4238. Bu tôi

Bu tôi
Nguyễn Ngọc Dương
Minh họa. Ảnh Internet 
PNTB: Vào ngày này cách đây 67 năm (17/04/1948), có lẽ vào khoảng cuối giờ Tý, bu đã cho mình chào đời. Thế mà bu đã đi xa cũng đúng 40 năm rồi, ngày 12/5/1975, tức 2/4 năm Ất Mão, vừa "Giải phóng Sài Gòn" được 12 ngày. Toàn những sự kiện không thể quên. 

Mình đăng lại bài Bu tôi, rút trong tập truyện ký Mảnh vườn ký ức, NXB Hội Nhà văn 12 - 2014, như thắp một nén nhang tưởng nhớ đấng sinh thành.
***

Bu tôi sinh ra trong một gia đình khá giả. Ông ngoại tôi có tí chức tước, cả làng vẫn gọi cụ là “Cụ Hội”. Sau này bu tôi bảo: “Ông ngoại làm Phó hội nhưng đó là chức mua chứ không phải bầu”. Thời ấy cũng đã có việc mua bán chức tước, nhưng mua công khai.


Tuy gia đình khá giả nhưng bu tôi từ bé đã lam lũ. Suốt ngày chăn trâu, cắt cỏ, làm mọi công việc đồng áng như những con nhà nông dân nghèo khác. Khi Cách mạng tháng Tám thành công, bu tôi được bầu vào Ban chấp hành Hội Phụ nữ cứu quốc xã. Năm 1946, cụ Hồ kêu gọi dân ta quyên góp vàng bạc để ủng hộ Chính Phủ chuẩn bị mua vũ khí, đạn dược cho cuộc kháng Pháp. Bu tôi là một trong những người trực tiếp đi quyên góp. Có nhiều người ủng hộ nhẫn vàng, khuyên tai, dây chuyền, vòng, xuyến... Có gia đình chỉ có mỗi đôi khuyên tai là tài sản lớn nhất cũng đem ủng hộ cho Chính phủ.

 Năm 1947, sau khi mẹ đẻ ra anh Nha tôi mất đã mấy năm, thày tôi lấy bu về làm vợ kế, nuôi nấng, chăm sóc anh tôi, lúc ấy mới lên 7 tuổi. Bu tôi bảo: “Thương thày mày gà trống nuôi con mà lại đẹp giai nên tao mới đồng ý”.

Ngày 17 tháng Tư năm 1948, bu sinh ra tôi. Bu kể: “Mày là con so, lúc đẻ ra nom như con mèo hen, chỉ bằng cái chai đựng rượu của thày mày, tưởng không nuôi nổi...”. Được ba bốn tháng bu đi làm đồng, thày ở nhà trông, cứ lấy cái lồng bàn úp vào cho ruồi nó khỏi bâu (quê tôi trồng thuốc lào, dùng phân bắc nên ruồi nhặng nhiều vô kể) rồi lấy cây đàn nhị ra kéo mấy bài dân ca là tôi ngủ như con cún. Lúc bu đi làm đồng về mới cho bú. Hôm nào đói quá, khóc nhiều, bu chưa về kịp thì thày bế sang hàng xóm xin bú rình bà bạn của bu cũng mới sinh con. Mà do ăn uống kham khổ, lại lội bùn suốt ngày, lại tản cư chạy Tây nên bu không đủ sữa, tôi thường xuyên phải đi bú rình. Tôi lớn lên không phải chỉ có sữa mẹ mà còn sữa của những bà láng giềng.

Cuối năm 1955 đầu 1956, Cải cách ruộng đất về làng. Gia đình tôi được xếp vào thành phần Trung nông dưới. Lẽ ra là Bần nông nhưng vì có người phát hiện nhà tôi có thêm một “tài sản lớn”, đó là hai phần ba chiếc máy khâu Singer từ đời ông nội để lại. Chiếc máy khâu chia cho hai anh em, thày tôi là trưởng nam được hai phần, chú tôi một phần. Hồi kháng chiến đi tản cư thì thày mang chôn dưới gốc cây chanh ngoài vườn. Nay vẫn đậy kín ở trong buồng. Cái tài sản ấy đã nâng cấp thành phần gia đình tôi từ Bần nông lên Trung nông dưới. Tuy lên nhưng vẫn là “thành phần cơ bản” nên bu mới được kết nạp vào Nông hội. Hôm được kết nạp bu về khoe, cả nhà mừng. Cái thành phần gia đình ấy cực kỳ quan trọng với số phận mỗi con người trong gia đình tôi suốt nửa thế kỷ, trải qua 3 thế hệ. Bất kỳ ai làm gì, đi học, xin việc, vào tổ chức chính trị, xã hội...động khai đến lý lịch là phải có mục: “Thành phần gia đình trong Cải cách ruộng đất”.

Trận đói năm 1955, 1956, tôi 7 - 8  tuổi nên nhớ lắm. Lúc ấy Nhà nước có chủ trương thu “Thuế động viên”. Gọi là “động viên” nghĩa là do khó khăn của đất nước sau chiến tranh nên Chính Phủ động viên ai còn nhiều thóc lúa thì tự nguyện đóng thêm thuế cho Nhà nước. Tuy nhiên ở xã, ở làng người ta cứ đè đầu các nhà đều phải nộp thuế. Còn một thúng cũng phải nộp. Nếu không nộp đội du kích đi kiểm tra phát hiện ra là lập tức bị thu và còn bị cảnh cáo, thông báo trên cái loa cuốn bằng sắt tây cho cả làng nghe. Còn anh ăn bằng gì, kệ. Viết đến đây tôi bỗng nhớ đến bài bút ký đẫm nước mắt của Phùng Gia Lộc: “Cái đêm hôm ấy... đêm gì?” ở thời kỳ bao cấp, ba mươi năm sau. Cũng y hệt...

 Khi Cải cách ruộng đất về làng, về xã thì không khí ảm đạm vô cùng. Chỉ mấy ngày, sau cuộc phân chia thành phần giai cấp, những người bị quy là địa chủ, phú nông trở thành “kẻ thù của giai cấp” của nông dân, cách xưng hô lập tức thay đổi.  Trên trường đấu tố, câu mở đầu kèm theo cái xỉa tay vào mặt “kẻ thù giai cấp” là: “Thằng kia, mày có biết tao là ai không?”... Thế rồi bọn trẻ con bắt chước, hễ ra đường gặp địa chủ, phú nông, dù người đó là ông bà chú bác mình cũng chỉ mặt: “Thằng kia, mày có biết tao là ai không!”. Tôi thì không bắt chước bọn trẻ cùng lứa, cũng chẳng hiểu vì sao…

Nhưng sự ảm đạm còn làm cho không khí làng quê lạnh lẽo hơn bởi nạn đói ghê gớm. Một hôm thày bu dắt díu mấy anh em tôi ra bãi tha ma, nơi lập kỳ đài “Tòa án đặc biệt” đấu địa chủ, cách nhà khoảng hơn cây số. Ai cũng đói nhưng không đi thì sẽ có thể bị quy là địch. Mà đã là “địch” thì sợ lắm!... Trẻ con đói khóc như ri. Bà mẹ nào không giỗ được con để chúng khóc nhiều là cũng bị quy cho tội gây rối đấu trường... Tôi lớn hơn, nhịn đói quen rồi nên vẫn mải chơi, mải nghịch với mấy đứa bạn cùng lứa. Thằng Nguyên em tôi năm ấy ba tuổi, nằm trong lòng bu thi thoảng lại khóc vì đói. Bu gọi tôi lại giao “nhiệm vụ”: “Con về bà ngoại xin cho em nắm cơm”. Tôi ngoan ngoãn chạy đi. Khi về đến bà ngoại thì bà bảo: “Nồi cơm vừa cạn, cháu chờ tí cơm chín bà lấy cho”. Nhưng lúc ấy đối với tôi sao “một tí” mà lâu thế!. Tôi chạy ra ngõ bắt bướm rồi quên khuấy nhiệm vụ bu giao. Tôi quay lại trường đấu, trên đường qua một nong nước, nhặt được hòn cuội trắng như quả trứng ngỗng. Từ xa, bu tôi nhìn thấy liền dỗ em: “Kia rồi, anh mày nó xin được cơm kia rồi!” Thằng em nín khóc, vẫy tay rối rít. Đến nơi, tôi vô tư chìa ra hòn đá cuội. Biết không phải cơm, nó tuột khỏi tay bu, lăn xuống bãi cỏ, khóc toáng lên. Không biết bu sợ những người Cải cách ruộng đất hay thương thằng Nguyên đói mà bu vồ vội lấy nó, ôm chặt nó vừa khóc vừa chạy ra bờ ruộng để tránh xa khu vực đấu trường...

Trận đói ấy ở làng tôi không chết ai vì đã sang thời mới rồi. Chứ năm 1945 khi cách mạng chưa thành công, dưới thời Pháp, Nhật làng tôi chết đói nhiều người lắm. Thày tôi bảo đến nỗi người chết không có người chôn, cứ phơi ra ở đường mấy ngày thối tha lên, ghê lắm...Nhưng cảnh đói hiện tại đã khiến anh em chúng tôi, thày bu tôi người nào người nấy gầy như que củi, da xanh như tàu lá. Anh em tôi thường xuyên phải vác cuốc ra ruộng rau muống mà người ta đã hái hết, lật đất lên, đập ra lấy “củ” rau muống về ngâm nước, rửa sạch, phơi khô rồi ghế vào nồi cơm. Một hạt cơm cõng hai ba cái củ rau muống. Cả nhà ăn ai cũng khen bùi. Chỉ có điều là dù rửa kỹ mấy thì vẫn phải nhai cả sạn, đất, làm sao mà sạch được. Thày tôi bảo: “đất cũng sạch, ăn không việc gì đâu!”. Quả vậy, đói cái gì cũng ngon…

Bu tôi là người duy nhất suốt ngày phải chạy ăn cho cả nhà. Trong nhà không có lấy bất kỳ cái gì có thể ăn sống người, ngoài mấy cây đu đủ đã ăn hết quả. Thày tôi chặt cả cây xuống, bổ ra, thái nhỏ phơi khô độn vào cơm. Bu tôi hằng ngày phải đi bộ hàng chục cây số sang quê ngoại ở Quỳnh Côi, Thái Bình vay bà con cô bác. Có hôm mang về được mấy ống gạo hay mẻ khoai lang ăn dè được một hai hôm đã hết. Rồi sáng sớm tờ rờ đất bu lại đi. Thày tôi đói thì ngồi kéo nhị. 5 anh em chúng tôi đứa nọ trông đứa kia, đói quá thì lăn vào chân đống rơm nằm ngủ. Ngủ chán dậy, đứa bé khóc, đứa nhớn dỗ...

Một hôm đến gần nửa đêm không thấy bu về, thành thử đến cả tôi là nhớn cũng cứ dào nước mắt ra vì vừa đói vừa nhớ bu. Thày tôi cũng chán, lăn ra giường ngáy khò khò. Tính ông vô tư là vậy. Khoảng nửa đêm thấy bu về. Cả lũ chúng tôi mừng quá, hai thằng em khóc toáng. Khi thày tôi vặn to cái đèn hoa kỳ lên thì bu tôi vẫn vừa nói vừa run. Bu kể: Cái đò nan qua con sông Hóa bị thủng một lỗ nhỏ. Sang đến gần bờ bên này thì nước vào lưng thuyền. Ông lái đò mọi ngày vẫn vừa chèo vừa tát nước. Hôm nay ông bận gì nên giao cho thằng con mười lăm tuổi cầm chèo. Khi nước vào nhiều, nó luống cuống không chèo được vào bờ. Con thuyền nan cứ quay tròn cách bờ hai con sào. Những người ở trên bờ nhìn thấy lo quá phải hô hoán: “Tất cả bình tĩnh. Anh kia không chèo nữa. Hai người lấy ống bơ múc nước ra. Còn những người khác lấy nón vợt nhẹ cho thuyền từ từ vào bờ”. Đến gần bờ người ở trên kéo thuyền vào. Chỉ một tí nữa là đắm đò chết sạch. Toàn đàn bà, trẻ con không biết bơi... Lên được đến bờ, biết chắc là sống rồi mà bu tôi vẫn run bắn chân tay không đi được, phải ngồi lại bờ đê sông Hóa hàng giờ, gần tối mới lọ mọ đội cái thúng có mấy củ khoai lang về... Nếu bu tôi chết đận ấy thì cuộc đời chúng tôi sau này không biết sẽ ra sao?

Khoảng năm 1958, Đảng thực hiện Sửa sai Cải cách ruộng đất. Cuộc sống vui vẻ hẳn lên. Bu tôi thỉnh thoảng dấm dúi nấu nồi rượu gạo cho thày tôi uống và đôi khi bạn đến chơi có chai rượu “quốc lủi” nhâm nhi với đĩa lạc. Vì Nhà nước cấm nấu rượu (tất nhiên không cấm uống), nên bu nấu vào ban đêm và không dám thắp đèn. Một hôm tôi thấy bu tôi kêu thất thanh và thấy lửa bốc sáng lòa góc bếp. Mọi người chạy vào thì phát hiện bu tôi bị bỏng. Bà kể: “Không biết lọ rượu đang hứng đã đầy đến đâu, bu liền châm cái đóm, mở cái khăn ướt phủ trên miệng lọ và ống rượu đang chảy, soi vào miệng lọ. Lửa bắt vào lọ rượu đang nóng cháy bùng lên. Bu giật mình, nghiêng lọ hắt… lửa ra, tưởng là hắt ra thì hết ai ngờ hắt luôn vào ống quần. Một chân bu thành ngọn đuốc sống... Ngày ấy làm gì có tiền đi nhà thương. Bu cứ loanh quanh chữa bằng lá lẻo thuốc nam, cho nên nó kéo dài sự đau đớn của bu mấy năm giời. Những đám sẹo sùi ra ở chân bu, lồi lõm như thể hình thù những miếng san hô. Thời kỳ ăn da non nó ngứa ngáy khiến bu không ngủ được. Suốt ngày, thằng Dũng, thằng Nguyên phải lấy cái tăm khêu vào những chỗ lõm trên mảng sẹo cho bu đỡ ngứa...

Trong khi chín mươi phần trăm người làng mù chữ thì chả hiểu được học từ bao giờ, bu tôi có trình độ học vấn lớp ba. Bà mê đọc sách lắm. Ở trong nhà bao giờ cũng có những bộ tiểu thuyết Trung Quốc như: Hồng Lâu Mộng, Thủy Hử, Tam Quốc Chí, Tây Du ký... Đêm đêm bu chong đèn, vừa quạt cho các con ngủ vừa đọc truyện. Sau thời kỳ Cải cách ruộng đất, người ta đi thu hồi và đốt rất nhiều sách, cấm không cho ai đọc. Chẳng biết cấp trên cấm những sách gì. Nhưng ở làng vì đa số không biết chữ nên sách gì cũng đốt. Bu tôi tiếc lắm. Năm 1957 khi thày tôi nhờ người lợp lại cái mái nhà rạ thì một ông hàng xóm lúc rỡ mái cũ thấy bật ra mấy quyển sách, có cả tiểu thuyết Trung Quốc, cả Truyện Kiều, cả Cung oán Ngâm khúc...thế là bị tịch thu. May, không bị tù tội... Sau này tôi mới biết đó là thời kỳ “nhân văn giai phẩm”.

Được vài năm kinh tế khá lên một chút, cuộc sống vui vẻ hơn một chút cho đến sau năm 1961 trở đi cuộc sống lại tụt dần... Năm 1964, học hết lớp Tám, bu vận động tôi nghỉ học để đỡ sự đóng góp. Mặc dù nhà tôi lúc ấy có bốn đứa đi học (ba đứa con và một đứa cháu con chú ruột tôi đã mất), nên theo chính sách chung, mỗi đứa được miễn một phần ba học phí. Và đứa anh học xong để sách giáo khoa cho đứa em. Bản thân tôi thì mang vở của năm trước ra ngâm nước vôi cho tũa hết mực đi, phơi khô dùng lại, đỡ phải mua giấy vở. Thậm chí cái ngòi bút sắt chỉ có 2 xu mà tôi cũng tiết kiệm không mua, đi vặt trộm lông ngỗng về vót thành bút chấm mực viết. Nhưng mọi biện pháp tiết kiệm cũng không đỡ nổi cho bu tôi phải đi làm hàng xáo kiếm mớ cám, bán đi lấy tiền đóng học phí và mua sách cho con cháu học. Bởi có mấy sào ruộng đã xung công vào hợp tác xã. Mà hợp tác xã thì cứ hết mùa chỉ được chia vài giành thóc, chưa đến ngày ba tháng tám đã hết sạch. Lại đói.

Đúng lúc ấy có cuộc vận động đi “xây dựng kinh tế, văn hóa miền Núi”. Nói như thế cho sang chứ nói “đi khai hoang” thì nó có vẻ hèn hèn. Công tác tuyên truyền của ta phải nói là tài tình. Chỉ cần đổi chữ này thành chữ khác là làm cho người nghe mát lòng mát dạ. Thế là thày bu tôi quyết định ra đi. Thôi thì quê hương bản quán, nơi chôn rau cắt rốn, nơi mà những khóm tre, bờ ao, những bến nước, sân đình, những cánh đồng mang tên Đồng Cửa, Đồng Cục... từ bao đời đã ăn sâu vào máu thịt...Nhưng giờ đây cuộc sống khốn khổ đã kéo quá dài nên mệt mỏi. Bước chân ra đi hy vọng có sự đổi thay cuộc sống?.

Trong mười năm, từ 1965 đến 1975, cuộc sống khai hoang nơi rừng thiêng nước độc, bằng lao động chân tay, chặt cây, đốt nương, trèo đèo, lội suối, không quen với khí hậu nơi thâm sơn cùng cốc, với muỗi, vắt, ruồi vàng, bọ chó...và đặc biệt với 7 lần sinh nở trong những điều kiện cực kỳ thiếu thốn, đã biến bu tôi từ một phụ nữ khỏe mạnh thành một người đàn bà yếu ớt, nhiều bệnh tật.

Khoảng cuối những năm sáu mươi, bốn mươi tuổi, bu đã phát bệnh. Lúc thì ho, lúc thì sốt...da dẻ cứ xấu đi. Hiểu biết y học lúc ấy cũng rất kém, hơn nữa làm gì có tiền đi những bệnh viện lớn khám cho ra bệnh để điều trị đến nơi đến chốn. Khi nào nặng quá thì xuống trạm xá xã tiêm cho vài mũi, được mấy viên B1 uống vào là có vẻ như khoẻ hẳn ra. Lại về. Bệnh cứ lai rai, nhiều người bảo rằng, bà bị bệnh “hậu sản”. Tôi đang công tác hành chính ở phòng y tế huyện, cách nhà 20 cây số, lúc nào cũng lo cho sức khỏe của bu. Bạn bè trong ngành y tế thỉnh thoảng có thuốc bổ phân phối như rượu canh ki na, phi la tốp, sinh tố B12 nhiều lúc nhường nhịn để tôi mang về cho bu. Có lần được phân phối một hai lạng cao xương cũng mang về cho bu. Chỉ mong làm sao bu khỏe lên. Nhưng bu không khỏe mà cứ yếu dần.

Bu là người đam mê sách văn học, thích nghe đài. Tôi đã kiếm bằng được chiếc đài Orionton, làm pin muối cho bu nghe tin tức cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, trong đó có hai thằng em đang ở chiến trường. Tôi tìm những cuốn truyện của các nhà văn Việt Nam như Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng, Đào Vũ...để bu đọc cho khuây khỏa, quên bệnh tật, hy vọng bu khỏe lên!

Giữa năm 1974, khi vợ tôi đang mang thai con gái đầu lòng thì một hôm cô hàng xóm đạp xe hai mươi cây số ra cơ quan báo tin: “Anh ơi, bà mất rồi!”. Tôi rụng rời chân tay. Cái bút đang viết đổ xuống. Nước mắt trào ra nhỏ tòng tọc xuống trang giấy. Tôi không nói được câu nào, cứ ngồi như thế mãi mới đứng lên được như người vừa qua cơn ác mộng...

Tôi xin cơ quan Ủy ban huyện cho một chuyến xe Gat 69, hai giờ sau về đến nhà. Đã tám giờ tối. Ngôi nhà gianh, cột chôn chống nóc, vây bằng nứa của thày bu nằm đơn độc ở sườn đồi, im ắng và tối tăm...Thày tôi bảo: “Bu mày đang cấp cứu ở trạm xá xã...”. Thì ra, lúc bu tôi bị cấp cứu, cô hàng xóm vội đạp xe đi báo tin cho tôi nghĩ rằng bà đã đi. Quay xe lại trạm xá, tôi bàn với chú Nguyên, em tôi là y sĩ công tác ở Phòng Bảo vệ bà mẹ trẻ em huyện xin đưa bu đi Bệnh viện tỉnh ngay. Cuộc thảo luận rất chóng vánh. Anh y sĩ trạm trưởng đồng ý và tiện xe, chúng tôi đưa bu lên Bệnh viện tỉnh điều trị. Người ta bảo bà bị bệnh lao, tức lao lực. Sau này các thày thuốc bảo tôi: Đó là thứ “bệnh của người nghèo”. Nguyên nhân sâu xa bệnh tật của bu là do chính cái nghèo sinh ra!

Sau hơn một tháng điều trị tại khoa Lao của Bệnh viện tỉnh, bu đỡ, ra viện. Nhưng bệnh không khỏi hẳn. Cuộc sống vẫn khó khăn. Bệnh tật vẫn dai dẳng. Tôi đã nghe người ta mách tìm cả rau thai nhi ngâm mật ong mang về cho bu, nhưng bu vẫn không khỏi. Thỉnh thoảng tôi về thăm. Bu nói dối: “Hồi này bu khỏe hơn rồi!”.

Tháng Ba năm 1975 một cơn lốc xoáy kéo một vệt dọc xã Phong niên, nơi thày bu tôi đang sinh sống. Hằng trăm ngôi nhà bị đổ hoặc tốc mái. Khi gió to, thày bu tôi và hai thằng em chạy xuống một cái bếp nhỏ ở dưới thấp để lánh nạn. Chỉ trong giây lát, cơn lốc “bốc” cả ngôi nhà ba gian, cột chôn chống nóc của thày bu tôi tung lên giời và văng ra phía trước khoảng chục mét. Nóc nhà lộn ngược xuống, cả 8 cái cột quân, hai cái cột cái chổng vó lên như một con trâu bị phải gió. Cũng lạ, cái đèn phẫn thày tôi mang ở xuôi lên từ ngày đi khai hoang, chao bằng sứ, mỏng mảnh là thế mà vẫn bám theo xà nhà, không vỡ. Trên nền nhà đất đầy nứt nẻ chỉ còn trơ ra hai cái giường ba xà, một đống chum vại và dụng cụ gia đình... Từ hôm ấy thày bu tôi và thằng Nho, thằng Nhi đứa học lớp 7 đứa học lớp 4 phải sống ở cái bếp chỉ hơn chục mét vuông. Vừa nấu ăn vừa ngủ, vừa là nơi tiếp khách... Muốn làm lại được cái gọi là nhà như thế trong hoàn cảnh ấy ít nhất phải hằng năm.

Hôm 30 tháng Tư năm ấy, tôi đang nghỉ phép, đi rừng kiếm mấy cây nứa làm dàn mướp cho thày bu. Khoảng 5 giờ chiều vừa vác nứa về đến nhà vứt xuống sân thì bu gọi, giọng đầy phấn chấn: “Con ơi, mày biết gì chưa? Giải phóng Sài Gòn rồi. Hết đánh nhau rồi!” “Sao bu biết?” “Một cái ô tô của huyện vừa qua đây có gắn loa ở trên nóc, nói là Giải phóng Sài Gòn trưa nay rồi!”. Bu tôi như khỏe hẳn ra, bởi tâm trạng của một người dân gần như suốt đời không trực tiếp cũng gián tiếp với chiến tranh. Nghe thấy bom đạn là ghê sợ, đã hai mươi năm chờ đợi hòa bình. Hơn nữa, thằng Dũng em tôi, công an vũ trang lại đang trên đường vào Nam… Nhớ lại hơn hai mươi năm trước đó, hồi kháng Pháp, một lần đang ở nhà bà ngoại, thấy có tiếng tàu bay, bu bế thằng Nguyên khoảng 1 tuổi, dắt thằng Dũng 4 tuổi và hét tôi chui xuống hầm. Tôi chui dưới hầm nhưng vẫn thích ngó ra, nhìn lên trời để xem tàu bay thỉnh thoảng lướt qua đầu, gầm rú trên không. Tôi nhìn thấy một chiếc tàu bay đít vuông. Bu tôi túm vạt áo kéo tôi vào rồi hai tay chắp lại, mồm cứ lẩm nhẩm: “Con lạy Giời lạy Phật, đừng để Tây với Ta đánh nhau nữa, hòa bình đi thôi…”. Sau được nghe ngưởi lớn nói chuyện, hôm ấy, mặc dù đã sắp đến ngày đình chiến, máy bay “phóng phảo” của Tây vẫn bỏ bom na-pan ở làng bên, làm cháy thêm nhà, chết thêm người…

Sau 1/5/1975, tôi trở lại cơ quan làm việc. Đến chiều ngày 12 (mùng 2 tháng 4 âm lịch) thì nhận tin sét đánh: Bu mất! Lần này thì bu mất thật. Vợ chồng tôi và chú Nguyên đang công tác ở huyện chuẩn bị hậu sự cho bu bằng việc chạy giấy tờ xin mua vải liệm, xô màn trắng làm băng tang cho con cháu, đánh điện cho cái Liệu em gái tôi đang học Trường Thống kê trung ương, anh chị Nha ở Hải Phòng...rồi tức tốc về.

Thày tôi kể: “khoảng 9 giờ sáng, bu mày đang đọc sách ở gốc mít trên kia, tự nhiên kêu khó chịu đứng lên vào được đến cửa bếp này thì gục xuống. Thày chạy vội vào đỡ. Máu từ trong miệng bu mày thốc ra lênh láng một gian bếp. Trên tay vẫn cầm cuốn tiểu thuyết Lưu lạc của Đào Vũ mà không trăng trối được một lời...”

Bu nằm trên tấm phản kê làm giường ở góc bếp. Tôi kéo cánh màn một lên, khuôn mặt bu xanh mét, hốc hác, đôi mắt nhắm nghiền như đang ngủ. Trên khóe môi của bu vẫn còn dính một giọt máu đã khô...Bu sinh năm 1926, đến lúc ra đi mới vừa tròn bốn mươi chín tuổi. Tôi thầm gọi: Bu ơi, bu...! Nước mắt tôi trào ra, khuôn mặt của bu nhòa đi trong góc cái bếp nép dưới chân một quả đồi nằm đơn độc gần đường cái. Chả lẽ, cả một kiếp người, lận đận từ xuôi đến ngược, giờ này bu mới được thanh thản hay sao!?

Hôm sau, thày tôi nhờ bà con gác mấy cây nứa trên nền ngôi nhà đã bị “bốc” mất trong trận gió lốc hơn hai tháng trước, lợp lên mấy phên gianh để che linh cữu cho bu.

Sau này trong một lần nói chuyện với thày tôi, thày bảo: “Hồi trước, những thứ mày gửi về cho bu mày bồi dưỡng sức khỏe, bu mày đều không chịu dùng. Toàn giấu đi, mang bán lấy tiền để chi sắm cho gia đình, mua dầu, mua muối, mua thức ăn: chai nước mắm, bìa đậu, mấy con cá khô cho cả nhà...  

                                                                              Lào Cai, 25/8/2013
N.N.D     



Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.