3077.Máy tính bảng: 10 phép tính 'vô nghiệm' dành cho học trò tiểu học

Máy tính bảng: 10 phép tính 'vô nghiệm' dành cho học trò tiểu học

Đăng Bởi  - 
Bao nhiêu thế hệ đã bị biến thành chuột bạch
cho các nhà quản lý giáo dục? - Ảnh: TL (minh họa)
Sở GD-ĐT TP.HCM đang có kế hoạch ngay trong năm học này sẽ buộc 327.127 học sinh từ lớp 1 đến lớp 3 phải đồng loạt trang bị máy tính bảng (Tablet = MTB). Trong 33 vạn đứa trẻ ấy, chỉ có 5.334 học sinh được hỗ trợ vì trong diện chính sách(!)?
Hãy khoan bàn về những lợi ích – (hoặc tác hại) về mặt giáo dục – khoa học khi áp dụng MTB cho học sinh bởi đó sẽ là cuộc tranh cãi bất tận về sự đúng – sai, vì cả hai phía đều không có đủ các luận cứ cần thiết; chỉ xin bàn về những điều nhãn tiền mà ai cũng thấy trước chủ trương... quái dị này!

1. Chỉ còn hai tuần nữa năm học mới sẽ bắt đầu, sự vội vàng theo đúng cách nước đến chân mới nhảy là điều tối kỵ của khoa học giáo dục. Tại sao không có sự chuẩn bị từ trước về mặt dư luận cũng như cho hàng vạn phụ huynh nghèo lo, nghĩ, kiếm tiền để làm thỏa mãn “phát minh” của những nhà quản lý?
2. Về mặt kỹ thuật và tiền bạc, Việt Nam xếp sau hàng chục nước trên thế giới. Câu hỏi đặt ra là tại sao các nước như Mỹ, Úc..., đều chưa dám mà ta (như lâu nay vẫn vậy) luôn thích “đi trước thời đại”?
3. Sắm đồng loạt hàng trăm ngàn MTB có nghĩa là xác suất về tỷ lệ máy dởm, máy rẻ sẽ vô cùng lớn. Sở GD-ĐT TP HCM có nghĩ rằng nếu thực sự cần thiết áp dụng đề án này thì phải thành lập từ trước một bệnh viện MTB miễn phí cho cả thành phố? Nếu đem áp dụng mà hàng ngàn MTB bị hư hỏng – phụ huynh phải bỏ tiền, thời gian đi sửa liệu có khả thi không? Đó là chưa nói chuyện chặt chém và tình trạng 1/3 hay ½ lớp học, học sinh không thể tham gia vào tiết học khi chờ sửa máy...
4. Các giáo viên chỉ được tập huấn ít ngày là phải thay ngay bài giảng cho phù hợp. Có hàng ngàn giáo viên lớn tuổi (như người viết bài này) không thể đủ trình độ cũng như sự linh hoạt trong thao tác để đáp ứng yêu cầu mới.
5. Lý do (4) tự nó đã là đòn đánh trực tiếp, toàn diện vào chương trình đổi mới SGK của Bộ GD-ĐT. Bộ không có đề án này, vậy tại sao thành phố lớn cứ làm? Phải chăng Hà Nội hay TP HCM, từ lâu đã được mặc định là công dân loại 1 còn cả nước chỉ là loại 2 và, Bộ GD-ĐT đang chỉ lo cho phần còn lại của các loại công dân?

Sắm đồng loạt hàng trăm ngàn MTB có nghĩa là xác suất 
về tỷ lệ máy dởm, máy rẻ sẽ vô cùng lớn - Ảnh: TL

6. Sự vội vàng đến mức phi lý, khó chấp nhận buộc dư luận phải có câu hỏi rằng, phải chăng đã có hàng trăm ngàn MTB đã được nhập về và ai đó sẽ hưởng siêu lợi nhuận là điều không khó đoán ra?
7. Chỉ hơn 1% học sinh được “nhà nước” hỗ trợ vì thuộc diện chính sách. Hàng trăm ngàn học sinh con công nhân, xe ôm, người bán hàng, người thất nghiệp sẽ ra sao khi “đùng một cái” họ phải lo kiếm cho bằng được số tiền để  “sắm” MTB cho con - nhiều hơn cả tiền lương một tháng?
8. Xã hội đang bị đảo lộn các thang giá trị về đạo đức, văn hóa. Đó là trách nhiệm hàng đầu của các nhà quản lý giáo dục. Chưa hề có một quyết sách nào khả thi trong nan đề này mà chỉ lo chụp giựt trí thông minh kỹ thuật; phải chăng là cung cách đúng của giáo dục đại trà?
9. Chuyện “chạy làng” của một công ty sản xuất MTB của Trung Quốc khi có hợp đồng cung cấp cho Thái Lan là một bài học mà các nhà quản lý giáo dục TP HCM có biết hay không (Zing.vn, 20.8.2014)? Nếu biết mà vẫn cứ làm thì đó là điếc không sợ súng. Tại sao Thái Lan phải hủy nửa chừng chương trình MTB được áp dụng từ năm... 2011? MTB của TQ chắc chắn đã và đang tràn ngập trên thị trường, người Thái còn sợ mà VN cứ húc đầu vào thì quả là... bó tay!
10. Sau cùng, văn hóa và giáo dục không thể là câu chuyện ăn xổi, ở thì: Chẳng lẽ một nền văn minh chỉ có một phương cách duy nhất là “phấn đấu” một thời gian là thành làng văn hóa, khu phố văn hóa sao?...
Ai đã qua chương trình phổ thông đều biết thí nghiệm của nhà bác học Nga I.P. Pavlov về phản xạ có điều kiện: Cứ rung chuông thì cho chó ăn, về sau không cho ăn nhưng rung chuông thì nước dãi của chó vẫn chảy ra. Sở GD-ĐT TP HCM không rung chuông nhưng chỉ cần ra lệnh thì tất cả giáo viên và học sinh phải thay đổi!
Bao nhiêu thế hệ đã bị biến thành chuột bạch cho các nhà quản lý giáo dục VN... thí nghiệm? Xin thưa, năn nỉ những người có trách nhiệm hãy đừng nghĩ trước, tính sau để đến nỗi biến... một thế hệ nữa, thành chuột bạch hoặc thành thí nghiệm của I.P. Pavlov!
Hà Văn Thịnh
Huế, 20.8.2014

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.