3395. Cải cách ơi, hãy... mở cửa
Cải cách ơi, hãy... mở cửa
Kỳ Duyên/Vnn
|
PNTB: Nhà báo Kỳ Duyên đã vạch ra cái cung cách quản lý kinh tế của đất nước khiến cho Việt Nam trở thành "Chúa chổm " của thời đại, ngày càng bộc lộ cái sự "phú quý giật lùi", chỉ lợi cho bọn lợi ích nhóm, trong khi đó người dân ngày càng khốn khổ bởi những "đày tở" bất tài, tham lam vô hạn độ. Đến nỗi, tác giả bài báo phải ngửa mặt lên giời, hỏi: "Vì sao công cuộc phòng chống quốc nạn tham nhũng không có kết quả? Vì sao cơ chế công khai minh bạch trong quản lý xã hội vẫn còn là của… quý và hiếm? Vì sao nạn chạy chức chạy quyền, mua quan bán tước vẫn là điều ám ảnh với người dân? Vì sao và vì sao….?"
Còn người dân Việt giờ
đây bỗng như “có duyên” với cổ tích Ba tư Nghìn lẻ một đêm, lẩm nhẩm câu thần
chú hàm chứa niềm khao khát của họ, trước cái bẫy thu nhập trung bình khắc
nghiệt đã giăng ra: Các loại cải cách ơi, hãy mở cửa!
I-Trong tuần, nổi lên
câu chuyện nợ xấu. Cái khái niệm không mấy đẹp báo hiệu một điềm chả lành gì,
với một cá nhân đã đành, mà đây lại còn là nợ xấu của một quốc gia.
Nợ xấu, theo định
nghĩa của Bách khoa toàn thư Tiếng Việt, là
các khoản tiền ngân hàng cho khách hàng vay, thường là các doanh nghiệp, mà
không thể thu hồi lại được do doanh nghiệp đó làm ăn thua lỗ hoặc phá sản.
Con số đó không hề
nhỏ. Mới đây, tại phiên chất vấn của UBTVQH ngày 29/9, Thống đốc Ngân hàng Nhà
nước Nguyễn Văn Bình thừa nhận nợ xấu lên đến 500.000 tỷ đồng. Còn tại cuộc họp
báo Chính phủ chiều 28/8, trả lời báo giới, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết,
tính đến cuối tháng 6/2014, nợ xấu ở mức 4,17%, cao hơn mức 4,07% vào cuối
tháng 5/2014 và mức 3,61% cuối năm 2013.
Như vậy, nợ xấu đang
tiếp tục… a la xô.
Một trong hai nguyên
nhân được bà Hồng lý giải, đó chính là hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN
vẫn tiếp tục khó khăn. Đến hẹn, nợ xấu… lại lên.
Nhưng điều khiến cho
dư luận xã hội đang lặng đắng bỗng ồn ào lại là phát ngôn ấn tượng của ông Phan
Trung Lý, Chủ nhiệm UBPL của QH tại cuộc họp bàn về tái cơ cấu: Tôi
thấy ở Hàn Quốc người ta coi nợ xấu là của toàn xã hội, nên kêu gọi người dân
đóng góp tiền, vàng để giải quyết nợ xấu. Chúng ta có học tập được không?
Cái vế đầu tiên ông
Phan Trung Lý đưa ra đã cực kỳ vô lý. Nợ xấu ở đây, là do làm ăn thất bát của
các DN. Mà biết đâu ở đó, có cả tiền tham nhũng, tiền thất thoát lãng phí của
các lợi ích nhóm? Sao lại là của cả xã hội, nói như dân gian: DN ăn ốc, dân … đổ vỏ?
Cái vế thứ hai cũng
cực kỳ… vô lý nốt, có phần “chạm” đến nỗi đau của người dân Việt.
Ông Phan Trung Lý. Ảnh: Tuổi trẻ |
Quá khứ của một thời
luôn sống cho đất nước hẳn chưa bao giờ phai nhòa trong lòng họ. Tuần lễ Vàng,
với gần 400 kilo vàng người dân hiến tặng nhà nước VNCHDC non trẻ. Rồi những
phong trào “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người” trong cuộc chiến
chống Mỹ, cứu nước. Hẳn lòng người dân không “tiếc” gì cho dân tộc, cho đất
nước.
Nhưng sẽ rất tiếc, nếu
những câu hỏi của họ hôm nay đặt ra cho xã hội, và các vị có trách nhiệm không
được trả lời thấu đáo: Vì sao công cuộc phòng chống quốc nạn tham nhũng không có
kết quả? Vì sao cơ chế công khai minh bạch trong quản lý xã hội vẫn còn là của…
quý và hiếm? Vì sao nạn chạy chức chạy quyền, mua quan bán tước vẫn là điều ám
ảnh với người dân? Vì sao và vì sao….?
Mặt khác phải thấy,
nước Việt đang đối mặt với nguy cơ chưa thoát được “bẫy thu nhập trung bình” và
thuộc nhóm các quốc gia châu Á phải mất nhiều thời gian nhất để cải thiện tình
trạng này.
Trong khi đó, với các
loại phí, người dân Việt phải … gánh rất khỏe.
Trả lời báo Thanh
niên, ngày 8/10/2013, Ts Ngô Trí Long (Bộ Tài chính) cho biết, hiện nay có tới
432 khoản phí và lệ phí được thu trên cả nước, trong số này có 393 khoản thuộc
thẩm quyền quyết định của TƯ, còn lại phân cấp cho địa phương.
Riêng người nông dân
gánh 131 khoản đóng góp, trong đó có 93 loại phí, lệ phí theo quy định của Nhà
nước và 38 khoản đóng góp xã hội khác. Thậm chí, nhiều làng quê, có nhiều khoản
chính quyền địa phương kêu gọi đóng góp tự nguyện, nhưng nó na ná … bắt buộc.
Cũng theo Ts Long, VN nằm trong số những nước có mức thu thuế và phí rất cao so
với khu vực. Trung bình 05 năm qua, tỷ lệ thu thuế, phí tính trên GDP (không kể
dầu thô) của VN là hơn 20%, trong khi Trung Quốc 17,3%, Thái Lan 15,5%,
Philippines 13%, Indonesia 12,1%...
Bỗng thấy ngẩn ngơ và
khâm phục… đôi vai người dân Việt. Mà thật khó tâm phục, khẩu phục phát ngôn của ông Phan Trung Lý. Nói
như nhà báo Đào Tuấn trên báo Lao động “nợ
xấu, tệ hại thay, lại không phải là Tổ quốc thiêng liêng”
Ông Lý sẽ chỉ có lý
nếu ông nói, hãy học Hàn Quốc, các nước văn minh, về cách quản trị quốc gia
công khai, minh bạch. Để người dân được biết đồng tiền lao động mồ hôi của họ
có hiệu quả và xứng đáng thế nào với trình độ quản lý của Nhà nước.
Được biết mới đây, bất
ngờ nhất, đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội kiến nghị “xem xét dành
một phần chi ngân sách nhà nước để xử lý nợ xấu của các DNNN”. Điều này rất
khác với quan điểm trước đây Chính phủ trả lời trực tiếp trên nghị trường hay
qua các văn bản. Đó là “Nhà nước không sử dụng ngân sách để trả nợ thay cho
ngân hàng, cho doanh nghiệp" (theo VnEconomy, ngày 06/10).
Bởi tháng 06/2013, hơn
một năm trước, VAMC (Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng VN) được
thành lập theo quyết định của Thống đốc Ngân hàng NNVN với vốn điều lệ 500 tỷ
đồng, có nhiệm vụ góp phần xử lý nhanh nợ xấu, lành mạnh hóa tài chính, giảm
thiểu rủi ro cho các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng tín
dụng hợp lý nền kinh tế.
Đây không phải điều gì
mới mẻ. Nó là mô hình khá phổ biến của nhiều nước khu vực châu Á như Indonesia , Malaysia , Hàn Quốc và Thái Lan…. và
ở các quốc gia này, hoạt động của mô hình khá hiệu quả.
Trong khi đó ở nước
Việt, chả biết VAMC làm ăn giỏi giang ra sao? Chỉ biết, nếu việc lấy ngân sách
Nhà nước trả nợ cho nợ xấu của DNNN thành hiện thực, thì thực chất đã rất mâu
thuẫn với chủ trương thành lập VAMC. Bởi trong phát biểu của Thống đốc Nguyễn
Văn Bình tại phiên chất vấn ngày 29/9, ông cho biết, có nước sử dụng đến 60% GDP, hay ít
nhất cũng 7-8% ngân sách để xử lý nợ xấu, còn VN không dùng chút ngân sách nào
để xử lý nợ xấu. Đây là điểm khác biệt cơ bản.
Sự khác biệt cơ bản
này khác biệt được bao lâu?
Trên tờ DNSG, ngày
22/9, dưới đầu đề “VAMC: Nhiều lúc có như không”, bài báo cho biết dù mua vào ồ
ạt một lượng nợ xấu rất lớn nhưng đến thời điểm này, VAMC mới chỉ là nơi quản
lý nợ "tạm" được chuyển từ các ngân hàng qua. Trong khi, điều quan
trọng trong xử lý nợ xấu là làm thế nào để VAMC bán được nợ xấu.
Ngược lại, cựu Bộ trưởng
Trương Đình Tuyển, tại Diễn đàn Kinh tế Mùa thu 2014 cho rằng “sáng kiến” này
rất khó giải quyết được nợ xấu khi VAMC thiếu cả quyền lực tài chính và quyền
lực pháp lý. Một đại biểu khác bình luận: Cách xử lý nợ xấu hiện nay còn xấu
hơn cả nợ xấu. Còn theo các chuyên gia tài chính, đề xuất chạy theo “tiền tươi
thóc thật” hay tăng quyền cho VAMC lúc này, đều rất dễ gặp rủi ro.
Vậy một câu hỏi cần
đặt ra, chủ trương thành lâp VAMC là đúng hay không, cần thiết hay không cần
thiết? Cho dù VAMC hay ngân sách Nhà nước, thì đó thực chất đều là tiền thuế
của người dân.
Trong khi nợ xấu thì
cứ nằm chình ình như mắc căn bệnh… béo phì
******************
II- Cứ tưởng câu chuyện giấy phép con đã một đi không trở lại, không
ngờ, "nó" chưa hề đi, mà vẫn gan lì bám trụ tại các DN để "hai
cùng": Cùng ở, nhưng quan trọng nhất là cùng… ăn
Chả biết anh nào “ký
sinh” anh nào nữa.
Phải nói thẳng điều
này không úp mở. Bởi muốn hiểu về giấy phép con, chỉ cần đọc lại thông
tin từ cuộc tọa đàm về quyền tự do kinh doanh của CLB Pháp chế DN (Bộ Tư pháp)
ngày 20/8. Chính ở cuộc tọa đàm này, cái sự khốn khổ của các DN như vỡ ra, khi
Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố:
Hiện có 386 ngành,
nghề kinh doanh đòi hỏi phải có điều kiện đi kèm. Trong đó có 895 điều kiện
kinh doanh "cấp 1" (giấy phép "cha"), 2.129 điều kiện
"cấp 2" (giấy phép "con") và 1.745 điều kiện "cấp
3" (giấy phép "cháu").
Các quy định này thuộc
phạm vi quản lý của 16 bộ, ngành và rất rắc rối. Có những ngành, điều kiện kinh
doanh chung thì nằm ở luật, nghị định, nhưng điều kiện "con, cháu,
chắt" thì nằm ở thông tư, quyết định, thậm chí công văn của các Bộ (VietNamNet, ngày 21/8).
Thành thử, cứ “chiểu”
theo thông tin của Bộ KH và ĐT, sẽ thấy, có một thực tế oái oăm cho nhiều DN.
Có giấy đăng ký kinh doanh, có giấy phép cha, vẫn chưa chắc đã được kinh doanh,
nếu không có đủ giấy phép con, thậm chí giấy phép cháu, quy định điều kiện kinh
doanh (ĐKKD). Hóa ra, “con”, “cháu” ở đây lại hơn cả “cha”. Nhưng chả
phải là xã hội… có phúc.
Có phúc làm sao, khi
chỉ vì quyền sinh, quyền sát ở các Bộ, mà chả DN nào có thể suôn sẻ làm ăn, dù
quyền kinh doanh đã được pháp luật quy định rõ. Và nói cho cùng, với cung cách
quản lý như vậy, thực chất là vi phạm quyền tự do kinh doanh mà Hiến pháp đã
công nhận.
Hai tháng sau, mới
đây, ngày 6/10, tại cuộc tọa đàm “Kết quả sơ bộ rà soát các ngành nghề cấm kinh
doanh và kinh doanh có điều kiện”, do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung
ương tổ chức, cho thấy, qua rà soát 398 ngành nghề kinh doanh có điều
kiện, thì có 895 ĐKKD cấp 01 (giấy phép cha), 2.129 ĐKKD cấp 02 (giấy phép con)
và 1.745 ĐKKD cấp 03 (giấy phép cháu).
Có nghĩa là … nguyễn y vân.
Đáng chú ý nhất,
trước đó, ngày 19/8, tại cuộc họp với các bộ, ngành về chủ đề này, người đứng
đầu Chính phủ đã chỉ đạo rõ ràng: Theo
tinh thần của Hiến pháp và quy định về quyền tự do kinh doanh, người dân được
quyền tự do thực hiện hoạt động đầu tư, kinh doanh trong tất cả các ngành, nghề
mà pháp luật không cấm. Do đó, việc hạn chế quyền của công dân phải được quy
định cụ thể trong luật…Quản lý nhà nước là để tạo thuận lợi tối đa cho người
dân, doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh, làm ăn. (VnEconomy, 20/8)
Đáng chú ý nữa, cuộc
rà soát cho thấy hai Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn “đi
đầu” trong việc ban hành giấy phép con. Bộ Công thương với 68 ĐKKD; Bộ Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn với 58 ĐKKD. Theo cách nói của người đứng đầu
CP, thì với chức năng quản lý Nhà nước, đây cũng là hai bộ … đứng cuối việc
thực hiện tạo thuận lợi tối đa
cho người dân, doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh, làm ăn. Với 04 và 07
ĐKKD, Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Tư pháp là hai bộ ít đặt ĐKKD nhất.
Ảnh: baodautu.vn |
Tại cuộc tọa đàm, ông
Lê Duy Bình (chuyên gia rà soát độc lập của Công ty Cổ phần Tư vấn Quản lý Kinh
tế Economica VN) cho biết: Các loại giấy phép này được ban hành rất đa dạng,
phong phú. Rất nhiều ĐKKD khắt khe được đặt ra đối với việc gia nhập thị trường
của DN. Thậm chí chỉ một thông tư đã làm thui chột hàng ngàn ý định kinh doanh.
Rõ ràng, việc chấm dứt
hiện tượng các Bộ tùy tiện ra các loại giấy phép về ĐKKD một cách vô tội vạ với
các DN, không chỉ là thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển, tạo công ăn việc làm
cho người lao động, mà còn là góp phần ngăn ngừa những tiêu cực của lợi ích
nhóm, tham nhũng, ăn tiền phi pháp, nhân danh “quản lý Nhà nước”.
Tuy nhiên, trong thực
tế, việc chấn chỉnh từ cấp phép cho tới bảo đảm hoạt động sản xuất, kinh doanh nghiêm
chỉnh theo quy định pháp luật này cũng không đơn giản, ở cả hai phía quản lý
Nhà nước và DN. Xuất phát từ lợi ích riêng của cả hai phía. Việc hạn chế “loạn
giấy phép về ĐKKD” thực chất còn liên quan rất chặt chẽ đến cả cải cách thủ tục
hành chính, cung cách tổ chức bộ máy, và chính chất lượng quản lý DN.
Theo các nhà quản lý
kinh tế như TS Nguyễn Đình Cung (Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế TƯ), ông Đặng
Huy Đông (Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư) thì trên thế giới người ta áp dụng
hai phương thức rà soát.
Hoặc có một cơ quan
độc lập riêng biệt, có thẩm quyền hỏi và đề nghị các bộ giải trình về những
ĐKKD mà họ đặt ra, để báo cáo lên CP. Hoặc có tổ đặc nhiệm thực hiện rà
soát. Hoạt động này trong thực tiễn còn tạo ra một hệ thống tư duy mới về chính
sách, có khi tác động thay đổi cả quyết định pháp luật về kinh doanh. Nhưng
điều quan trọng nữa, là ngành nghề kinh doanh và ĐKKD của ngành nghề đó phải
ban hành cùng một văn bản. Đây cũng chính là một giải pháp, một cải cách thủ
tục hành chính, làm đơn giản các ĐKKD, hạn chế tiêu cực của cơ quan quản lý nhà
nước.
Mặt khác, nhiều cơ
quan quản lý cũng chỉ quá chú trọng vào việc ra giấy phép ĐKKD nhưng rất lỏng
lẻo, thậm chí thả nổi vấn đề hậu kiểm- chất lượng dịch vụ kinh doanh, sản xuất.
Đây cũng chính là kẽ hở của quản lý mà rút cục khách hàng- các thượng đế… gánh
đủ.
Một nền kinh tế, DNNN
thì hưởng lợi đủ thứ, góp phần vào cục nợ xấu khủng, trong khi DN vừa và
nhỏ thì bị bẻ hành bẻ tỏi, chứa đựng đủ thứ nhũng nhiễu, tiêu cực, tác động
tiêu cực, khiến cho kinh tế nước Việt giờ đây giống như bức tranh thuộc trường
phái … trừu tượng, rất khó hiểu và đương nhiên, rất khó phát triển.
Còn người dân Việt giờ
đây bỗng như “có duyên” với cổ tích Ba tư Nghìn
lẻ một đêm, lẩm nhẩm câu thần chú hàm chứa niềm khao khát của họ, trước cái
bẫy thu nhập trung bình khắc nghiệt đã giăng ra:
Các loại cải cách ơi,
hãy mở cửa!
Nhận xét