3971. Nhà báo Kim Quốc Hoa kể chuyện chống tiêu cực
Nhà báo Kim Quốc Hoa kể chuyện chống tiêu cực
Thu Hương- Anh Thư/ PLO
![]() |
Nhà báo Kim Quốc Hoa |
KD: Bạn bè iu quí gửi cho bài viết này. Nhà báo Kim Quốc Hoa của một
thời dũng cảm chống tiêu cực. Và nay, đang phải đối mặt với những cáo buộc sai
phạm, vi phạm…
Hôm qua hay, nay đã lại sai rùi / Ai sẽ bảo
điều này là vô lý? Giá trị trắng - đen đã khác xưa rùi / Khóc cũng khác xưa theo…
(Mượn ý thơ của Olga Berggoltz)
PLO: Lần lượt những loạt bài
điều tra công phu được tờ báo này “cho ra lò” đã gây chấn động dư luận như vụ
Công ty Xây dựng Bến Tre, thu hồi đất ở Bà Rịa – Vũng Tàu, vụ ông Nguyễn Trường
Tô, Chủ tịch tỉnh Hà Giang bị cách chức, khai trừ ra khỏi Đảng (3 năm rưỡi, ông
Hoa kiên trì điều tra và đấu tranh), vụ bà Đặng Thị Hoàng Yến, ĐBQH khóa XIII,
Chủ tịch Tập đoàn Tân Tạo…
Tổng biên tập Kim Quốc
Hoa tiếp chúng tôi tại trụ sở Báo Người cao tuổi, số 12 Lê Hồng Phong trong bộ
quần áo kaki thời cổ trông vừa sang trọng vừa giản dị. Ở tuổi “Thất thập cổ lai
hy”, tóc ông bạc trắng nhưng tinh thần thép và nhiệt huyết trong ông vẫn khiến
người khác phải kinh ngạc.
Sức nặng của Báo Người cao tuổi
19 năm trước, tờ báo
Người cao tuổi ra đời chỉ với vài dòng tôn chỉ mục đích là: Tuyên truyền phổ
biến chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật nhà nước về người cao tuổi, bảo
đảm cho người cao tuổi sống vui, sống khỏe, sống có ích cho bản thân, gia đình
và xã hội. Đến năm 2001, giấy phép hoạt động báo chí cấp lại cho cũng vẫn vẻn
vẹn có ba dòng chữ trên. Nhưng bây giờ thì ngoài việc nêu những gương sáng tiêu
biểu, người tốt – việc tốt thì tờ báo này còn có riêng hai trang báo chuyên
phanh phui tiêu cực, tham nhũng.
Qua khoảng thời gian
không được gọi là lâu (gần 7 năm), đến nay các bài điều tra sắc sảo trên các
trang báo đã nhận được sự quan tâm, ủng hộ mạnh mẽ của dư luận, đã khiến những kẻ
bị vạch mặt tiêu cực phải tâm phục, khẩu phục. Thành tựu này làm không ít người
tò mò đặt câu hỏi: “Tại sao Báo Người cao tuổi lại có sức mạnh khủng khiếp đến
thế?”.
![]() |
Lễ ra mắt báo Người cao tuổi.
Ông Kim Quốc Hoa giải
thích: “Trước đây, làm gì có chuyện Báo Người cao tuổi được tuyên truyền sâu về
xã hội, pháp luật, chống tiêu cực, chống tham nhũng. Nhưng khi nhận đứng đầu tờ
báo này, tôi thấy đây là một tờ báo của tổ chức đoàn thể trung ương bao gồm
những người đã có cống hiến, đã trải qua các cuộc kháng chiến, các thời kì cách
mạng, bao gồm những cán bộ lão thành, cán bộ tiền khởi nghĩa, cán bộ tham gia
kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ… – họ chính là những người cao tuổi. Đội ngũ
ấy rất có tâm huyết với Đất nước. Mặc dù đã nghỉ hưu rồi nhưng họ vẫn còn
nguyên trách nhiệm công dân đối với vận mệnh của Tổ quốc.
|
Bởi vậy những con người
này cần phải được tham gia vào các lĩnh vực hoạt động của đời sống xã hội, kể
cả là làm kinh tế xóa đói giảm nghèo, xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, mặt
trận Tổ quốc, khuyến học khuyến tài, tham gia xây dựng con người mới xã hội chủ
nghĩa, tức là những người tốt phải được quyền tham gia vào công cuộc đấu tranh
chống tiêu cực, chống tham nhũng, quan liêu”.
Nghĩ là làm, tháng
4/2007, sau đúng 1 tháng nhậm chức Tổng biên tập, ông Hoa lập ngay đề án “Đổi
mới và phát triển Báo Người cao tuổi”. Đề án đã được lãnh đạo Trung ương Hội
thông qua tại cuộc họp Thường vụ ở TP. Vũng Tàu. Danh sách họp có 17/18 người
thì 17 người nhất trí (100%).
“Trong đề án, tôi đề cập
đến rất nhiều nội dung nhưng trọng tâm là thay đổi măng-séc của tờ báo.
Măng-séc báo ngày trước là Cơ quan Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam , giờ tôi
xin đề thêm dòng chữ “Tiếng nói của người cao tuổi cả nước””, ông Hoa chia sẻ.
Theo lời ông, điều này có
ý nghĩa rất quan trọng bởi đất nước ta có ngót chục triệu người cao tuổi và họ
có quyền phát huy dân chủ, phải có tiếng nói trong việc xây dựng và bảo vệ Tổ
quốc. Ông cười hiền: “Chỉ thế thôi, rồi từ chỗ đó mà bổ sung tôn chỉ mục đích
của tờ báo là có thêm nội dung chống tham nhũng, chống quan liêu”.
Ý tưởng của ông Hoa đã
được tập thể đánh giá rất cao. Ban đầu, ai nghe đến “chống tham nhũng, chống
quan liêu” cũng đều khen đề án hay và tỏ ra thích thú, kêu gọi: “Phải chống!
Phải chống!”. Nhưng sau đó lại có không ít người bày tỏ nghi ngờ: “Nói thì nói
vậy thôi, chứ cao tuổi rồi thì sức đâu mà chống!”.
Về phía ông Hoa, sau khi
Báo Người cao tuổi được cấp phép hoạt động báo chí mới (có bao gồm chức năng
chống tiêu cực) thì ông tuyệt nhiên không nói gì nữa mà chỉ lẳng lặng hành
động. Lần lượt những loạt bài điều tra công phu được tờ báo này “cho ra lò” đã
gây chấn động dư luận như vụ Công ty Xây dựng Bến Tre, thu hồi đất ở Bà Rịa –
Vũng Tàu, vụ ông Nguyễn Trường Tô, Chủ tịch tỉnh Hà Giang bị cách chức, khai
trừ ra khỏi Đảng (3 năm rưỡi, ông Hoa kiên trì điều tra và đấu tranh), vụ bà
Đặng Thị Hoàng Yến, ĐBQH khóa XIII, Chủ tịch Tập đoàn Tân Tạo, người phụ nữ
từng được xem là rất giàu có và “đức độ” ở Việt Nam nhưng lại bị bãi nhiễm tư cách
Đại biểu Quốc hội (cuộc chiến này “ngốn” của ông Hoa 10 tháng trời ròng rã với
hơn 30 kì báo xuất bản).
Hay như vụ việc 8 ông
hiệu trưởng thuộc 8 trường đại học ở khu vực Hà Nội dính líu đến tiêu cực trong
đào tạo cũng bị ông Hoa “chỉ đúng mặt, gọi đúng tên” khiến ông nào ông nấy vã
mồ hôi, có người khẩn khoản xin gặp ông Hoa để “thanh minh nhiều vụ”. Sự việc
Trường Đại học Kinh tế Quốc dân ông theo suốt 15 tháng. Ông chỉ cho tôi xem cả
tập thư khủng bố nặc danh dày cộp được gửi đến tận nhà và cơ quan để đe dọa vợ,
con trai và con dâu của ông. Ông nói về trò “ném đá giấu tay” này: “Đau lắm!
Nhưng không làm tôi nhụt chí được”. Quả nhiên khi vụ này kết thúc, ông vẫn đại
thắng như nhiều vụ trước…
Nhìn chiếc ghế xoay có
bản tựa rộng, đệm bọc da đen mà ông Kim Quốc Hoa đang ngồi, suy nghĩ về cuộc
chiến chống tiêu cực trong thời bình của ông, tôi bỗng dưng liên tưởng rằng đó
quả thực là một “chiếc ghế nóng” bởi chỉ cần một sai sót thì ông chắc chắn sẽ
“lãnh đủ” đòn thù. Mà đâu chỉ có cái ghế mới “nóng”, trong căn phòng làm việc
nhỏ nhắn của ông, dường như vật dụng nào cũng “nóng”: Điện thoại “nóng” vì suốt
ngày reo chuông, giấy tờ “nóng” vì cường độ gửi đi – giao đến, bút “nóng” vì kí
các văn bản, phong thư “nóng” để chứa số lượng đồ sộ các công văn…
Duy chỉ có tách trà của
ông ban đầu nóng, bốc hơi nghi ngút, vậy mà lúc này đã nguội lạnh bởi với ông
bây giờ, việc nhâm nhi trà là rất khó khi hai tay ông đang cầm hai cái điện
thoại, trả lời đầu dây này xong lại phải tiếp lời đầu dây kia…
Kết thúc hai cuộc điện
thoại, ông quay ra cười ròn rã và nói với tôi: “Thắng rồi, thế là lại thắng
rồi!”. Nói đoạn, ông uống một hơi cạn tách trà nguội. Như vui vẻ hơn gấp nhiều
lần, ông quay lại cuộc trò chuyện với tôi và đưa ra nhiều dẫn chứng, tư liệu minh
họa sinh động, cụ thể hơn lúc trước.
“Chống tiêu cực nghiệt ngã, căng thẳng lắm”
Tòa soạn Báo Người cao
tuổi chỉ có khoảng 40 người. Yêu cầu mà Tổng Biên tập đặt ra là họ phải có năng
lực chuyên môn tốt và phải tuân thủ nghiêm ngặt các nguyên tắc đạo đức rất khắt
khe trong khi tác nghiệp. Ông tâm sự: “Mấy năm qua tôi lần lượt phát hiện ra
bốn phóng viên có dấu hiệu vi phạm đạo đức, một ở TP.Hồ Chí Minh, một ở Nha
Trang và hai người tại Hà Nội. Tôi lập tức cho nghỉ ngay”.
Đối với ông Hoa, để biết
phóng viên của mình có trung thực hay không, chỉ cần qua một vài phép thử là
ông rõ ngay. Tuyệt đối ông không cho phép phóng viên của mình thiếu đức tính
trung thực, ngay thẳng. Đứng ở vị trí Tổng biên tập nhưng ông vừa chỉ đạo, vừa
lăn xả đi làm báo, viết báo không biết mệt mỏi. Ông trực tiếp viết hàng
loạt bài điều tra, bình luận. “Nhìn thấy Tổng biên tập của mình như vậy, các
phóng viên của tôi không có lí do gì mà không nỗ lực, cố gắng”, ông nói.
Nói về tờ báo mà mình
đang phụ trách, ông Hoa cho hay từ khi ông về đảm trách, Báo Người cao tuổi đã
tăng từ 12 trang lên 16 trang/kì, chưa kể các số cuối tuần, chuyên đề, tăng từ
1 kì/tuần lên 4 kì/tuần. So với trước đây thì tờ báo đã thực sự thay da đổi
thịt. Theo thống kê, kể từ khi có thêm chức năng chống tiêu cực, tờ báo này đã
vạch trần gần 2.500 vụ tiêu cực, tham nhũng lớn nhỏ từ cấp địa phương đến cấp
trung ương mà chưa có vụ nào phạm sai lầm.
Con số đó phần nào đã thể
hiện một bản lĩnh đậm chất người lính trên mặt trận Trường Sơn ngay giữa thời
bình. Trên mặt trận đấu tranh phòng, chống tham nhũng, ông Hoa luôn xác định
mỗi “cuộc chiến” là một thử thách cam go nên mỗi lần “xung trận”, ông đều lên
kế hoạch tác nghiệp cụ thể và hành động rất cẩn trọng.
![]() |
Bằng khen của nhà báo Kim Quốc Hoa treo kín tường.
Ông kể lại kỉ niệm đáng
nhớ của mình liên quan đến việc chống tiêu cực ở Trường Đại học Kinh tế Quốc
dân – Hà Nội: “Tôi liên tục bị nhắc nhở, bị yêu cầu phải họp riêng với bên liên
quan để giải quyết vụ này. Người ta cũng bảo tôi phải cải chính theo yêu cầu
của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Bài viết yêu cầu cải chính dài 3950 từ,
tôi cho đăng nguyên văn, không thiếu một chữ trên 3 kì báo. Nội dung nói Báo
Người cao tuổi bịa đặt, vu khống, Báo Người cao tuổi sai lầm… Sau đó tôi lập
tức bày binh bố trận giống như trận chiến Điện Biên Phủ, tạm thời kéo pháo ra,
hãy đợi đấy rồi tôi sẽ lại dồn lực, điều quân kéo pháo lên đỉnh núi “giã đại
bác”. Sau bài viết họ yêu cầu đăng tải, tôi liên tiếp đăng gần 30 loạt bài về
những sai phạm nghiêm trọng của trường này khiến họ không kịp trở tay, không
chối cãi vào đâu được…”.
|
Hay như trong “cuộc
chiến” với bà Đặng Thị Hoàng Yến, thời gian đó người ta ca ngợi nhiều về việc
bà làm từ thiện, có những dự án làm giàu cho đất nước rồi kết tội ông Hoa và tờ
báo của ông đã đưa thông tin sai lệch về bà nghị sĩ này. Vụ việc lên đến đỉnh
điểm khi bà Yến đâm đơn kiện ông Hoa ra Tòa án nhân dân quận Ba Đình về hai vụ
án, một là án kinh tế, một là án hình sự.
Đơn kiện ghi rõ: Kiện ông
Kim Quốc Hoa vì những loạt bài của ông mà làm cho sàn giao dịch chứng khoán sụt
giảm, trong vòng 1 tháng Tập đoàn của bà Yến mất 3.280 tỉ đồng, yêu cầu Báo
Người cao tuổi phải bồi thường; kiện ông Hoa vu khống bà Yến, bôi nhọ danh dự,
xúc phạm Đại biểu Quốc hội. Nhắc lại chuyện cũ, ông Hoa bồi hồi: “Nhiều người
cùng nghề báo, nhiều đồng nghiệp xì xào to nhỏ với nhau rằng lần này thì ông
Hoa chết rồi”. Lúc đó còn đúng hơn một tuần nữa là đến Tết âm lịch của năm Nhâm
Thìn (2012).
Vậy ông Hoa đã đối mặt
với tình huống này như thế nào? Ông kể: “24 Tết, tôi triệu tập một cuộc họp anh
em trong tòa soạn. Sau khi mọi người đã nhận lương, thưởng, thi đua đầy đủ, tôi
quyết định thưởng thêm cho mỗi người 1 triệu đồng và tuyên bố tất cả cứ bình
tĩnh mà ăn tết vui vẻ. Những ngày sau, tôi vẫn cùng gia đình quây quần bên nhau
đón một cái tết đầm ấm như mọi năm”.
Ra tết, ông Hoa xử trí
hết sức bình tĩnh và khôn khéo. Ông cử người đại diện ra làm việc với Tòa án
nhân dân quận Ba Đình, đề nghị tòa xử vụ án kinh tế trước. Báo Người cao tuổi
sẵn sàng hầu tòa và sẵn sàng bồi thường nếu Báo đăng sai, với điều kiện Tập
đoàn Tân Tạo của bà Yến hãy nộp án phí theo đúng quy định pháp luật là (từ 1
đến 5%), tức là từ 32 tỉ đến 164 tỉ đồng. Dường như vì không đáp ứng được thủ
tục này và cảm thấy kiện như thế là “không ăn” nên đến tháng 3/2012 thì đơn
kiện vụ án kinh tế này đã được nguyên đơn rút lại.
Còn vụ án hình sự, ông
Hoa biết sẽ khó khăn vất vả hơn nhiều, không cẩn thận thì dễ gặp nguy hiểm.
Luật sư của bà Yến đến tòa soạn dọa ông Hoa: “Cho bay cái ghế Tổng Biên tập!”.
Tháng 4, ông lặn lội vào miền Nam, trực tiếp cùng một phóng viên nữa lọ mọ đi
tìm bằng chứng chứng minh bà Yến đã không trung thực trong khai lí lịch khiến
cử tri và tổ chức không hiểu đúng về nhân thân của bà.
Đến lúc ông hoàn tất công
tác xác minh và đem công khai tuyên bố sự việc thì bà Yến bị bãi nhiệm tư cách
Đại biểu Quốc hội. Thông tin này nhận được sự quan tâm của nhiều báo, nhưng
riêng báo ông thì không nói gì thêm nữa. Bà Đặng Thị Hoàng Yến đến nay đã bỏ
sang Mỹ được gần 2 năm không thấy về nước. Nhìn lại cuộc chiến này, ông Hoa tâm
sự: “Đấy, tất cả những điều đó nó có một thách thức nghiệt ngã, luôn luôn căng
thẳng lắm!”.
“Chống tiêu cực thì phải bị người ta ghét”
Từng làm lãnh đạo và chủ
tài khoản của 6 tờ báo khác nhau, từng vực dậy những tờ báo đang trong thời kì
khủng hoảng khó khăn thành những tờ báo có số lượng phát hành lớn, được đông
đảo công chúng đón nhận nồng nhiệt, chắc hẳn ông Kim Quốc Hoa phải có những bí
quyết riêng? Ông vui vẻ chia sẻ: “Có lẽ đó là cách lựa chọn sự việc có tính
quyết đoán, lựa chọn phóng viên tuyệt đối trung thành, tuân thủ nguyên tắc đạo
đức nghề nghiệp, không được phép ăn tiền, tham lam, giao nhiệm vụ đúng người
đúng việc… Và đã đấu tranh vụ nào thì phải theo đuổi đến cùng, đừng hời hợt,
tôi cần những người biết hành động và dũng cảm”.
Lớp phóng viên trẻ của
Báo Người cao tuổi hiện đang được ông rèn luyện, đào tạo để trở thành những nhà
báo chân chính trong tương lai, nối dài hơn con đường ông đã chọn. Mỗi một
ngày, tòa soạn Người cao tuổi nhận được ít thì 7 hồ sơ, nhiều thì 20 hồ sơ, đơn
tố cáo, khiếu nại, chưa kể có hôm có cả trăm đơn thư cùng lúc gửi về.
Ông Hoa và Báo Người cao
tuổi tất nhiên không có đủ nhân lực và thời gian để cùng lúc giải quyết tất cả
số hồ sơ, đơn thư ấy. Đổi lại, họ luôn bỏ công sức chọn lọc kĩ lưỡng để tìm ra
người và việc đáng được ưu tiên làm trước. Và khi đã “lâm trận”, quan điểm của
ông là phải chuẩn bị thật tốt để “Trăm trận ra quân, trăm trận phải thắng”.
Phải thắng, bởi chiến thắng trong cuộc chiến chống tiêu cực chính là sự trả giá
của những kẻ sai phạm, là hồi chuông cảnh tỉnh, răn đe cho nhiều kẻ khác tương
tự biết sợ, biết sai mà sửa.
Trong cuộc sống, nếu được
lựa chọn, có lẽ ai cũng sẽ muốn được yêu quý hơn là bị thù hằn. Nhưng đối với
ông Kim Quốc Hoa, dường như khái niệm yêu – ghét thật khó mà phân biệt rạch
ròi. Tôi hỏi không hiểu có bao giờ ông thấy buồn vì điều đó? Ông trả lời: “Cô
nói đúng nhưng tôi chấp nhận vì chống tham nhũng, chống tiêu cực mà không có kẻ
thù, không có người ghét anh, tức là anh không chống”.
Nói đến đây, ông bỗng
trầm ngâm một hồi rồi tâm sự: “Tôi không sợ nguy hiểm, không sợ khó khăn đe dọa
nhưng tôi sợ nhất là đồng nghiệp đã không phối hợp với tôi cùng chống tiêu cực
mà còn đi gặp đương sự, gặp ông hiệu trưởng, gặp bà chủ tịch này, cô giám đốc
nọ, Tổng Giám đốc kia… để xui họ làm đơn kiện tôi, hoặc là nhận quà của họ để
viết bài ngược lại… Buồn lắm!”.
Một ngày hoạt động của
ông Hoa kéo dài không dưới 15 tiếng, có những hôm lên đến 16 tiếng đồng hồ. Ông
kể về thời gian biểu của mình: Sáng 3h dậy, cũng có hôm sớm hơn, làm việc từ 3h
đến 5h15, sau đó đi tập thể dục đến 6h15 thì về nhà rửa mặt, ăn sáng. 7h kém 15
lên xe. Đến cơ quan là đúng 7h. Từ lúc đó trở đi, ông lại làm việc đến 7-8h tối
mới về nhà xem thời sự, ăn uống, nghỉ ngơi cùng gia đình. Đúng 10h tối, ông đi
ngủ. Ngày nào cũng đều đặn và đúng lịch trình như vậy.
Buổi trưa thường là lúc
ông không bận vì không có điện thoại gọi đến và không phải tiếp khách. Tận dụng
khoảng thời gian này, ông lại bật đèn ngồi bên bàn làm việc để duyệt bài và
soạn thảo công văn. Cả tuần, bất kể là thứ bảy, chủ nhật hay là ngày bình
thường, ngày nào ông cũng ngồi làm việc đều đặn trên “chiếc ghế nóng” và những
“đơn thư nóng” đang đợi ông xử lí.
Cuối buổi trò chuyện, tôi
bày tỏ lo ngại rằng liệu một mai khi sức khỏe của ông yếu đi, ai có thể thay
ông làm tốt được công việc này nữa? Ông đăm chiêu nghĩ ngợi rồi lại cười nói:
“Tôi tin là trong chúng ta có rất nhiều người giỏi, họ sẽ làm được và thậm chí
họ sẽ còn làm tốt hơn tôi. Còn với tôi, khi còn có thể thì tôi sẽ vẫn cố gắng
tiếp tục làm hết sức mình”.
Nguồn: Baophapluat.vn
Dẫn theo: Kim Dung/ Kỳ Duyên
Nhận xét