3573. Cơ chế xin cho giết chết sáng tạo từ trong trứng nước

Cơ chế xin cho giết chết sáng tạo từ trong trứng nước

Thợ Cạo

(NĐB) - Dư luận tuần qua nổi sóng về việc hai cha con ông Trần Quốc Hải sửa và chế tạo xe tăng cho quân đội Hoàng Gia Campuchia với tính năng tốt hơn nhiều so với xe của Liên Xô sản xuất trước đây, được phong danh hiệu Đại Tướng Quân. Người Việt thành đạt ở nước ngoài, dù là nước đang phát triển như Campuchia cũng là điều đáng tự hào. Chuyện đáng nói ở đây, ông Hải từng là tác giả của hai chiếc máy bay trực thăng  nhưng không được cơ quan nhà nước cho phép bay thử và cũng không được phép tiếp tục nghiên cứu sản xuất. Hai chiếc máy bay này được bán cho Viện Bảo tàng New York (Mỹ) và Viện bảo tàng Nghệ thuật Đương đại Busan (Hàn Quốc). Nhiều người đã khen anh Hải và chê trách các cơ quan hữu quan quản lý Việt Nam không biết trọng nhân tài, so sánh rằng Việt Nam có hàng vạn tiến sĩ, hàng ngàn giáo sư nhưng không chế tạo nổi cái đinh vít đủ sức cạnh tranh thị trường. Chuyện anh Hải không phải cá biệt mà là hệ quả cơ chế xin cho ban phát ngay trong sáng tạo khoa học.


Không rành về vũ khí nên không dám lạm bàn về thành công của anh Hải đến mức độ nào nhưng nhìn lại quả là số lượng tiến sĩ, giáo sư nước ta rất đông. Ngân sách hàng năm chi cho hoạt động nghiên cứu khoa học, công nghệ không phải nhỏ nhưng tìm đỏ mắt không thấy sản phẩm nào “Made in Việt Nam”.

Tiêu ngân sách lớn, tiến sĩ nhiều nhưng không làm ra sản phẩm

Theo luật KHCN sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua, có hiệu lực từ năm 2014, ngoài đầu tư của nhà nước tối thiểu bằng 2% tổng chi ngân sách (Điều 49), bắt buộc các doanh nghiệp phải dành một phần lợi nhuận trước thuế của họ để đầu tư lại cho nghiên cứu R&D thông qua việc thành lập Quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp. Nếu chỉ tính riêng khoản chi ngân sách tương đương mức 2% thì hàng chục năm qua, chúng ta đã đổ ra cả núi tiền cho hoạt động này. Từ cấp trung ương đến cấp địa phương, hằng năm có hàng tá đề tài nghiên cứu khoa học được nghiệm thu, nhưng sản phẩm thì từ công nghiệp đến nông nghiệp, những thành tựu khoa học kỹ thuật của ta hiển hiện bằng sản phẩm cụ thể “Made in Việt Nam” quả là quý hiếm. Ngay chiếc xe đạp cũng chỉ mới là lắp ráp những thiết bị nhập từ nước ngoài. Trong nông nghiệp thì ngoài con cá Ba Sa do ông Nguyễn Minh Nhị (lúc làm Giám Đốc Sở Nông Nghiệp và Phát triển Nông Thôn) cùng một nghiên cứu sinh người Pháp nghiên cứu cho ép nhân tạo từ con cá tự nhiên thì hầu hết các giống con, cây của ta đều phải nhập khẩu từ hạt dưa hấu đến hạt bắp, con gà, con vịt, con tôm…Ngay quả Thanh Long vốn là đặc sản của Việt Nam giờ lại thua giống lai tạo của Đài Loan, có ruột đỏ hấp dẫn và giá mua cao hơn. Với hạt lúa, sản phẩm xuất khẩu chủ lực của ta thì ngay cái tên đã sặc mùi ngoại nhập: jasmine, Khaodak Mali, Thơm Đài Loan.

VAM-2 bảy năm đắp chiếu, phải xin phép lại từ đầu

Rõ ràng là hàng vạn tiến sĩ, giáo sư đang hưởng bổng lộc xênh xang và hàng núi tiền đầu tư cho các hoạt động nghiên cứu đã như gió vào nhà trống. Vì sao có tình trạng đội ngũ trí thức có văn bằng, có nghiệp vụ đông, chi phí đầu tư không nhỏ mà không làm ra sản phẩm? Vì sao trí tuệ tiềm tàng của hơn 90 triệu dân Việt không được phát huy để làm ra sản phẩm Việt có sức cạnh tranh thị trường? Anh Hải đã có câu trả lời nôm na, so sánh sự khác nhau giữa Việt Nam và Campuchia về quản lý, sử dụng thành quả sáng tạo là “Ở Campuchia, nếu anh làm được một công trình nào đó, đánh giá xong, họ công nhận anh là nhà khoa học. Ở Việt Nam, người làm được thì họ không công nhận, người chưa làm được gì thì công nhận”. Đó là nhận xét nôm na nhưng nói lên đúng bản chất của vấn đề. Việc quản lý, tiếp nhận những sáng tạo khoa học ở nước ta vừa qua đã vận hành theo cơ chế xin cho, ban phát, tạo điều kiện cho các nhóm lợi ích, các mối quan hệ thân quen tiêu tốn ngân sách vào các công trình nghiên cứu vô bổ và tác hại hơn nữa là gây khó, bóp chết các sáng kiến, kết quả sáng tạo của người dân bằng thói quan liêu.

Trở lại việc nghiên cứu sản xuất máy bay của anh Hải bị cơ quan quản lý bác bỏ, có thể là do anh nghiên cứu tự phát, cá nhân, e rằng trình độ của anh chưa đảm bảo được chiếc máy bay an toàn. Thế nhưng, đồng thời với anh Hải có dự án chế tạo Máy bay siêu nhẹ “Made in Vietnam”, được Thủ tướng Phan Văn Khải giao nhiệm vụ từ những năm 2003. Những người, tổ chức tham gia dự án là các nhà khoa học chuyên ngành của Hội Cơ học Việt Nam, trường Đại học Bách Khoa Hà Nội và TPHCM, cựu sĩ quan không quân và một số Việt Kiều đã từng có kinh nghiệm và công nghệ sản xuất máy bay mô hình. Họ đã sản xuất thành công chiếc máy bay VAM-1 từ năm 2003 nhưng riêng việc xin bay thử đã phải qua bao thủ tục lên bờ xuống ruộng, mất cả năm trời. Khi được cho phép bay thử cũng hoãn đi hoãn lại vì lý do hết sức đặc biệt là sân bay được chỉ định cho bay thử đang được một doanh nghiệp thuê để phơi hạt điều. VAM-1 bay thử nghiệm thành công, đến 2007 họ đã sản xuất thêm VAM-2 nhưng không được cấp phép thử nghiệm bay nên VAM-2 phải đắp chiếu suốt bảy năm qua. Mãi đến tháng 4 năm nay, khi báo chí chất vấn, ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục Hàng Không mới biết có dự án này. Ông Thanh đã nhận trách nhiệm là: "Nếu đúng là các nhà khoa học nộp hồ sơ từ 2007 mà Cục chưa xử lý thì tôi đại diện Cục gửi lời xin lỗi đến đội ngũ nhà khoa học chế tạo ra VAM-2". Dù nhận trách nhiệm như vậy nhưng ông Thanh cũng không biết Cục có đủ năng lực để xem xét một bản thiết kế máy bay hay không? Bởi vì hiện nay tất cả các loại máy bay của chúng ta đang khai thác đều được sản xuất ở nước ngoài, được nhà chức trách hàng không của nước ngoài công nhận, họ cấp giấy phép, còn Cục chỉ công nhận lại, đây là vấn đề khó khăn nhất hiện nay. Để cấp giấy phép thiết kế một loại máy bay đòi hỏi trình độ chuyên môn công nghiệp hàng không cực cao, đây là vấn đề không phải dễ.

Ông Thanh hướng dẫn việc cần làm hiện nay của các nhà khoa học là hoàn thiện hồ sơ và nhanh chóng gửi lại cho Cục Hàng không. Ông Thanh nói rõ: "Hồ sơ cần nêu rõ địa chỉ cơ sở sản xuất, thí nghiệm, hồ sơ về máy bay VAM-2, lúc đó Cục mới bắt đầu thực hiện xem thiết kế máy bay có đảm bảo đáp ứng thiết kế, đáp ứng tiêu chuẩn an toàn bay hay không". Nghĩa là sau bảy năm nộp hồ sơ xin phép và đã sản xuất xong, người sáng tạo phải làm lại hồ sơ từ đầu mà cũng không biết có được cho phép hay không. Rõ ràng với cơ chế quản lý như vậy đã bóp chết sự sáng tạo của nhân dân từ ngay trong trứng nước.

Dừng di dời nhà thờ hàng trăm tấn trên ao nước chờ xin giấy phép

Cho rằng công nghiệp sản xuất máy bay là công nghệ cao, gây nguy hiểm cho người bay và người dưới đất, có ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng vv… nên phải gây khó nhưng ngay trong lĩnh vực đơn giản là xây dựng, Thần Đèn Nguyễn Cẩm Lũy người có sáng kiến di dời các công trình xây dựng lớn như Đình Nại Am ở Quảng Nam, cổng chùa Vĩnh Nghiêm ở Phú Nhuận TPHCM cũng từng bị cơ quan quản lý hành đến ngất ngư trong giai đoạn đầu tiên. Lần di dời một nhà thờ ở Tân Hòa, Phú Nhuận trong thời điểm khó khăn nhất là đưa nhà thờ nặng hàng trăm tấn đi qua ao nước rộng hàng trăm mét thì cơ quan quản lý buộc phải ngừng di dời để làm thủ tục xin giấy phép hành nghề, trong khi đó danh mục đăng ký hành nghề chưa có nghề di dời này và cũng không có quy định tiêu chuẩn kỹ thuật nào để quản lý. Ai cũng biết rằng ao nước là nền đất yếu, những dụng cụ kê kích chỉ đảm bảo an toàn cho nhà thờ trong thời gian ngắn khi di chuyển, việc đặt nhà thờ trên ao nước trong thời gian dài để chờ làm một thủ tục chưa có quy định thì khác nào xô sập nhà thờ. Vị cha xứ, chủ đầu tư công trình phải lên tiếng kêu cứu, báo chí phải lên tiếng can thiệp, cơ quan chức năng mới cho phép tiếp tục di dời.

Rõ ràng, cơ chế quản lý khoa học theo kiểu xin cho không chỉ là cơ hội cho những nhóm lợi ích, cho các quan hệ thân quen xâu xé nguồn ngân sách quốc gia mà còn triệt tiêu những sáng kiến, sáng tạo từ nguồn lực của nhân dân như anh Hải, dự án VAM và bao nhiêu người khác.



Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.