3021. “PHÉP” SỐNG THỌ CỦA “CON HÙM XÁM ĐƯỜNG SỐ 4”

“PHÉP” SỐNG THỌ CỦA 

“CON HÙM XÁM ĐƯỜNG SỐ 4”

ÔNg Đặng Văn Việt

Nhà văn Nguyễn Khắc Phê

“Con Hùm Xám Đường số 4” là một trong rất nhiều “danh hiệu” mà người đời phong tặng cho “người lính già” Đặng Văn Việt (ĐVV), sau chiến dịch biên giới Cao-Bắc-Lạng (1950). Hồi đó, ĐVV là Trung đoàn trưởng trung đoàn 174 – một trong các trung đoàn chính quy đầu tiên của quân đội nhân dân Việt Nam, đã làm giặc Pháp kinh hồn không chỉ trên đường số 4; ông đã chỉ huy đánh thắng trên trăm trận, nên ông cũng có danh hiệu là “Nã Phá Luân nhỏ”, đối thủ gọi ông là “Un Général, un Maréchal sans étoile” (Một đại tướng, một Nguyên soái không sao); đồng đội thì gọi ông là “Anh hùng dân phong”… Có chuyện “không sao” và “dân phong” vì ông “vướng lí lịch”, nên đã phải sớm chuyển ngành sang Bộ Thủy sản, rồi Bộ Xây dựng.


Gần đây, nhiều cơ quan (như Ban liên lạc Trường Thanh niên tiền tuyến Huế, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam…) đã đề nghị Chủ tịch Nước phong danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang cho ĐVV; đặc biệt, thư của đại tá- anh hùng La Văn Cầu có đoạn viết: “Nếu tôi được phong anh hùng một lần, thì tôi nghĩ thủ trưởng Việt phải được phong nhiều lần (5-10 lần)!…

Chuyện cuộc đời ĐVV là một trường thiên tiểu thuyết, chỉ “trích ngang” thêm lí lịch của ông: Thân phụ ông là cụ Đặng Văn Hướng, đậu Phó Bảng, từng là Bộ trưởng của 3 chính phủ: Bảo Đại, Trần Trọng Kim và Hồ Chí Minh. Ông nội là cụ Đặng Văn Thụy, Hoàng Giáp Tế Tửu Quốc Tử Giám Huế; thân mẫu xuất thân từ họ Hoàng Đạo nổi tiếng ở Hà Nội, trong đó có gia đình ông Trịnh Văn Bô đã ủng hộ Cách mạng 5000 lượng vàng!) ĐVV chính là một trong hai người đã hạ lá cờ nhà vua, treo cờ đỏ sao vàng trên Kỳ Đài Huế trong Cách mạng Tháng 8/1945 và hiện là Trưởng Ban liên lạc “Trường Thanh niên Tiền tuyến Huế” – từ ngôi trường đã có 2 vị là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, một Trung tướng, Phó tổng tham mưu trưởng , 7 Thiếu tướng , nhiều cán bộ cao cấp Quân đội nhân dân Việt Nam!

Vì thế, ông là khách mời của UBND Tỉnh Thừa Thiên Huế về dự Festival 2014 và chắc là vị khách cao tuổi nhất! Dù đã trò chuyện với ông mấy lần, nhưng gặp lại ông bên mấy thùng sách nặng chịch vừa được chuyển vào phòng khách sạn, nghe ông vui vẻ “khoe”: “95 tuổi rồi! Làm cuốn sách tổng kết cuộc đời đây!…” tôi vẫn cứ ngạc nhiên, đến mức thốt lên:

- Trời! Gần trăm tuổi mà trông anh vẫn “phong độ” lắm! Có bí quyết chi, ông anh truyền thụ cho đàn em với! ĐVV vẫn đang “say sưa” với tác phẩm vừa hoàn thành (“Những nốt nhạc thăng trầm một cuộc đời”), lần mở một mục đắc ý để giới thiệu riêng với tôi, có lẽ chưa nghe rõ điều tôi nói, nên tôi hỏi tiếp:

- Nghe nói anh vẫn thường đi “nhảy đầm” phải không?
ĐVV bỗng ngửng lên nhìn tôi, cười ý nhị, tay vẫn chỉ vào trang sách để

- Tôi với chú đều là con nhà Nho, nói chuyện nhảy nhót không đứng đắn, họ cười cho!
ĐVV đang nhẩy đầm

Nói vậy, nhưng khi nghe tôi hỏi lại “bí quyết” giữ “phong độ của mình, ĐVV vừa nói, vừa lật mở cuốn sách:

- Điều ấy tôi cũng đã viết trong này… “Đầu óc luôn thảnh thơi…” ĐVV đã tìm ra trang sách chép bài vè về “bí quyết” sống thọ. Trang sách ấy chép rằng: Trong một buổi họp mừng tuổi năm mới, một bạn cũ trố mắt nhìn ĐVV và hỏi:

- Ấy à, có phải là Đặng Việt đấy không?

- Đúng rồi! Chính tôi!

- Sau hơn 20 năm từ khi về hưu, gặp lại không thấy anh già đi! Trái lại, còn thấy anh trẻ ra! Sao vậy? Bí quyết là thế nào?

ĐVV vui vẻ ôm bạn cũ và trả lời bằng một bài vè ứng tác: “Đầu óc luôn thảnh thơi / Khiêu vũ rồi đi bơi / Luôn vui cùng thơ phú / Còn giờ thì vi vu / Sinh hoạt và sinh lý / Nhịp nhàng và hợp lý / Đời ta là hết ý / Nếu không thì hết hơi!”

Không chỉ trong bài vè, ở Phần “Phụ lục ảnh” gồm trên trăm bức ảnh của cuốn sách, bên cạnh những ảnh tư liệu quý về các chiến dịch, các tướng lĩnh hàng đầu Việt Nam mà ĐVV có…”duyên” cộng tác, ông không ngại “khoe” mấy ảnh chụp với các bạn khiêu vũ tại Câu lạc bộ Thăng Long và Công viên Tuổi trẻ (Hà Nội). Thế là đã quá rõ! Dù vậy, tôi vẫn hỏi thêm:

- Anh tham gia khiêu vũ cho vui, chứ sức đâu…

- Ngày nào tôi cũng khiêu vũ từ 6 đến 8 giờ sáng.

- Thế cháu Hùng chở anh đi à?

- Không! Tôi vẫn phóng chiếc DD “Phượng Hoàng”… Nói thêm với chú, vấn đề quan trọng là phải kết hợp lao động trí óc và lao động chân tay. Từ thời còn sinh viên, hơn 70 năm trước, tham gia sinh hoạt Hướng Đạo, và mãi sau này, tôi đã quen thế rồi, tham gia đội tuyển bóng đá, từng giành giải nhất, nhì quần vợt… Chợt thấy mấy lọ thuốc trên bàn, tôi vội hỏi:

- Anh bệnh gì mà phải uống thuốc đó?

- Không! Đó là mấy lọ thuốc bổ sung cho người già như là “Tảo” (Elkin Spirulina) của hãng Elken Club. Tôi vừa đi khám, huyết áp 120/70, đường máu 5,2, lục phủ ngũ tạng bình thường. Nghe bác sĩ Mai ở Bệnh viện Việt-Xô kết luận: “Chưa biết bác Việt sẽ thoát khỏi cuộc đời này bằng lối nào!” tôi cảm thấy bi quan!!!

Như để tự thưởng cho câu nói khôi hài của mình, ĐVV uống ngụm cà phê, rồi thong thả tiếp lời:

- Nói cho đầy đủ thì muốn thân thể khỏe mạnh thì đầu óc phải tránh “stres”, đừng bị bức xúc hay bất mãn. Chú biết rồi đó, vì lí lịch con quan, 60 năm tôi vẫn chỉ đeo lon trung tá, ở căn phòng 15 mét vuông, trong khi vị chính ủy trung đoàn 174 của tôi lên chức đại tướng, Phó Chủ tịch Nước!

Nhưng thấy đất nước thay đổi nhiều – thì như Huế bây giờ khác hẳn hồi tôi còn học ở đây – nghĩ rằng mình đã góp phần vào đó, thế là vui. Không bi quan, không tiêu cực, luôn trung thành với Dân với Nước, nhưng thấy điều gì không còn thích hợp là tôi nói thẳng… 95 tuổi, ĐVV vẫn giữ nguyên tính cách người “lính Cụ Hồ”, không cúi đầu trước mọi trở lực, nói đến thời cuộc là sôi nổi hẳn lên. Nhưng thôi, đến giờ cơm trưa rồi; cũng để “người lính già” nghỉ ngơi, vì nghe đâu chiều ông còn tìm thăm các cựu chiến binh ở Huế …
( tác giả gửi cho QTXM)

Theo: Quà Tặng Xứ Mưa


Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.