3469. "Chúng ta đang ở bờ vực phá sản?”.
Nợ công mỗi năm tăng
350 nghìn tỷ - Tiền đâu ra để trả nợ?
Trường Giang/ Infonet
![]() |
ĐBQH thảo luận tại tổ về tình hình ngân sách, nợ công |
Ý kiến của các ĐBQH trong phiên thảo luận ở tổ
về nợ công đều cho rằng, nợ công đã ở mức báo động, nhưng vấn đề cần kíp hơn là
lấy tiền đâu ra để trả nợ?
Phiên thảo luận về tình hình ngân sách, nợ công tại các tổ diễn ra chiều 21/10
khá sôi nổi với phần lớn các ý kiến của các ĐBQH đều lo lắng khi nêu ra những
con số báo động về tình hình nợ công.
Không ngần ngại chỉ ra những con số nợ công
“khủng”, mà theo ĐB Trần Hoàng Ngân đã công khai, không còn gì là bí mật, để
thấy nợ công đang “phi nước đại” cỡ nào trong vòng 4 năm qua.
Nếu năm 2011, nợ công chỉ vào khoảng 1,100
triệu tỷ đồng thì tới năm 2014 đã tăng lên 2,395 triệu tỷ đồng và năm 2015 dự
kiến khoảng 2,871 triệu tỷ đồng. Bình quân mỗi năm nợ công sẽ tăng thêm khoảng
350 ngàn tỷ đồng, tương đương tốc độ tăng 20%.
“Bản thân tôi đã bày tỏ sự lo lắng đối với nợ
công từ năm 2011, nhưng tới giờ thì vấn đề đáng báo động hơn. Dù các khoản nợ
của chúng ta vẫn đang chạy dưới tốc độ quy định, nhưng xe đã có dấu hiệu chở
nặng, thắng đã bắt đầu mòn” – ông Ngân ngần ngại.
Dẫn lại tỷ lệ nợ công theo báo cáo thẩm
tra của Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội, ĐBQH Nguyễn Thị Quyết Tâm -
Chủ tịch HĐND TP.HCM nhận định, năm 2014 khoảng 60,3% GDP, năm 2015 dự kiến 64%
GDP, vẫn nằm trong ngưỡng giới hạn cho phép của Quốc hội là 65% GDP. Nhưng nợ
này chưa bao gồm nợ bảo hiểm xã hội, nợ quỹ hoàn thuế… nên nếu tính hết tất cả
các khoản nợ thì tình hình nợ công của quốc gia hiện nay rất đáng ngại.
“Chúng ta cứ đưa ra con số nợ rồi lại nói vẫn
dưới ngưỡng báo động để động viên nhau thế là không ổn. Phải đưa ra cụ thể con
số nợ công là bao nhiêu để toàn dân biết rằng ngân khố của mình đang thâm hụt
nặng nề thế nào, sẽ phải thắt lưng buộc bụng chi tiêu ra sao để tránh lãng
phí”- bà Tâm nói.
ĐBQH Lê Thanh Hải- Ủy viên Bộ Chính trị, Bí
thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh thì băn khoăn, cơ cấu sử dụng ngân sách đang
cho thấy sự bất hợp lý, trong khi chi thường xuyên tăng nhanh thì chi cho đầu
tư phát triển lại giảm mạnh. Đây là điều đáng lo ngại. Có tới 65 -72%
ngân sách sử dụng cho chi thường xuyên. Như vậy, ngoài việc trả nợ ra thì việc
chi cho đầu tư phát triển chỉ còn hơn chục phần trăm.
“Việc nợ công cao, chúng ta lo là đúng, nhưng
đáng lo hơn là sử dụng đồng vốn vay không hiệu quả. Thể hiện chỗ, chúng ta trả
nợ hàng năm. Các nước Mỹ, Nhật Bản có tỉ lệ nợ công cao nhưng chi trả của họ
dưới 10% ngân sách hàng năm. Còn ta là tới 26,69% tổng thu ngân sách (tương
đương 208.883 tỷ đồng) dành cho trả nợ của năm 2014, dự kiến năm 2015 nghĩa vụ
trả nợ trên tổng thu ngân sách là 282.000 tỷ đồng, khoảng trên 31%. Như vậy
nguồn tiền cho đầu tư còn lại rất hạn chế” – Bí thư TP. HCM lo lắng.
Với tình trạng tỷ lệ trả nợ hàng năm ngốn tới
1/3 tiền ngân sách, ĐB Trương Trọng Nghĩa đặt câu hỏi: “Chiến lược nợ công của
Chính phủ không đạt được, phải chăng nếu tính cả nợ của DNNN, có thể nhận định:
chúng ta đang ở bờ vực phá sản?”.
Chuyện phá sản hay không, ĐB Trần Du Lịch
(Đoàn TP.HCM), đồng thời là ủy viên Hội đồng tư vấn tiền tệ quốc gia cho rằng,
khó xảy ra. “Nợ bao nhiêu không quan trọng bằng việc nợ đáo hạn có trả được
không. Hiện chúng ta đang vay đảo nợ, đấy mới là vấn đề đáng lo”- ông Lịch nói.
Thậm chí, theo như lời ĐB Trần Quang Chiểu
(Đoàn Nam
Định), năm 2015 tới “chúng ta sẽ chỉ tập trung làm mà trả nợ, mà chưa rõ có
thực hiện được hay không”. Đành rằng, có vay ắt có trả, nhưng lấy nguồn đâu để
trả nợ mới là vấn đề cần kíp hơn cả.
Nhìn vào cơ cấu thu – chi ngân sách, ông Trần
Hoàng Ngân bật mí, vẫn còn có dư địa để “gạn đục khơi trong”, tiết kiệm
và trả nợ. Trong 3 nguồn thu lớn từ ngân sách là thu từ dầu thô, thu từ xuất
nhập khẩu và thu từ nội địa, thì hiện chỉ còn duy nhất nguồn thu từ nội địa là
còn chỗ “cựa” để tăng thu. Khả quan nhất trong nhóm thu từ nội địa là đóng góp
của DNNN, kế tới là dư địa thu từ khối DN FDI. Lâu nay cả 2 khu vực này việc
tăng cường thu đã làm chưa tốt nên thất thoát khoản thu ngân sách không nhỏ cho
Nhà nước.
Ngoài số giải pháp tăng thu, đi liền với việc
công khai nợ công, bà Nguyễn Thị Thanh Tâm cũng kiến nghị, phải có cách quản lý
ngân sách, thắt chặt chi tiêu, tiết kiệm chi tiêu công và chi tiêu của xã hội.
“Kinh phí ngân sách thì hạn hẹp mà chi thì
lãng phí. Vậy thì phải điểm danh cái lãng phí đó, hạn chế đến mức tối đa các
chương tình, dự án bảo lãnh doanh nghiệp vay… Tuyệt đối không bỏ tiền vào các
lễ khởi công, khánh thành các công trình vốn từ đầu tư công, trừ những công
trình mang tính chất đặc biệt, có tác động tới xã hội…” – Chủ tịch HĐND TP.HCM
kiến nghị.
Nhận xét