3720. Bộ trưởng Thăng đang nghĩ gì?

Bộ trưởng Thăng đang nghĩ gì?

29/12/14 07:52

Bộ trưởng Đinh La Thăng đang nghĩ gì
khi chưa đầy 2 tháng xảy ra 2 sự cố đường sắt?

 (GDVN) - Bộ trưởng Đinh La Thăng đang nghĩ gì khi chỉ chưa đầy 2 tháng, Dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh – Hà Đông xảy ra hai sự cố nghiêm trọng?


Tính mạng của người dân bị đe dọa và sự lo lắng đó là có cơ sở, khi chỉ chưa đầy 2 tháng, Dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh – Hà  Đông xảy ra hai sự cố nghiêm trọng. Ít nhất 1 người đã tử vong, và nhiều người khác bị thương khi sự cố xảy ra.


Người ta vẫn rùng mình khi nhắc lại sự cố xảy ra hôm 6/11/2014, tại khu vực thi công xây dựng nhà ga Thanh Xuân III đường Nguyễn Trãi thuộc dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh-Hà Đông.

Tại đây, trong trong quá trình cẩu thép, đơn vị thi công đã gây ra tai nạn nghiêm trọng khiến anh Nguyễn Như Ngọc (Học viện Học viện An ninh) bị tử nạn và hai người dân là vợ chồng ông Nguyễn Trọng Nhân bị thương. Nguyên nhân được xác định là do sự cẩu thả của đơn vị thi công.


Các biện pháp mạnh sau đó đã được lãnh đạo ngành Giao thông vận tải đưa ra, nhằm trấn an dư luận, “chuộc lỗi” với nhân dân (đình chỉ, kiểm tra, rà soát đảm bảo thi công, kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm nhà thầu thi công, hay việc tính toán, đưa ra phương án kỷ luật các cá nhân, tổ chức có liên quan…) đã được thực hiện. 
Sự cố sập giàn giáo nghiêm trọng xảy ra hôm 28/12 
Sự việc càng trở nên “nóng” hơn khi tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII hôm 18/11 vừa qua, nhiều ĐBQH đặt vấn đề về độ an toàn khi thực hiện, vận hành dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh – Hà Đông,  khi chất vấn "tư lệnh" ngành Giao thông vận tải.

“Tôi và nhiều cử tri đi tuyến đường này rất lo vì nó treo trên đầu hàng loạt người lưu thông. Bộ trưởng có cam kết khi đưa công trình vào vận hành khai thác tuyệt đối an toàn không? Nếu tàu rơi xuống đất thì thảm họa. Nếu không an toàn thì Bộ trưởng suy nghĩ thế nào?”, đại biểu Đỗ Văn Đương  (đoàn TP. HCM) quan ngại.


Trước Quốc hội, Bộ trưởng Thăng cho biết, việc đảm bảo an toàn không chỉ trong thi công, kể cả trong khai thác, vận hành, đảm bảo khi vận hành nghiệm thu đúng quy định pháp luật, đảm bảo an toàn tuyệt đối. Tiêu chuẩn an toàn là số 1 sau đó mới đến hiệu quả. Đảm bảo an toàn thi công đúng tiêu chuẩn thiết kế" - Bộ trưởng khẳng định.

Câu khẳng định chắc nịch của Bộ trưởng Thăng trước Quốc hội, trước nhân dân, đi liền với hàng loạt các động thái được cho là quyết liệt trong việc khắc phục sự cố trước đó, phần nào đem lại tâm lý yên tâm cho người dân, bởi đó là câu nói gắn với trách nhiệm của vị "tư lệnh" ngành.

Đúng là "không may" cho Bộ trưởng Thăng, bởi không lâu sau những phát ngôn mạnh mẽ đó, hôm 28/12, tiếp tục xảy ra sự cố sập hệ thống sàn, đà giáo và bê tông xà mũ của trụ H7 thuộc Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông tại vị trí gần ga bến xe Hà Đông, đường Trần Phú (Hà Nội).
Cũng may sự cố không gây thiệt hại về người. Nguyên nhân ban đầu được xác định là do sự cố trong quá trình đổ bê tông thi công xà mũ trụ H7, khiến hệ thống sàn, đà giáo và bê tông xà mũ H7 bị sụt xuống đường.Thực tế cho thấy, việc công trình gặp sự cố trong quá trình thi công không phải là chuyện hiếm gặp. Tuy nhiên, người ta sẽ khó chấp nhận được việc sự cố đó xuất phát từ nguyên nhân chủ quan (do sự cẩu thả, buông lỏng quản lý…) đặc biệt là thói vô cảm với tính mạng của người dân. 
Với 2 sự cố liên tiếp và hết sức nghiêm trọng vừa xảy ra, chẳng ai dám đảm bảo về sự an toàn của công trình nếu tiếp tục thực hiện thi công. Nhất là khi đã có lệnh dừng nhưng công trường vẫn đang hoạt động.

Sẽ có rất nhiều lý do được đưa ra để giải thích cho những sự cố của đơn vị thi công. Nhưng người dân sẽ khó chấp nhận bất cứ lời giải thích hay lời xin lỗi  nào  từ phía đơn vị có liên quan, để xảy ra những sự cố nghiêm trọng vừa qua, khi mà lãnh đạo ngành Giao thông vận tải vẫn còn nợ dân một "lời hứa trách nhiệm": “Đảm bảo an toàn không chỉ trong thi công…”, và cũng bởi vì "không hứa thì thôi, hứa thì phải làm cho đúng".
Người ta cũng biết đến Bộ trưởng Thăng - một trong những "tư lệnh" ngành cứng rắn nhất khi đưa ra quyết định xử lý cán bộ mắc sai phạm. 
Không biết, bây giờ Bộ trưởng Thăng đang nghĩ gì chỉ chưa đầy 2 tháng, Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông xảy ra hai sự cố nghiêm trọng?
Nguồn: GDVN

Ông Đinh La Thăng kỷ luật hàng loạt cán bộ

Vụ tai nạn xảy ra lúc bốn giờ sáng ngày 
28/12/2014 theo truyền thông Việt Nam.

Một quan chức cao cấp trong Ban Quản lý Dự án Đường sắt trên cao ở Hà Nội đã bị 'đình chỉ công tác' sau khi xảy ra sự cố 'sập giàn giáo' trong lúc thi công công trình, theo truyền thông Việt Nam.

Ngày 28/12/2014, tờ Giao thông vận tải, cho hay ông Đinh La Thăng, Bộ trưởng Giao thông & Vận tải đã ra quyết định đình chỉ công tác với ông Nguyễn Văn Bảo, Phó Tổng Giám đốc Ban quản lý dự án.

Đây là sự cố tai nạn thi công được cho là nghiêm trọng thứ hai xảy ra chỉ trong thời gian ngắn chừng hai tháng, ở cùng tuyến đường sắt trên cao đoạn Cát Linh - Hà Đông.

Lần trước hôm 06/11/2014, một thanh thép "bất ngờ rơi từ gầm cầu" đã làm chết một người và làm ba khách đi đường khác bị thương, tuy nhiên, ngay sau tai nạn, Bộ trưởng Đinh La Thăng vẫn đốc thúc việc thi công tiếp tục "làm cho đúng hạn" để sớm đưa công trình vào "khai thác thương mại."

Hiện chưa có thông tin về thương vong trong vụ tai nạn, nhưng Bộ Xây dựng cũng cho hay Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng đã cử quan chức giám định tới hiện trường để tìm hiểu nguyên nhân và 'kiểm tra sự cố'.

Hôm Chủ Nhật, tờ báo của Bộ Giao thông & Vận tải dẫn lời Quyền Tổng Giám đốc Ban quản lý dự án, ông Nguyễn Mạnh Hùng, nói:

"Bộ trưởng Đinh La Thăng vừa yêu cầu đình chỉ Phó Tổng giám đốc Ban Quản lý Dự án đường sắt Nguyễn Văn Bảo – người trực tiếp phụ trách dự án này để xem xét trách nhiệm trong việc để xảy ra sự cố sụt hệ thống sàn, đà giáo và bê tông xà mũ tại trụ H7 sáng nay."

Tờ báo cũng cho hay một Thứ trưởng Bộ Giao thông đã được cử xuống hiện trường và cho biết đánh giá ban đầu về nguyên nhân vụ tai nạn.

"Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho biết, nguyên nhân ban đầu dẫn tới vụ việc có thể do giàn giáo bị dịch chuyển, khi đổ bê tông, giàn giáo mất khả năng chịu lực dẫn đến sập hệ thống sàn, đà giáo và sụt bê tông".

Tờ Vnexpress.net dẫn lời lãnh đạo Ban quản lý dự án và đại diện cơ quan giám định nhà nước nói về nguyên nhân:

"Nguyên nhân đang được điều tra và sẽ sớm có kết luận cuối cùng. Nhưng theo ghi nhận, có thể sai sót do một đà giáo bị sụt," quyền Tổng giám đốc Ban Quản lý dự án được dẫn lời cho biết.

"Kiểm tra và đánh giá sơ bộ cho thấy giáo chống để đổ bê tông xà mũ số 7 (H07) tại khu vực ga bến xe Hà Đông không đảm bảo an toàn dẫn đến bị sập," tờ báo mạng dẫn lời quan chức cho hay," Phó cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng các công trình xây dựng thuộc Bộ Xây dựng, ông Nguyễn Chí Hiếu, cũng được trích dẫn nói.

Hôm Chủ nhật, tờ Xây dựng, trang báo điện tử thuộc Bộ Xây dựng cũng cho hay lãnh đạo Bộ này, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng đã "yêu cầu khẩn trương kiểm tra sự cố sập giàn giáo tại Dự án Đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông."

'Xử lý hàng loạt'

Đây là vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng thứ hai xảy ra trong vòng 2 tháng 
ở trên cùng một tuyến công trình.

Cũng hôm Chủ nhật, báo Vietnamnet.vn dẫn lời thứ trưởng này nói Bộ Giao thông Việt Nam cũng "đình chỉ hàng loạt cá nhân, đơn vị" liên đới trách nhiệm trong sự cố.

Tờ báo điện tử cho hay: "Thứ trưởng Bộ GVT Nguyễn Hồng Trường cho biết, đã đình chỉ công tác đối với ông Nguyễn Văn Bảo - Phó Tổng Giám đốc Ban Quản lý đường sắt vì để xảy ra sự cố sập gian giáo đường sắt trên cao Cát Linh Hà Đông sáng nay (28/12);

"Về xử lý trách nhiệm, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho biết, ông Nguyễn Văn Bảo là người trực tiếp theo dõi và giám sát thi công nhưng đã để xảy ra sự cố sập giàn giáo này.

"Do vậy, trước mắt Bộ đã đình chỉ công tác đối với ông Bảo. Đồng thời, Bộ Giao thông Vận tải cũng quyết định đình chỉ hàng loạt đơn vị, cá nhân khác có liên quan."

Đại diện lãnh đạo Bộ Giao thông được trích lời nêu rõ Tổng thầu công trình sẽ phải chịu trách nhiệm:

"Tổng thầu phải chịu hoàn toàn trách nhiệm chính và chịu mọi chi phí do sự cố gây ra đồng thời yêu cầu các đơn vị: Tổng thầu, Tư vấn giám sát, thầu phụ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan để làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm tập thể, cá nhân có liên quan để xử lý.”

Đối với các đơn vị liên đới khác như nhà tư vấn giám sát, nhà thầu phụ, Bộ Giao thông cũng đưa ra các hình thức xử lý kỷ luật liên đới trách nhiệm với một số tên tuổi, cá nhân được nêu đích danh:

"Bộ Giao thông & Vận tải nghiêm khắc phê bình cảnh cáo Tư vấn giám sát trưởng Diêm Chí Cương. Đình chỉ vô thời hạn đối với ông Tạ Trung Văn - Tư vấn giám sát phụ trách nhà ga Bến xe Hà Đông," tờ Vietnamnet.vn cho biết thêm.

"Nhà thầu phụ thi công là Công ty Cổ phần Tư vấn Công nghệ và Đầu tư xây dựng Việt Nam (Vinacontech) là nhà thầu chịu trách nhiệm trực tiếp, Bộ Giao thông Vận tải cũng đưa ra biện pháp đình chỉ toàn bộ công tác thi công, tuyệt đối không cho tham gia thi công bất kỳ hạng mục nào khác của Dự án Đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh-Hà Đông."

Đây là lần thứ hai, trong vòng hai tháng, đã xảy ra sự cố tai nạn thi công trên cùng một tuyến Đường sắt Trên cao đoạn Cát Linh - Hà Đông.

Sáng hôm 06/11/2014, một vụ tai nạn đã xảy ra làm một người chết, ba người bị thương, khi một thanh thép "bất ngờ rơi từ dầm cầu" đang thi công trúng vào người đang lưu thông bằng xe máy trên đường, như phản ánh của tờ Vietnamplus.vn thuộc Thông tấn xã Việt Nam.

Lần trước, ngay sau tai nạn, Bộ trưởng Đinh La Thăng vẫn đốc thúc việc thi công công trình khi yêu cầu ' làm cho đúng hạn' tuyến vừa có tai nạn để kịp đưa vào 'khai thác thương mại," theo truyền thông Việt Nam.



Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.