3585. Tham nhũng thường kín đáo nhưng lãng phí cứ phô bày...
Tham nhũng thường kín đáo nhưng lãng phí cứ phô bày...
PNTB: Ngoại trừ cái giọng nói hơi khó nghe thì mình thấy cái ông Nguyễn Thông này nói quá đúng. Chắc chắn mọi người đều nhận ra giặc lãng phí nó ghê gớm như thế nào. Đảng hô hào học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Nhưng Bác dạy: CẦN, KIỆM, LIÊM, CHÍNH, CHÍ CÔNG VÔ TƯ, thì có học đâu. Chữ kiệm ông Cụ đưa lên thứ nhì trong câu nói bất hủ đó. Kiệm là tiết kiệm, là trái với lãng phí như nước và lửa. Không Kiệm được đã là trái lời Bác Hồ rồi, đằng này còn lãng phí, mà lãng phí kinh hoàng thì hãng hỏi họ học gì ở Cụ?
Các vị đại biểu quốc hội
(tôi không gọi là dân biểu bởi tôi không bầu ra các vị ấy) đang nói nhiều đến
nạn tham nhũng, gọi đó là quốc nạn. Chính xác. Nói thêm cho rõ: tham nhũng chỉ
xảy ra ở hàng ngũ cán bộ đảng viên, chứ dân không liên quan. Nhưng còn thứ giặc
nữa đang tàn hại đất nước này, cả dân lẫn quan đều dính phải: tệ lãng phí. Còn hơn
cả giặc.
Nhìn thực trạng lãng phí tràn
lan, kéo dài năm này qua năm khác, ai nấy phải ngán ngẩm. Nơi nào, cấp nào cũng
diễn ra lãng phí. To lãng phí kiểu to, nhỏ lãng phí kiểu nhỏ. Vừa tham nhũng
rút ruột đất nước, vừa trưởng giả học làm sang, ném tiền qua cửa sổ, thử hỏi
nước làm sao mà giàu mà khá lên được.
Có người còn làm con tính, nếu giặc tham nhũng chỉ hà lạm, vơ vét của công bỏ
vào túi riêng thì sự thiệt hại vẫn có thể tính được cụ thể, dù là trăm tỉ,
nghìn tỉ; nhưng với giặc lãng phí thì đành chịu, nó như thứ siêu hình, không
giới hạn, định tính chứ khó định lượng. Chỉ cần qua một ngày, thiệt hại do lãng
phí đã khác so với hôm trước. Lạ ở chỗ, giặc lãng phí dù bị lên án, bị cảnh báo
liên tục nhưng có vẻ chả yếu đi chút nào, thậm chí còn nhởn nhơ, thách thức.
Tham nhũng thường kín đáo, giấu
diếm, còn lãng phí cứ phô bày giữa thanh thiên bạch nhật. Tất nhiên chả có ai,
đơn vị, cơ quan, tổ chức, địa phương… nào tự nhận mình lãng phí, dung chứa
giặc. Sự lãng phí luôn được núp vào những vỏ bọc mỹ miều, những lý do nghe có
vẻ lọt tai. Cũng chính vì vậy, những đòn đánh vào lãng phí thường thiếu quyết
liệt, không trúng đích, vừa gây thêm nhức nhối, bức xúc trong dư luận, vừa
khiến thiệt hại thêm trầm trọng, thậm chí xử lý nhùng nhằng kéo dài, “bỏ thì
thương, vương thì tội”.
Chả khó khăn gì khi cần chỉ ra
biểu hiện cụ thể của giặc lãng phí. Nhân dân, báo chí, dư luận xã hội và các
đại biểu quốc hội đã từng lôi ra hàng loạt ví dụ lãng phí nhức nhối. Trong khi
sinh viên ra trường thất nghiệp hàng vạn mỗi năm thì ông thủ tướng chính phủ
vẫn "vô tư" ký quyết định mở trường đại học tràn lan, thậm chí một
tỉnh nghèo như Vĩnh Long cũng có tới 3 trường đại học. Ngoài các đài truyền
hình trung ương, ở 63 tỉnh thành, tỉnh nào lập đài truyền hình để khỏi thua chị
kém em, mà thời lượng chủ yếu để chiếu phim Hàn Quốc, Trung Quốc. Ở nhiều địa
phương cơ sở hạ tầng, đường sá, trường học, bệnh viện chưa đâu vào đâu nhưng cứ
nằng nặc xin trung ương cho mở sân bay cảng biển, chả biết để làm gì. Nhiều khu
đô thị trị giá hàng trăm nghìn tỉ đồng bỏ vật vạ năm này qua năm khác, đất vàng
hoang hóa, sắt thép xi măng phơi cùng mưa nắng, thật xót xa. Nhiều địa phương,
cơ quan nhà nước mắc bệnh thích hoành tráng, xây cho lắm chợ, trung tâm thương
mại, nhà văn hóa, bảo tàng, sân vận động, để ngắm là chính, lãng phí bao nhiêu
tiền ngân sách. Cũng không ít trụ sở công quyền mới xây chưa bao lâu lại bị đập
đi xây mới. Đường vừa làm đã hỏng, sụt chỗ này nứt chỗ nọ, đổ tiếp tiền vào mà
chả biết có xong. Nhắm mắt nhắm mũi mua tàu cũ, thiết bị xưa của nước ngoài với
giá trên trời, đem về làm cảnh, bán sắt vụn cũng chẳng ai mua. Đã có quy định
rõ ràng về bộ máy nhân sự, cơ cấu cán bộ nhưng rồi bộ máy cứ phình to, cấp phó
quá nhiều, tốn không biết bao nhiêu ngân sách nuôi số “sáng vác ô đi, tối cắp
về”. Cũng phải kể đến bệnh hình thức phô trương, băng cờ khẩu hiệu màu mè, hoa
hoét lòe loẹt đã thành mạn tính, khó bề chữa trị. Tất cả có mẫu số chung
"lãng phí" khiến đất nước thêm nghèo, cuộc sống thêm khó khăn, hạnh
phúc càng xa vời.
Xài phung phí là một tội ác.
Mỗi đồng tiền ngân sách là đồng tiền thuế, tiền mồ hôi nước mắt của nhân dân,
doanh nghiệp. Hãy nghĩ đến điều ấy để mà chống giặc, giặc lãng phí...
Nhận xét