3727. Vẫn cứ lăn lăn

Vẫn cứ lăn lăn
(Bình luận ngày cuối năm)
Nguyễn Ngọc Dương/ PNTB
Minh họa, ảnh Interet
Cứ mỗi năm sắp qua đi, bất cứ ai quan tâm đến thời cuộc, đến vận mệnh dân tộc đều không thể không suy tư trước những nổi cộm trong cuộc sống, cầu mong cho những cái xấu giảm đi, cái tốt nhiều lên.

Tờ lịch cuối cùng của năm 2014 đang chờ dứt nốt ra khỏi log, nhưng tình trạng tham nhũng – một quốc nạn gây ra biết bao hệ lụy đã kéo dài nhiều năm xem chừng chưa giảm. Nó là biểu hiện cụ thể của sự suy thoái tư tưởng chính trị và phẩm chất đạo đức của “một bộ phận không nhỏ” trong Đảng, là nguy cơ cho sự tồn vong của Đảng và chế độ, như Nghị quyết Trung ương 4 đã chỉ ra.

Để thực hiện Nghị quyết này, Trung ương đã chuyển Ban chống tham nhũng từ phía Nhà nước sang Đảng nắm trực tiếp, tái lập Ban Nội chính Trung ương. Các đồng chí cán bộ cao cấp ở hội nghị nào, cuộc tiếp xúc nào với cử tri cũng vung cao tay quyết tâm chống tham nhũng đến cùng, quyết tâm tiêu diệt lũ sâu mọt đục khoét nền kinh tế đất nước, đục khoét vào lòng tin của dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ... Nhiều biện pháp đưa ra nhằm làm trong sạch đội ngũ cán bộ, đảng viên như: Chỉ thị tiếp tục tăng cường Cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; thực hiện kê khai tài sản đối với cán bộ, đảng viên; tăng cường kiểm tra, kiểm soát, tăng cường phê và tự phê bình, mở rộng dân chủ trong Đảng, lấy phiếu tín nhiệm ở Quốc hội và Hội đồng nhân dân; đề bạt, bổ nhiệm cán bộ vào bất kỳ chức danh nào đều có “quy trình chặt chẽ”...

Thế nhưng, tham nhũng ở mọi nơi mọi lúc vẫn là “chuyện thường ngày”, có người thở dài rằng, thôi đành “sống chung với lũ”, chứ biết sao! Xin trích một đoạn trong bài bình luận của tác giả Kỳ Duyên trên báo Vietnamnet (27/12/2014):

“Năm 2014, cũng là năm tham nhũng vẫn… rất khỏe, với rất nhiều biến tướng khôn lường và được phanh phui ngày càng nhiều thêm.

Nếu như trước đây, nói tới tham nhũng, tới chuyện ăn tiền, ăn hối lộ, người ta thường tập trung vào lĩnh vực kinh tế. Giờ đây, tham nhũng tả xung hữu đột bất kể ngành nào.

Nếu trước đây tham nhũng thường chỉ tập trung các dự án trong nước, giờ nó tiếp tục có … quan hệ quốc tế.

Nếu trước đây tham nhũng chỉ thuần túy chuyện tiền bạc, giờ đây, tham nhũng có gương mặt tô son trát phấn với khái niệm “hối lộ tình dục”.

Nếu trước đây tham nhũng có gương mặt của những kẻ dính líu nhiều tới kinh tế, bạc tiền, giờ đây nó xuất đầu lộ diện với gương mặt đầy đặc quyền - đặc lợi, có quyền sinh quyền sát.

Nếu trước đây tham nhũng khiến con người ta nghĩ tới lượng tiền bạc, giờ đây diện mạo tham nhũng khủng và công khai hơn nhiều - đó là đất đai nhà cửa, biệt thự, trang trại, trang ấp…

Nếu trước đây, tham nhũng có thể chỉ là cá nhân, giờ đây, tham nhũng mang tinh thần… tập thể, gọi một cách mỹ miều là lợi ích nhóm...

Tại cuộc tiếp xúc các cử tri Quận 04, t/p HCM, người đứng đầu đất nước đã phải chua xót và lo ngại: Tham nhũng, về kinh tế thì gây thiệt hại, về chính trị thì làm dân mất lòng tin. Tham nhũng đến nỗi buộc người dân phải thốt ra những lời đau lòng! (NLĐ, ngày 02/12). Người đứng đầu đất nước đã “chạm” đến được cái hậu quả tàn khốc nhất mà loại “giặc nội xâm” này để lại, chính là sự mất niềm tin của người dân. (Xem Vietnamnet.vn)

Còn tệ lãng phí cũng kinh khủng không kém, nó là đứa con sinh đôi của tham nhũng. Công luận đã nói quá nhiều. Còn nhớ từ mấy năm trước, tại Nghị trường Quốc hội cũng đã nêu ra con số thất thoát trong xây dựng đến 30%. Gần đây trong bài viết nhan đề Hóa ra họ “ăn” ghê thật của Như Thổ trên PetroTimes hôm 23/12/2014 (Petrotimes.vn) nói đến việc xây dựng có thể tiết kiệm đến 40%! Hầu như tất cả những công trình xây dựng của Việt Nam đều đắt hơn công trình cùng loại ở nước ngoài. Báo Kiểm toán vừa có nhận định trong bài Thất thoát trong đầu tư xây dựng: “Mặc dù chưa có một cơ quan, tổ chức nào đưa ra được tỷ lệ và số liệu chính xác về thất thoát, lãng phí trong đầu tư XDCB là bao nhiêu (10, 20 hay 30% như nhiều chuyên gia nhận định) nhưng thất thoát, lãng phí là có thực và nó xẩy ra ở tất cả các khâu, giai đoạn của quá trình đầu tư, từ chủ trương đầu tư, chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư, cấp phát vốn đầu tư, đến khâu nghiệm thu bàn giao đưa công trình vào sử dụng và quyết toán vốn đầu tư xây dựng công trình...”(Báo Kiểm toán). 

Thế nhưng đất nước mình chưa bao giờ nhiều dự án như bây giờ. Có tiền cũng làm dự án, không có tiền cũng làm, rồi đi xin (Trung ương) hoặc đi vay (nước ngoài)! Vay thì tất nhiên phải trả nợ, nhưng người vay không bao giờ phải trả mà nhân dân trả, con cháu sau này phải trả. Nợ là nợ công. Thế thì tội gì không vay mà làm. Làm vừa được tiếng vừa được “miếng”, thế nên dù có những dự án “lợi bất cập hại” vẫn làm! Dự án là “chùm khế ngọt”, nên khó có thể “hoãn cái sự sung sướng” của những người suốt ngày chỉ mơ đến dự án. Chẳng hiểu cung cách quản lý thế nào nhưng cứ được làm chủ dự án là mặt tươi như hoa, bởi nó là cái “trống chùa” để người ta tranh nhau tìm mọi cách mà... “thùng”! (trống chùa ai khéo thì thùng/ của công ai khéo vẫy vùng thành riêng” – Ca dao).

Chính tham nhũng và lãng phí là nguyên nhân chính làm cho nền kinh tế đất nước không ngóc đầu lên được. Tình trạng nợ công, nợ xấu đã làm nóng nghị trường Quốc hội nhiều ngày.

Nhìn vào lĩnh vực xã hội thì cứ lướt qua báo chí hằng ngày thấy toàn những cướp, giết, hiếp và tai nạn giao thông rợn người cùng tệ nạn ma túy gây điêu đứng cuộc sống của nhiều gia đình người dân từ thành thị đến nông thôn... Người dân sống trong hòa bình mà luôn nơm nớp cảm thấy bất an...

Đạo đức xã hội xuống cấp đến nỗi có nhiều bài viết đặt vấn để nhìn nhận lại văn hóa người Việt. Nếu trước đây, hệ thống tuyên truyền của Đảng chỉ thấy nói đến những truyền thống văn hóa tốt đẹp, đáng tự hào của người Việt Nam, của dân tộc Việt Nam như anh dũng, kiên cường, thông minh, cần cù, nhân ái, tình nghĩa... thì ngày nay thấy đủ cái xấu, cái tệ hại của người Việt, khiến bất kỳ ai có lòng tự trọng, tự tôn dân tộc cũng cảm thấy xấu hổ. Nghị quyết gần đây của Đảng về văn hóa nêu vấn đề “đạo đức xã hội xuống cấp nghiêm trọng”, các giá trị bị đảo lộn v.v...

Tất cả những cái xấu, cái tệ, cái yếu kém đang phơi bầy trong cuộc sống có nguyên nhân từ đâu? Đó là câu hỏi lớn mà không một ai có tâm với đất nước, với dân tộc không đặt ra. Có rất nhiều cách lý giải khác nhau, nhưng xem ra vẫn chưa có gì thuyết phục. Có người nêu ra một nguyên nhân có vẻ khái quát rằng, do “MẶT TRÁI CỦA CƠ CHẾ THỊ TRƯỜNG”.

Mấy chục năm trước, khi nền kinhh tế bao cấp, theo cơ chế Kế hoạch hóa tập trung Xã hội chủ nghĩa còn ngự trị thì đất nước đã khốn đốn không phát triển được. Lúc ấy Kinh tế thị trường được coi là sản phẩm của Chủ nghĩa tư bản, là yếu tố đối lập với Chủ nghĩa xã hội. Vì thế, không ai dám đề xuất đưa cơ chế thị trường vào nền kinh tế xã hội chủ nghĩa của chúng ta. Chỉ mới làm “chui” một việc khoán hộ trong nông nghiệp để tháo gỡ cuộc sống của nông dân mà đồng chí Kim Ngọc, Bí thư tỉnh ủy Vĩnh Phú đã phải liêu xiêu...

Nhưng rồi đến một lúc, thấy tình hình ngày càng khó khăn, kinh tế đất nước “đứng trước bờ vực thẳm” (NQ Trung ương 4 khóa VI), nhận thức của Đảng đã buộc phải có sự thay đổi: Phải đổi mới. Còn nhớ lúc đó trên báo chí xuất hiện cụm từ: “Đổi mới hay là chết”, nhất là sau khi CNXH sụp đổ ngay trên quê hương của nó. Thế rồi, cơ chế thị trường được mang áp dụng vào nền kinh tế, thay cho cơ chế Kế hoạch hóa tập trung. Đó là một yếu tố đổi mới rất cơ bản. Các thành phần kinh tế được mở rộng, không còn đơn điệu chỉ hai thành phần quốc doanh và tập thể nữa. Cơ chế mới được Đảng áp dụng, lập tức đã làm cho đất nước nhanh chóng thay da đổi thịt. Tất nhiên để chấp nhận được cái “sản phẩm của giai cấp thù địch” là Kinh tế thị trường và các thành phần kinh tế tư nhân vào “lâu đài xã hội chủ nghĩa” cũng không phải dễ dàng. Đó là kết quả của cuộc đấu tranh gay gắt ở các Đại hội, làm chuyển một bước lớn về nhận thức của Đảng.

Chính cơ chế thị trường nó là một trong những yếu tố cứu tinh cho đất nước nhưng đến nay, khi đất nước sau một quá trình đổi mới cái được cũng nhiều cái nổi cộm cũng lắm, trong đó buồn nhất là nạn tham nhũng, nợ công, nợ xấu lớn... Đó là một trong những yếu tố trực tiếp gây trở ngại cho sự phát triển kinh tế, khiến văn hóa, đạo đức xuống cấp, tai tệ nạn xã hội ngày càng gay gắt... Tất cả những yếu kém ấy nếu quy cho thủ phạm là Mặt trái của Cơ chế thị trường thì liệu có chuẩn xác?

Theo quan điểm triết học Marx thì sự vật nào cũng vận động trong sự thống nhất và đấu tranh của các mặt đối lập, tức là có mặt phải, mặt trái. Kinh tế thị trường cũng vậy. Thế thì những nước có nền kinh tế phát triển gấp nhiều lần nước ta như các nước Bắc Âu, Singapore, Nhật Bản, Hàn quốc... Kinh tế thị trường của họ chả lẽ không có “mặt trái”? Những nước ấy họ phát triển gấp hằng chục lần, thậm chí hằng trăm lần nước ta, đạo đức, văn hóa của họ đâu có “xuống cấp nghiêm trọng”? Thôi thì những nước có quá trình phát triển theo Chủ nghĩa tư bản lâu năm thì không nói, mà chỉ cần so sánh với Hàn Quốc, một nước mới phát triển. Trong một bài viết trên VNN hôm 26/12, GS. Trần Đình Bút, nguyên hiệu trưởng trường quản lý kinh tế Trung ương, nguyên thành viên tổ tư vấn và Ban nghiên cứu giúp việc cho Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Thủ tướng Phan Văn Khải, đã chỉ rõ: “ Khoảng 40 năm trước đây kinh tế Việt Nam với Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên còn ngang hàng  nhau.  So với Hàn Quốc kinh tế ở miền Bắc khi đó còn nhỉnh hơn một chút. GDP bình quân đầu người ở miền Bắc là khoảng 100 USD/người, còn Hàn Quốc là khoảng 80 USD/người. Thế mà nay họ đã gần 40.000 USD/người, ta mới khoảng 2.000 USD/người. Họ đã hơn ta gấp 18 – 20 lần”. (Vietnamnet.vn )

Vậy tại sao mặt trái của cơ chế thị trường nó không dám làm gì những nước ấy mà nó cứ nhè vào Việt Nam mà “bắt nạt”? Vậy nên, cách giải thích những nổi cộm của đất nước, những yếu kém của chúng ta bởi mặt trái của cơ chế thị trường gây nên liệu có chuẩn xác?

Thiết tưởng, một khi chưa tìm đúng nguyên nhân, tức là chẩn đoán chưa đúng bệnh thì chưa thể “kê toa bốc thuốc” 

                                                                           N.N.D/ PNTB
        

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.