3869. Vài nét về chốn cũ, trường xưa

Vài nét về chốn cũ, trường xưa
Đồng Thị Chúc 
(Cựu lưu học sinh Triều Tiên)
Ảnh: BBC
Ảnh vnexpress
Không biết sẽ mở đầu bài viết này như thế nào khi mà trong lòng tôi còn dâng đầy cảm xúc của một chuyến về thăm chốn cũ trường xưa trên một “đất nước bí hiểm nhất hành tinh” - như nhiều người vẫn nói thế đối với Triều Tiên.

Một tuần của mùa thu, tháng 10 năm 2014, được sự giúp đỡ của Hội Hữu nghị Việt Triều, đoàn chúng tôi sang thăm Triều Tiên gồm một số cựu Lưu học sinh và một vài doanh nhân VN. Bốn mươi năm trước, chúng tôi từng lưu học ở nơi này. Đường bay sang Triều Tiên phải quá cảnh ở Bắc Kinh để chờ chuyến bay Bình Nhưỡng. Khi nhập cảnh vào đất nước này đều phải qua kiểm tra rất kỹ. Tất cả hành lý từ điện thoại đến máy ảnh đều phải được ghi số kiểm tra, dán dấu an ninh...


Đồng Thị Chúc
Những ngày ở Triều Tiên 10/2014
Ảnh tác giả cung cấp.


Ngay từ phút đầu bước lên máy bay Triều Tiên, tôi đã có cảm giác như được trở về nhà. Những bản nhạc quen thuộc, những bài hát dân ca Triều Tiên đánh thức tôi quay về những năm học nhiều gian khó nhưng giàu tình cảm với  các thầy giáo và người dân nơi đây.

 Ấn tượng mạnh trong ngày đầu là nhìn thấy toàn cảnh TP Bình Nhưỡng, nay đã thay đổi một cách ngỡ ngàng. Những con đường rộng, sạch sẽ với hai bên đường là những cây ngân hạnh vào mùa thu mang sắc lá vàng, một màu vàng đến nao lòng. Những công trình văn hóa với biểu tượng riêng: Tháp chủ thể, Cổng chiến thắng, Tháp hai bà mẹ ôm nhau (biểu tượng sự thống nhất hai miền Nam Bắc TT)…Những khu dân cư cao tầng dành cho cán bộ công nhân viên đang làm việc trong các bộ ngành của nhà nước. Đặc biệt Chính phủ TT rất quan tâm đến  hàng ngũ giáo sư, tiến sĩ, nhà giáo ưu tú, các cán bộ KHKT. Họ đã xây riêng hai khu chung cư cao tầng cho các đối tượng trên với tiện nghi hiện đại.  Mục đích để khích lệ đội ngũ ưu tú này toàn tâm, toàn ý cống hiến cho sự nghiệp phát triển đất nước? Điều đặc biệt là trên những con đường rộng thế mà vắng ngắt, quá ít xe lưu thông. Phương tiện đi lại ở đây chủ yếu là xe khách chạy điện, ô tô bus, một tuyến tầu điện ngầm sâu dưới mặt đất 100m. Nghe nói khi có chiến tranh thì khu tầu điện ngầm trở thành nơi tránh bom của dân TP? Thật là “nhất cử lưỡng tiện”!

Mấy hôm đi lại ở Bình Nhưỡng cũng như đến các TP khác của Triều Tiên, tôi chưa hề nhìn thấy một biển quảng cáo nào, dù chỉ là quảng cáo nội địa. Ở độ cao đúng tầm nhìn chỉ là những khẩu hiệu về Chủ Thể, Nhiệt Tâm, đoàn kết và tung hô các vị lãnh tụ, Đảng lao động TT.

Ngày hôm sau, đoàn được đi thăm khu phi quân sự Bàn Môn Điếm - ranh giới giữa hai miền Nam Bắc, cách Bình Nhưỡng khoảng 200 km. Đây chính là vùng đất Khai Thành, nơi trồng sâm Cao Ly có chất lượng tốt nhất thế giới. Nhưng giá bán các sản phẩm này lại rất rẻ. Nơi đây cũng là nơi diễn ra việc ký hiệp định đình chiến giữa CHDCNDTT với Hoa Kỳ năm 1953. Kết quả của việc ký kết này là hình thành hai miền Nam Bắc Triều Tiên. Cho đến hôm nay, đã hơn 60 năm mà nhân dân hai miền vẫn khao khát  một đất nước thống nhất, chấm dứt sự chia ly.

 Vào mùa này là mùa thu. Những cánh đồng đã thu hoạch lúa, nên dọc hai bên đường là những ruộng đất khô còn trơ gốc rạ. Thấp thoáng vài ba tốp nông dân đang cuốc xới, chắc là  đang trồng rau mầu. Vẫn là những con người với trang phục màu tối như hơn 40 năm trước. Những con người gầy gò, đen đúa, cần mẫn, cam chịu trên vùng đất với khí hậu khắc nghiệt, nhất là mùa đông băng tuyết. Hình ảnh ấy cứ neo mãi vào lòng tôi một cảm giác buồn…

Ở Bình Nhưỡng cũng như đi thăm các nơi khác,  người ta đều muốn giới thiệu cho đoàn biết về các công trình văn hóa và sự phát triển về ngành “công nghệ cao”. Tuy nhiên, nguồn điện lực có vẻ như còn thiếu lắm, nên nhiều chỗ tối, không có đèn, ngay trong khách sạn mà chỉ được cấp nước nóng theo giờ!
Ảnh:
Dự án xây dựng khu công nghiệp Kaesong được triển khai sau khi chủ tịch tập đoàn Hyundai Chung Mong-hun và chính phủ Hàn Quốc đồng ý đầu tư 200 triệu USD để xây dựng. Ảnh: UnificationCyberLibrary
Nguồn:
Vnexpress

Trong đoàn có hai doanh nhân, cũng muốn tìm hiểu về sự phát triển kinh tế nơi đây và về sự giao thương của TT. Vì vậy,  chuyên gia kinh tế đã đến giới thiệu với Đoàn về các đặc khu kinh tế, và họ đặc biệt quan tâm đến du lịch, vận tải và nông nghiệp. Các bạn TT cho biết có chính sách ưu việt khích lệ đầu tư với thuế suất bằng 0 và cho thuê đất 50 năm. Hiện tại đã có một số doanh nghiệp Hồng Kông và Trung Quốc đang hoạt động ở một số Đặc khu kinh tế. Triều Tiên đã xây dựng được ba cầu cảng. Tuy vậy khi hỏi đến phương thức thanh toán như thế nào thì lại gặp rất nhiều bế tắc. Đến bây giờ, Triều Tiên vẫn chưa có ngân hàng giải quyết vấn đề này. Hơn thế,  hiện tại mọi dự án, tất cả các tổ hợp buôn bán, sản xuất…, kể cả các quầy căng tin bán nơi công cộng đều do cơ quan nhà nước quản lý, vì thế nên muốn triển khai một việc thì phải cần một thời gian rất dài.

Trong đoàn có bốn cựu LHS, cả bốn đều cùng học ở Bình Nhưỡng. Năm đầu học ngôn ngữ Triều tiên thì chúng tôi học tại Đại học Kim Nhật Thành, gần ký túc xá - nơi ở của LHS. Sau đó cả bốn chúng tôi đều học ở  Đại học công nghiệp Kim Chech. Trường Kim Chech có rất nhiều khoa đào tạo để phục vụ cho các ngành công nghiệp như: Điện, luyện kim, tuyển khoáng, cầu hầm, đóng tầu… Đó là  thời kỳ 1965 – 1972, đúng giữa lúc Việt Nam  đang có chiến tranh. Hơn nữa,  lại được sự quan tâm của ông Đại sứ - tướng Lê Thiết Hùng, (một trong 34 chiến sỹ trong ngày thành lập QĐNDVN) nên mỗi học sinh đều nhận thấy cần phải học tập nghiêm chỉnh để về phục vụ đất nước khi hết chiến tranh.  Quả vậy,  sau này trong xây dựng và vận hành công trình thủy điện Hòa bình đã có hai anh từng tốt nghiệp ĐH Kim Chech được nhà nước VN phong tặng anh hùng lao động. Ngoài ra nhiều LHS khác cũng đã trở thành những chuyên gia, những giám đốc công ty điều hành sản xuất mang lại lợi ích đáng kể cho công ty,  nâng cao được đời sống công nhân và đóng góp vào ngân sách nhà nước.

Những người từng là LHS Triều Tiên thành đạt,  phải kể đến công lao dậy dỗ của các Giáo sư Triều Tiên. Các thầy đã coi HS Việt Nam như con em mình, hiểu, cảm thông cho hoàn cảnh một nước đang có chiến tranh nên rất tận tình.

Đến đất nước TT lần này, bốn cựu LHS đều mong trở lại trường cũ để gặp các thầy xưa. Tuy xe dẫn đoàn vẫn đi theo con đường cũ từ KTX đến trường Kim chech mà tôi cảm tưởng đã khác lạ. Xe dừng lại trước cổng. Ngôi trường bây giờ thật đồ sộ, có biển đề tên trường thật to, lối vào rất rộng, nghĩa là rất hoành tráng. Đoàn được mấy thầy giáo đang công tác ở  trường đón tiếp và giới thiệu về sự lớn mạnh của trường. Khoa điện xưa mà tôi đã học, nay ở tít trên tầng cao của tòa nhà ba mươi tầng. Hỏi thăm các thầy đã dậy mình xưa thì được biết, các thầy đã VỀ TRỜI! May sao, nhà trường còn giữ lại được chiếc cổng sắt từ hơn 40 năm trước nên tôi mới nhận ra đường xưa lối cũ hàng ngày đến trường đến lớp. Thật xúc động trước những thay đổi và những thiếu vắng không thể tránh. Tôi đã viết bài thơ THẦY ƠI!, với tiếng gọi tự đáy lòng. “Bao nhiêu nước để đá mòn?/ Công Thầy sâu nặng, chúng con ghi lòng”.

Nhiều cảm xúc, nhiều băn khoăn trong chuyến đi nhưng tôi không thể viết ra, chỉ thấy rất se lòng! 
 
Hà Nội 14-01-2015  
Đồng Thị Chúc
(Bài tác giả gửi PNTB)


Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.