3821. Không thể chỉ dựng lên một bức tường lửa

Ông Lê Như Tiến - PCN UB Văn hóa giáo dục thanh thiếu niên và nhi đồng Quốc hội:
Thông tin chính thống lên mạng sẽ “dẹp” các tin xấu, độc hại...
Lao động - Số 14 DƯƠNG HÀ (THỰC HIỆN) 

Đồng tình cao với ý kiến của Thủ tướng Chính phủ xung quanh việc cần phải đưa thông tin chính thống lên mạng xã hội, Đại biểu QH Lê Như Tiến - PCN UB Văn hóa giáo dục thanh thiếu niên và nhi đồng của QH, đồng thời nhấn mạnh đến vai trò quản lý thông tin trên Internet của cơ quan quản lý nhà nước, từ đó phát huy tối đa vai trò và tính tương tác của các trang mạng xã hội, blog cá nhân… Chiều 16.1, PV Lao Động đã có cuộc trao đổi với ông về vấn đề này.

Ý kiến của Thủ tướng Chính phủ về việc cần phải đưa các thông tin chính thống lên mạng xã hội đang nhận được đồng tình cao của dư luận, quan điểm của ông về điều này thế nào?


- Hiến pháp năm 2013 được Quốc hội thông qua về quyền của công dân có nói rõ một chế định mà tôi cho rằng rất hay: Công dân có quyền tiếp cận thông tin, hưởng thụ các giá trị văn hóa tinh thần. Báo chí, truyền thông là phương tiện truyền tải thông tin. Rõ ràng, ta không cấm được thông tin và truyền thông, đặc biệt là trong bối cảnh phát triển Internet hiện nay. Tôi thống nhất cao với ý kiến của Thủ tướng về việc cần phải đưa thông tin chính thống lên mạng. Câu chuyện đặt ra là ta không thể cấm thông tin,mà phải làm sao đó để quản lý thông tin tốt hơn.

Ông đánh giá như thế nào về mức độ quản lý các trang mạng hiện nay ở nước ta?

- Hiện nay, có những trang mạng xã hội, blog cá nhân… vượt quá giới hạn thông tin, trở thành những “tờ báo” cũng đưa tin, bình luận, tổng hợp tin tức. Vì thế cơ quan quản lý báo chí truyền thông càng phải có chấn chỉnh! Với những loại hình không thuộc phạm vi báo chí thì ta phải xử lý như thế nào? Đây là vấn đề đặt ra cho cơ quan quản lý nhà nước về báo chí phải nghiên cứu, sửa đổi Luật Báo chí trong kỳ họp Quốc hội cuối năm 2015 để làm sao có thêm chế tài nhằm siết chặt quản lý các trang thông tin này. Vừa qua, chúng tôi đã làm việc với một số cơ quan báo chí, đặc biệt là các trang báo mạng điện tử, mới thấy có rất nhiều vấn đề! Quản lý, nhưng đồng thời phải tạo điều kiện cho báo chí hội nhập và phát triển, đó chính là đích đến của báo chí.

Một thực tế là số lượng người sử dụng facebook, blog… ngày càng tăng chóng mặt. Ông đánh giá gì về tính tương tác của các trang mạng xã hội hiện nay?

- Internet chính là thành tựu của KHCN. Bản thân Internet không có lỗi, tạo ra tương tác rộng lớn giữa mọi người. Nếu có lỗi là lỗi của nội dung truyền tải. Chúng ta không nên nghĩ theo kiểu “con sâu làm rầu nồi canh”, nếu như trang thông tin điện tử, blog cá nhân… nào đó vi phạm thì cần xử lý. Câu chuyện đặt ra là cơ quan báo chí cần kiểm soát chặt hơn, qua thanh kiểm tra thấy có dấu hiệu vi phạm phải xử lý ngay. Mặt khác, tôi cho rằng sở dĩ có thông tin nhiều chiều, hỗn loạn là do một phần lỗi của cơ quan cung cấp thông tin cho báo chí. Nếu các cơ quan nhà nước, tổ chức… thông tin chính thống đầy đủ, công khai cho báo chí, cũng như đưa công khai trên mạng xã hội thì chắc chắn sẽ “dẹp” được tình trạng đưa thông tin sai sự thật vì mục đích sai trái cá nhân.
- Xin cảm ơn ông!

Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên: Sẽ có kế hoạch kỹ lưỡng đưa thông tin chính thống lên mạng xã hội

Đó là khẳng định của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên, liên quan đến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc đưa thông tin chính thống lên mạng xã hội. Trao đổi với Lao Động chiều 16.1, ông Nguyễn Văn Nên cho biết đang triển khai kế hoạch thực hiện công việc này.

Theo ông Nguyễn Văn Nên, đây là công việc lớn, nhiều công đoạn và có nhiều vấn đề phức tạp nên Văn phòng Chính phủ sẽ lên kế hoạch kỹ lưỡng để thực hiện việc này. “Chúng tôi sẽ cùng với các cơ quan tham mưu tổ chức trao đổi, bàn bạc với các ngành chức năng, đối chiếu các quy định, pháp luật, căn cứ vào chủ trương, đường lối, nghị quyết chính sách pháp luật để tính toán việc tham gia đưa thông tin như thế nào cho phù hợp, đảm bảo được yêu cầu hiện nay” - ông Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh.

Cho rằng yêu cầu của Thủ tướng trong bối cảnh hiện nay là điều rất cần thiết, ông Nguyễn Văn Nên nêu quan điểm: “Thực tế, để ngăn chặn các luồng thông tin là rất khó, vì vậy chủ trương của Thủ tướng là cần đưa ra thông tin chính thống trên mạng xã hội và phải có người chịu trách nhiệm về nguồn thông tin đó, qua đó nhân dân có những thông tin chính xác, kịp thời, đảm bảo được các yêu cầu, hoạt động của Nhà nước hiện nay”. Theo ông, nếu không đưa ra thông tin chính thống sẽ gây thêm tình hình phức tạp, nhưng nếu đưa lên không khéo sẽ càng làm cho tình hình rối ren. Đó là lý do để Văn phòng Chính phủ lên kế hoạch kỹ lưỡng và chặt chẽ cho quá trình này, với mục đích giúp công chúng định hướng được thông tin, có được thông tin chính thống từ nhà quản lý về nguồn tin đưa ra.

Ông Nguyễn Văn Nên cũng khẳng định, cơ quan quản lý nhà nước cũng phải tính đến việc đưa ra các quy định, quy chế để người tham gia sử dụng Internet có cơ sở để đưa thông tin và thực hiện việc tham gia đưa thông tin. Đặc biệt, sẽ phải tính đến chế tài xử lý nghiêm minh đối với những ai vi phạm việc đưa thông tin sai sự thật, thông tin bịa đặt… D.Hà

Xem thêm:

·  Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Đưa thông tin chính thống lên mạng xã hội 

------------- 

Không thể chỉ dựng lên một bức tường lửa

(LĐ) ĐÀO TUẤN 

 “Điện thoại bật ra là có, lên Facebook là đọc được thông tin, hơn 30 triệu người Việt đang sử dụng các mạng xã hội, đó là nhu cầu thiết yếu không thể ngăn cấm. Vì thế phải đưa thông tin chính xác, kịp thời để định hướng. Trên mạng ai nói gì thì nói, nhưng nếu có thông tin chính thống của Chính phủ thì người dân mới có lòng tin”.

Đây là phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong hội nghị vừa mới đây của Văn phòng Chính phủ.

Nói chính xác, những phát biểu của người đứng đầu Chính phủ đã giải tỏa những bức xúc của không chỉ những người làm báo, mà của nhân dân cả nước. Nó cũng đang chỉ rõ điểm yếu trong cơ chế thông tin của cơ quan chức năng là vừa chậm, vừa có quá nhiều thông tin không tiết lộ với lý do nhạy cảm.

Chúng ta đã có những bài học đớn đau từ tin đồn. Đó là ngày 21.2.2013 thị trường chứng khoán sững sờ chứng kiến một phiên sụp đổ với cảnh “tranh nhau bán”, “ồ ạt tháo chạy” với chỉ số HNX-Index giảm kỷ lục. Tất cả chỉ với một tin đồn Chủ tịch HĐQT BIDV Trần Bắc Hà bị bắt.

Một tin vịt hoàn toàn, cộng hưởng bởi tâm lý đám đông và “phương tiện lan truyền của tên lửa”: Mạng Internet - gây ra hậu quả mà Tổng cục An ninh II nhìn nhận: “Tin thất thiệt này tác động mạnh đến thị trường tài chính tiền tệ, hoạt động “bán tháo” khiến 430 mã chứng khoán giảm điểm, trong đó 148 mã giảm sàn”.

Hay thời sự hơn, là những tin đồn trên mạng xã hội liên quan đến bệnh tình, sức khỏe của Trưởng ban Nội chính T.Ư Nguyễn Bá Thanh khiến cho báo chí phải chạy theo mạng xã hội, khiến cho nhân dân nửa tin nửa ngờ. Chỉ đến khi Ban Bảo vệ chăm sóc sức khỏe cán bộ T.Ư lên tiếng, những hoài nghi về việc bị đầu độc phóng xạ mới chấm dứt.

Có câu danh ngôn rằng “Sự thật luôn luôn ít căng thẳng và tốn ít công sức hơn là cố bao che cho lời nói dối”.

Ba hôm trước, người tiên phong mở đường cho Internet vào Việt Nam - nguyên Thứ trưởng Mai Liêm Trực - cho rằng cách thức tốt nhất để dẹp bỏ những tin đồn thất thiệt là “không nên né tránh những gì mà chúng ta thường cho là “nhạy cảm”. Càng không nên né tránh các loại thông tin xấu độc, xuyên tạc, vu khống. Nếu là tôi thì sẽ “chơi bài ngửa”, không có úp mở gì”. Bởi theo ông: “Nếu cứ im lặng thì tin đồn sẽ làm xã hội phân tâm”.

Rất rõ ràng, muốn dẹp được tin đồn, nói như Thủ tướng - là cần đưa thông tin chính xác, kịp thời để thỏa mãn nhu cầu của nhân dân. Bởi cũng rất rõ ràng, chúng ta không thể ngăn chặn tin độc bằng cách gạch đầu dòng quá nhiều loại thông tin, cho nó là nhạy cảm. Càng không thể ngăn chặn chỉ bằng một bức tường lửa.


Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.