3426. Tiếng Việt, Từ điển & Xuất bản: Ai sẽ cứu tôi?

Tiếng Việt, Từ điển & Xuất bản: Ai sẽ cứu tôi?

Nguyễn Hữu Hồng Minh/Một Thế giới

Cuốn từ điển của Vũ Chất. Có "vũ" mà không có "chất" 
khiến người đọc ngao ngán và thất vọng. Tránh nhiệm 
thuộc về ai vẫn chưa rõ?

Một cuốn sách quan trọng như Từ điển lại do một ông Vũ Chất khơi khơi nào đó biên soạn. Nhà xuất bản cấp giấy phép cho cuốn A, nhưng đầu nậu B lấy cuốn C 'độn' vào. Những chuyện tưởng như đùa như vậy là bệnh trầm kha của sách. Ai sẽ cứu tôi?


1.Cái vụ lùm xùm Từ điển dở hơi hơn tuần qua hóa ra rắc rối như Tử điển! Mà chuyện đáng lẽ phải hết sức đơn giản. Ví như tác giả cuốn Từ điển tiếng Việt dành cho học sinh của tác giả Vũ Chất là người thế nào, nhà xuất bản nào đã cấp giấy phép, ai sẽ phải chịu trách nhiệm, có cần giám định lại hay không? Nếu có, hội đồng giám định là ai? Nên chăng từ nay về sau những sách thuộc loại tra cứu vừa hàn lâm vừa thông dụng này phải được quy định bởi viện nghiên cứu khoa học xã hội, viện ngôn ngữ hay một nhà xuất bản chuyên dụng? 

Tác giả Vũ Chất là ai? Hãy đọc thông tin trên một tờ báo: “Khi được hỏi về điều này, ông Phạm Hùng Việt, Nguyên Viện trưởng Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam cho biết: “Tác giả Vũ Chất thì ngay những người trong ngành từ điển học như chúng tôi cũng không biết và không thấy tác phẩm của ông này trong làng từ điển. Chưa thấy cuốn từ điển nào đứng tên ông ấy bao giờ. Chỉ sau khi phát hiện ra cuốn Từ điển tiếng Việt dành cho học sinh thì mới biết đến tác giả này (!?)"
Từ điển Tiếng Việt do Giáo sư Hoàng Phê chủ biên
cùng nhiều nhà nghiên cứu của Viện Ngôn ngữ
vẫn được cho là chuẩn và uy tín. Sách tái bản,
bổ sung thường xuyên vì sự biến chuyển của
tiếng Việt mỗi thời kỳ
2. Theo điều tra riêng của Một Thế Giới sự việc này tiếp tục là một mê cung không lối thoát của người làm sách và cánh đầu nậu sách. Người làm sách cứ tạm cho  là người của nhà xuất bản làm công ăn lương, thuần túy công việc biên tập, còn cánh đầu nậu sách thì chỉ thuần túy kiếm tiền! Sống chết mặc bay tiền thầy bỏ túi! Phép vua thua lệ làng. Nhà xuất bản X. có cấp một giấy phép có số hiệu đăng ký đàng hoàng cho một ấn phẩm. Nhưng trớ trêu đã bị “tráo xác” bằng một ấn phẩm khác. Ấy cũng là một kiểu treo đầu dê bán thịt chó vậy! Đó là số phận cuốn từ điển tạp chất nói trên. Như vậy có nghĩa biên tập viên của nhà xuất bản chưa từng đọc cuốn sách trên. Lại nữa, đầu nậu sách là tay có thế lực trong ngành và hiện đang dính líu đường dây có "uy tín" nào đó. Thành thử “đường chạy vòng quanh một vòng tiều tụy” (TCS). Theo dõi facebook của người lãnh đạo của đơn vị sách xuất bản hình như có liên đới, liên quan cuốn sách trên thấy anh khá mệt mỏi, khốn khổ, bở hơi tai, chạy lòng vòng gặp người này người kia trong Nam ngoài Bắc. Nhưng mập mà, mập mờ không nói rõ điều gì về sự cố, về chuyện mà lẽ ra rõ ràng một đứa trẻ con cũng biết!

3. Sự lúng túng ông chằng bà chuộc như thế cho thấy việc xuất bản và giới làm sách đang là một chiến trận mê cung. Thấy vậy hóa ra không phải vậy! Ví dụ như việc cấp giấy phép và đăng ký giấy phép. Thường thì chu kỳ phải ba tháng nhưng có những nhà xuất bản việc đó có thể nhanh hơn tùy theo việc “có biết điều hay không” của người xin. Người viết bài này đã từng xin một giấy phép trong vòng… một tuần (!?) với thỏa thuận phải đặt lại nhan đề cuốn sách sao cho nhang nhác giống cái nhan đề mà nhà xuất bản đã đăng ký trong kế hoạch. Rồi thì “bí mật ngầm” giữa đầu nậu sách như in bao nhiêu cuốn? Có giống như số lượng bản in đã đăng ký hay không? Ai theo dõi giám định? Rồi phe nhóm lợi ích. Nhìn chung tất cả những hoạt động này như phần chìm của tảng băng với rất nhiều vòi bạch tuộc bập vào mà đến hôm nay hành lang quản lý hình như vẫn còn bỏ trống hay những phân khúc bóng tối bẩn bỉu khó kiểm định! 

Cuốn từ điển Từ và Ngữ của giáo sư Nguyễn Lân
biên soạn cũng bị "búa rìu" dư luận vì có nhiều vấn đề
4. Về nội dung cần phải la làng, kêu trời của những cuốn Từ điển, tôi nhớ cách đây không lâu mạng xã hội cũng bùng nổ một cuộc tranh luận chưa hồi kết cuốn từ điển Thành ngữ và Tục ngữ Việt Nam của giáo sư Nguyễn Lân. Đúng hay sai quay mòng mòng như trẻ con quay con vụ. Tôi tạm có mấy nhận xét sơ đẳng như sau. Một thể loại sách như Từ điển thì thật khó có thể thực hiện là một tác giả mà không có hội đồng, hay tham khảo, tra cứu từ những vùng miền khác. Chúng ta từng biết câu giễu nhại diêm dúa nhưng đau nhói “phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam”.

Từ, ngữ tiếng Việt hiện tại cũng chưa có một quy chuẩn thật rõ ràng và thống nhất, nhất quán từ dưới lên trên. Không nói đâu xa, trong làng báo, giữa báo Bắc và báo Nam đã có những phân biệt, định giới ngầm không văn bản như miền Nam thì dùng chữ hy sinh (y dài) còn báo Bắc là hi sinh(I ngắn). Những ví dụ như vậy có thể kể ra “thập loại”. Nên chăng, những sách khảo cứu vừa thông dụng - ứng dụng vừa bình dân - hàn lâm như Từ điển cần đó những Hội đồng giám định trước khi xuất bản ví như Viện Khoa học Xã hội, Viện Ngôn ngữ.

5. Tôi thấy như bộ Từ điển tiếng Việt do giáo sư Hoàng Phê chủ biên làm rất tốt và hàng năm khi tái bản đều có những bổ sung từ mới và những cập nhật cần thiết. Hãy xem giới thiệu, từ điển được biên soạn trên cơ sở gần ba triệu phiếu tư liệu của Viện ngôn ngữ học. Phản ánh đầy đủ tình hình phát triển của tiếng Việt hiện đại với một số biến đổi đã hay đang diễn ra trong chuẩn từ vựng và chuẩn chính tả. Trong quá trình biên soạn, sách đã tham khảo các từ điển tiếng Việt xuất bản từ trước đến nay, đặc biệt là những từ điển xuất bản từ sau CMT8 ở Hà Nội và Sài Gòn trước 1975. Đồng thời cũng đã tham khảo nhiều công trình nghiên cứu gần đây về ngữ pháp, từ vựng, ngữ nghĩa, chính tả tiếng Việt. 

Về thuật ngữ khoa học và kĩ thuật, đã sử dụng những tư liệu được chuẩn bị trước kia cho việc biên soạn Từ điển tiếng Việt phổ thông, có tham khảo một số từ điển chuyên ngành của các ngành khoa học, kĩ thuật, văn học, nghệ thuật để sửa chữa và bổ sung. Ví dụ trong lần tái bản thứ 12, Từ điển Tiếng Việt đã được sửa chữa và bổ sung, sửa 2.770 định nghĩa; sửa hoặc thay 3.510 thí dụ minh họa, bổ sung 2.090 mục từ mới - một phần quan trọng là thuật ngữ tin học và quản lí kinh tế.

Ai sẽ cứu tôi khi tôi phải "ngốn" những cuốn Từ điển ngớ ngẩn mất... chất như của ông Vũ Chất? Khi mà sách được xuất bản đường đường, chính chính, chễm chệ bày bán la liệt? Tôi biết làm gì ngoài cách phải tự... cứu mình?  

Như vậy đủ thấy làm Từ điển là một việc khó và luôn luôn nỗi niềm khao khát, đau đáu vì trách nhiệm với cộng đồng, vì tình yêu với tiếng Việt!

6. Người đọc sách cũng cần có những tìm hiểu thông tin cơ bản, cần thiết để chọn đúng sách chuyên ngành, đặc dụng khi tham khảo. Tránh việc truy tìm những ông vũ mà chẳng có chất. Ở một xã hội tìm cách hội nhập, vào giai đoạn luôm nhuôm, úm ba la đen trắng, thật giả này, tôi bỗng nhớ một câu nói nổi tiếng của nhân vật N.V.L lừng lẫy một thời “Hãy tự cứu mình trước khi trời cứu!”.



Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.