4055. Lão Khoa làm 'diễn viên'

LÃO KHOA LÀM “DIỄN VIÊN”
Bộ ảnh nhiếp ảnh gia Vũ Quang Huy 
chụp nhà thơ Trần Đăng Khoa. Nguồn: Vnn

Bây giờ nhớ lại một thời, chúng ta chỉ thấy thương thôi. Thương cho một số người và thương cho cả một thời đại. Cũng thương cho cả chính mình. Cái thời ấy nó thế...

- Thưa nhà thơ Trần Đăng Khoa, nhân dịp “đầu năm Con Dê”, thay mặt anh em báo Văn nghệ, đặc biệt là các phóng viên trẻ, tôi muốn được gõ cửa “xông đất” anh. Cũng nhân thể hỏi anh dăm ba chuyện. Anh đồng ý chứ!

- Khiếp! Ông cứ vẽ! Tôi là cái mõ làng. Ai mà chẳng gõ được cơ chứ.

- Cách đây không lâu, tôi có được xem một bộ phim tài liệu rất thú vị về anh khi anh còn là một cậu học trò do một hãng phim nước ngoài quay. Bộ phim ấy, họ quay năm nào vậy?

- Đấy là năm 1968. Hồi đó tôi đang học lớp bốn. Cũng năm đó, tôi có tập thơ đầu tay “Góc sân và khoảng trời” 50 bài do Ty Giáo dục Hải Dương in (mãi đến năm 1973, Nhà xuất bản Kim Đồng mới chính thức in tập thơ này với tư cách là một tác giả. Hồi đó, việc in thơ khó khăn lắm, không thoải mái như bây giờ). Cũng năm 1968 ấy, thơ tôi được Madeleine Riffaud giới thiệu trên hai trang ruột báo Nhân đạo của đảng Cộng sản Pháp (xuất bản ở Paris): Thơ Trần Đăng Khoa, tiếng hát mạnh hơn bom đạn. Sau bài viết giới thiệu là 5 bài thơ dịch của tôi. Rồi ngay sau đó, đoàn quay phim Pháp, do đạo diễn-nhà thơ cộng sản Pháp Gérard Guillaume về làng tôi quay phim Thế giới nhỏ của Khoa, một bộ phim tài liệu dài 30 phút, do G. Guillaume viết kịch bản và lời bình. Claude Burel dựng phim. Dominique Labourie và Zofra Menuet đọc thơ tôi bằng tiếng Pháp với hai giọng nam và nữ. Marc Boussard tạo tiếng động… Trong lời bình, có một đoạn G. Guillaume viết nguyên văn như sau (Xuân Diệu dịch): “Cả làng xã của Trần Đăng Khoa quyết tâm “bảo vệ” cậu, không cho chúng tôi làm phim về cậu. Để có những hình ảnh này của cậu, chúng tôi đã phải tạo ra một cái cớ, là làm một bộ phim phóng sự về cuộc sống hằng ngày của thiếu niên xã Quốc Tuấn, một ngôi làng nhỏ nằm ở đồng bằng sông Hồng, với sự “đồng lõa” của Trần Thị Duyên”.



Chị Duyên là cán bộ phụ trách thiếu niên nhi đồng của Tỉnh Đoàn Thanh niên Lao động Hải Dương, người được Bí thư Tỉnh ủy Ngô Duy Đông, một người đồng hương Thái Bình của chị rất quý trọng. Chị thường về xã kiểm tra các phong trào của thiếu nhi rồi làm việc với lãnh đạo xã, có lần chị còn mang cả thư tay của ông Ngô Duy Đông, gửi bí thư xã về việc quan tâm đến cháu Khoa, mà cụ thể là không được cho người vào nhà Khoa hỏi giấy tờ khi khách các nơi đến thăm, mà không có giấy thì yêu cầu ra khỏi làng... vì thế rất được lãnh đạo xã nể trọng. Vì vậy mà phim mới được quay. Đoàn làm phim Pháp do Xuân Diệu dẫn về làng, ông trực tiếp làm phiên dịch, rồi trực tiếp giới thiệu thơ tôi với bà con dân làng và các cháu thiếu nhi, đứng ngồi vây quanh ông.Trong phim, Xuân Diệu xuất hiện ba lần. Phần mở đầu ông nói về thơ tôi. Rồi sau đó, ông đọc thơ tôi ở phần giữa và khi kết phim. Đó là những trường đoạn rất sinh động và rất quý hiếm. Đây cũng là hình ảnh duy nhất lưu giữ được hình bóng ông trọn vẹn cả hình cả tiếng lúc sinh thời. Phim đã được chiếu trên màn hình Pháp và các nước châu Âu, đêm Giao thừa 01/01/1969, được giải thưởng Kunture của Đảng cộng sản Pháp, như Xuân Diệu giới thiệu trên nhiều báo chí thời ấy, cũng trực tiếp nói trong buổi “Tiếng thơ” của đài Tiếng nói Việt Nam 10h đêm ngày 1-6- năm 1969. Và sau đó, các tư liệu ấy còn được ông sử dụng trong bài giới thiệu “Thơ em Khoa” in ở đầu tập thơ Góc sân và khoảng trời, do chính Xuân Diệu tuyển chọn, in ở Nhà xuất bản Kim Đồng năm 1973. Bài đó nay vẫn được in lại đến non 100 lần rồi...

- Xung quanh bộ phim này, có gì ấn tượng nhất mà anh còn nhớ được không?

- Thực ra, tôi chỉ biết những việc vặt vãnh của đám trẻ con lau nhau chúng tôi thôi. Còn những điều thú vị lại nằm ở bên ngoài khuôn hình. Chuyện này thì ông anh trai cả của tôi, nhà thơ Trần Nhuận Minh lại biết. Nhưng ông ấy cũng chỉ nghe hóng chuyện hậu trường do chính người trong cuộc kể. Những người ấy hiện vẫn đang sống. Bác Minh có tiết lộ trong cuốn Đối thoại Văn chương. Bác Minh viết nguyên văn như sau: 

Trong việc quay phim hy hữu đó, có ba chuyện bạn đọc nên biết, như dấu ấn một đi không trở lại của một thời. 

Chuyện thứ nhất: Bác Đ.S. kể, tôi ghi lại.

Bác S. nói: Chú Minh này, cái đoàn quay phim Pháp nó về làng mình, quay phim về cháu Khoa nhà chú ấy, (bác coi tôi như em, nhưng lại coi chú Khoa, em tôi, như con mình), tổng cộng có mười một người chú ạ, trong đó có bốn tên gián điệp quốc tế, đóng vai nhà báo, sang mình để dò la tình hình, giúp cho máy bay Mỹ ném bom miền Bắc. Vì thế, cả khu vực quay phim quanh nhà chú, chúng tôi cho canh phòng rất cẩn mật. Trừ một vài người phải quay vào phim, còn lại thì chúng tôi “trục xuất” hết, “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Bố mẹ chú cũng phải chuyển đi, vì sợ vô ý làm lộ bí mật. Hàng xóm cũng thế. Các thầy cô giáo chỉ có những người được duyệt là tin cậy mới cho được gặp họ. 

Xã có ba người nhập vào đoàn làm phim là tôi với bí thư đảng ủy xã và chủ tịch xã. Chúng tôi khổ quá chú ạ. Khổ như con chó (tôi xin lỗi, ghi lại đúng lời bác S). Hằng ngày, ba chúng tôi ngồi chầu chực ở cổng nhà chú, họ có gọi thì mình mới được vào nhà, họ sai mình cái gì thì mình làm cái ấy. Cơm không được ăn, nước không được uống. Xong việc buổi sáng, trưa họ lại đánh cả đoàn xe lên tỉnh đánh chén, (ăn cỗ, quê tôi gọi là “đánh chén”), chiều họ lại đánh cả đoàn xe về. Cứ thế lằng nhằng đến mấy ngày trời có chết chúng tôi không? Việc chính của xã, biết bao nhiêu là việc, chúng tôi đều phải làm vào ban đêm. Khổ nhất là quay cái bài Mưa mung chết tiệt gì ấy (bài thơ Mưa). Lấy đâu ra gió thổi cho lá mía tung lên như múa gươm. Chúng tôi phải mượn về mấy cái quạt hòm quạt lúa, để khi nó hô một tiếng thì mình quay tít cái quạt lên thành gió. Chúng tôi thì đói, sức lại yếu, mắm môi mắm lợi vào mà quay tít thò lò, cũng chỉ được dăm ba phút là bở hơi tai. Rồi phải chọn đến 5 - 6 đoàn viên thanh niên tin cậy và rất to khoẻ, quay thay chúng tôi. Sức trẻ nó quay ghê lắm chú ạ. Thế mà cái thằng Tây đạo diễn chó chết gì đó vẫn hét lên là không được, là không đủ gió, lá mía không múa gươm được. Nói thực với chú, lúc ấy, tôi chỉ muốn phang cho nó vài gậy thôi. Rồi cái đoạn thả diều (quay bài thơ Thả diều) không hiểu sao, khi diều lên cao nhất lại phải cầm dao cắt cho nó đứt dây, và cái diều lại phải rơi xuống ao bèo. Thế là “bố chúng nó” lại phải lóp ngóp lội xuống vớt cái diều lên. Mà phải làm đi làm lại đến ba, bốn lần một cái việc đứt dây diều với vớt cái diều ấy mới xong. Tôi nghĩ, có khi đây là ý đồ chính trị, nó cho là cuộc kháng chiến chống Mỹ của chúng ta như cái diều đứt dây. Nếu không thì làm gì phải làm nhiều lần thế. Rồi đến cái bài “Lọc cà lọc cọc”…, tả về cái việc kéo xe chở gạch về xây trường. Tôi trông thấy cái xe bò xếp đầy gạch đỏ mà mình sẽ phải kéo cho nó quay phim mà ngán quá. Lại nghĩ bụng, bỏ mẹ, mình là cán bộ lãnh đạo chủ chốt của xã. Nó biến mình thành con bò à. Tôi đã nói thẳng cái dụng ý thâm độc ấy với anh cán bộ đối ngoại của tỉnh mà tôi biết chắc chắn là cán bộ an ninh của ta, thì đồng chí ấy chỉ cười và lặng lẽ lắc đầu, không nói gì. Chú có biết không? Người kéo xe là tôi đấy, còn bí thư và chủ tịch xã đẩy phía sau. Tôi rất ngạc nhiên thấy cái xe quá nhẹ. Đồng chí bí thư bảo tôi là chỉ có mấy chục viên gạch đỏ ở trên, còn dưới lót toàn rơm thôi. Lần đầu tiên, tôi biết làm phim là làm cái trò giả dối chú ạ…”

Bốn mươi năm sau (2008), tôi mới được xem những thước phim tuyệt vời đó, do một Việt kiều Pháp mang về tặng chú Khoa. Báo chí ở Việt Nam cũng có một dạo bàn luận về cái phim hy hữu này. Nhưng xem hết phim, không thấy bóng dáng ba ông cán bộ thân yêu của xã tôi ở đâu. Đoạn diều đứt dây thì vô cùng sinh động tự nhiên, còn đoạn cây mía múa gươm do quạt hòm quay thành gió và kéo xe bò thì cũng không thấy có.



Chuyện thứ hai: Trong phim có một người đàn bà đang nấu cái gì đó trong bếp, mà ai xem cũng tưởng là mẹ tôi và hỏi tôi sao mẹ tôi trẻ thế. Không phải. Đấy là cháu dâu tôi, năm ấy khoảng hơn ba mươi tuổi. Cô là chị ruột của một anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, nên mới được chọn đóng phim độ khoảng mười giây.(Đúng là trong phim, cảnh đun bếp này được quay qua khung cửa sổ tre ở bàn học của tôi. Người phụ nữ không thấy mặt, chỉ thấy dáng người rất trẻ thoáng qua 1 – 2 giây và hai bàn tay đun bếp. Sau đó là cận cảnh bếp lửa rạ. Nồi đồng. Đầu rau…như từ thời cổ đại. Đấy là những hiện vật mà các nước phương tây không thể có được. TĐK)



Chuyện thứ ba: Tôi ra thăm trường cấp I xã Quốc Tuấn, nơi chú Khoa học. Anh hiệu trưởng cho tôi xem một cái ảnh chụp chung với đoàn làm phim Pháp khi đoàn ra trường chào trước khi về Hà Nội. Trong ảnh chỉ có một mình anh với đoàn. Vì bức ảnh này, anh là đảng viên dự bị không được công nhận là đảng viên chính thức. Anh đã lý sự rằng: Một, không ai thông báo cho tôi biết trong đoàn có gián điệp quốc tế để tôi không chụp ảnh chung với họ. Tôi hoàn toàn không biết họ là ai. Hai, để thể hiện khí phách của dân tộc, tôi đã đứng, đã thế lại chống hai tay vào hông, trông rất anh hùng, trong khi họ ngồi dưới chân tôi cả đấy thôi. Vậy tôi không có khuyết điểm.
 
Tôi đã cầm cái ảnh ấy về gặp nhà thơ Chế Lan Viên, đương kim đại biểu Quốc hội. Sở dĩ gặp Chế Lan Viên vì ông vừa được bí thư huyện ủy mời cơm sau chuyến thăm nhà tôi. Ấy là mẹ tôi bảo thế, khi muốn giữ ông ở lại ăn cơm với gia đình. Chế Lan Viên nhìn tôi kinh ngạc: “Thật thế à? Nếu thế thì phải bỏ tù tôi vì tôi còn sang tận nước Pháp. Ông bảo, để tôi sẽ can thiệp ngay. Tôi gửi lại ông bức ảnh. Mấy tháng sau, tôi về nhà, ra thăm trường, thì được biết anh hiệu trưởng đã chuyển đi trường khác. Không biết phải chuyển đi ngang chừng như thế là tốt hơn hay xấu hơn và có còn giữ được chức hiệu trưởng hay không?... Tôi không tiện hỏi. Bây giờ đôi lúc nghĩ đến, vẫn thấy áy náy…”.



Rất cám ơn nhà thơ Trần Nhuận Minh. Nếu bác ấy không ghi lại thì chính tôi cũng không biết chuyện này. Và đặc biệt, rất cám ơn bác Đ. S. một cán bộ lãnh đạo tận tụy của xã. Nếu bác không kể lại cho Trần Nhuận Minh những câu chuyện ở đằng sau khuôn hình thì cũng chẳng ai có thể biết được. Bác Minh dạy học ở khu mỏ Hồng Quảng, dăm sáu tháng, bác mới về quê được một lần. Mà lần ấy, nếu bác Minh có vô tình về thì chắc cũng bị “trục xuất” vì không đủ tiêu chuẩn. Cả bố mẹ tôi cũng vậy. Và tôi cũng thế thôi. Để quay phim tôi, đoàn làm phim cũng phải mượn cớ làm phóng sự về đời sống thiếu nhi xã Quốc Tuấn. Bây giờ nhớ lại một thời, chúng ta chỉ thấy thương thôi. Thương cho một số người và thương cho cả một thời đại. Cũng thương cho cả chính mình. Cái thời ấy nó thế. Mấy nghệ sĩ điện ảnh Pháp, những Đảng viên Đảng Cộng sản Pháp bị nghi là gián điệp Quốc tế thì cũng dễ hiểu thôi. Tôi lại nhớ hồi qua Đức theo lời mời của bạn. Giáo sư, nhà nghiên cứu lịch sử nổi tiếng của Đức, ông J. Berke có lần bảo tôi: “Ở Việt Nam, thích nhất là đi xe đạp. Chỉ cần bỏ ra hơn chục dolla là đã có cả một chiếc xe đạp rồi. Đi xe đạp Việt Nam rất hay bị xịt lốp. Nhưng không sao. Xe xịt ở bất cứ chỗ nào thì cứ tạt vào rệ đường. Thế là lập tức ở đó sẽ có ngay một ông thợ bơm vá xe. Mà những ông thợ này rất đặc biệt. Họ không phải người bình thường đâu. Họ là những anh hùng trong những năm chiến tranh. Đó là pho sử sống của cả một thời đại. Chỉ cần một lần bơm xe hay vá xăm xe, là ta biết được bao nhiêu chuyện. Cứ tự nhiên là họ tự nói ra hết. Người Việt xởi lởi lắm. Họ chẳng giữ được cái gì lâu ở trong lòng. Nhưng mà đừng có hỏi. Nếu cứ tò mò hỏi, lập lức họ sẽ nghi ngay mình là một thằng gián điệp Quốc tế. Người Việt vốn cảnh giác cao độ. Những đau khổ trong bao năm chiến tranh đã cho họ đức tính cảnh giác đến đa nghi này...”. Và một trong những tên “gián điệp”, đạo diễn G. Guillaume đã viết tặng tôi bài thơ: “Ở xã Quốc Tuấn bươm bướm lượn bay”. Bốn năm sau, khi ký kết Hiệp định Paris, ông lại viết tiếp tặng tôi bài thơ thứ hai “Gửi em Khoa”. Hai bài thơ này đã được in trong nhiều tập tuyển thơ thế giới viết về Việt Nam do Xuân Diệu dịch. Trong bài giới thiệu thơ tôi, ông cũng nói đến hai bài thơ rất hay này.

- Để thực hiện bộ phim đó anh phải làm “diễn” mất bao lâu?

- Chừng ba ngày. Nhưng tôi đâu có diễn. Chúng tôi sống thế nào, làm thơ thế nào, vui chơi thế nào, họ quay đúng như thế. Ông đạo diễn chỉ bảo: “Các em đừng để ý đến máy quay, cũng đừng để ý đến các bác”. 

- Xem bộ phim tài liệu, tôi thấy có đoạn anh nhận xét thơ của các bạn có vẻ rất chững chạc và chuyên nghiệp. Hẳn hồi đó anh đã là cậu học trò giỏi môn văn, giỏi ăn nói?

- Thực ra đó là buổi họp bình thường của tòa soạn báo “Chim Họa Mi”. Tờ báo tường của học sinh lớp 4B mà tôi là “Tổng Biên tập”. Điều này tôi cũng đã kể trong bài thơ “Họp báo Chim Họa Mi”: “Mấy nhà ngồi xuống đất – Bàn ra báo ngày mai – “Nhà thơ” thì nói ngắn – “Nhà báo” lại nói dài”…Đúng là ngày thường, chúng tôi ngồi bệt dưới đất. Hôm ấy quay phim, chúng tôi ngồi trên bàn, hơi giả một chút. Nhưng nội dung cuộc họp chọn bài, nhận xét từng tác phẩm rồi quyết định đăng thì rất chân thật, đúng như vậy. Trong phim, tôi có dẫn một bài thơ cụ thể của bạn bè. Rồi tôi nói: “Các bạn thấy không, bài thơ chưa có kết. Kết làm sao phải nâng được cả bài thơ lên. Bài này vẫn còn dang dở: “Bạn ơi cắp sách đến trường – Thắm trang sách mới tỏa hương hoa hồng”…Tại sao lại có hoa hồng ở đây? Câu thơ này là của các bạn ở thành phố, chứ không phải học sinh nhà quê chúng mình. Chúng mình đi học qua cánh đồng lúa. Vậy thì trang vở của chúng ta phải “thoảng hương lúa đồng”, chứ không phải “hoa hồng”. Đoạn sau, các nhà làm phim cắt, chỉ giữ lại hai câu thơ.



Mãi đến gần đây, bộ phim này mới được phát trên kênh truyền hình VOV. Bộ phim để lại ấn tượng rất mạnh đối với bà con quê tôi. Rất nhiều người xem phim đã khóc vì họ bất ngờ gặp lại người thân của mình. Chỉ lót đót còn lại một đôi người, còn hầu hết những người xuất hiện trong phim đều đã mất. Chị Trần Thị Duyên, nữ nhạc sĩ, tác giả của các bài hát “Bông hoa mừng cô”, “Hải Dương quê em”, “Em làm kế hoạch nhỏ”…cũng đã qua đời năm 1975, sau trận đau tim, khi mới tròn 32 tuổi. Bạn bè của tôi, những người cùng tôi làm báo tường, thả diều, câu cá, bịt mắt bắt dê, cũng đã cùng tôi nhập ngũ, rồi nằm lại ở các chiến trường. Có người đến nay vẫn không tìm thấy được hài cốt như liệt sĩ Nguyễn Xuân Học, anh con bác tôi…Nhà thơ Xuân Diệu cũng đã qua đời cuối năm 1985. Lúc bấy giờ, điện ảnh, truyền hình cũng đã phát triển rất mạnh, nhưng cũng không có thước phim nào về ông. Hình ảnh của ông lưu lại được duy nhất cũng lại chỉ có trong thước phim này. Mà bộ phim này, ông lại không phải là nhân vật chính. Tiếc lắm thay. 



Cái làng quê của tôi bây giờ cũng đã khác. Khác hoàn toàn. Căn nhà tôi cũng khác xưa. Ngoài vườn, chỉ còn lưu lại duy nhất cái chuồng lợn ở ngay tay phải cổng vào, mẹ tôi không cho phá, vì cụ bảo, để tao còn nhận ra cái thời của tao... Cả làng cũng thế. Không còn một dấu vết nào như ở trong phim nữa. May sao các nhà làm phim của Truyền hình Pháp đã kịp thời ghi lại. Bây giờ cuốn phim của mấy ông “gián điệp quốc tế” ấy đã thành bảo vật, thành một cái bảo tàng đặc biệt, lưu giữ lại những vẻ đẹp của cảnh sắc và con người quê tôi. Những vẻ đẹp đã bị xóa hết không còn dấu vết. Bây giờ, bộ phim ấy đang có trong Bảo tàng Hội Nhà Văn Việt Nam. Tôi rất yêu bộ phim này, không phải vì trong đó có tuổi thơ của tôi, mà có hình ảnh con người thật của Xuân Diệu. Tôi cứ tiếc, giá hồi đó, mình xuất hiện ít hơn, để giành nhiều thời gian cho Xuân Diệu, Trần Thị Duyên và bạn bè tôi, những người không bao giờ còn về lại được nữa. Bây giờ, chúng ta có Bảo tàng Hội Nhà Văn, lại có Hãng phim Hội Nhà văn, tôi mong Hãng phim chỉ làm phim về các nhà văn thôi. Làm sao ghi lại được hết hình ảnh, bóng dáng và vẻ đẹp của họ. Đừng để khi họ đã mất rồi, chúng ta mới khẳng định giá trị của họ. Và đến lúc ấy, chúng ta mới lại thấy tiếc. Tiếc nhưng tất cả đều đã muộn rồi. Có muốn làm lại cũng không làm lại được nữa. Buồn vô cùng…

- Cám ơn nhà thơ Trần Đăng Khoa

Trần Vũ Long (thực hiện)
Nguồn: Blog Lão Khoa



Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.