4124. Thủ tướng Lý Quang Diệu và các đề nghị của ông cho Việt Nam

Thủ tướng Lý Quang Diệu và các đề nghị của ông cho Việt Nam
Ông Lý Quang Diệu cho rằng, Việt Nam đang ở giai đoạn quan trọng trong lịch sử. Vì thế, Việt Nam không nên ngồi một chỗ 
mà cần phải đào tạo được một đội ngũ lao động trẻ, năng động, nhiệt huyết để thúc đẩy quá trình tăng trưởng mạnh mẽ hơn.
Theo thông báo của văn phòng Thủ tướng Singapore thì ông Lý Quang Diệu người được hầu hết dân chúng đảo quốc ngưỡng mộ như một vị lập quốc, đã qua đời vào lúc 3 giờ 18 phút sáng ngày 23 tháng 3 năm 2015.

Mặc Lâm ghi nhận ý kiến của các chuyên gia thông qua những đề nghị của ông đối với Việt Nam.


Nói đến Singapore, không thể không nhắc đến tên tuổi của ông Lý Quang Diệu người đã biến khu vực đất đai không một chút giá trị trồng trọt, không có nước ngọt để uống và mọi sự bắt đầu gần như một con số không, chỉ sau vài thập niên đã vươn mình đứng dậy thành một đất nước phú cường về kinh tế, hùng mạnh về quốc phòng, ổn định về chính trị và tiếp tục là mô hình cho các nước đang phát triển noi theo.

Triết lý trọng dụng người tài

Những thành công vượt mức ấy có được từ sự dẫn dắt của ông Lý Quang Diệu, người mang kiến thức từ Anh quốc trở về áp dụng linh động trên phần đất hoang sơ được trao trả từ Anh. Ông đã áp dụng chính sách tận dụng nguồn nhân lực trí thức cao của nhân tài người Hoa khắp nơi quay về đảo quốc cũng như kêu gọi sự đóng góp của chuyên gia thuộc mọi quốc tịch trên thế giới để biến nền kinh tế tài chính nơi đây thành vị trí hàng đầu, cùng với kỹ nghệ sản xuất vật liệu cao cấp trong ngành y khoa và đào tạo nhân lực với nền giáo dục tiên tiến bậc nhất trong khu vực.

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương cho biết sự lớn mạnh của Singapore là kết quả từ tận tậm tận lực và nhất là tầm nhìn của ông Lý Quang Diệu: “Điều đó cho thấy là ông Lý Quang Diệu đã có tầm nhìn đúng đắn và cái điểm nổi bật của ông là dựa trên triết lý trọng dụng và tận dụng người tài. Ông luôn luôn lắng nghe ý kiến của người khác, thu hút người tài về Singapore. Ông đã lắng nghe khi Singapore có những biểu hiện tiến chậm hơn, ông đã mời các chuyên gia hàng đầu trên thế giới đến để góp ý. Điểm thứ hai ông rất thực dụng, rất tỉnh táo điều gì cản trở bước tiến của Singapore vì không thích hợp thì ông sẽ tìm cách sửa đổi, tìm cách thay thế. Điều thứ ba là ông hết sức trung thực. Ông coi trọng một bộ máy trung thực, ông trung thực đối với ông và ông trung thực đối với những người khác”.

Ông Lý Quang Diệu là một chính khách trong thế giới tư bản có quan hệ rất mật thiết với Việt Nam. Ông được mời tư vấn kế hoạch phát triển kinh tế trong thời của chính phủ Võ Văn Kiệt. T.S Lê Đăng Doanh kể lại: “Tôi có dịp được tiếp xúc với ông khi ông Lý Quang Diệu được Thủ tướng Võ Văn Kiệt mời sang để góp ý kiến cho Việt Nam thì ông Lý Quang Diệu đã có yêu cầu một cơ quan Việt Nam cung cấp số liệu về kinh tế đã nhờ Đại sứ Singapore tại Hà Nội và ông này đã đến gặp tôi lúc bấy giờ tôi là Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, tôi đã soạn thảo một bộ tài liệu và viết ra thành tiếng Anh và sau đó khi sang Việt Nam ông Lý Quang Diệu đã rất cám ơn và sử dụng số liệu đó để góp ý kiến.

“Tôi cũng có dịp hội họp với ông Lý Quang Diệu, trao đổi trực tiếp với ông trong những lần ông Lý Quang Diệu sang Việt Nam thì tôi đều được tiếp xúc và trao đổi trực tiếp với ông. Ông mơ ước được một đất nước như là Việt Nam, có tiềm năng, có dân số, có vị thế chiến lược, có những con người thông minh luôn luôn học giỏi hàng đầu ởSingapore và các nơi trên thế giới. Họ chịu khó làm việc và ông nghĩ rằng đất nước ViệtNam phải là một trong đất nước hàng đầu ở châu Á này.

Ông Lý Quang Diệu từng cho rằng "Tự do báo chí, tự do truyền thông tin tức đều phải lệ thuộc vào nhu cầu bảo vệ sự toàn vẹn của Singapore". Đây là cách mà Việt Namđang áp dụng với câu chữ là định hướng báo chí

Ông cũng mong muốn Việt Nam phồn vinh và cường thịnh vì một Việt Nam phồn vinh và cường thịnh sẽ có lợi cho Đông Nam á, có lợi cho hòa bình và ổn định của khu vực và cũng có lợi cho Singapore. Vì vậy cho nên ông nhiệt thành cố vấn, ủng hộ sự cải cách cho Việt Nam, ủng hộ phát triển kinh tế tư nhân, ủng hộ hội nhập.

Ông Lý Quang Diệu là một trong những người có công đóng góp cho sự thành lập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) Với vận động của ông, các nước thành viên đã đồng thuận cho Việt Nam tham gia vào tổ chức này vào tháng 7 năm 1995. TS Lê Đăng Doanh nhận xét những đặc tính mà ông Lý được mến mộ khi đóng góp cho Việt Nam: “Cá nhân ông đã dùng các uy tín và khả năng thuyết phục để thuyết phục các nước ASEAN chấp nhận Việt Nam tham gia vào tổ chức ASEAN. Ông cũng rất thẳng thắn, khi ông thấy những tiến bộ của Việt Nam chậm hơn ông mong muốn. Ông cũng rất thẳng thắn khi thấy rằng những cải cách của Việt Nam không được như ông kỳ vọng và trong hồi ký và các ý kiến lúc cuối đời ông cũng thẳng thắn nói lên những điều đó. Tôi nghĩ đó là một người bạn chân thành, một người bạn trung thực của Việt Nam và tôi tưởng nhớ ông, kính trọng ông và cám ơn ông về những gì ông đóng góp cho Việt Nam”.

Quan niệm định hướng báo chí

Mặc dù là một nước thành công vượt bậc trên nhiều lĩnh vực từ kinh tế tới quân sự, từ xây dựng một nền văn hóa nhân bản tới phát triển du lịch trong khuôn khổ của sự tôn trọng, cũng như phát triển các loại hình nghệ thuật căn cứ trên tính phổ quát nhân văn, nhưng một lĩnh vực rất quan trọng thuộc về quyền tối thượng của người dân thì Singapore lại tỏ ra yếu kém nhất, đó là quyền tự do báo chí.

Ông Lý Quang Diệu từng cho rằng "Tự do báo chí, tự do truyền thông tin tức đều phải lệ thuộc vào nhu cầu bảo vệ sự toàn vẹn của Singapore". Đây là cách mà Việt Namđang áp dụng với câu chữ là định hướng báo chí. Cũng không khác mấy với Việt Nam khi bị chỉ trích, ông Lý đã cho rằng các tờ báo chống ông được tài trợ bởi các thế lực thù nghịch ở nước ngoài.
Người dân Singapore cầu nguyện trước hình ảnh của cố cựu thủ tướng Lý quang Diệu (Lee Kuan Yew) được dựng lên nhiều nơi ở trung tâm cộng đồng Tanjong Pagar sau khi ông mất tại Singapore vào ngày 23 tháng 3 năm 2015.
Quan điểm cho rằng một số quyền tự do cần phải bị hy sinh để phát triển quốc gia của ông Lý Quang Diệu cũng từng gây tranh cãi nhất là quan điểm mô hình phương Tây về tự do dân chủ là không thể áp dụng được.

"Kiến nghị của ông Lý Quang Diệu cho đến nay chưa được thực hiện một cách có hiêu quả. Thí dụ như chuyện bộ máy nhà nước trọng dụng người tài. Thí dụ như xây dựng bộ máy công khai minh bạch. Thí dụ như xây dựng bộ máy không có tham nhũng, không dám tham nhũng, không cần tham nhũng và không thể tham nhũng" - TS Lê Đăng Doanh.

Luật sư Nguyễn Trần Bạt, tác giả của nhiều cuốn sách bàn luận chính trị cho biết nhận xét của ông về sự thiếu vắng tự do báo chí của Singapore, ông nói: “Tôi cho rằng báo chí có hoạt động tự do hay không thì cuối cùng những thành tựu quan trọng nhất trong tất cả các hoạt động xã hội chính là cái xã hội ấy nó phát triển và no ấm. Có một câu nói rất hay mà tôi nghĩ rằng có thể áp dụng được: ở chỗ nào ngay sự ngốc nghếch đã được hạnh phúc rồi thì khôn ngoan là thừa! Tôi nghĩ rằng người Singapore đang no ấm chúng ta còn hồi hộp xem sự no ấm của họ có bền vững không? Và nếu sự no ấm này có dấu hiệu nào đó không bền vững thì chúng ta buộc phải nghiên cứu các nguyên nhân của nó trong đó có thể không có tự do báo chí hay tự do chưa thỏa đáng có thể là một nguyên nhân để chúng ta nghiên cứu.

Những điều chưa thực hiện được

Trong một bài trả lời phỏng vấn đăng trên Straits Times dưới tiểu tựa: “Việt Nam: mắc kẹt trong tư duy xã hội chủ nghĩa”, ông Lý Quang Diệu đã nói: về cải cách của ViệtNam đã thay đổi đáng kể từ chỗ khá lạc quan khi ông có các chuyến thăm đầu tiên vào những năm 1990. Giờ ông tin rằng thế hệ các nhà lãnh đạo cộng sản lớn tuổi của Việt Namkhông có khả năng phá vỡ tư duy xã hội chủ nghĩa một cách cơ bản. Lúc đầu họ đồng ý bắt tay vào chặng đường cải cách bởi vì họ thấy rằng đất nước đang chẳng đi đến đâu. Nhưng từ đó đến giờ họ vẫn chưa thể hiện được quyết tâm thật sự trong việc đại tu hệ thống, điều mà người ta đã chứng kiến ở Trung Quốc.

“Mặc dù tiếp thu ý kiến của ông Lý Quang Diệu trên vấn đề hội nhập và phát triển cũng như chuyển đổi kinh tế, nhưng công cụ quản lý thành công của một nhà nước pháp quyền qua đóng góp của ông vẫn không được Việt Nam áp dụng” -  TS Lê Đăng Doanh chia sẻ: “Kiến nghị của ông Lý Quang Diệu cho đến nay chưa được thực hiện một cách có hiêu quả. Thí dụ như chuyện bộ máy nhà nước trọng dụng người tài. Thí dụ như xây dựng bộ máy công khai minh bạch. Thí dụ như xây dựng bộ máy không có tham nhũng, không dám tham nhũng, không cần tham nhũng và không thể tham nhũng! Tất cả những điều đó chúng ta chưa làm được và tôi nghĩ đấy là điều mà ông Lý Quang Diệu cũng tiếc và cá nhân tôi cũng rất tiếc cho đất nước của mình.

Ông Lý Quang Diệu được cộng đồng thế giới ngưỡng mộ, người dân Singapore tiếc thương có lẽ từ tư cách, tài năng và lòng yêu thương mảnh đất mà ông góp công đầu tạo dựng. Ông mất đi nhưng vẫn còn để lại những bài học mà nhiều nước đang học dở dang nhất là Việt Nam nơi từng được ông trực tiếp chia sẻ kinh nghiệm thành công của mình.

Mặc Lâm/RFA

PNTB: Đã cắt bỏ một đoạn cho phù hợp tính chất của trang chủ.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.