Suối Giàng này. Bước đầu là 1 bữa có thịt/ ngày, hay còn gọi dự án 9 triệu. Kéo được thêm bạn bè thì chuyển càng nhanh càng tốt sang 2 bữa có thịt / ngày, hay dự án 18 triệu/ tháng. Lạy giời, đừng có lạm phát hay tăng giá nữa nhé, mức ấy là mức thịt bạc nhạc rồi, không hạ cấp xuống được nữa đâu!

Hay là bàn với Tiến trọc và Linh lập hội những người bạn của trẻ con vùng cao ?. Bây giờ có bao người đi phượt vùng cao, góp mỗi người một chút cho các nhóc. Lập trang web…Nhưng thôi, chuyện nhỏ làm được thì mới có khả năng làm chuyện to hơn.

Khi rời Suối Giàng được vài chục cây số, chợt nhớ chuyện không biết buổi sáng bọn trẻ con này nó có được ăn gì không. Nói với mọi người trên xe. Mỗi người đoán một kiểu, nhưng không ai dám chắc.

Về đến Phú Thọ, thì mình hiểu ra: từ lúc  rời Suối Giàng đến giờ, tâm trạng  xót và bi quan, có cả chút phẫn nữa, nhưng lại vẫn có một sợi  gì đó ấm áp lẩn khuất , mà rõ ràng là từ các câu nói nghe được. Chợt nhớ lúc ở bếp trường cấp hai, mình hỏi cô giáo: Thế mỗi cô giáo phải bớt bao nhiêu tiền từ lương của mình để mua thức ăn cho các cháu?. Cô giáo trả lời : Dạ không giống nhau, người lương cao hay là Đảng viên thì góp nhiều hơn, giáo viên hợp đồng hay quần chúng thì góp ít hơn..Vậy là Đảng viên thì san từ lương giáo viên miền núi của mình số tiền  nhiều hơn người khác để mua thức ăn cho học sinh. Quả thật, đã lâu lắm rồi, mình hiếm khi nghe được một điều đẹp đẽ như vậy về Đảng viên. Mà không phải nghe từ một diễn đàn hay khung cảnh hoành tráng nào. Mà nghe thì  tin ngay. Nghe mà  thấy lòng đỡ lạnh. Bởi mình cũng là đảng viên đã mấy chục năm rồi.

Về đến Hà Nội, mở máy ra viết dòng đầu của bài này, để gửi cho Tiến trọc , đấy, chính cái dòng “Hôm nay, lần đầu lên Suối Giàng, định ngắm mấy cây chè cổ thụ”..mới nhớ ra là sáng nay tất cả đã quên chuyện xem cây chè. Đỗ xe xong, sà vào đám trẻ, bần thần cả người bởi chuyện ăn uống của chúng nó, lên xe về, chẳng ai nhớ mục đích của việc phóng xe lên đỉnh núi Suối Giàng.
                                                                              22/9/2011/ TĐT
Tác giả bài viết: Chử Thu Hằng
Theo: tacphammoi

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.