2776.Selden Map of China – Một tấm bản đồ thế kỷ 17 về Biển Đông mới được công bố

Selden Map of China – Một tấm bản đồ thế kỷ 17 về Biển Đông mới được công bố

Theo Vietnam Maritime study 

Một bản đồ quý giá về biển Đông (South China Sea) đã được lưu giữ trong tầng hầm của thư viện Bodleian, Đại học Oxford (Vương quốc Anh) trong nhiều thế kỷ, và chỉ được giới thiệu ra thế giới thời gian gần đây.

Trong một chuyến viếng thăm bảo tàng Bodleain vào năm 2008, TS Robert Batchelor, một nhà nghiên cứu về quan hệ Hoa-Âu thời trung đại tại Đại học Georgia Southern, đã ngay lập tức bị ấn tượng bởi các chi tiết của tấm bản đồ. Ông nhận ra rằng đây là một bản đồ thương mại biển thời Minh. Bây giờ thì bản đồ này đại diện cho một sự thay đổi về nhận thức của chúng ta về các gốc rễ/roots của thương mại toàn cầu.

Sau khi khảo sát tấm bản đồ này, Ông cho biết: “Bản đồ này sẽ trở nên nổi tiếng khắp thế giới, và nó sẽ xuất hiện trong tất cả các sách giáo khoa lịch sử”.

“Selden Map of China”

Selden Map là bản đồ của thương nhân cổ nhất hiện còn được lưu giữ. Nó đã được tặng cho bảo tàng Bodleian vào năm 1659 bởi một nhà sưu tập người London la John Selden, nó đã là chủ đề của một vài cuộc hội thảo, hai cuốn sách và khoảng 50 bài báo khoa học ở phương Tây và Trung Quốc từ khi nó được tái phát hiện.

Vào đầu năm nay (2014), tấm bản đồ đã lần đầu tiên được đưa ra khỏi thư viện Bodleian sau 350 năm, đưa tới Hongkong và hiện đang là tâm điểm của một cuộc triển lãm tại bảo tàng hàng hải của thành phố này.

TS Jiao Tianlong, một chuyên gia hàng đầu thế giới về lịch sử thương mại nhà Minh cho biết: “Đây là phát hiện quan trọng nhất về nhà Minh trong một thế kỷ qua”.

Các minh họa của tấm bản đồ này cung cấp những bằng chứng về các mối quan hệ kinh tế văn hóa đường biển mạnh mẽ của nhà Minh với Đông Nam Á và thế giới Arab. Chúng cũng cho thấy các tuyến hải thương kết nối Trung Hoa với Châu Âu và châu Mỹ. TS Jiao cho biết thêm rằng, “Tấm bản đồ này kể câu chuyện về toàn cầu hóa sơ kỳ”.

Nhà sử học Timothy Brook, tác giả của cuốn “Mr.Selden’s Map of China”cho biết sự tồn tại của tấm bản đồ này viết lại “câu chuyện [trong] sách giáo khoa” về lich su thương mại giữa Âu châu và Trung Hoa đã phát triển như thế nào.

Ông cho biết, câu chuyện cũ giả định rằng “những người châu Âu đến và mang mọi thứ [hàng hóa] trở về; người Trung Hoa là những người thụ động trong việc trao đổi này”. Tuy nhiên, bản đồ này lại gợi ý rằng “người Trung Hoa đã tích cực hướng ngoại và tiến hành trao đổi buôn bán”.

Việc nghiên cứu tấm bản đồ này mới chỉ bắt đầu, nhưng nó được cho là đã được làm ra trong khoảng thời gian từ 1566 tới 1620, sau khi Hoàng đế nhà Minh dỡ bỏ lệnh “Hải cấm”. Có vẻ như là một nhà bản đồ học người Arab hay là chịu ảnh hưởng của Arab đã làm ra tấm bản đồ này cho một thương nhân Trung Hoa có thế lực ở vùng Quảng Châu, vì hầu hết các tuyến hải trình trong tấm bản đồ này bắt đầu từ cảng [Quảng Châu], một trung tâm thương mại quốc tế thịnh đạt trong thời nhà Minh.

Trong bản đồ này, lãnh thổ Trung Hoa chỉ chiém một phần, trong khi biển Đông (South China Sea) chiếm hơn một nửa bản đồ. Nó mô tả chính xác địa lý vùng Đông Nam Á, một khu vực mà người vẽ bản đồ có một kiến thức uyên thâm.

Các đường biên của tấm bản đồ đặt Siberia ở điểm cao nhất, Java và quần đảo hương liệu (thuộc Indonesia ngày nay) ở điểm thấp nhất, Myamar và Ấn Độ ở phía Tây, và Nhật Bản cùng Philipinnes ở phía Đông.

Có hơn 60 cảng thị được ghi bằng Hán tự, rải rác cùng các đặc trưng về thực vật và địa hình (có hình vẽ mô tả). Các hướng đi tới Vịnh Ba Tư nằm ở góc của bản đồ. Sau khi tấm bản đồ này thuộc về bộ sưu tập của bảo tàng Bodleian, các ký tự Latin và Hán đã được thêm vào bởi quản thư và học giả Trung Hoa.

 Việt Nam trong “Selden Map of China”
Selden Map Bien Dong
Hình thể của Việt Nam được mô tả khá chính xác so với hiện nay. Các đại điểm được ghi chú trên bản đồ như東京 Đông Kinh (Hà Nội), 清花 Thanh Hóa, 新安 Tân An (Nghệ An), 布政 Bố Chính (Quảng Bình), 順化 Thuận Hóa (Huế), 廣南 Quảng Nam, 新洲 Tân Châu (tương đương khu vực Bình Định, Phú Yên), 占城 Chiêm Thành (tương đương với Ninh Thuận, Bình Thuận)…

Khu vực Biển Đông được vẽ ghi chú với hai cụm đảo tương đương với khu vực của Hoàng Sa và Trường Sa ngày nay. Ở vị trí của quần đảo Hoàng Sa được ghi chú 萬里長沙似船帆樣 Vạn Lý Trường Sa tự thuyền phàm dạng (Vạn Lý Trường Sa hình tựa như cánh buồm). Ở vị trí của quần đảo Trường Sa ghi chú 萬里石塘 Vạn Lý Thạch Đường.

Tấm bản đồ cho thấy, từ nam Trung Hoa các thương thuyền quốc tế có thể đi theo hai hải trình để tới eo biển Malacca và từ đó đi về Ấn Độ Dương:

Tuyến đường thứ nhất là tuyến Đông biển Đông, đi men theo ven bờ phía Tây của quần đảo Philippines, rồi từ đó dong buồm xuống phía nam tới vùng “quần đảo hương liệu” thuộc Indonesia. Tại đây lại có thể đi theo các hải trình ngắn và phức tạp hơn để đi xa hơn nữa về phía các đảo phía Đông – Nam. Sau đó các thương thuyền có thể đi tiếp về Ấn Độ Dương ở phía Tây qua hai eo biển chính là eo Mallaca và eo Sunda.

Tuyến đường thứ hai là tuyến Tây biển Đông, các thương thuyền băng qua Vinh Bắc Bộ về hướng 廣南 Quảng Nam được định vị từ khu vực đảo Hải Nam đi theo hướng 坤未 Khôn Vị đến hướng Thìn (至辰) lấy đảo Lý Sơn – Quảng Ngãi làm mốc định vị. Từ đảo Lý Sơn – Quảng Ngãi tiếp tục men theo bờ biển Việt Nam nhắm hướng mũi Kê Gà thuộc Bình Thuận ngày nay. Từ mũi Kê Gà, tiếp tục tỏa đi nhiều khu vực khác theo 4 đường. Từ đó có thể đi tới vùng cửa sông Mekong và ngươc theo dòng Mekong để tới vùng Đồng bằng Sông Cửu Long theo hướng 坤申 Khôn Thân.(*) Từ mũi Kê Gà, các thương thuyền cũng có thể đi theo hải trình về phía Tây tới Vịnh Siam và các cảng thị ở đây (**). Một tuyến hải trình quan trọng từ Mũi Kê Gà là các thương thuyền đi về phía Nam tới eo Malacca hoặc “quần đảo hương liệu”, rồi từ đây đi tiếp về phía Tây tới Ấn Độ Dương.

Bản đồ Selden cho chúng ta biết được cách gọi tên Hán tự các địa danh nằm trong mạng lưới giao thương quốc tế Đông Á thời Minh. Rất tiếc có nhiều chữ viết trên bản đồ bị mờ nên chưa thể đọc chính xác được. Hy vọng có những hình chụp chi tiết và rõ hơn tám bản đồ này để có thể đọc được các chữ còn mờ.

Click vào đây để xem chi tiết về bản đồ Selden Map of China

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.