3655. Xã hội còn bao nhiêu quan tham như..."ông Truyền"

XÃ HỘI CÒN BAO NHIÊU QUAN THAM NHƯ... “ÔNG TRUYỀN”?
Nhà văn Sương Nguyệt Minh
Ảnh của Sương Nguyệt Minh.
Sương Nguyệt Minh: Quan tham nhũng như Phạm Nhan, chém đầu này nó mọc đầu khác. Chả lẽ bất lực! Khi còn đương chức, Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền là người hăng hái chống tham nhũng, lòng ông tâm huyết miệng ông “có gang có thép”. Đến khi 6 căn nhà liền kề và biệt thự sở hữu không minh bạch bị đưa ra ánh sáng thì dư luận mới biết ông “chém gió” một đằng làm một nẻo.

* 6 NHÀ VÀ BIỆT THỰ... TAY TIẾNG.

Chưa bao giờ nhân loại vào cuộc đua chống tham nhũng mạnh mẽ quyết liệt như hiện nay. Trung Quốc đang làm cuộc thanh trừng chấn động “Đả hổ diệt ruồi, và săn cả cáo”. Thế nên, những Bạc Hi Lai - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư thành ủy Trùng Khánh, rồi Chu Vĩnh Khang – nguyên Ủy viên thường vụ Bộ Chính trị, Bộ trưởng Công an cũng bị công lý pháp luật cất vó. Ở nước ta, ông Trần Văn Truyền - nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ - hàm tương đương Bộ trưởng cũng vừa bị đặt vào tầm với của thanh gươm công lý.
Nhà văn Sương Nguyệt Minh

Không chờ cuối tháng 11 này, Ủy ban kiểm tra kỷ luật Trung ương Đảng kết luận về việc nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền sở hữu không minh bạch 2 căn nhà đất ở Bến Tre, 2 căn ở thành phố Hồ Chí Minh, 1 căn ở Hà Nội và một biệt thự xây hoành tráng trên diện tích 16000m2 đứng tên con trai đầy tai tiếng..., mà từ lâu người dân quê hương Đồng Khởi đã ì xèo, ca thán, thậm chí mất lòng tin về một dạng tham nhũng được che dấu, ẩn khuất, và dung dưỡng.
Con đường mòn sai phạm của ông quan Tổng thanh tra Trần Văn Truyền là: Bước một, làm hợp đồng thuê nhà theo tiêu chuẩn cán bộ. Bước hai, xin hóa giá theo Nghị định 61 về nhà đất công cho cán bộ chưa có nhà ở. Chẳng hạn: Ông Truyền đã chuyển ra Hà Nội làm việc, nhưng vẫn làm đơn xin thuê căn nhà 105 Nguyễn Trọng Tuyển, phường 15, quận Phú Nhuận. Sau đó Công ty Quản lý - Kinh doanh nhà TP.HCM chuyển tên trong hợp đồng cho con gái ông Truyền là Trần Thị Ngọc Huệ, rồi hóa giá luôn cho bà ta. Ví dụ khác: ông Trần Văn Truyền được UBND tỉnh Bến Tre cho thuê căn nhà số 6 Lê Quý Đôn, diện tích: 142,7m2, khuôn viên đất 117,69 m2. Ông quan đầu tỉnh, chưa nhận nhà thì Công ty Xây dựng và Phát triển nhà Bến Tre tốt với ông đến mức chủ động sửa chữa, cải tạo... chi phí tới 413,385 triệu đồng. Sau đó, chuyển công tác ra Hà Nội, ông Truyền xin mua căn nhà này, lại được UBND tỉnh đồng ý...vv. Điều lạ lùng là, ông Truyền đã có nhà ở theo tiêu chuẩn, nhưng vẫn được hóa giá với giá rất rẻ những căn nhà khác; hoặc khi đã nghỉ hưu rồi, ông vẫn giữ căn nhà công vụ ở Hà Nội đến 3 năm sau, khi rục rịch kiểm tra bất động sản thì ông mới trả. 5 cái nhà này sẽ chìm trong bóng tối, nếu như cách đây 3 năm, ông quan Tổng Thanh tra không khởi công xây dựng biệt thự nguy nga nhất đồng bằng sông Cửu Long.


*. CHÉM GIÓ MỘT ĐẰNG... LÀM MỘT NẺO.


Ngạn ngữ dân gian nói rằng: Lời nói dối có chân, tai tiếng thì có cánh. Nói dối để mưu lợi được một lần thì người ta sẽ nói dối mãi, nói dối như bước chân không nghỉ. Nhưng tai tiếng không chờ đến khi con người kiệt quệ sức lực không làm điều dối trá nữa, thì mới lan rộng bay xa. Lúc còn đang làm việc, ông Truyền là Tổng Thanh tra Chính phủ - tham mưu cho Đảng, Nhà nước, và là người đứng đầu cơ quan giữ kỉ cương phép nước, thanh tra, kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn sai trái.... Nhưng, ông là người không gương mẫu, dấu giếm vi phạm và làm xấu hình ảnh người cán bộ cầm cân nẩy mực, mang phẩm chất thanh liêm nghề nghiệp thì còn nói gì được ai. Cuối tháng 12.2007, ông đăng đàn diễn thuyết những lời gan ruột, biện luận sự minh bạch và phẩm chất cán bộ, người dân nghe sướng cả lỗ nhĩ. Có người còn tấm tắc khen: hồng phúc nước nhà có được những ông Bao công đầy khí phách. Ông nói như thế này thì dân đen đồng tình, các vị quan tham giật mình: "Càng công khai, minh bạch, càng kiểm soát được tình hình; nhất là công khai các hoạt động của bộ máy nhà nước, công khai các việc mà công chức nhà nước phải làm; từ đây công khai, minh bạch luôn cả về tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức". Ông chủ trương và yêu cầu quyết liệt người ta công khai, minh bạch hóa tài sản, nhưng ông thì dấu nhẹm đống của nả khổng lồ chiếm dụng. Khi dư luận ca thán, báo chí phát hiện ông đang sở hữu bất động sản “khủng” thì ông lấp liếm, đổ tội cho phóng viên nói quá lên. Người xưa bảo: Lời nói tứ mã nan truy; lại bảo: Lời nói đọi máu. Người quân tử không nói thì thôi, đã nói là như dao chém đá; chứ đâu phải hạng tiểu nhân hạ tiện, phát ngôn bừa bãi, nói nhăng nói cuội thế nào cũng được. Ông Truyền là Tổng Thanh tra Chính phủ - “quan thượng thư” đứng đầu một ngành, ngang chức bộ trưởng, lời nói có tác động rất lớn đến nhân dân. Nhưng cái sự nói không đi đôi với làm, trong khi ông nói như rồng bay phượng múa, lấy chuẩn mực đạo đức nọ, phẩm chất kia khuyên dạy người ta, nhưng thực chất ông đang làm bậy, đến khi “cháy nhà ra mặt chuột” làm cho người dân mất lòng tin, có cảm giác như bị phản bội, như bị lừa gạt. Cái sự mất lòng tin này không chỉ dành cho cá nhân ông, mà nguy hiểm hơn, sâu xa hơn là hành động của ông đang gieo mầm mất lòng tin vào người kế nghiệp ông và ngành thanh tra. Rất nguy hiểm!

Ông Truyền đã từng nói những lời rất hay ho rằng: "Hồi xưa, nghe vài trăm triệu đồng đã kinh hồn, giờ hàng chục tỉ, hàng trăm tỉ... Nội vấn đề đất đai nó chỉ cần quặt quẹo trên quy hoạch, cấp phép lòng vòng một chút, khi phát hiện ra thì đã mất hàng trăm tỉ đồng rồi." Bao nhiêu năm làm công tác đảng, chính quyền, thanh tra, ông Truyền quá hiểu, thậm chí lọc lõi để biết bản chất cái sự “lòng vòng quặt quẹo” của vấn nạn xâu xé nhà đất ở nước ta, và ông chỉ ra thủ đoạn, mánh khóe gian lận ấy. Thế nhưng, chính ông lại là người lợi dụng, vận dụng linh hoạt và tài tình, khai thác triệt để cái sự ngoắt nghéo đó. Từ thuê nhà công, rồi xin hóa giá mua rẻ, đến đứng tên mình, đứng tên con..., ông đã vớ bẫm, mà chẳng nhọc nhằn, vất vả, đổ mồ hôi sôi nước mắt cho lắm. Qua những lần nhập nhằng, vun quén, ông quan Tổng thanh tra sở hữu không minh bạch đến 6 cái nhà, biệt thự, thì có phải ông nói một đằng làm một nẻo?

*. NỂ NANG HAY CÙNG...CÁNH HẨU?


Tiền nhân nói không sai: Ông mất chân giò, bà thò chai rượu. Hà cớ gì “Ông Truyền không phải là cán bộ quân đội nhưng được cấp mảnh đất 210 m2 (diện tích trên thực tế là 351 m2) là do Tỉnh đội Bến Tre đề nghị với Quân khu 9, trong khi ông Truyền không có đơn đề nghị, không có xác nhận của cơ quan, đơn vị nơi công tác.” Vì sao cán bộ Bến Tre tốt với ông Truyền đến thế? Có phải “hòn đất ném đi, hòn chì ném lại”? Có đi có lại mới toại lòng nhau? Xưa nay, nhân gian vẫn có chuyện: cấp dưới nịnh cấp trên, gợi ý để phần cấp trên một xuất đất gọi là “ngoại giao”, hoặc nhận con cháu xếp vào cơ quan mình, đổi lại được thăng quan tiến chức, được đi học làm cầu danh vọng để phát triển lâu dài. Trường hợp ông Truyền được thuê và hóa giá, đứng tên nhiều bất động sản “có đi có lại” hay không thì chỉ Thánh biết? 

Ảnh của Sương Nguyệt Minh.
Tuy nhiên, sự nể nang của lãnh đạo địa phương là một trong những nguyên nhân đẩy ông Truyền đến bi kịch tai tiếng, mất danh dự như hiện nay. Lẽ ra, lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh và lãnh đạo tỉnh Bến Tre kiên quyết không cấp nhà, cấp đất sai nguyên tắc cho ông Truyền thì đâu đến nỗi ông lắm nhà nhiều đất như thế, đâu đến nỗi cụm từ “nguyên Tổng Thanh tra”, “Trần Văn Truyền” đầy tai tiếng xuất hiện với tần xuất dày đặc trên truyền thông và những câu chuyện dè bửu, đàm tiếu đời thường. Lẽ ra, khi ông Truyền nghỉ hưu thì cơ quan có trách nhiệm phải kiên quyết thu hồi ngay nhà công vụ ở Hà Nội, thì đâu đến nỗi ông quan hàm Bộ trưởng bị thêm một lần vi phạm khuyết điểm.

Qua sự vụ ông Truyền, chứng tỏ Công tác kê khai tài sản của cán bộ có vấn đề chiếu lệ. Có tin được không cuối năm 2013 “gần 1 triệu người đã kê khai tài sản nhưng chỉ có 5 trường hợp bị xác minh và chỉ có 1 trường hợp được xác định là không trung thực.” Bây giờ thêm ông Truyền nữa, chả lẽ cả nước chỉ có 2 người không trung thực? Trách ông quan Tổng thanh tra, thậm chí lên án lòng tham của ông, nhưng cũng phải công bằng phán xét cái cơ chế xin cho và công tác quản lý nhà đất lỗi thời hiện nay, càng phê phán những cán bộ có liên quan đã dung túng, tạo điều kiện, vô tình đẩy cán bộ cao cấp đến bên miệng vực thẳm.

Dân gian xưa có chuyện “con mèo ăn vụng con cá” thì ông chủ lùa nháo nhác tung nhà lật cửa, đánh đập con mèo thất điên bát đảo; nhưng “con hổ bắt con lợn” thì người chủ nem nép hãi sợ. Cán bộ công chức nhận cái phong bì vài trăm ngàn có khi bị đuổi việc, nhưng ông quan kễnh chiếm dụng nhà công vụ, ăn hối lộ cả biệt thự thì im như thóc. Lại nhớ những năm đầu kháng chiến chống Pháp, Trần Dụ Châu - Cục trưởng cục Quân nhu tham ô mấy tấn gạo, và một ít vải vóc mà còn bị... xử tử. Còn bây giờ, chúng ta không mong cán bộ bị kết án nặng nề, nhưng pháp luật phải nghiêm minh, không chừa một ai. Liệu rằng xã hội còn bao nhiêu quan tham như “Ông Truyền”? Ủy ban kỷ luật Trung Ương Đảng đã vào cuộc, và đưa ra ánh sáng những khuất tất, không minh bạch của ông quan Tổng thanh tra - hàm Bộ trưởng Trần Văn Truyền. Nếu chỉ thu hồi nhà đất của ông mà không xử lý hành chính, pháp luật, thì sẽ không “thu hồi” được lòng tin của nhân dân!
S.N.M

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.