4101. Con đò và người khách lạ - truyện ngắn của Thái Sinh

Con đò và người khách lạ
Truyện ngắn của Thái Sinh
Minh họa của Võ Lương Nhi
Khoảng hai tuần nay dân thị trấn ở miền thượng du này thấy xuất hiện một người bán rắn bên ngã ba đường trước ngôi miếu hoang cạnh bờ sông. Anh mặc bộ quần áo tàng tàng, chiếc mũ cọ mất vành lá toè ra xơ xác rủ xuống gương mặt nhằng nhịt những vết sẹo ngang dọc, chân trái bị cụt tới đầu gối nên anh phải đi chân giả, tuy nhiên anh vẫn phải chống nạng, bây giờ anh đang ngồi trên chiếc nạng ấy. Mẩu chân giả làm bằng thứ nhựa hồng hồng lâu ngày màu đã lợt đi kê dưới cái chân cụt. Tay anh dường như bị cháy, các ngón toè ra sần sùi, móng tụt vào tận trong xoăn xui như mảnh vỏ đỗ bị vò nát. Năm con rắn cạp nong, cạp nia, hổ mang trắng, hổ mang chì, rắn ráo bị anh nắm đuôi đang nằm ngo ngoe dưới đất. Mọi người xúm đen xúm đỏ bên anh, nhiều nhất vẫn là trẻ con, chúng đứng ngồi lôm nhôm chăm chăm nhìn những con rắn đang trườn lên nhau miệng tia ra hai nhánh lưỡi như lúc nào cũng sẵn sàng mổ xuống đối phương.

Mấy hôm đầu mỗi ngày anh bán được hai ba bộ, giá bộ ngũ xà là hai mươi ngàn, bộ tam xà là mười lăm ngàn. Còn bây giờ thì ít người mua lắm, có ngày anh phơi mình suốt buổi chẳng ma có nào đến hỏi. Lũ trẻ xem chừng đã chán, chúng kéo nhau vào gốc đa bám vào các dễ cây buông thòng xuống đất đánh đu.

Từ lâu cây đa và cái miếu là nơi linh thiêng trong con mắt người dân thị trấn, những người già ở đây kể rằng cái miếu này do những người đi bè dựng lên để thờ thần sông, cầu mong cho bè của họ đi qua đây không bị đánh đắm. Có bao nhiêu huyền thoại về khúc sông này, khúc sông bị thắt đột ngột giữa hai bờ đá, nước duềnh lên chồm qua những tảng đá ngầm đâm thẳng vào chỗ gốc đa rồi đột ngột rẽ ngoặt về phía trái tạo thành một dòng xoáy hẹp. Khi bè tới đây chủ bè không lái nhanh cho mũi bè chếch theo dòng nước cuối sông thì: Một là bè vỡ, hai là bè cứ luẩn quẩn trong vòng xoáy hàng tháng trời. Đã có bao nhiêu người mất mạng ở khúc sông này. Những người đi bè thường tới đây thắp hương cúng vái để thần sông phù hộ cho tai qua nạn khỏi.

Người bán rắn không biết từ đâu đến. Buổi chiều hôm ấy lũ trẻ thấy anh gánh tòng teng chiếc rọ tre hình quả nhót, một đầu treo chiếc ba lô lộn, anh ta đặt cái rọ tre xuống cạnh cửa miếu rồi đi vào gốc đa ngó nghiêng các hốc cây, khe đá. Gương mặt anh chợt giãn ra, đôi môi nở một nụ cười thích thú làm cho các vết sẹo tấy đỏ, trông gương mặt anh càng kỳ dị. Anh xắn tay áo thọc vào các gốc cây, kẽ đá lôi ra những con rắn loằng ngoằng. Một con, hai con, cạp nia, hổ mang trắng, hổ mang chì...cả một kho của. Rồi anh vào trong miếu bắt thêm được vài con nữa. Buổi tối anh quét sạch cửa miếu nằm gối đầu lên chiếc ba lô, ngủ ở đây tha hồ mát, gió thổi suốt đêm. Lũ trẻ tò mò hỏi anh:
-  Đêm chú ngủ ở đây có thấy ma không?
-  Làm gì có ma hả các cháu?- Anh lắc đầu.
-  Vào miếu chú nhìn thấy con rắn có mào chứ?

Anh mỉm cười:
- Nhà chú ba đời đi bắt rắn, chưa bao giờ chú gặp rắn có mào. Ở nước mình không có loài rắn có mào như một số nước châu Phi.
- Bà cháu bảo trong miếu này có một con rắn có mào, đó là rắn Thần. Ngài đấy! Ngài sống ở đây để cai quản khúc sông này...
Vừa bắt từng con rắn bỏ vào rọ, anh vừa cười rung bả vai.
- Nếu gặp Ngài thì chú cũng bắt bỏ luôn vào rọ đây.
Bọn trẻ cười thích thú.

Chiều nay Khôi trở về theo lối bờ sông, từ nhà anh tới Uỷ ban thị trấn không quá tám trăm mét, thường ngày anh vẫn đi bộ từ nhà tới nơi làm việc, đó cũng là bài thuốc chữa bệnh sơ cứng động mạch. Đám đông lũ trẻ con đang vây quanh một người nào đó bên cạnh ngôi miếu hoang làm anh chú ý, anh ngó qua đầu bọn trẻ thấy một người ngồi bệt dưới đất tay cầm vài ba con rắn, chợt Khôi nghĩ tới chiếc bình thuỷ tinh thằng Tâm tặng anh hồi tết sau khi anh xin được việc làm cho nó, số thuốc trong bình sau vài lần ngâm đã nhạt. Giá được mấy con rắn kia... rượu rắn chữa được đủ thứ bệnh tật, có lần anh nghĩ phải mua bộ ngũ xà ngâm rượu uống cho khoẻ. Anh hỏi người bán rắn:
-  Bao nhiêu tiền một bộ hả ông?

Người bán rắn ngẩng lên:
- Anh mua bộ ngũ xà hay tam xà?

Lũ trẻ giãn ra nhường lối cho Khôi vào. Anh ngồi xổm đối diện với người bán rắn, kẹp chiếc cặp da vào đùi.
- Tôi muốn mua bộ tam xà.
- Hai mươi ngàn bộ ngũ xà, mười lăm ngàn bộ tam xà.

Khôi hơi sững lại, anh cảm thấy đôi mắt của người bán rắn quen quá, hình như anh đã gặp đôi mắt ấy ở đâu rồi. Người bán rắn cũng cảm thấy như thế, họ lặng lẽ nhìn nhau. Chịu, Khôi không thể nhớ ra cái người đang ngồi trước mặt mình với gương mặt chằng chịt những sẹo, anh vờ cúi xuống thở dài.
- Vậy bộ tam xà lại đắt hơn bộ ngũ xà kia à?
- Vâng, bộ tam xà gồm toàn đầu vị, nên đắt anh ạ.

Khôi lúng túng, anh nhìn lại người bán rắn một lượt, nếu không nhầm thì người đang ngồi trước mặt anh đây là Đông, Đông rắn. Bởi đuôi mắt trái của Đông có một nốt ruồi đỏ nhỏ bằng nửa hạt gạo. Đúng hắn! Hắn cùng đơn vị trinh sát với anh suốt những năm sáu tám, sáu chín. Nhưng hắn đã chết rồi kia mà? Lần ấy tiểu đội trinh sát của anh có nhiệm vụ lên sơ đồ cụm cứ điểm H.43, vừa vượt qua hàng rào thứ nhất thì bọn anh đụng phải lính đi tuần, chúng xả đạn vào bờ đất nơi Đông đang nấp, lúc đó anh đang ở phía sườn trái chúng, lẽ ra anh phải bắn tạt sườn chia cắt đội hình chúng ra để Đông có thời gian thoát khỏi làn đạn đang trút xuống đầu mình. Nhưng Khôi nghĩ Đông chưa nổ súng tức là bọn chúng bắn hú hoạ, chắc gì chúng đã phát hiện ra Đông? Một điều nữa, điều mà anh chôn chặt trong lòng mình bấy lâu nay, đó là hồi đơn vị anh đóng quân ở làng Vị, gia đình bọn anh trọ có một người con gái tên là Toan, cô đã dành tình yêu cho Đông, một người có nhiều tài lẻ, con trai mà có tài khâu vá, thêu thùa giỏi như con gái, nhất là Đông có tài bắt rắn và chữa rắn cắn. Đông bày cách cho cả làng trồng sả quanh hầm để lũ rắn không dám bò vào hầm.

Khôi cũng đem lòng yêu cô gái đó, điều mà Khôi chờ đợi ở Toan thì cô lại dành hết cho Đông. Buồn vì không được yêu, Khôi ngấm ngầm xúc xiểm Đông...Lúc ấy sự ganh ghét lại trỗi dậy trong lòng Khôi. Trái tim Khôi trở lên sắt đá, một phút giây anh trở thành kẻ hèn hạ, anh lặng yên nhìn luồng đạn trút xuống nơi Đông đang nấp. Có lẽ nào chính Đông đã hứng hộ anh một phần số đạn ấy, bởi lúc đó Đông đang phơi mình trên gò đất...Thời khắc ngắn ngủi ấy Khôi đã nghĩ đến Toan.

Bị lộ đơn vị Khôi phải tạm rút ra khỏi cụm cứ điểm, cho tới giờ quy định vẫn không thấy Đông trở lại, anh cùng một người nữa bò vào nơi bọn giặc vừa trút đạn xuống, không thấy Đông ở đây, mặt đất ướt nham nháp, chẳng còn nghi ngờ gì nữa Đông đã bị trúng đạn. Họ lần theo vết máu ra tới gần sông Sê-pôn thì đụng một tốp lính đi ngược trở lại, hai người đành phải quay về. Mấy ngày sau có người báo cho các anh biết họ vớt được một cái xác chết đã bị đâm nát mặt, không thể nhận ra hình thù gì nữa. Khớp với tình tiết đêm hôm ấy Khôi cho rằng bọn giặc đã hành hạ thi thể Đông rồi vứt xuống sông cho lũ cá rỉa ăn. Sau ngày chiến thắng Khôi trở về làng Vị...Toan bàng hoàng được tin Đông đã hy sinh, trời đất dưới chân cô như sụp tan, cô lảo đảo bước tới bờ tường, hai bàn tay bám vào thành đất mà đôi vai cứ rung lên trong tiếng nấc. Khôi an ủi:
- Đừng buồn nữa Toan à, đó là điều không thể tránh khỏi trong cuộc chiến tranh này...

Và...chính Khôi là người đã lấp vào cái khoảng trống đau thương trong trái tim cô. Nửa năm sau họ tiến hành lễ cưới, Khôi ra quân, đưa vợ lên cái thị trấn thượng du này, nơi trước lúc nhập ngũ Khôi là cán bộ Đoàn của thị trấn, anh xin cho vợ làm ở công ty thương nghiệp. Cuộc đời của họ lúc này như diều gặp gió. Cũng như Khôi, Toan tin rằng Đông không bao giờ trở về, cô bắt chồng đưa vào tận nơi Đông hy sinh để cô cắm lên mộ anh những bông hoa cô mang từ quê nhà và nói với anh lời cuối cùng vĩnh biệt.

Cuộc đời thật trớ trêu, Đông không chết, mặc dù chúng dìm anh xuống sông bắt anh khai sư đoàn nào sẽ tới đây...chúng đốt mười đầu ngón tay rồi dùng lưỡi lê rạch nát mặt anh, chặt cái chân bị thương vứt cho chó béc-dê nhay, anh chỉ lắc đầu: “Tôi là lính trinh sát, tôi làm phận sự của người lính trinh sát, ngoài ra tôi không biết sư đoàn nào, quân đoàn nào sẽ tới đây...” Chúng đưa anh cùng những người lính bị bắt ra ngoài đảo Phú Quốc. Tháng 5-1975 đảo Phú Quốc giải phóng, anh được đón vào đất liền rồi họ đưa anh vào viện điều dưỡng, cuối năm 1976 họ đưa anh về trại thương binh của tỉnh. Bốn năm sau gia đình anh vào tận trại đón anh trở về, sức khoẻ của anh còn lại năm mươi phần trăm, anh chẳng cần phải nằm ở trại làm gì, cái nghề bắt rắn, chữa rắn cắn lại thức tỉnh trong anh. Năm 1982 anh trở lại làng Vị, người ta cho anh biết Toan đã lấy chồng và cô đã theo chồng về quê. Đông cũng không hỏi Toan lấy ai, cái làng Vị chẳng ai còn nhớ Đông nữa, nét mặt anh biến dạng ghê quá. Thật vô duyên, nếu anh bô bô nói rằng tôi là Đông đây, tôi đã đóng quân ở làng này vào năm ấy, năm ấy...Anh cũng chẳng trách Toan, bởi người ta đã báo tử anh, giấy báo tử ghi rõ rành tên Đông, năm sinh, quê quán, cả ngày giờ nơi Đông mất.

Đông đi lang thang khắp đó đây bắt rắn, bán rắn và chữa rắn cắn cho mọi người. Bây giờ thì Đông đã đến cái thị trấn miền thượng du này. Người đang ngồi trước mặt Đông là Khôi, đúng Khôi trố (Cái biệt danh thằng Quân đặt cho Khôi). Khôi vội vàng đứng lên.
- Tiếc quá, hôm nay tôi lại không mang tiền theo...

Đông mỉm cười:
- Anh cứ lấy đi, lát nữa anh mang tiền đến cho tôi cũng được.

Khôi lắc đầu:
- Cảm ơn anh. Thôi, để khi khác vậy.

Khôi quay gót bước đi, im lặng đến mấy giây, Đông vội đứng lên, anh lập cập đuổi theo.
- Này anh, tôi xin biếu anh đấy...Trời, Khôi! Cậu có phải là Khôi trố không? Cậu không nhận ra mình à? Đông đây, Đông rắn đây...

Mặt Khôi bạc đi, lúc này anh không còn đủ can đảm để nhận ra kẻ tình địch của mình nữa, mặc dù anh ta đang đứng trước mặt với giọng nói và đôi mắt vô cùng quen thuộc. Nhưng tại sao gương mặt anh ta lại biến dạng đến khiếp sợ thế kia? Có lẽ nào anh ta đã chết mà bây giờ lại đội mả lên đây đòi nợ mình? Không, Đông không chết! Đông nhận ra đúng mình, cả cái biệt danh thời lính ấy nữa...Khôi nhíu lông mày lắc đầu vẻ thất vọng.
- Có lẽ anh nhầm. Lần đầu tiên hôm nay tôi mới gặp anh...
- Vâng có lẽ thế! Mặt Đông tái nhợt, thoáng chốc anh nhớ tới cái đêm trinh sát ấy, Khôi bò bên trái sau anh chừng hai chục mét...giọng anh trở nên rời rạc- Anh cứ cầm lấy mấy con rắn này về ngâm rượu.

Khôi so vai xoè đôi bàn tay ra.
-Tôi chả có gì đựng cả. Vả lại tôi cũng không biết cách ngâm anh ạ.
- Được tôi sẽ giúp anh, chắc nhà anh ở gần đây chứ?

Đông hấp tấp bước theo Khôi. Anh hoàn toàn bất ngờ khi nhận ra Toan bước ra mở cửa. Cô nhìn anh với con mắt ngạc nhiên lẫn ghê sợ. Anh vờ cúi xuống, cả một quãng đời xa xăm vụt hiện lên trong tâm trí: Cô ngã vào lòng anh, đôi tay ghì lấy cổ anh như thể trì níu sợ anh tuột bay mất...Toan thổn thức, soi gương mặt nhoè nhoẹt nước mắt vào đôi mắt anh: “ Em sẽ chờ đợi, dẫu năm năm, mười năm...và mai ngày trở về anh chỉ còn một cánh tay. Hãy trở về với em anh nhé!...” Không, bây giờ mọi cái đều đã muộn, tất cả đều đã khác xưa.

Toan khác quá, cô không thể nhận ra anh, một con người với gương mặt méo mó, kỳ dị. Trái tim Đông nhói đau, ngôi nhà của Khôi sang trọng quá, mọi thứ từ chiếc ti vi 14 inh, cái tủ khảm trai đến chiếc gạt tàn thuốc lá đặt trên bàn cũng đầy vẻ sang trọng và quý giá. Toan chăm chú nhìn người đàn ông lạ mắt đầu đội chiếc mũ tùm hụp đang giúp chồng mình ngâm rắn vào chiếc bình thuỷ tinh.

Khôi liếc mắt nhìn vợ và anh đoán được ý nghĩ của Toan, anh vào nhà mở tủ lấy ra chiếc ví xách tay, kéo phec-mơ-tuya rút ra hai tập giấy bạc loại hai trăm đồng đưa cho Đông.
- Tôi trả anh hai mươi lăm ngàn, trong đó có cả tiền công anh giúp tôi ngâm bộ ngũ xà này...

Đông ngẩng lên, anh bắt gặp cái nhìn khinh bạc của Khôi. Anh hiểu Khôi muốn tống khứ anh ra khỏi ngôi nhà này càng nhanh càng tốt, tựa hồ sự có mặt của anh đã làm cho ngôi của họ trở lên bẩn thỉu. Trái tim Đông se lại, anh cảm thấy như vừa có cái gì đó dâng lên nghẹn tắc ở cổ. Anh quay về phía Toan, cô nhìn chăm chăm vào đôi mắt anh, nét mặt sửng sốt, cô vội quay đi giấu vẻ bối rối.
- Nhà tôi trả anh như thế là hậu đấy, xin anh đừng chê tiền lẻ...
Đôi mắt Đông cụp xuống, anh run rẩy chìa đôi bàn tay sần sùi, cùi cụt đón lấy ba tập giấy bạc như nhận của bố thí, giọng anh lạc đi:
-  Cảm ơn...Vâng, xin cảm ơn chị!

Đông quay gót bước ra cổng, anh dừng lại bên hàng rào râm bụt loay hoay với nắm giấy bạc trong tay, chợt tiếng Toan vang lên:
- Anh Khôi này, em có cảm giác như đã gặp con người này ở đâu rồi đó.

Nhất là đôi mắt, nom quen quá, có lúc em chợt nghĩ hay đây là anh Đông...
- Chính anh cũng nghĩ như vậy. Không, hắn đã chết rồi! Chết rồi kia mà...
- Có lẽ nào anh ấy lại đội mả để về đây? Trông anh ta khiếp quá, một gương mặt méo mó đến kinh sợ. Nhưng nếu đúng là Đông thì sao? Toan bỗng rú lên- Không! Đông đã chết rồi! Chúng ta đã tới thắp hương trên mộ anh ấy...

Đông rùng mình, anh vò nát nắm giấy bạc trên tay, tai ù đi không còn nghe thấy tiếng Toan nói gì nữa, anh bước đi như chạy trốn khỏi ngõ nhà Khôi và tự mắng mình: “Thằng khốn nạn, tại sao mày lại dẫn xác tới đây, hả? Hả?”

Đêm ấy Đông nghĩ lan man đủ thứ chuyện trên đời, khuya lắm anh mới chợp được mắt, đang ngủ lơ mơ anh cảm thấy như có người soi đèn nhìn anh, một giọng phụ nữ cất lên.
- Anh có phải là Đông không?

Đông hé mắt, ánh đèn nhoè nhoẹt khiến anh không thể nhận ra người đang cúi xuống kia là ai., vừa hao hao giống Toan, vừa chẳng giống Toan. Người ấy hỏi giọng nhỏ nhẹ:
- Anh ngủ à, có phải anh tên là Đông không?

Đông lật người quay mặt úp vào chiếc ba-lô.
- Không! Tôi không phải là Đông, tôi là người bán rắn...

Tiếng bước chân trở lại, ai đó cười gằn.
- Em nghe rõ chứ, hắn ta là thằng bán rắn, một thằng hủi lạc từ đâu tới...

Đông nghe mơ hồ tiếng chim vít vịt từ dưới sông vọng lên.

Sớm hôm sau không một đứa trẻ nào dám bén mảng tới chỗ anh, chúng truyền nhau cái tin: “Lão bán rắn bị bệnh hủi, các ngón tay hủi ăn sắp cụt hết rồi”. Chúng ném đá vào người anh.

Đông xếp đồ đi khỏi thị trấn, mọi người nhìn anh với cái nhìn vừa kinh tởm vừa sợ hãi. Họ giạt ra hai bên đường nhường lối cho anh đi, bóng anh nhỏ nhoi, thấp bé đang nhoè dần vào cuối con đường đất đỏ, nhưng tiếng chân gỗ thì cứ vang lên cọt...kẹt...cọt...kẹt nghe đến ghê rợn.

Toan trở dậy vào lúc ba giờ sáng, chừng hai tháng nay chị như người bị ma ám, mỗi khi đêm xuống trong mỗi góc nhà, lùm cây chị như nhìn thấy lốc nhốc những ma lớn, ma bé. Gương mặt của chúng đều méo mó, véo vọ trên đôi cánh tay dài ngoằng quấn đầy rắn. Chúng lặng lẽ đến bên chị, vừa nhảy chúng vừa dứ những con rắn cổ đỏ, cổ xanh vào mặt chị. Có đêm chị thét toáng lên vùng dậy không dám ngủ tiếp. Đêm nào cũng vậy, chị ngồi lặng câm bên ngọn đèn cho đến lúc rũ xuống. Khôi khẽ khàng bế chị đặt lên giường.

Toan bừng tỉnh và gắt với anh:
-  Hãy cứ để mặc tôi như thế. Khủng khiếp quá, tôi lại mơ thấy người bán rắn đến đây. Con người tội nghiệp ấy đã đi khỏi đây rồi, nhưng sao hình bóng anh ta lại cứ luẩn khuất ở đâu đây, trong ngôi nhà này-Toan thở dài- Anh hãy đem cái bình rắn của anh đi đi, tôi sợ lắm, những con rắn khốn kiếp cứ tuồn vào giấc ngủ của tôi...

Khôi khẽ khàng vuốt bờ vai Toan.
- Sao em cứ phải bận tâm mãi về con người ấy. Ngủ đi em, ngủ đi, ngày mai anh sẽ ném cái bình kia cho khuất mắt em.
- Anh có dám chắc rằng Đông đã hy sinh rồi chứ?

Khôi cúi xuống thở dài, anh không dám nhìn vào đôi mắt của Toan nữa. Kể từ hôm gặp Đông, đôi mắt ấy nhìn anh như dò xét. Có lúc anh như bị lột trần trong cái nhìn của Toan. Bấy nhiêu năm về ở với nhau, họ đã hoà nhập vào nhau, chia sẻ cho nhau tất cả niềm vui và nỗi buồn. Anh kể với chị chính anh đã chôn Đông trong cái đêm nhì nhằng đạn pháo. Nhưng không bao giờ Khôi kể lại lúc ấy lẽ ra anh phải xả đạn về phía bọn lính đi tuần để giải thoát cho Đông. Thi thoảng họ vẫn nhắc về Đông chứa chan kỷ niệm, những lúc ấy Toan lại ngả đầu vào vai Khôi, chị nói với anh:
- Cảm ơn anh! Bây giờ anh là cuộc đời em, là tình yêu của em...
- Nhưng giả dụ có một ngày nào đó Đông không chết mà đột ngột trở về thì sao? - Khôi thầm thì.

Toan vùng dậy, cười khanh khách.
- Em sẽ trở lại với anh ấy, lúc đó anh có buồn không? – Chị nhìn đăm đắm vào mắt Khôi- Nhưng mà sao ta lại nói chuyện ấy hả anh? Anh ấy đã hy sinh rồi!

Còn lúc này Khôi ngoảnh mặt đi tránh cái nhìn của Toan. Phải, Đông không chết, Đông đã trở về bằng xương bằng thịt, dẫu rằng thân hình tàn tạ. Thật khốn kiếp, tại sao ta không dám nhận hắn? Ta có lỗi gì? Ừ, lúc đó tao sợ chết nên không dám nổ súng vào bọn lính đi tuần, nhưng sau đó tao đã bò vào tìm mày, mày đã bị chúng nó kéo đi rồi. Mày có biết tao đã khóc bao nhiêu ngày? Sự hy sinh của mày đã thức tỉnh tao, tao đã chiến đấu, đi suốt cuộc chiến tranh cho đến ngày miền Nam được giải phóng. Đôi lúc tao cứ nghĩ rằng chính mày đã phù hộ cho tao, tao đã về cái làng quê của mày, người ta đã báo tử mày, Toan cũng biết điều ấy. Toan không có lỗi gì trong việc này, nếu Toan không lấy tao thì Toan cũng lấy một người khác, lúc đó mày có trách Toan không? Phải, tao có tội với mày, bởi tao là kẻ hèn nhát, một tên khốn nạn, đã bỏ rơi bạn bè trong lúc lâm nguy. Hãy tha thứ cho tao, Đông ơi!

Hình như Khôi đã nói ra điều ấy trong giấc mơ, có lẽ thế mà sớm ra Toan đã hỏi anh:
- Đêm qua anh mơ nhiều quá, gọi tên anh Đông, gọi tên em, có điều gì thế hả anh?
- Không! Chẳng có chuyện gì đâu Toan à...

Toan đứng dậy, cô đặt bàn tay nặng trĩu lên vai anh, anh cảm thấy như nghẹt thở. Anh không thể trốn chạy được cái nhìn của Toan, Khôi sụp xuống chân cô, giọng run lên:
- Hãy trừng phạt tôi đi, Toan. Việc gì em phải nhìn tôi như thế? Đúng người bán rắn ấy là Đông! Đông rắn. Tôi cứ nghĩ rằng Đông đã hy sinh rồi, tôi đã bỏ mặc Đông trong cái đêm ấy, bởi lúc đó tôi đã nghĩ tới Toan, tôi yêu Toan. Bao nhiêu năm nay tôi tin như thế, nhưng Đông không chết. Đông đã trở về. Hãy trừng phạt tôi đi, tôi đáng phải trừng phạt lắm!

Toan bóp mạnh vào vai anh, khẽ lắc đầu, đôi hàng nước mắt của Toan chảy chan hoà trên hai gò má rơi lã chã xuống vai anh, giọng chị lạc đi.
- Tất cả đã muộn rồi...Anh ấy chẳng cầu mong gì ở tôi nữa.

Đông đã rời khỏi cái thị trấn có vợ chồng Khôi ở chừng ba tháng nay, buổi sớm ấy ra đi lòng Đông đầy ắp những buồn tủi, xót xa. Đời, sao lại có những kẻ độc ác như thế? Anh không trách vợ chồng Khôi, họ không thể nhận ra anh, chính những người thân của anh, ngày đầu trở về người ta cũng không nhận ra, Khôi và Toan cũng thế thôi, vả lại cuộc sống của họ hạnh phúc như thế, tại sao ta nỡ khuấy động lên? Cũng đã lâu lắm rồi Đông không nghĩ tới họ, bây giờ mỗi người sống với cuộc đời riêng của mình.

Cuộc sống lang thang của anh cũng có cái thú, anh làm bạn với lũ trẻ, tới đâu anh cũng được chúng đón chào với sự thán phục. Anh kể cho chúng nghe cuộc đời của mình trong những năm tháng chiến tranh, kể về những loài rắn...lũ trẻ mê chuyện của anh đến nỗi có đứa quên cả cơm chiều. Một chiều kia khi anh đang chuẩn bị cho những con rắn vào rọ thì một người phụ nữ tới. Chị không còn trẻ, gương mặt phúc hậu, đôi mắt đượm buồn, chị rụt rè như sợ những con rắn tuột khỏi tay anh sẽ lao về phía chị.
- Chào anh- Chị khẽ khàng- Tôi nghe mọi người nói nhiều về anh, vậy mà hôm nay tôi mới tìm được.
- Có việc gì thế chị? Đông hơi ngẩng lên. Dạ! Chị ngập ngừng- Tôi muốn mua những con rắn của anh.
- Chị mua bộ tam xà hay ngũ xà?
- Tôi muốn mua hết số rắn của anh hiện có.
- Sao? Chị mua hết số rắn của tôi?
- Vâng, anh hãy đếm đi...
- Tôi có cả thảy là sáu mươi con, gồm 5 con cạp nia, 6 con hổ mang chì...Tôi không hiểu chị mua tất cả số rắn này để làm gì?

Người phụ nữ cười phá lên.
- Chả giấu anh làm gì, bố tôi đang lập một trại nuôi rắn. Kể từ nay nếu bắt được con nào xin anh bán cho tôi. Còn bây giờ anh qua nhà tôi, nhà tôi ở bên kia sông, cách đây một giờ đi.

Đông đứng dậy thu xếp đồ đạc theo người phụ nữ. Chị chèo một con đò nhỏ đưa anh sang bên kia sông tới một vùng đồi hoang vắng, đó là bãi tha ma đã cất hết mộ, gò đống lổm ngổm, những lùm găng, xương rồng, cỏ chè vè mọc um tùm xanh tốt. Nhìn con đường và mặt đất tím hoa cỏ may anh đoán rằng nơi này lâu nay chắc ít người qua lại. Chị phụ nữ dừng chân bên đống đất đá rêu phong.
- Anh hãy thả rắn xuống đây.
- Tôi không hiểu? Đông ngơ ngác - Đây là trại rắn của gia đình chị?
Chị không quay nhìn anh nói như ra lệnh.
- Vâng! Anh hãy nhanh tay lên kẻo tối rồi.
- Tôi không hiểu...
- Xin anh đừng hỏi nữa, trời sắp tối rồi, nếu tôi về chậm ông già lại rầy la tôi mất.

Hai người trở về khi bóng tối đã xoá nhoà đi tất cả. Đông cảm thấy khó hiểu, làm sao có thể coi mảnh đất không tường rào là trại nuôi rắn được? Anh sờ bọc tiền trong túi, trong óc thoáng hiện gương mặt người phụ nữ ấy. Chị ta là ai? Cái hành động của chị ta thật ngông cuồng, làm sao có thể tin con người ấy lại dám nuôi dưỡng lũ rắn độc hung dữ kia? Chị ta sống với ông già ư? Thế có nghĩa chị ấy chưa xây dựng gia đình? Lạ nhỉ. Anh lại nghĩ vẩn vơ.

Nửa tháng sau anh trở lại cái nơi ấy, lũ trẻ cho anh biết chị ta không phải người làng này, chị ở đâu tới đây làm nghề chở đò dọc, nghe nói gia đình chị không còn ai, cha mẹ chết bom, chồng chưa cưới của chị hy sinh trong chiến tranh, chị từng là thanh niên xung phong, nửa người bên trái bị bon na pa. Là người ta đoán thế, bởi có người đã nhìn thấy thân thể chị loang lổ sẹo.

Nhưng tại sao chị ta lại mua rắn của anh rồi thả đi? Đông phấp phỏng suốt một ngày, quả nhiên khi chiều đã xuống chi lại đến, mua hết số rắn của anh. Lúc trở về, khi đã qua bên này sông, anh dừng lại.
- Tôi không thể nào tin được cái trại của gia đình chị lại được xây dựng như thế. Hình như chị đang rỡn tôi. Tôi sẽ không bán cho chị nữa, nếu chị không nói cho tôi biết vì sao chị lại mua rắn của tôi rồi thả đi.
 Kết quả hình ảnh cho Hình ảnh con đò
Chị khoả chân xuống dòng sông, đẩy thuyền ra làm mặt nước gợn lên những vòng sóng lấp lánh. Im lặng một lát, chị quay lại.
- Anh nói đúng, nơi anh đến không phải trại rắn. Có người nhờ tôi làm việc này. Xin anh đừng hỏi  tên người ấy là ai, bởi tôi cũng không biết vợ chồng họ tên gì ở đâu tới. Còn bây giờ tôi phải về, nhà tôi ở cuối con sông này.

Con đò mỏng mảnh hơi lạng đi khi người phụ nữ bước lên, tiếng bai chèo khoả vào mặt nước ì oẵng. Đông bước đi được vài bước, chợt như nhớ ra điều gì, anh vội quay lại.
- Này chị gì ơi, chờ tôi với. Hãy cho tôi ngồi nhờ một đoạn, tôi cũng về dưới ấy...

Sớm hôm sau có người đi thả lưới đêm kể lại, họ thấy con đò của người phụ nữ ấy ở dưới đó một đoạn khá xa, và đêm ấy họ thấy ngọn đèn trên mui cháy suốt đêm. Mờ sáng chị mới nhổ sào xuôi cùng với một người khách lạ.
                                                                                                           Tháng 12-1988
Sửa lại tháng 8-1992
 TS

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.