2734.Thực hư câu chuyện “Đừng đốt Nhật ký Đặng Thùy Trâm” (?)

Thực hư câu chuyện 

“Đừng đốt Nhật ký Đặng Thùy Trâm” (?)


Phùng Hoài Ngọc
Tôi vừa đọc cuốn hồi ký tự truyện “Chuyện nghề của Thủy” của hai tác giả: Lê Thanh Dũng và đạo diễn Trần Văn Thủy do Nhà xuất bản Hội nhà văn ấn hành, tái bản lần 1 năm 2013.

 Rất nhiều thú vị khi đọc cuốn sách tuyệt vời của đạo diễn phim tài liệu nổi tiếng (chủ yếu với hai bộ phim Hà Nội trong mắt ai và Chuyện tử tế). Có thể nói, đạo diễn Trần Văn Thủy là nhà đạo diễn đầu tiên đổi mới nghệ thuật trước khi Đảng đành phải đổi mới.

 Ở đây, tôi chỉ muốn bàn về một chi tiết nhỏ trong cuốn sách đó: đoạn viết về bác sĩ Đặng Thùy Trâm, trong phần Bốn. Trên đường cuốc bộ gian khổ vượt Trường Sơn, ông Thủy có dịp cùng đi một đoạn đường với bác sĩ trẻ Đặng Thùy Trâm. Đạo diễn kể tới tám trang về người đồng đội đặc biệt này và những suy ngẫm khi biết tin cuốn Nhật ký của bà Trâm được một cựu sĩ quan Mỹ trả lại và xuất bản.

 Tôi giật mình đọc đoạn ông Trần Văn Thủy nêu ra nghi ngờ về câu nói nổi tiếng được cho là của viên trung sĩ Nguyễn Trung Hiếu “Đừng đốt, trong ấy đã có lửa”, ông viết:

 Không biết ai là người đầu tiên nói rằng khi những người lính phía bên kia giết chị Đặng Thùy Trâm và lấy cuốn Nhật ký của chị, một người lính Mỹ định đốt cuốn nhật ký, viên hạ sĩ quan quân đội VNCH Nguyễn Trung Hiếu đã nói “Đừng đốt, trong ấy đã có lửa” . Có thật anh ấy nói câu ấy không? Hơi khó tin, cái câu chữ sặc mùi chính trị…. Viên trung sĩ một người rất kiệm lời mà có một câu mỹ miều đầy tính sân khấu ấy chăng, nhất là giữa chiến trường ác liệt?… Nếu có lửa thì là do ai đó, có thể là một người mê cải lương, đưa vào mà thôi (trang 67, 68 – Chuyện nghề của Thủy).

 Trần Văn Thủy còn dẫn lại ý kiến nhà thơ Thanh Thảo “Nếu chị Trâm còn sống ngày hôm nay, tôi chắc chắn chị không cho in cuốn Nhật ký”.

 Tôi kiểm tra thêm lần nữa qua Wikipedia, nhân tiện ôn lại câu chuyện. Wiki ghi sơ lược về tác giả Nhật ký như sau:

 Đặng Thuỳ Trâm sinh ngày 26 tháng 11 năm 1942 tại Huế trong một gia đình trí thức Hà Nội. Bố là bác sĩ ngoại khoa, mẹ là dược sĩ, giảng viên trường Đại học Dược Hà Nội.

 Tốt nghiệp trường Đại học Y khoa Hà Nội năm 1966, Thùy Trâm tham gia Quân đội Nhân dân Việt Nam với tư cách là một bác sĩ quân y và được điều vào công tác ở Đức Phổ, chiến trường Quảng Ngãi trong chiến tranh Việt Nam.

 Vào Đảng Cộng Sản Việt Nam ngày 27 tháng 9 năm 1968.

 Đặng Thùy Trâm hy sinh ngày 22 tháng 6 năm 1970. Hài cốt bà được mai táng tại nơi hy sinh, sau thống nhất được đưa về Nghĩa trang liệt sĩ xã Phổ Cường. Năm 1990, được gia đình đưa về Nghĩa trang liệt sĩ Xuân Phương,Từ Liêm, Hà Nội.

 Hai tập nhật ký còn lại được viết từ ngày 8 tháng 4 năm 1968, khi tác giả phụ trách bệnh xá Đức Phổ, cho đến ngày 20 tháng 6 năm 1970, hai ngày trước khi hy sinh.

 Nội dung quyển sách là những suy nghĩ, cảm xúc của tác giả về gia đình, xã hội và cuộc chiến, khi trực diện với sự sống, cái chết đang diễn ra.

 Hai tập nhật ký do Frederic Whitehurst, cựu sĩ quan quân báo Hoa Kỳ, lưu giữ cho đến ngày được trả lại cho gia đình tác giả vào cuối tháng 4, 2005. Ông này đã giữ lại quyển nhật ký mà không đốt đi, vì theo lời của thông dịch viên, thượng sĩ Quân lực Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Trung Hiếu, trong cùng đơn vị: “Fred, đừng đốt cuốn sổ này, bản thân trong nó đã có lửa.”

Quyển sách được Nhà xuất bản Hội Nhà văn liên kết với Công ty Cổ phần Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam cho ra mắt nhân dịp kỉ niệm ngày Thương binh liệt sĩ (27 tháng 7) năm 2005 của Việt Nam. Đến tháng 3 năm 2006, quyển sách này đã bán được hơn 400.000 bản – được xem là một hiện tượng văn học. Hiện tại cuốn Nhật ký được lưu giữ tại Viện lưu trữ về Việt Nam ở Lubbock, Texas, Hoa Kỳ.
 **
“Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm” là quyển sách do nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn biên tập, giới thiệu từ hai tập nhật ký viết tay của bác sĩ liệt sĩ anh hùng Đặng Thùy Trâm.

 Người biên tập cuốn Nhật ký, ông Vương Trí Nhàn không nói rõ ai nói câu đó, chính xác như thế nào, trong hoàn cảnh nào. Hẳn là Frederic Whitehurst người giữ cuốn nhật ký đã nói, nhưng nói với ai, viết ở đâu ? Câu nói độc đáo của ông Nguyễn Trung Hiếu khiến bao người xưa nay thấy dạt dào cảm xúc, hởi lòng hởi dạ, cảm động đến mức không nhận thấy sự phi lý của lời nói ấy.

 Chúng tôi thử tưởng tượng hoàn cảnh phát sinh lời nói của ông Hiếu như sau:

 Sau trận càn quét vào khu bệnh xá Đức Phổ nơi BS Trâm phụ trách, quân Mỹ thu dọn chiến trường. Họ thu nhặt tất cả giấy tờ, sổ sách và những thứ gọi là tài liệu của đối phương. Những tài liệu nào bằng tiếng Việt đều được giao cho trung sĩ Nguyễn Trung Hiếu (làm nhiệm vụ thông dịch viên cho quân đội Mỹ) xem xét báo cáo cho sĩ quan quân báo Mỹ phụ trách lúc ấy là Frederic Whitehurst. Những tài liệu có giá trị giúp quân Mỹ tìm hiểu đối phương, phục vụ cho các trận càn quét thì được giữ lại để khai thác. Tài liệu nào không cần thiết thì đốt bỏ. Hẳn là sau khi đọc sơ qua hai tập Nhật ký của BS Trâm, một kẻ thù đã bị giết, ông Hiếu không khỏi ngạc nhiên và có những cảm xúc mạnh. Khi báo cáo sơ bộ lần lượt từng tài liệu thu gom được với sĩ quan Frederic Whitehurst (gọi thân mật là Fred), giở đến hai tập nhật ký, ông Hiếu nói:
-          Đây chỉ là nhật ký riêng tư của nữ bác sĩ Trâm, người phụ trách bệnh viện đã tử trận. Hai cuốn tập này không có thông tin gì về bí mật quân sự.
Frederic Whitehurst  nói:
-          Thế thì đốt bỏ đi.
Ông Hiếu nói tiếp:
-          Đừng đốt, cuốn nhật ký này cũng lạ lắm. Nếu Fred muốn biết thêm về cuộc đời và tâm trạng của một nữ Việt cộng trẻ tuổi người Hà Nội thì giữ lại đọc sau, cũng không vô ích đâu.

Tôi không nghĩ rằng hai người lính Mỹ Việt đồng tình giữ lại nhật ký với mục đích sau này trao lại cho gia đình người xấu số. Bởi lẽ đơn giản: bản thân họ cũng không tin chắc sống sót được qua cuộc chiến tranh khốc liệt chưa có dấu hiệu nào sắp chấm dứt. Lúc ấy mới là tháng 6 năm 1970.

 Tin lời của thông dịch viên Nguyễn Trung Hiếu, viên sĩ quan quân báo kia đã giữ lại tập nhật ký. Khi trở về Mỹ, anh ta mang 2 tập vở viết tay đó về quê, nhờ người dịch ra tiếng Anh. Đọc nhật ký qua tiếng Anh, anh cũng rất cảm động, thỏa mãn chí tò mò và về sau tặng cho một Trung  tâm nghiên cứu Việt Nam của một trường đại học ở Texas. Rồi anh lại công phu sang Việt Nam tìm lại gia đình Đặng Thùy Trâm.

 Bây giờ chúng ta thử gắn câu nói “Fred, đừng đốt cuốn sổ này, bản thân trong nó đã có lửa” như loan truyền, vào cuộc đối thoại trên và đọc lại xem sao.

 “…ông Hiếu nói:
-          Đây chỉ là nhật ký riêng tư của nữ bác sĩ Trâm, người phụ trách bệnh viện đã tử trận. Hai cuốn tập này không có thông tin gì về bí mật quân sự.
Frederic Whitehurst  nói:
-          Thế thì đốt bỏ đi.
Ông Hiếu nói tiếp:
-          Đừng đốt, bản thân nó đã có lửa rồi”.
 Bạn đọc thử so sánh hai đối thoại xem cái nào hiện thực, cái nào hư cấu?

 Một cuộc đối thoại bình thường sẽ theo quy luật nhân quả. Câu trước tạo điều kiện, lý do phát sinh ra câu sau – câu ứng đáp, cứ tiếp tục như thế đến khi chấm dứt đối thoại. Hai người lính, Mỹ và Việt, đang làm công việc xem xét tài liệu thu lượm của đối phương. Đó là một công việc nghiêm túc, không thể nói giỡn chơi hoặc bỗng nhiên cao hứng lạc đề được. Câu nói của thông dịch viên (như được loan truyền) như thế là trật ra ngoài mạch đối thoại. Nghe như câu nói của một người mộng du, hay một thi nhân làm thơ ngẫu hứng…Trong nghệ thuật văn chương, Hemingway nhà văn Mỹ đạt giải Nobel ưa viết những “đối thoại khập khễnh” được gọi là “nghệ thuật đối thoại tảng băng trôi”. Đối thoại kiếu này rất công phu, thường bỏ qua các quy tắc đối thoại thông thường. Người đọc phải bận tâm cố suy ngẫm mới hiểu được….Giới phê bình văn học từng ca ngợi lối viết đối thoại độc đáo của nhà văn Hemingway. Nhưng đó là chuyện văn chương.

 Lại tưởng tượng một chút, sau khi cuộc chiến tranh bi thảm trôi qua khá lâu, anh cựu binh Mỹ nghiền ngẫm kỹ và cảm thấy “có lửa” trong cuốn sách này. Đó là ngọn lửa tâm hồn của một nữ bác sĩ quân y trẻ giữa cuộc chiến, lửa yêu đời, lửa nhớ quê hương người thân, lửa tình yêu nam nữ, lửa tình cảm đồng đội, lửa yêu nước, lửa căm thù giặc…. Khi báo chí Mỹ bùng nổ thông tin về cuốn Nhật ký, có thể anh đại tá cựu binh Frederic Whitehurst đã nói cảm nghĩ ấy với ai đó trên báo chí. Lúc này anh cựu binh mang tâm trạng một nhà thơ, không còn là sĩ quan quân báo Mỹ thời chiến tranh nữa. Một câu nói ngẫu hứng lúc nào đó, rồi tam sao thất bản loan truyền. Có thể, Frederic đã có cảm hứng thi sĩ khi gán câu nói cho thông dịch viên Nguyễn Trung Hiếu, hoặc ai đó đã gán vào Nguyễn Trung Hiếu (Tôi không nghĩ như đạo diễn Trần Văn Thủy “cái câu chữ sặc mùi chính trị”, và có thể là một người mê cải lương đưa câu nói ấy vào”).

 Nói vậy, nhưng tôi không có ý phàn nàn gì về ông Frederic Whitehurst. Trái lại chúng ta ai nấy đều ghi nhận tinh thần quý trọng đối phương của ông sĩ quan Mỹ đã gìn giữ cuốn nhật ký hiếm hoi quý giá của người Việt, ông là một người cựu chiến binh nhưng chẳng phải một kẻ võ biền, ông còn biết thương hoa tiếc ngọc (đồng đội Nguyễn Trung Hiếu cũng là người như vậy). Người sĩ quan Mỹ kia còn  nhờ người dịch sang tiếng Anh, lại tốn nhiều công phu đi tìm gia đình bác sĩ Trâm để trả lại di vật người con gái đáng thương của họ.

 Nói vậy, tôi chỉ phàn nàn ông Vương Trí Nhàn người tổ chức biên soạn Nhật ký, viết Lời giới thiệu cho sách mà không dẫn chính xác nguồn câu nói đầy chất thơ, thiếu chất thực được cho là của trung sĩ thông dịch viên Nguyễn Trung Hiếu. Tôi cũng phàn nàn báo chí nước ta từ hồi năm 2005 thường truyền lại “câu nói bất hủ” ấy mà chẳng có nhà báo nào tìm được nguồn chính xác. Chỉ có hai người biết rõ: Nguyễn Trung Hiếu và Frederic. Bây giờ muộn quá rồi, khó mà xác minh. Mà cũng chẳng còn cần thiết nữa.

 Qua báo chí được biết gia đình chị Trâm được mời sang Mỹ nhận lại di vật của chị Trâm, hai người em gái đã cùng với phóng viên Uyên Ly cố gắng tìm bằng được cựu trung sĩ Nguyễn Trung Hiếu lúc ấy đang sống ở Mỹ, trong một căn hộ chung cư. Ông Hiếu cố ý tránh gặp nhưng cuối cùng ông chẳng đặng đừng… Sau đó chị Trâm em không kể lại đầy đủ cuộc gặp gỡ và không đả động “câu nói nổi tiếng” được cho là của ông Hiếu.

***
 Để hiểu rõ hơn về ông Nguyễn Trung Hiếu, xin tham khảo thêm hai bài báo của nhà báo Uyên Ly về cuộc tìm gặp ông Hiếu ở Hoa Kỳ:

 Những cuộc trò chuyện lúc 0 giờ
Hành trình đi tìm Nguyễn Trung Hiếu – kỳ 1 

 Nguyễn Trung Hiếu (California)  
Nguyễn Trung Hiếu, Nguyễn Trung Hiếu, cái tên ấy lặp đi lặp lại trong tâm trí tôi cả ngày lẫn đêm kể từ khi Fred phác họa chân dung của ông cho tôi nghe. Một tình cảm kỳ lạ luôn thôi thúc chúng tôi tìm gặp được ông để nói về việc ông đã làm cách đây 35 năm, và điều đó không bị quên lãng.

“Tôi là Hiếu đây!”

Đêm 4-9, cầm số điện thoại của Mỹ, mã vùng California trong tay, tim đập mạnh. Tôi nhấn cẩn thận từng con số mà mình đã thuộc lòng. Không liên lạc được vì số không đúng, lo quá. Nhìn kỹ bàn phím, nhấn lại lần hai. Tiếng chuông reo phía đầu dây bên kia. Thêm một hồi chuông reo nữa. “Alô?” – giọng một người đàn ông miền Nam. Linh cảm mách bảo đó đúng là người cần tìm. Tôi dùng cách xưng hô thân mật nhất có thể:
- Xin lỗi, có phải chú Hiếu không ạ?
- Phải, tôi là Hiếu đây…
Ôi trời, hình như tôi đang ngồi trên máy bay và bị đột ngột rớt độ cao.
- Có phải chú Nguyễn Trung Hiếu không ạ?
- Vâng, tôi đây!

Tôi không thở nổi, tai lùng bùng.

Giọng nói của ông trầm và ấm, chậm rãi nhưng đầy cảnh giác. Nhớ lại lời mô tả của Fred về thân phận của những người phiên dịch trong chiến tranh, tôi hình dung ra một người đàn ông thấp, đậm, khuôn mặt hằn những nếp suy tư che giấu ký ức.

Trong cuộc điện thoại đầu tiên ấy, tôi tự giới thiệu mình là phóng viên trẻ của báo TS và với tất cả tình cảm của mình, tôi kể về hành trình của cuốn nhật ký của một người nữ bác sĩ mà có lẽ ông còn nhớ.

Ông Hiếu xưng hô rất lịch sự, nhưng đáp lại với vẻ đề phòng, rằng ông có đọc cuốn nhật ký rất hay từ cách đây mấy chục năm. “35 năm rồi phải không?” – ông Hiếu nói một cách chính xác, rồi như sực nhớ điều gì, ông lại bảo: “Tôi không nhớ rõ vì đã lâu quá rồi”.

Tôi bộc lộ rằng gia đình người viết cuốn nhật ký rất biết ơn ông, người sĩ quan Mỹ từng làm việc bên ông cũng đã khóc khi kể về ông và những kỷ niệm chiến tranh. Tôi nhắc đến tên Frederic.

Ông Hiếu nghĩ một thoáng rồi nói: “Tôi không nhớ tên anh ta”. Tôi nhắc lại: “Ông ta tên là Frederic Whitehurst”. Ông Hiếu nói: “À, tôi nhớ đó là tay Whitehurst”.
\
Tôi bảo: “Chú đã bảo ông ấy giữ lại cuốn nhật ký, đó là một hành động dũng cảm và có thể chú sẽ gặp nguy hiểm phải không?”

Ông Hiếu lạnh lùng: “Chuyện chiến tranh súng đạn, tôi không muốn nhắc tới”.

Tôi thay đổi cách tiếp cận, bày tỏ tình cảm và niềm vui của mình khi tìm được ông và ngỏ ý muốn gửi cho ông những thư từ, tài liệu ở VN như cuốn nhật ký, những bài báo viết về ông. Nguyễn Trung Hiếu rất quan tâm và đồng ý cho địa chỉ khu nhà (nhưng không cho số nhà).

Tôi đột ngột hỏi: “Chú có nhớ nhà không?”. Ông Hiếu im lặng một lát, rồi nói: “Gia đình tôi không còn ai ở VN. Những chuyện quá khứ tạm thời tôi không muốn nghĩ tới nữa. Tôi đang bận!”. Cúp máy.
Phóng viên Uyên Ly (báo TS)  

Vừng ơi, mở ra

 Cảm giác cô đơn của ông Hiếu lên đến cùng cực vào đêm 7-9. Qua điện thoại, ông Hiếu nói: “Với tôi bây giờ, cuộc đời không có gì là đáng tin nữa. Mấy chuyện chính trị tôi không quan tâm. Đến cả tình người, không có gì là đáng tin hết. Tôi nói chuyện đó với cô, xin lỗi, như một con người trần truồng ra mà nói với nhau đây. Tôi đọc cho cô nghe hai câu thơ này: Hôm qua tôi chết một lần. Hôm nay tôi chết thêm lần nữa”.

Những lời ấy làm nhói tim tôi. Đêm đó về nhà, tôi không ngủ được, nỗi buồn và những câu hỏi về thân phận chiến tranh cứ day dứt trong tôi. Không thể như vậy được.

Nguyễn Trung Hiếu cần được chia sẻ. Tình cảm của ông về quê hương và gia đình vẫn luôn tràn đầy. Niềm tin đó dẫn đường cho tôi trong những cuộc điện thoại lần sau cho dù có lúc ông tỏ ra xa lạ và bất cần.

Mở đầu câu chuyện lúc 0g, ông thường hỏi: “Thật ra ở VN muốn gì?”. Tôi trấn an ông bằng những giọt nước mắt và nụ cười trong chuyến trở về VN của Fred, bằng sự quan tâm của người VN đối với ông, bằng lòng mong muốn được nói lời cảm ơn của người mẹ vừa tìm lại được con gái đã mất.

Những cuộc điện thoại lúc nửa đêm đã trở thành thói quen. Chúng tôi chia sẻ những gì về cuộc sống hiện tại ở Mỹ, ở VN, chuyện công việc, gia đình. Tôi thu thập từng bài thơ, bài báo mà tôi cho rằng ông quan tâm và đọc cho ông nghe qua điện thoại, gợi lại dần dần những câu chuyện quá khứ để tránh tổn thương cho ông.

Cho đến một ngày, ông bảo: “Tôi ở đây 20 năm rồi mà không có bạn bè. Có cô như một người bạn ở VN gọi tới, tôi rất cảm kích. Dần dần tôi sẽ kể cho cô nghe những câu chuyện buồn”.

Tôi lái xe về nhà với một niềm lạc quan mới được nhen nhóm, bắt tay vào viết cho ông lá thư đầu tiên bày tỏ niềm tin trước sức sống mãnh liệt của tình người và kết thúc có hậu sẽ đến với những tấm lòng thiện. Sau đó tôi gửi lá thư ấy tới địa chỉ đầy đủ mà ông vừa cho tôi.
Tôi biết mình sắp bắt đầu cuộc hành trình mới…

UYÊN LY

Ban biên tập TS quyết định cử nữ phóng viên Uyên Ly sang Mỹ. Nhưng một ngày trước khi Uyên Ly lên máy bay, Nguyễn Trung Hiếu từ chối: “Tôi không muốn gặp cô. Tôi mến cô, nhưng tôi sợ người ta sẽ “bụp” cô…”.

Nữ phóng viên Uyên Ly vẫn lên máy bay và bắt đầu bước đi trên “cây cầu bắc qua dòng sông cay đắng” (lời Fred).

Hành trình đi tìm Nguyễn Trung Hiếu – Kỳ 2: đọc ở đây.
Hai chị Hiền Trâm và Phương Trâm trao cho ông Nguyễn Trung Hiếu cuốn Nhật ký Đặng Thùy Trâm tại nhà ông Hiếu ở California – Ảnh Uyên Ly

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.