3457. "Cởi trói" giáo dục (*)
Nền giáo dục tốt cần ba yếu tố: tự chủ tài chính, tự trị quản lý và tự
do học thuật
Lê Quỳnh(thực hiện/ Một thế giới
![]() | |
|
“Giáo
dục rẻ tiền có phải là một nền giáo dục chất lượng thấp?” Trước đây thỉnh
thoảng vẫn rộ lên ý tranh luận này, và trong vài hội thảo về giáo dục gần đây,
ý kiến này cũng được đưa ra, thậm chí là khẳng định. Trao đổi với Một Thế Giới về điều này, chuyên gia giáo dục
GS Vũ Đức Vượng, cho rằng: yếu tố quan trọng hơn cả quyết định chất lượng giáo
dục là tự do học thuật!
“Tôi
không nghĩ là nó đơn giản như vậy. Chất lượng giáo dục phức tạp lắm, và
tùy thuộc vào cá nhân, hoàn cảnh, nhu cầu, v.v. của người học, người dạy,
cũng như của xã hội, của thị trường. Trong đời có rất nhiều cái không đánh giá
được, và nhiều cái thật sự là vô giá.”
-
Cũng với ý kiến trên, có người cho rằng “chất lượng giáo dục ở nước ngoài cao
vì đó là nền giáo dục đắt tiền”. Theo ông, điều này đúng không?
Không.
Giáo dục ở các nước tiên tiến đạt được chất lượng cao vì nó có chung một quá
trình dài được tự trị về quản lý và tự do về học thuật. Không phải ngẫu
nhiên mà các ĐH của họ khám phá hết máy này đến kỹ thuật khác, hoặc đặt ra
những thuyết về kinh tế, triết học, xã hội, tâm lý.... hay dựng những phim, tấu
những điệu nhạc bất hủ. Đó cả là một tiến trình tìm tòi, so sánh, thử
nghiệm, cạnh tranh... với nhiều thất bại mới đến được những thành quả đó. Nếu
giáo dục ở các nước đó đã không được tự do thì chắc chắn họ đã không đạt được
chất lượng như bây giờ.
-
Ông từng nói, để có một nền giáo dục thật sự thì tự chủ về tài chính là một
trong ba yếu tố cần có, bên cạnh tự trị về quản lý và tự do học thuật. Khi nói
đến tự chủ tài chính thì điều này có đồng nghĩa với tiền quyết định chất lượng
giáo dục?
Tự chủ
tài chính chỉ là một điều cần, nhưng không đủ để đạt được giáo dục
tốt. Nếu chia ra thứ bậc thì tự chủ tài chính mới là bước đầu; bước thứ
hai là tự trị quản lý; và quan trọng hơn cả là tự do học thuật.
Ví
dụ như hầu hết các trường ĐH tư ở VN hiện nay: họ có tự chủ tài chính nhưng
chưa thể thành trường tốt được vì còn thiếu hai bước kế tiếp. Các trường ở VN,
công cũng như tư, hiện nay đều không có tự trị và tự do; và trong hoàn cảnh
này, tôi không nghĩ có trường nào có thể vượt ra khỏi cái vòng luẩn quẩn đã làm
giáo dục VN trì trệ và xuống cấp trong 40 năm qua.
- Ở
các nước khác có sự phân biệt chất lượng giáo dục với tùy từng đối tượng (giàu
nghèo) không? Họ giải quyết vấn đề này như thế nào?
Dĩ
nhiên là phải có chứ. Và họ cũng chưa giải quyết thỏa đáng được vấn đề
này.
Nhưng
cũng có nhiều cách để đối phó hoặc làm cho sân chơi đỡ thiên lệch phần
nào. Tôi lấy ví dụ ở Mỹ, vì tôi quen thuộc hơn: có nhiều loại và đẳng cấp
đại học: trường ĐH Cộng Đồng (Community Colleges) giá học phí rất rẻ và ai cũng
ghi danh học được. Họ có thể chỉ học những môn họ thích, không cần lấy
bằng; hay có thể học lấy chứng chỉ chuyên nghiệp rồi đi làm; hay học tiếp lên
đại học và lấy bằng cử nhân sau 4 năm.
Trong
số các trường đại học 4 năm trở lên, có những trường công được chính phủ tài
trợ, và học phí tương đối thấp, thường khoảng từ 10.000 – 20.000 USD một năm,
tùy theo bang. Trong số các trường tư, cũng có những trường học phí không cao
lắm vì có nguồn tài trợ tư. Và dĩ nhiên có những trường học phí khá cao
(cỡ 50.000 USD/một năm trở lên và đó mới là học phí thôi.)
Thêm
vào đó, để san bằng phần nào khoảng cách giầu - nghèo, đa số các trường đều có
những loại học bổng cho sinh viên nghèo. ĐH Harvard chẳng hạn, sinh viên nào đủ
điều kiện về học thuật để được nhận vào học nhưng thu nhập của gia đình dưới
80.000 USD một năm, sẽ được học bổng toàn phần (miễn phí).
Và
chính phủ Mỹ cũng tạo thêm điều kiện cho sinh viên không đủ tiền đi học, bằng
hai hình thức: học bổng của chính phủ hoặc được mượn tiền với tiền lời
thấp và sẽ phải trả lại sau khi tốt nghiệp.
Ở Đức,
theo tôi biết, còn có biện pháp hay hơn nữa: chính phủ đã bãi bỏ học phí ở ĐH
công và tiền vay để sinh sống chỉ phải trả lại 10.000 Euro thôi.
Đó là
một số phương thức để giảm sự phân biệt giàu-nghèo; tuy nhiên cũng phải thừa
nhận là khoảng cách này ngày càng lớn hơn lên, và đó là một vấn đề nan giải của
cả xã hội chứ không còn hạn chế trong lĩnh vực giáo dục nữa.
-Ông
vừa nói tự do học thuật là yếu tố quan trọng hơn cả. Còn ở Việt Nam ?
Tôi
nghĩ tự do học thuật là động lực then chốt và nét đặc trưng của các đại học
tiên tiến và thành công trên thế giới. Giáo dục là tranh luận, khám phá,
so sánh, lựa chọn, và là một tiến trình mà ai cũng phải tiếp tục suốt đời.
Hiện
thời ở các trường ĐH Việt Nam
còn nhiều môn học đã hết hiệu lực nhưng Bộ GD - ĐT và chính quyền vẫn trung
thành bắt buộc các trường dạy. Sinh viên chán các môn này, và thật ra cũng
không còn áp dụng được vào đời sống nữa; nhưng nhiều trường vẫn phải dạy và các
môn này thành nguồn thu nhập khá tốt cho các trường.
Có
nhiều người đề nghị thay đổi sách giáo khoa và thay cả giáo trình nhưng đây mới
chỉ là mặt nổi của tảng băng và một phần tương đối nhỏ trong công cuộc cải cách
giáo dục. Quyết định “Dạy cái gì?” thì đơn giản hơn những vấn đề khác như
“Dạy thế nào?”, “Ai được dạy”, “Ai được học”, “Học thế nào?”, “Dạy để
làm gì?” v.v…
Giáo
dục trên thế giới đã vượt xa chúng ta nên việc mượn giáo trình của họ không có
gì khó. Cái khó là chúng ta có dám chấp nhận lối tư duy đằng sau các giáo trình
đó không? Hoăc Nhà nước chúng ta có dám tin vào những người làm giáo dục
và “cởi trói” để họ có thể làm giáo dục chân chính? Hay chúng ta vẫn khư khư
“trói buộc” và kiểm soát từ chuyện lớn đến chuyện nhỏ trong nhà trường, và hậu
quả như ta đã thấy. Một tiêu cực nữa của những qui định và kiểm soát quá khắt
khe, nhiều khi chồng chéo nhau trong giáo dục là tạo một chỗ trú ẩn cho những
ai thiếu trách nhiệm hay thiếu khả năng: họ thường viện cớ là “không được
làm” cái này, cái nọ…. để lười không phải sáng tạo cũng như trốn trách nhiệm
những khi sai phạm.
Cám
ơn những trao đổi ông dành cho báo Điện tử Một Thế Giới!
Nhận xét