3968. Đọc lại bài: Mười bẩy tháng Hai Bẩy chín – nhớ gì ghi nấy.

Mười bẩy tháng Hai Bẩy chín
– nhớ gì ghi nấy.
NND/ PNTB

Năm ấy, tôi là giảng viên ở Trường Đảng tỉnh Hoàng Liên Sơn (thị xã Yên Bái). Cách đấy hai ngày, trong một buổi nói chuyện thời sự, ông Trưởng ban Tuyên giáo tỉnh ủy khẳng định: “Tình hình biên giới rất căng thẳng, nhưng các đồng chí cứ yên tâm, Trung Quốc không thể đánh chúng ta bằng quân sự được”… 

Tôi hiểu, đó là thông điệp của Trung ương, ông Trưởng ban Tuyên giáo nói là nói theo Ban Tuyên giáo Trung ương và Ban Tuyên giáo Trung ương nói là ý của Bộ Chính trị, chứ đó tuyệt nhiên không phải là phát ngôn cá nhân. Và điều đó hoàn toàn có lý. Cùng là nước xã hội chủ nghĩa anh em, ai lại đánh nhau!

5 giờ 30 sáng ngày 17/2/1979, thời tiết cũng như hôm nay: trời se lạnh, lãng đãng sương mù, bầu trời xám xịt. Tôi dậy tập thể dục. Thị xã Yên Bái, cách Biên giới khoảng gần 200 km, vẫn bình thản trong mọi sinh hoạt thường nhật. Nhưng đúng 6 giờ, buổi phát thanh thời sự của Đài Tiếng nói Việt Nam vang lên ở chiếc loa nén công cộng: “Lúc 5 giờ sáng hôm nay, nhà cầm quyền Bắc Kinh đã tấn công quân sự toàn tuyến biên giới phía Bắc gồm 6 tỉnh từ Quảng Ninh đến Lai Châu…!”. Bản tin làm cho cả nước và thế giới xôn xao. Tôi cảm thấy như đất dưới chân đang lún xuống, người chếnh choáng. Không thể giải thích được rằng, tại sao cùng là phe xã hội chủ nghĩa, cùng là “anh em”, vừa giúp nhau đánh Mỹ hôm nọ, nay lại đả nhau như  kẻ thù thế này!?

Không thể dùng từ nào khác là kẻ thù, thậm chí lúc ấy hệ thống tuyên truyền của ta còn khẳng định: “Bọn bành trướng trong giới cầm quyền Bắc Kinh là kẻ thù nguy hiểm và trực tiếp”. Vì thế, phải tách đối tượng ra bằng khái niệm “Bọn Bành trướng trong giới cầm quyền Bắc Kinh”. Nói như vậy nghĩa là Ban lãnh đạo Trung Quốc vẫn không phải là kẻ thù. Kẻ thù chỉ là một ai đó, một số người nào đó nằm trong giới cầm quyền của Trung Quốc. Còn Trung Quốc vẫn là anh em? Thực ra thì cả Dân tộc Việt Nam không còn lạ gì truyền thống xâm lược ngàn đời của Trung Quốc đối với nước ta.

Từ giờ phút đó, tôi đứng ngồi không yên, không phải chỉ vì Tổ quốc đang bị kẻ thù xâm lược giày xéo mà vợ con, gia đình nội ngoại của mình thì đang nằm trong tầm pháo địch. Bà xã đang công tác ở Phòng Văn hóa thông tin huyện Bảo Thắng (thị trấn Phố Lu). Đứa con gái đầu lòng 5 tuổi đang ở với mẹ. Rồi ông cụ thân sinh ra tôi và mấy đứa em; rồi cả nhà bố mẹ vợ ... cũng đang nằm trong vùng chiến sự... Tất cả đều không có tin tức gì (ngày ấy đâu có di động như bây giờ).


Ảnh minh họa. Anh tư liệu

Ngày nào tôi cũng đạp xe 6 cây số ra ga Yên Bái ngóng người nhà. Không có tàu khách. Những con tàu chở than, chở quặng, những “toa đĩa” người người đông nghịt, đều là dân thường, chủ yếu là phụ nữ, người già và trẻ em chen chúc nhau đi xuôi chạy giặc. Những gương mặt phờ phạc vì lo sợ, vì đói khát, vì thiếu ngủ... Nhưng chuyến tàu nào cũng chờ hết người vào ga Yên Bái cũng chẳng thấy tăm hơi vợ con, bố và các em.

Mãi đến 20/3 mới thấy bà xã dắt đứa con gái 5 tuổi lếch thếch ra cửa nhà ga. Cả hai mẹ con mặt đầy than, đen nhẻm, nom như người vừa móc ở dưới lỗ lên! Con bé Hồng ngơ ngác trước cảnh hỗn loạn... Tôi nhìn thấy vợ con muốn bật khóc.  Rồi cả hai vợ chồng lại lo cho hai ông bố, bà mẹ, lo cho những đứa em còn tuổi thiếu nhi...không biết giờ này đã chạy thoát đi xuôi chưa? Thật là khốn nạn cho người dân trong hoàn cảnh chiến tranh... Có người nói: “Trâu bò húc nhau ruồi muỗi chết”.


Ảnh minh họa. Ảnh tư liệu


Vợ tôi lúc ấy mới 30 tuổi, vẫn còn sinh hoạt Đoàn, nên người ta cho mang con nhỏ đi gửi cho chồng đang công tác ở thị xã tỉnh lỵ rồi vài hôm lại phải quay về Phố Lu để phục vụ lực lượng chiến đấu. Hằng ngày phải lên chốt đào công sự, trồng tre, tiếp tế lương thực, thực phẩm cho bộ đội, dân quân tự vệ... Ở hướng dọc theo sông Hồng, Phố Lu là điểm cuối cùng quân Trung Quốc đánh chiếm. Ngày 5 tháng 3, nghe đâu Đặng Tiểu Bình lệnh cho quân đội Trung Quốc rút thì họ cũng rút khỏi Phố Lu.

Ngày 9/3, một Đoàn công tác của Ban Tuyên Giáo trung ương do một Phó ban tên là Nguyễn Hoàng dẫn đầu, cùng một số vụ trưởng, vụ phó và chuyên viên đi thị sát vùng chiến sự. Do có nhà ở Phố Lu, là người thông thạo địa hình, nên tôi được nhà trường cử đưa Đoàn lên Bảo Thắng. Xe chạy ngược Quốc lộ 70, con đường mà năm 1968, quân đội Trung Quốc giúp ta xây dựng, lúc ấy có tên là Quốc lộ Hữu nghị 7. Khi đến địa phận xã Xuân Quang, huyện Bảo Thắng tôi thấy hai bên đường có nhiều súc vật chết: những con trâu, con bò chết trương lên, ruồi nhặng bu kín. Thỉnh thoảng gặp một cái cống, một cây cầu nhỏ bị mìn phá hỏng, xe phải đi lánh xuống rệ đường. ( Nghe đâu đó là do quân ta phá để chặn đường tiến của Quân Trung Quốc). Trên đường đi, thỉnh thoảng vẫn giật thót mình bởi  nghe những tiếng súng cối đì đùng rất gần. Trên xe có người giàu kinh nghiệm chiến trường bảo: đó là pháo của ta bắn đuổi bọn Tàu khựa đang chuồn về nước. Ở một khu ruộng gần Bắc Ngầm có những đống cát tút đạn pháo cỡ lớn, cỡ nhỏ chất như núi, vàng chóe....

Lên đến Phố Lu, bộ phận lãnh đạo huyện cùng sống với anh em dân quân tự vệ trong cảnh không giường chiếu, trong những ngôi nhà mà quân Trung Quốc vừa rút khỏi sau khi chiếm giữ. Thực phẩm là gà, lợn, chó...chạy rông, anh em gặp là “đọp” về mổ. Rau thì cứ tiện vườn nhà nào có thì vào hái như hái rau rừng. Bởi lúc này toàn bộ khu vực không có dân...


Tôi được anh em cho về thăm nhà. Về nhà mình mà như vào một nơi xa lạ đầy nguy hiểm. Ngôi nhà gỗ 3 gian lợp tranh, cách trụ sở Huyện ủy chưa đầy một cây số. Vừa đi vừa dò giẫm, chỉ sợ vướng vào mìn do quân Trung Quốc cài lại. Đứng trước ngôi nhà, tôi lặng người xúc động như thể lâu ngày gặp lại người thân. Nhưng không dám mở cửa bước vào bởi trên cánh cửa đã được dán một băng giấy niêm phong, có mấy chữ Trung Quốc viết nguệch ngoạc. Đó là khẩu hiệu tuyên truyền của họ. Dưới gốc quýt ở đầu nhà là một cái bếp, kiểu bếp Hoàng Cầm của bộ đội mình hồi chống Mỹ. Nhưng đó là bếp của lính Trung Quốc tạo ra để nấu ăn. Họ không nấu trong bếp mà lấy hết nồi xoong, bát đĩa của nhà tôi ra đào bếp nấu ở ngoài trời. Phía sau nhà tôi là một ta luy dương, dựa vào một đồi chè, phía trên đồi chè là dãy tre hóa. Vì thế rất tiện cho họ làm nơi phòng thủ. Họ đào những hầm ếch làm công sự, bên trong trải đầy ruột chăn bông trắng mà họ vơ được từ cửa hàng bách hóa của huyện về để làm ổ nằm phục kích...Bây giờ họ đi rồi, chỉ còn lại mùi tỏi, mùi nước đái sặc sụa, mùi đặc trưng của lính Tàu.

 
Ảnh minh họa. Ảnh Tư liệu
Hôm sau, đoàn công tác tiến thêm khoảng hai chục cây số, lên địa phận xã Gia Phú, cách thị xã Lào Cai chừng hơn chục cây số. Ở đây, quân Trung Quốc cài lại khá nhiều mìn. Tôi gặp nhà thơ Ngô Văn Phú ở Hà Nội lên đi cùng với nhà thơ Lê Vân của hội văn nghệ Hoàng Liên Sơn. Ngô Văn Phú bảo tôi: “Nghe đâu ở khu vực này có cái suối nước nóng hay lắm, cậu thông thổ địa hình đưa chúng tớ vào tắm một cái”. Tôi biết có suối nước nóng nhưng thực tình cũng chưa đến đấy bao giờ. Bây giờ từ chối thì không tiện, nên bảo anh Phú, anh Vân cứ đi với em, em đưa vào. Tôi nghĩ ra kế: cứ lần ngược con suối, chắc chắn phải đến địa điểm nước nóng, vì nước nóng ở thượng nguồn. Quả nhiên, cứ lội dọc suối lên rừng, chúng tôi đã đến được nơi phun lên những dòng nước nóng hôi hổi, bốc khói nghi ngút. Nước trong vắt chảy ra từ một khe đá, tạo thành một cái “ao” nước nóng đường kính khoảng ba, bốn mét, sâu đến lưng bụng, ở giữa nổi lên mấy tảng đá, nom như hòn non bộ. Tôi cởi quần áo dài, nhưng vẫn lưỡng lự vì sợ tắm ướt quần đùi... Anh Ngô Văn Phú bảo, tụt ra, tụt hết ra. Ở đây chỉ có ba thằng đàn ông mày còn sợ gì. Thế là ba anh em xuống tắm truồng ở suối nước nóng. Thật nhớ đời!.

Lúc về, nhà thơ Ngô Văn Phú bảo tôi dẫn lên một quả đồi. Trên con đường mòn lên đồi, dây mìn trắng tinh còn giăng đầy. Anh Lê Vân rụt rè, thôi các ông đi, tôi không dám theo, nhỡ ra vướng mìn, chết vô ích. Anh Phú bảo: “Ông sợ thì về, tao với thằng Dương đi. Chết thế đếch nào được. Dây mìn trắng tinh như thế kia họa có mù mới không nhìn thấy. Cứ nhẹ nhàng bước qua, đừng vấp vào nó thì nó nổ làm sao được”. Thế là tôi và anh Ngô Văn Phú lên tận đỉnh chốt. Đến đây thì chúng tôi thấy một đống đạn cối 12 ly 7 còn nằm đó. Đếm được 12 viên. Khi về, tôi và anh Phú báo cho địa phương lên thu lượm lại. Đó là pháo của ta bắn chưa hết nhưng chả hiểu sao anh em vẫn bỏ lại đấy.

Ở Bến Đền lúc ấy chưa có cây cầu đường sắt bắc qua suối Bo như bây giờ, còn phải đi phà, gọi là bến phà Đồng Lục. Phía Nam là thôn Đồng Lục, phía Bắc là thôn Hòa Lạc. Nghe đâu khi quân Trung Quốc bu đến bờ Bắc như kiến thì ở phía bờ Nam, bộ đội ta bắn một quả B41, khiến những người lính ở bên kia chết như rạ. Thật khốn khổ và uổng phí xương máu cho những thanh niên Trung Hoa đang hơ hớ tuổi xuân, khi họ trở thành công cụ của những kẻ cầm quyền hiếu chiến. 

Ảnh minh họa. Ảnh Tư liệu

Tôi và nhà thơ Ngô Văn Phú đi vào từng ngôi nhà của đồng bào đã tản cư xuống phía sau, thấy nhà nào quân Trung Quốc cũng niêm phong, cũng đầy khẩu hiệu chửi bới Đảng cộng sản Việt Nam. Nhưng họ cũng khôn ngoan là đều viết khẩu hiệu: “Hồ chủ tịch muôn năm”, vì chúng biết, cụ Hồ là thần tượng của người Việt Nam, không thể nói xấu...

17/2/2014, kỷ niệm 35 năm
ngày nổ ra chiến tranh biên giới phía Bắc.

(Bài đăng trên PNTB ngày 17/2/2014, nay đã in trong tập truyện ký Mảnh vườn ký ức, NXB Hội Nhà Văn 12/2014)

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.