3060. Chuyện con nuôi ở Làng My

Chuyện con nuôi ở Làng My
Phóng sự của Thái Sinh
Tết ném còn giao duyên mùa xuân của người dân Làng My (ảnh Ngọc Dương)

Trên vùng biên viễn tỉnh Lào Cai có một ngôi làng nhỏ của người Dao tuyển, làng chỉ có 113 nóc nhà, nhưng trong ngôi làng chứa đựng nhiều câu chuyện lạ. Chỉ việc nhận con nuôi để gìn giữ giống nòi cùng những phong tục tập quán, văn hoá truyền thống…đã đậm chất nhân văn của một dân tộc.   

Ngôi làng ấy có tên là Làng My. Làng nằm dọc hai bên bờ của dòng suối My xanh thẫm chảy giữa những thảm lúa ngô xanh mướt mải. Làng My thuộc xã Xuân Quang, huyện Bảo Thắng. Trước chiến tranh biên giới phía Bắc tháng 2/1979 làng nằm trong Làng Cung 3, người dân chạy giặc ly tán khắp nơi, khi đó làng không còn tên, người ta gọi là K4, đó khu vực đặt trại giam cũ ở đây. Đến năm 1996 Làng My mới ra đời, người ta lấy tên của dòng suối My đặt cho tên làng.

Nhà báo Thái Sinh
Tác giả bài viết. Ảnh Ngọc Dương

Thật khó hình dung nổi Làng My lại là nơi cư trú của dân tộc Dao tuyển. Bởi những ngôi nhà xây một, hai tầng với đủ loại kiến trúc đã thay thế những ngôi nhà truyền thống. Chỉ khi bước vào những ngôi nhà đó, tiếp xúc với chủ nhân mới giật mình đây đúng là làng người Dao.

Trưởng thôn Làng My tên là Đặng Văn Long, nhà nằm ngay cạnh ngã ba con đường trong thôn dưới gốc sung cổ thụ. Với cái giọng khàn đục và hơi lơ lớ của người Dao khi chuyển sang nói tiếng Kinh nhưng khá lưu loát, anh kể rằng: Chuyện đời tôi dài lắm anh ạ, kể một ngày không hết, hai ngày chưa xong. Gốc gác của tôi là dân tộc Kinh, có tên là Đoàn Xuân Phong sinh ngày 20/7/1960 ở quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng. Năm 1964, hồi ấy đói kém, khi đó tôi mới 4 tuổi mẹ tôi là Đinh Thị Duối dắt tôi và em gái lên xã Thái Niên sinh sống. Tại đây bà quen một người đàn ông quê ở huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái, ông ấy làm mối cho em trai mình, nhưng với điều kiện không được mang hai anh em chúng tôi đi theo. Thế là mẹ tôi bán tôi cho ông Đặng Văn Quang với giá 350 đồng. Số tiền ấy trị giá bằng hai con trâu. Em gái tôi là Lý Thị Cầu sinh năm 1962 cũng được bán cho một gia đình trong thôn Làng My này.
Chân dung Trưởng thôn
Đặng Văn Long
Ảnh: Ngọc Dương

Sở dĩ bố nuôi Đặng Văn Quang mua tôi về, là bởi vợ chồng ông chỉ sinh được một cô con gái. Đối với người Dao tuyển, con trai rất quan trọng không chỉ nối dõi tông đường, thờ cúng tổ tiên dòng họ mà còn là trụ cột của gia đình, gìn giữ phong tục tập quán...Bởi thế gia đình nào không có con trai thì phải mua bằng được con trai về nuôi.

Khi tôi về làm con nuôi ông Đặng Văn Quang, gia đình mổ lợn, mổ gà làm một cái lễ rất to rồi mời thầy cúng đến làm lễ nhận tổ tiên và dòng họ Đặng. Tôi mặc quần áo Dao tuyển quỳ bên mâm cỗ cúng để tổ tiên dòng họ về nhận mặt, sau khi hương trên bàn thờ được thắp lên cháy một đoạn thì thầy cúng mang xuống dùng dao chặt đứt đôi những cây hương đó, tức là chặt đứt gốc rễ dòng họ cũ, để từ nay tôi trở thành người Dao tuyển của dòng họ Đặng ở nơi này. Nếu tôi có liên hệ hay muốn quay về với họ Đoàn gốc tích của mình thì sẽ bị con ma của dòng họ Đặng hãm hại. Kể từ hôm ấy tôi trở thành người Dao tuyển, nói tiếng Dao nên quên dần tiếng mẹ đẻ. Sau này lớn lên đi học tôi mới học nói lại tiếng Kinh...
Trưởng thôn Làng My Đặng Văn Long (áo đen bên phải)
kể chuyện cuộc đời làm con nuôi của mình.
Đặng Văn Long cho biết, Làng My có 113 nóc nhà thì có khoảng ba mươi hộ gia đình nhận con nuôi, nhiều gia đình mua con gái, nhưng chủ yếu mua con trai về để nối dõi tông đường, thờ cúng tổ tiên. Phong tục nhận con nuôi có từ rất lâu kể đời ông, đời cha. Ngay ông Đặng Văn Quang bố nuôi của Đặng Văn Long cũng là con nuôi, quê gốc ở tận Hà Nam Ninh mà anh không biết ở xã nào, cũng chỉ nghe bố anh kể lại như vậy. Đến đời con trai cả của anh tên là Đặng Quý Quân cũng đang chuẩn bị mua con nuôi vì vợ Quân chỉ đẻ hai cô con gái...
Trang điểm cho cô dâu
trước khi về nhà chồng
Ảnh Ngọc Dương

Những người làm con nuôi ở Làng My với nhiều dân tộc khác nhau, nhưng chủ yếu là người Kinh mua ở các tỉnh miền xuôi. Trong số đó có ông Đặng Văn Chung, sinh năm 1937, quê Hà Nam, bà Bàn Thị Hoa sinh năm 1938, người ta không biết bà quê ở đâu bị người ta bắt trộm lên bán tại đây, anh Đinh Văn Định sinh năm 1962 quê Nam Định...Nhiều lắm, mỗi người đến làm con nuôi ở thôn người Dao Làng My có một hoàn cảnh khác nhau không giống ai. Tôi hỏi anh Long: Anh có tự hào được làm người Dao tuyển không? Chẳng đắn đo Long nhìn tôi đôi mắt sáng rực, anh đáp: Tôi rất tự hào vì mình được làm người Dao tuyển. Tôi không bao giờ nghĩ mình là người Kinh nữa, bởi tôi đã thành người Dao tuyển từ rất lâu rồi, lấy vợ người Dao, sinh sống theo phong tục tập quán người Dao. Các con tôi cũng là người Dao, nói tiếng Dao, sinh hoạt theo phong tục tập quán của người Dao...

Năm 12 tuổi Long đủ tuổi để thầy cúng cấp sắc, với tên chữ của anh là Đăng Đao Tành, khi chết con cháu cúng giỗ thì gọi tên đó chứ không gọi tên Đặng Văn Long như khi còn sống. Nhưng mãi tới năm 25 tuổi thì anh Long mới tự lo được của cải để làm lễ cấp sắc. Lễ cấp sắc của anh làm 6 mâm cơm cúng nên phải mổ 6 con lợn, 6 con gà cùng tiền bạc và khoảng 40 lít rượu. Lễ cúng một ngày hai đêm, do 6 thầy cúng làm lễ.
Cúng trong Lễ cấp sắc
của người Dao tuyển Làng My. Ảnh Ngọc Dương
Lễ cấp sắc đối với con trai người Dao vô cùng quan trọng, ai chưa được cấp sắc nghĩa là người đó chưa trưởng thành, chưa được làm những việc lớn trong đời. Lễ cấp sắc như sự công nhận của dòng họ, tổ tiên và cộng đồng cho người con trai trưởng thành. Ngoài ra những ai muốn đi làm thầy cúng thì buộc phải được cấp sắc. Cấp sắc tức là người đó đã được cấp chứng chỉ cuộc đời. Nói rồi Đặng Văn Long mở tủ lấy cho tôi xem quyển sách làm bằng giấy dó đã ngả màu thời gian mà thầy cúng đã viết những điều răn dạy cho anh trong lễ cấp sắc. Quyển sách chỉ được đốt khi anh chết đi. Tôi hỏi: Vậy quyển sách đó ghi những gì? Long bảo: Tôi dẫn các anh tới gia đình cụ Đặng Văn Chung, cụ là thầy cúng có tiếng ở Làng My mà tôi được cụ cho theo làm phụ tá nhiều lễ cúng.
Cụ Đặng Văn Chung
đọc sách cúng bằng chữ Nôm Dao
Ảnh Ngọc Dương

Nhà cụ Đặng Văn Chung cách nhà anh Long gần một cây số, khi chúng tôi đến cụ đang ngồi hút thuốc lào dưới bếp. Đó là một ông già với thân hình nhỏ nhắn, trán cao, mũi khoằm, gương mặt của một người rất thông minh. Cụ kể rằng: Tôi quê ở xã Đạo Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Năm lên 5 tuổi tôi bị người ta bắt trộm đưa lên xã Bảo Nhai, huyện Bắc Hà bán cho người Dao tuyển ở đó. Bố mẹ nuôi của tôi là ông Đặng Văn Bầu, Lý Thị Hải, hai ông bà lấy nhau đã lâu nhưng không có con. Ông bà mua tôi về làm con nuôi để bắc cầu cho ông bà sinh được con cái...

Chuyện của ông Chung dài lắm, dài như con đường mà gia đình ông du canh du cư từ Cửa Xá về Cốc Ly, rồi xuống Phong Hải cuối cùng thì tới Làng My này. Tôi hỏi cụ Chung những gì đã viết trong cuốn sách để làm lễ cấp sắc cho người con trai của người Dao tuyển?

Cụ Chung lục tìm trong chiếc giỏ với rất nhiều sách cổ rồi bày ra chiếc chiếu ngoài hè của ngôi nhà xây. Cụ mở quyển sách làm bằng giấy dó viết bằng chữ nôm Dao đọc cho tôi nghe: Trong này nói nhiều điều lắm, nhưng có 10 điều mà người con trai được cấp sắc phải nhớ, đó là:

Một- Không được chửi thề trời, đất.
Hai- không được chửi thề mặt trời, mặt trăng.
Ba- Không được chửi thề bố, mẹ.
Bốn- Không được quyến rũ vợ người khác.
Năm- Làm trai không được làm điều phạm pháp.
Sáu- Không được ma chài con người ta.
Bảy- Không được cướp vợ và tài sản của người khác.
Tám- Không được hành hạ người khác.
Chín- Không được chửi mưa, chửi nắng, chửi gió.
Mười- Không được đánh chửi vợ và con cái.
Cụ Đặng Văn Chung (người đeo kính)
đọc những điều hay lẽ phải trong sách lễ cấp sắc cho con trai.
Ảnh Thái Sinh
Giọng cụ Đặng Văn Chung đọc như hát. Điều tôi vô cùng kinh ngạc, suốt mấy chục năm sống ở miền núi nay tôi mới nhận ra trong các dân tộc thiểu số ở miền núi phía Bắc chỉ có hai dân tộc có chữ viết đó là dân tộc Thái và dân tộc Dao. Dân tộc Thái có chữ riêng, còn dân tộc Dao thì cải biên chữ Hán thành chữ nôm Dao (chữ Hán giản thể đọc theo âm Dao), không phải dân tộc nào cũng làm được điều đó. Trong những cuốn sách của cụ Chung ngoài sách cúng còn có sách ghi lại những bài hát, ca dao tục ngữ, phong tục, tập quán và lao động sản xuất...Một kho tàng tri thức bản địa của người Dao được lưu truyền từ đời này sang đời khác, cần nhiều thế hệ gìn giữ không bị đứt đoạn ngay trong mỗi gia đình. Chuyện nhận con nuôi ở Làng My là để nối tiếp dòng chảy cuộc sống của một dân tộc, sức sống trường tồn của một dân tộc...

T.S
Bài tác giả gửi PNTB

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.