3794. Nhìn lại Phiên tòa Leipzig 82 năm trước

Nhìn lại Phiên tòa Leipzig 82 năm trước
 

Phiên tòa Leipzig xét xử vụ cháy Tòa nhà Quốc hội Đức, nơi mà bị cáo Dimitrov (thường được phiên âm trong tiếng Việt là Đi-mi-tơ-rốp) đã trở thành người xử án. Sự kiện đó diễn ra trong năm đầu của Đế chế Đức thời Xã hội chủ nghĩa quốc gia, sau khi Adolf Hitler – Chủ tịch Đảng Công nhân Đức Xã hội chủ nghĩa quốc gia (NSDAP, còn được gọi tắt là Đảng Nazi, Đảng Quốc xã) – lên làm Thủ tướng Đế chế (Reichskanzler) vào ngày 30/01/1933.

Giữa chiến dịch tranh cử vào Quốc hội Đế chế Đức (năm 1933), mà ba đảng mạnh nhất là NSDAP, Đảng Dân chủ xã hội Đức (SPD) và Đảng Cộng sản Đức (KPD), thì Tòa nhà Quốc hội Đức bị đốt vào đêm 27/02/1933. Tại hiện trường, cảnh sát chỉ bắt được Marinus van der Lubbe, một người Hà Lan theo Chủ nghĩa cộng sản hội đồng và tham gia Nhóm những người cộng sản quốc tế (Gruppe Internationaler Kommunisten, GIK) từ năm 1931. Van der Lubbe khai rằng chỉ một mình phóng hỏa. Nhưng ngay lập tức, Hermann Göring – nhân vật đứng thứ hai của Đảng Nazi – đã quả quyết:
"Đây là mở đầu của cuộc nổi loạn cộng sản, bây giờ chúng sẽ bị tấn công. Không được bỏ lỡ một phút nào hết."
Còn Chủ tịch Đảng Nazi Adolf Hitler thì thẳng thừng tuyên bố:
"Không thể thương xót được nữa; ai chặn đường của chúng ta thì sẽ bị tiêu diệt… Phải bắn bất cứ phần tử cốt cán cộng sản nào bị bắt gặp. Phải treo cổ bọn nghị sĩ cộng sản ngay trong đêm nay… Cũng không cần phải giữ gìn gì nữa trong việc chống lại bọn Dân chủ xã hội và bọn Cờ đế chế (Reichsbanner Schwarz-Rot-Gold)."
Sự quy kết vội vã ấy làm gia tăng mối nghi ngờ, rằng chính những kẻ cầm đầu Đảng Nazi là tác giả của vụ phóng hỏa Tòa nhà Quốc hội, nhằm tạo cớ để đàn áp đối thủ chính trị.

Ngay trong ngày hôm sau (28/03/1933), "Sắc lệnh Tổng thống Đế chế nhằm bảo vệ nhân dân và nhà nước" được ban hành, với mục đích được ghi là "nhằm bảo vệ trước các hành động bạo lực cộng sản chống lại nhà nước". Theo đó, các quyền hiến định về tự do cá nhân, tự do phát biểu chính kiến (bao gồm cả tự do báo chí), về lập hội, hội họp… đều bị hủy bỏ. Dựa vào Sắc lệnh này, KPD bị cấm hoạt động ngay lập tức, và ba ngày sau cuộc Bầu cử Quốc hội Đế chế Đức ngày 05/03/1933, tất cả 81 ghế nghị sĩ của KPD (đảng đứng thứ ba, dành được 12,3% số phiếu) bị hủy bỏ. Ba tháng sau SPD (đảng đứng thứ hai, dành được 18,3% số phiếu và 120 ghế nghị sĩ) cũng bị cấm hoạt động. Điều đó cho thấy vai trò của vụ cháy Tòa nhà Quốc hội Đức trong việc thiết lập chế độ độc tài phát xít ở Đức.

Phiên tòa xét xử vụ cháy Tòa nhà Quốc hội Đức diễn ra tại Tòa án Đế chế (Reichsgericht, là tòa án hình sự và dân sự cấp cao nhất ở Đế chế Đức trong thời kỳ 1879–1945), bắt đầu vào ngày 21/09/1933. Ngoài Marinus van der Lubbe, còn có bốn bị cáo khác bị đem ra xét xử, đó là Ernst Torgler (Chủ tịch Nhóm nghị sĩ của đảng KPD trong Quốc hội Đế chế Đức từ năm 1929) và ba người cộng sản Bun-ga-ri là Georgi Dimitrov, Blagoi Popov, Vassil Tanev.

Một trong những điều đặc biệt nhất là của phiên tòa này là sự xuất hiện của hai nhân chứng Hermann Göring (vào ngày 04/11/1933) và Joseph Goebbels (vào ngày 08/11/1933). Tại thời điểm đó, Göring đã giữ nhiều chức vụ quan trọng, như Bộ trưởng Bộ Nội vụ (1933–1934) và Thủ hiến (1933–1945) của nước Phổ (Preußen), Chủ tịch Quốc hội (1932–1945) và Bộ trưởng Bộ Hàng không (1933–1945) của Đế chế Đức, và năm 1934 thì được chỉ định sẽ là người kế tục nếu Hitler qua đời. Goebbels khi đó đã là Bộ trưởng Bộ Khai sáng Nhân dân và Tuyên truyền của Đế chế Đức (1933–1945), và sau này thay thế Hitler làm Thủ tướng trong ba ngày cuối đời (30/04–01/05/1945).

Việc hai nhân vật hàng đầu của Đảng Nazi ra làm chứng trước tòa thể hiện tầm quan trọng của vụ xét xử này. Hẳn chính quyền Hilter đã coi nó như một trận đánh trọng điểm trong chiến dịch tiêu diệt Đảng Cộng sản. Quyết tâm chống cộng được Göring thể hiện rõ khi đấu khẩu với Dimitrov trước tòa:
"Đối với tín hiệu mà Đảng Cộng sản đưa ra ở đây, tôi muốn trả lời bằng cách thể hiện quyết tâm, cho các vị cộng sản thấy rõ, là tôi định thực hiện cuộc chiến chống lại Chủ nghĩa cộng sản như thế nào. Quả thật là tôi đã định treo cổ van der Lubbe ngay trong đêm ấy. Sở dĩ tôi chưa làm điều đó – dù không ai có thể cản trở tôi – là vì tự nhủ rằng: Ta mới túm được hắn; nhưng chắc chúng phải là cả bầy; có lẽ ta cần tên này làm nhân chứng. Đấy là cân nhắc duy nhất, khiến khi ấy tôi không chỉ ngay cho thế giới thấy rằng, nếu một bên cương quyết phá hoại, thì bên kia cũng cương quyết không chấp nhận."

Chủ quan khinh địch, Göring đã bất ngờ đụng phải một đối thủ trên tầm, bị Dimitrov tấn công bằng những câu hỏi sắc sảo:
"Sau khi ngài với tư cách Thủ hiến và Bộ trưởng nội vụ đã tuyên bố rằng những người cộng sản đã phóng hỏa, rằng Đảng Cộng sản Đức với sự giúp đỡ của van der Lubbe, một người cộng sản nước ngoài, đã làm điều đó, thì chắc hẳn quan điểm của ngài đã xác định hướng cố định cho việc điều tra của cảnh sát và tiếp đó là cho việc xét xử của thẩm phán, và xóa bỏ khả năng tìm kiếm theo các hướng khác để tìm ra kẻ đích thực đã đốt Tòa nhà Quốc hội, đúng không?"
Dimitrov liên tục chất vấn Göring, như thể chính ông là người xử án:
"Dimitrov: Ngài Thủ hiến có biết là ngài Karwahne và ngài Frey đã trình báo như thế không?
Göring: Tôi được biết về việc trình báo ấy trong ngày kế tiếp sau vụ cháy.
Dimitrov: Vào buổi sáng hay trong đêm?
Göring: Vào buổi sáng, hoặc cũng có thể là vào buổi chiều.
Dimitrov: Vậy thì vào bao giờ? Buổi sáng hay buổi chiều?
Göring: Có thể xác định được chính xác là những lời khai báo này được chuyển tới tôi vào lúc nào."
Rơi vào thế bị động, Göring chống đỡ lúng túng, thậm chí còn nổi khùng:
"Ta muốn nói là nhân dân Đức biết rằng ngươi cư xử vô liêm xỉ, rằng ngươi mò đến đây để đốt nhà Quốc hội. Nhưng ta ở đây không phải để nhà ngươi thẩm vấn và buộc tội như quan tòa. Trong mắt ta thì ngươi là một kẻ lừa đảo, phải treo thẳng lên giá treo cổ."
Phản ứng ấy của vị Chủ tịch Quốc hội kiêm Thủ hiến và Bộ trưởng cho thấy Göring đuối lý đến mức nào.

Cứ như vậy, Dimitrov đã lần lượt vạch trần những điều phi lý của các chứng cớ, để phủ nhận bản cáo trạng của phía công tố nhằm bào chữa cho mình và các đồng bị cáo.

Sau 3 tháng ròng rã, với 57 ngày xét xử, ngày 23/12/1933 tòa đã tuyên án tử hình đối với van der Lubbe, còn Torgler, Dimitrov, Popov và Tanev thì được tuyên trắng án.

                   Nguồn: GS. Hoàng Xuân Phú


Bình luận của một tác giả trên Internet: 

Như vậy, để có thể đặt được những người CS ra ngoài vòng pháp luật, chính Hitler đã tổ chức đốt Tòa nhà Quốc hội Đức rồi đổ vấy cho những người CS, sau đó đưa Tổng bí thư Quốc tế CS, Georgi Dimitrov cùng 4 cộng sự ra xét xử.

Chế độ phát xít, rõ ràng là dã man và hết sức tàn bạo. Chế độ ấy không bao giờ có thể so sánh được với chế độ XHCN hết sức ưu việt, đầy tính nhân văn, giàu lòng nhân ái của chúng ta! Nhưng, qua phiên tòa đó có rất nhiều điểm đáng để chúng ta phải học tập.

- Một vụ án có liên quan đến “An ninh Quốc gia” nhưng Hitler vẫn cho xét xử công khai. Tất cả, các phóng viên ngoại quốc (trừ phóng viên CS, đương nhiên), nếu có nhu cầu, đều được tự do đến dự, tự do ghi âm, ghi hình.

- Tại phiên tòa, Dimitrov được nói tự do, bào chữa thoải mái. Không hề bị giới hạn bởi thời gian và đề tài. Đến mức Chánh án còn lưu ý ông ta: Tòa, không phải là nơi để ông tuyên truyền cho chủ nghĩa CS.

- Cho dù là đầu sỏ của Đức Quốc xã nhưng khi bị Tòa triệu tập cả Goebbels lẫn Göring đều phải có mặt với tư cách “bên có nghĩa vụ và quyền lợi liên quan”. Và phải trả lời mọi câu hỏi của Tòa cũng như trả lời mọi câu hỏi của “bị cáo” Dimitrov đưa ra. Dẫu có “cay đắng” cũng phải thừa nhận.

- Cho dù là Tòa án Phát xít nhưng không hề có chuyện “Án tại hồ sơ” và càng không có chuyện “Án bỏ túi”. Dimitrov, sau khi thỏa thuê, đánh bóng tên tuổi của mình tại Tòa, sau khi trổ tài hùng biện, chứng minh “Mình vô tội”, ông cùng 4 đồng sự được trả Tự do ngay tại Tòa.

Rõ ràng họ vô tội, dẫu có ghét họ đến đâu cũng phải thả họ ra. Đó là Nhà nước Pháp quyền, dù chỉ là Pháp quyền tư sản.
 
Viên đại tá, Chánh án không làm trái lương tâm, không thể làm trái luật pháp, sau khi tuyên Dimitrov và các cộng sự vô tội, ông ta đã tự tử để làm tròn nghĩa vụ của một đảng viên Đảng Quốc xã. Tình-lý vẹn toàn. Thật là: Chính nhân - Quân tử.

Hitler cho đốt Tòa nhà Quốc hội Đức và đưa Dimitrov ra Tòa bởi vì ông ta chủ quan, nghĩ mình mạnh và có thể hạ nhục được những người CS trong việc vu khống “CS chỉ là một  lũ khủng bố và phá hoại”. Trên đời, "mấy ai học được chữ ngờ”!. Dimitrov, sức cùng, lực kiệt, thế mà lại đứng được trên đầu Hitler. Và Hitler đã thua thảm hại.
                                                                    PNTB  Tổng hợp

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.