3301. Phim nhà nước đặt hàng

Phim nhà nước đặt hàng

Thu Hà/ VnExpress

Phim " Sống cùng lịch sử"
gọi là phim " Không bán được vé nào"
"Đã đến lúc để cho nghệ sĩ làm những phim mà họ muốn làm và khán giả muốn xem, không có khâu kiểm duyệt kịch bản gồm đủ các ban bệ trong đó có cả an ninh và tài chính".

Khi gọi điện cho đạo diễn Thanh Vân để trao đổi về sự kiện “phim 21 tỷ đồng không bán được 1 vé”, tôi nhớ cái vẻ hồi hộp của đạo diễn trẻ Bùi Tuấn Dũng khi đứng “đếm khách” ở Trung tâm chiếu phim quốc gia, trước buổi chiếu ra mắt phim Những người viết huyền thoại của anh năm ngoái.

Bài liên quan: Ế lá đúng

Bùi Tuấn Dũng nói: “Tôi không dám hy vọng phim ăn khách, nhưng tôi cần biết thái độ của các bạn trẻ khi đi xem. Thêm một học sinh đi xem là thêm một khán giả tương lai cho các phim sắp tới của tôi”.

Được đầu tư 8,5 tỷ đồng, Những người viết huyền thoại thu không đầy 500 triệu đồng tiền bán vé, dù nó không hề dở, thậm chí còn là phim khá nhất của năm 2013, cùng với Scandal - một phim thuộc dòng khác, thuần túy thị trường. Scandal đầu tư chừng 10 tỷ đồng và thu về cũng khoảng chừng đó. Phim thị trường thắng tuyệt đối phim nhà nước về hiệu quả, dù chất lượng nghệ thuật tạm coi là tương đương.

Thực ra, câu chuyện “phim nhà nước” (chưa bàn đến đề tài và chất lượng) không có người xem không còn mới mẻ gì. Cách đây hơn 10 năm, cũng đạo diễn Thanh Vân đã là người nếm trái đắng khi bộ phim Đời cát của ông chiếu cả nửa tháng ở rạp Tháng 8 chỉ bán được có 8 vé.

Không ai bảo Đời cát là một bộ phim tồi. Bằng cớ là nửa năm sau đó, nó được Giải thưởng lớn tại LHP Châu Á – Thái Bình Dương tổ chức tại Hà Nội cùng 2 giải cá nhân cho 2 diễn viên nữ Mai Hoa và Hồng Ánh. Báo chí vốn thờ ơ trước đó, bèn mở chiến dịch kêu gọi Xem phim Đời cát. Ba tháng ròng rã với ngày 2 suất chiếu ở Trung tâm Chiếu phim quốc gia và 2 tháng ở rạp Tháng 8, có giảm giá cho học sinh, sinh viên, khách mua vé tập thể, hàng trăm nghìn lượt người đã xem Đời cát vì yếu tố “giải thưởng quốc tế”

Sau Đời cát, cũng còn nhiều phim nhà nước đặt hàng, đề tài chiến tranh hoặc hậu chiến, được làm đầy nhiệt huyết và công phu, của những đạo diễn trẻ tuổi, có tài: Sống trong sợ hãi (Bùi Thạc Chuyên), Những người viết huyền thoại (Bùi Tuấn Dũng) hoặc của các đạo diễn lừng danh: Đừng Đốt(Đặng Nhật Minh)… dù được giới chuyên môn đánh giá cao, báo chí ưu ái nhưng vẫn ế.

Đó là chưa kể mười mấy năm nay, đều đặn mỗi năm 2-3 phim được đặt hàng, thuộc đủ các đề tài: lịch sử, thiếu nhi, dân tộc miền núi… theo kiểu “phân phối đều”, rơi vào tay các đạo diễn “nhà nước” đang kiên nhẫn và chăm chỉ xếp hàng đợi đến lượt được nhận phim để làm, làm xong chiếu cho Hội đồng duyệt phim quốc gia thông qua; thông qua xong chiếu miễn phí trên hệ thống chiếu bóng 61 tỉnh thành nhân các ngày lễ lớn, họp báo một buổi nho nhỏ, không banner, không poster, rồi ra rạp chừng một tuần, bán vài chục vé, và xếp kho.

Tôi đã từng phải tránh mặt không ít đạo diễn sau buổi chiếu ra mắt bộ phim “tâm huyết”, “để đời” của họ chỉ để khỏi phải trả lời câu hỏi: “thấy phim của tôi thế nào ?”. Không thể nói phũ phàng: “Sao anh/chị lại nhận làm phim này?”, một khi đã có một quá trình dài xem phim của họ và hiểu “cái rãnh tư duy” của họ đã hằn sâu như thế.

Thực ra, những ai theo dõi điện ảnh Việt Nam lâu năm, có chút ưu ái phim Việt đều biết 1 triệu đôla, nghe thì lớn, nhưng với công nghiệp điện ảnh thế giới, chỉ đủ cho một khâu nhỏ trong quá trình làm một bộ phim, thậm chí bằng 1/10 cát xê của một ngôi sao hạng nhất. Gần đây, phim Việt Nam (của các công ty tư nhân như BHD hay Galaxy), đã có lúc đầu tư đến 2-3 triệu đôla cho mỗi phim, và cũng có khi không hề có lãi, thậm chí lỗ nặng. Nhưng ai cũng hiểu, lãi hay lỗ là việc của nhà đầu tư, họ đã chơi đúng quy luật thị trường, bỏ tiền túi làm phim, lời ăn lỗ chịu.

Cô giáo dạy môn Lịch sử của con trai tôi đã “làm quen” với lớp học đầu năm mới bằng cách cho lũ trẻ lớp 6 xem bộ phim “Lincoln”. Và thật bất ngờ là sau khi xem phim, lũ trẻ thi nhau kể ra rất nhiều những điều chúng biết về Lincoln, từ việc ông ốm đau triền miên ra sao, giải phóng nô lệ thế nào đến chuyện ông cãi nhau với vợ, chuyện ông đi săn ma cà rồng. Chúng tranh cãi liên miên từ trong giờ học đến giờ ra chơi, tối về gọi điện cãi nhau tiếp, hào hứng sôi nổi, và tự nguyện. Chắc chắn chẳng có ngân sách chính phủ nào ở Mỹ đầu tư cho bộ phim ấy, bộ phim có sức lan tỏa mạnh mẽ cả ở bên kia bờ dại dương.

Lịch sử rõ ràng cần được giáo dục cho người đương thời và cả các thế hệ sau, nhưng nó có hàng trăm cách hiệu quả hơn và ít tốn kém hơn việc được giáo dục và tuyên truyền bằng một bộ phim không bán được vé: qua sách giáo khoa, qua viện bảo tàng, qua tranh ảnh, báo chí, truyền hình… Còn nếu định làm phim truyện “tuyên truyền”, hãy cố gắng nhìn sang các nền điện ảnh lớn, họ làm những phim “tuyên truyền” về lịch sử , về chiến tranh như Trái tim dũng cảmSinh ngày 4-7 hay Giải cứu binh nhì Ryan,Lincoln… mà không hề có nhà nước dùng ngân sách đặt hàng. Sự hấp dẫn của kịch bản, của kỹ xảo, của tài năng đạo diễn, sự tỏa sáng của các ngôi sao, và trên hết là sự tự do tuyệt đối trong quá trình sáng tạo đã khiến khán giả cả thế giới quên mất đó là phim “tuyên truyền”, rồng rắn mua vé, say sưa xem phim và làm tài khoản trên 10 số 0 của nhà sản xuất.

Vì vậy, thay vì ban phát cho các nghệ sĩ tiền làm phim bằng hình thức đặt hàng, có lẽ đã đến lúc để cho nghệ sĩ làm những phim mà họ muốn làm và khán giả muốn xem, không có khâu kiểm duyệt kịch bản gồm đủ các ban bệ trong đó có cả an ninh và tài chính.


Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.