2576.Ý thức hệ chỉ là giai đoạn thôi, tổ quốc mới trên hết

Ý thức hệ chỉ là giai đoạn thôi, 

tổ quốc mới trên hết

Mặc Lâm
Nhà văn Tô Nhuận Vĩ
Tập sách “Bản lĩnh văn hóa, các bài viết và tiểu luận” của Tô Nhuận Vỹ, nguyên Tổng biên tập của Tạp chí Sông Hương dày 243 trang gồm 18 bài viết trong đó ghi lại một quãng thời gian khá dài con đường mà tác giả đã đi qua với cái nhìn của một nhà văn, nhà báo, và có thể nói ông cũng là một trong những người gan góc trong một chặng đường đổi mới cho văn học Việt Nam qua tạp chí Sông Hương.

Với nền dân chủ trong nước, Tô Nhuận Vỹ cùng tờ Sông Hương đã một thời vực dậy khái niệm này trong lòng người nông dân qua các phóng sự của một vùng đất cô độc nông sơ. Cho tới những cuộc thảo luận đầy sức nóng qua chủ đề “chính trị và văn nghệ” đã đẩy tạp chí này vào sự cô lập, đánh phá của những người nhân danh văn nghệ sĩ mà lịch sử văn học hiện đại đã từng gặp trong trận chiến Nhân văn Giai phẩm trước đây.

“Bản lĩnh văn hóa, các bài viết và tiểu luận” của Tô Nhuận Vỹ được nhà xuất bản Tri Thức phát hành có lẽ đem lại cho người quan tâm một đoạn đường tranh đấu cho dân chủ và ý thức trách nhiệm của người cầm bút, biết thêm những gắn bó mà người trong cuộc có cơ hội va đập với những lực cản mà chính ông nhận định là biết sai nhưng vẫn cố làm vì háo danh, tham lam vị trí trên chiếc chiếu đã ố vàng chính trị.

Mặc Lâm có cuộc trao đổi với tác giả cuốn sách, do thời gian hạn hẹp xin được tập trung vào chương “Tạp chí Sông Hương và bản lĩnh văn hóa” để người yêu sách có thêm cơ hội biết thêm những gì đã xảy ra cho tạp chí này.

Ưu tiên vấn đề dân chủ

Mặc Lâm: Thưa ông, khi về nhận trách nhiệm Tổng biên tập của tạp chí Sông Hương việc gì ông nghĩ là tờ báo này phải thay đổi và những chuyển biến ấy đã diễn ra như thế nào?
Tô Nhuận Vỹ: Ngay bản thân của Sông Hương lúc đó khẳng định một đường hướng của lúc đầu tiên thì chỉ lờ mờ chỉ ra cái hướng chính. Phương hướng mà chúng tôi phấn đấu ở các nội dung là “Cái cũ phải sâu, cái mới phải mạnh mẽ và nhìn ra thế giới”. Cái mới phải mạnh mẽ là sao? Không phải là dữ tợn, nhưng cái mới đối với Sông Hương không thể công khai trên báo chí ở mục này, mục kia, công khai nhiều điều… nhưng cái mới của nó chúng tôi cho rằng phải tập trung đặc biệt đối với tờ Sông Hương là chú ý tới vấn đề dân chủ đối với trí thức và trong xã hội.

Thực ra ưu tiên nhất là vấn đề dân chủ, những sự kiện nóng bỏng trong cuộc sống. Lúc đó chúng tôi đăng những bài đầu tiên theo cái mới như sau này đang xảy ra. Tôi cử phóng viên đi viết các bài theo chủ điểm thời sự này và chỉ đạo cụ thể. Một ví dụ là loạt bài “Luận chứng những tâm hồn đa cảm” về sự mất dân chủ ở vùng bán sơn địa Phong sơn hoặc với xã hội và trí thức trong bài “Vòng tròn Vĩnh cửu”. Hoặc Theo thuyền đánh cá mập, Cà xèng chon von… Đó là những chấn động đầu tiên ở báo chí Bình Trị Thiên lúc này. Sông Hương không phải là báo hằng ngày, lúc đó hai tháng mới ra một lần nhưng lần đầu tiên nói tất cả những bất mãn của nông dân đối với lãnh đạo về vấn đề dân chủ, nó bắt đầu vỡ ra khi loạt bài đó xuất hiện.

Bắt đầu là chấn động dữ, chấn động ngay bài đầu tiên và chúng tôi cho rằng cái mới nó mạnh mẽ nhiều thứ, tuy nhiên được chú ý trong mạnh mẽ ấy ngay từ đầu chúng tôi nghĩ là dân chủ. Tiếp sau đó là chủ đề “vòng tròn vĩnh cửu” đối với trí thức, với tất cả những cái gì không đúng. Lúc đó vấn đề dân chủ tất nhiên nó không mạnh mẽ như bây giờ, dữ dội như bây giờ nhưng so với lúc đó thì ghê gớm lắm.

Mặc Lâm: Trong những hoạt động đầy thử thách ấy ông nghĩ rằng điều gì khó khăn nhất mà Sông Hương phải gặp và đối phó?

Tô Nhuận Vỹ: Tôi xin nói với anh Mặc Lâm, cái khó trước hết là ngay trong văn nghệ, ngay trong Sông Hương. Bởi vì bao nhiêu năm trời người ta quen theo một cách rồi. Những người đố kỵ, sợ hãi ở ngay trong Sông Hương và trong Hội Văn học nghệ thuật, chưa nói tới những cơ quan khác.

Tạp chí Sông Hương
Bây giờ cũng vậy, những chủ trương lớn đưa ra trong văn học thì trước hết bị phản ứng từ ngay những cái cũ kỹ, ngay trong văn nghệ, trong đội ngũ văn học. Lúc đó Sông Hương bị thế này, thế kia người ta cho rằng vì bài này, bài kia nhưng trong thực tế tôi xin nói với anh Mặc Lâm là những bài “có vấn đề” thì Sông Hương có hơn 30 bài.

Ví dụ như bài của Trần Vàng Sao “Người đàn ông 43 tuổi nói về mình” hay “Nhìn từ xa Tổ quốc” của Nguyễn Duy, “Huyền thoại Mẹ” của Trịnh Công Sơn, hoặc là loạt truyện ngắn và kịch của Nguyễn Huy Thiệp (Kịch Nguyễn Thái Học)… Sau này in thành sách Nguyễn Huy Thiệp, tác phẩm và dư luận. Những bài loại đó đều có sức công phá. Tuy nhiên, các loại bài “bùng nổ” đó, có người công kích thì cũng có người quý hóa. Cái mà khi động đến là “bị” dính đòn toàn diện là khi chạm đến quan hệ giữa văn nghệ và chính trị.

Mặc Lâm: Thưa ông vừa nói tới quan hệ giữa chính trị và văn nghệ làm tôi nhớ Sông Hương đã từng công khai về vấn đề rất cấm kỵ này, ông vui lòng cho biết thêm chi tiết câu chuyện đó như thế nào?

Tô Nhuận Vỹ: Khi tôi tổ chức cuộc trao đổi quan hệ giữa chính trị và văn nghệ mở mục trao đổi này trên tạp chí Sông Hương, kéo dài trong mấy số, thật sự cái gót chân Asin (Achilles) trong tổ chức Đảng Cộng sản đối với văn học là cái này. Trước đó, cốt lõi của bài nói chuyện của Mao Trạch Đông ở Diên an đã như một kim chỉ nam trong đầu óc nhiều người lãnh đạo Văn nghệ. Nhiều tác giả có tiếng gan góc như Lại Nguyên Ân, Phạm Xuân Nguyên,Nguyễn đăng Mạnh… rồi cả Trần Độ nữa, tham gia vào cuộc trao đổi này. Chỉ mới khởi đầu thôi nhưng đúng vô “chỗ hiểm”, lập tức Tạp chí Cộng sản có bài phê phán chúng tôi ngay.

Thực ra đến bây giờ lúc nào muốn có đổi mới trong văn nghệ cũng vẫn là giải quyết mâu thuẫn giữa hai phạm trù này. Nó là hai chứ không phải là một. Nó liên quan đến nhau nhưng là hai mà người chính trị cũ kỹ thì luôn muốn là một.

Tôi muốn xây dựng, khát khao đóng góp một điều gì đó phải hơn, đúng hơn. Nhiều anh em trong Sông Hương lo ngại là chính vì lúc đó họ huy động cả đến chị em chợ Đông Ba ra mà đánh Sông Hương, lúc đó chúng tôi rất cô đơn.

Giai đoạn đầu có một số tờ báo ở phía Nam, như Tuổi Trẻ và kể cả Sài Gòn Giải phóng thời Tô Hòa, rồi chỗ Kim Hạnh của Tuổi Trẻ. Đợt hai mới căng, mới bắt đầu các vụ quan hệ chính trị văn nghệ. Họ dẹp trong kia, dẹp một số anh em mạnh mẽ lúc đó. Tuy bị đánh tôi vẫn bảo lưu ý kiến. Trong thực tế, tôi không làm được gì nhiều, tuy nhiên tôi có điều là kiên định, kiên định là khó nhất.

Không trách lời nói chân thành

Mặc Lâm: Qua giai đoạn bị đánh, bị cô lập và thậm chí mất như gần hết người ủng hộ, ông nhận xét thế nào về những cá nhân đã nhúng tay vào việc trù dập Sông Hương?

Tô Nhuận Vỹ: Trong các ứng xử xung quanh vụ Sông Hương có những người họ đánh một cách chân thành, tôi không trách, họ nghĩ là tôi đang chống tổ quốc, coi chừng ở nước ngoài nó điều khiển. Nhưng lý luận văn học thì họ hoàn toàn không được học một ngày, không hiểu một cái gì cả cho nên tôi không trách những người đó.

Tôi trách những người thường ở trong văn nghệ hay đổ thừa cho tuyên huấn và công an. Trong tuyên huấn và công an nhiều người có được học đâu? Nhưng nếu tuyên huấn có loại được học, học mà cuối cùng cũng không hiểu, hiểu mà không chịu làm theo cái hiểu của mình thì điều đó không được và đáng trách nhất. Đối tượng mà tôi phải vượt qua, khó nhất là số người đó. Tôi tránh là chính, tránh để thực hiện việc của mình vì thế cho nên thường thường khi tôi làm Tổng biên tập tôi không coi thường mọi người, nhưng vì có quy định lúc đó của Ban bí thư dựa vào Luật báo chí là Tổng biên tập chịu trách nhiệm tất cả từng chữ trước pháp luật.

Nhà văn Tô Nhuận Vỹ (trái), nhà văn Nguyễn Đắc Xuân cùng các văn nghệ sĩ tại Huế biểu tình phản đối Trung Quốc hôm 11/5/2014
Tôi dựa vào đó mà làm và không báo cáo cho bất cứ ai. Khi ra cuốn sách “Nguyễn Huy Thiệp, tác phẩm và dư luận” thì tôi không xin phép ở Sở văn hóa thông tin Bình Trị Thiên, bởi vì nó sẽ báo cáo lên Ban tuyên giáo. Tôi liên kết với nhà xuất bản Trẻ với Trương Văn Khuê, tôi chịu trách nhiệm nội dung.

Bình thường lúc đó, Nguyễn Khoa Điềm đã đánh giá truyện của Nguyễn Huy Thiệp là một mặt bằng khác của truyện ngắn Việt Nam, tức là bản thân Điềm, Điềm đã biết giá trị của truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp nhưng nếu tôi xin phép ra sách của Nguyễn Huy Thiệp thì Điềm sẽ không đồng ý, cho nên tôi không xin, tránh cho họ một việc khó xử. Tất nhiên họ không ủng hộ, họ sợ. Nó sẽ khác khi mà trực tiếp xin phép. Cho nên, tất cả các bài vở chỉ có tôi trong ban lãnh đạo và Phó Tổng biên tập quyết định thôi. Không bao giờ phải xin ai mới có được một số lượng bài vở như vậy, còn nếu không cứ nhất bộ nhất bái thì sẽ không được như vậy.

Mặc Lâm: Xin được hỏi trong tình hình Biển Đông và giàn khoan của Trung Quốc hiện nay, nếu ông còn là một Tổng biên tập của tạp chí này thì ông sẽ yêu cầu ban biên tập viết những gì?

Tô Nhuận Vỹ: Thật ra bây giờ mà làm Sông Hương vừa có cái dễ và vừa có cái khó. Lúc tôi làm Tổng biên tập ngoài việc cần phải có trình độ ra, còn cần dũng khí, rất cần dũng khí. Nếu anh vì dân vì nước thật thì anh mới dám làm, lúc đó ít có tờ nào như thế cho nên tự nhiên người ta chuộng và người ta hoan nghênh và anh bị đánh là tất nhiên. Nhưng bây giờ, những vấn đề nhạy cảm, “nháy nháy” thì họ không dám nhảy vô.

Ngay việc biển Đông, bây giờ thì có một chút hy vọng, nhưng trong thực tế việc lẽ ra phải làm hàng chục năm về trước, ví dụ riêng như việc vĩ tuyến 17, phía sau là Việt Nam Cộng Hòa quản lý hết tất cả những đảo đó, và họ chiến đấu ra sao? Tất cả đến bây giờ mới công khai chuyện đó là quá trễ tràng. Nếu anh thực sự nghĩ tổ quốc trên hết thì anh khai thác điều này từ lâu rồi, lấy Hoàng Sa – Trường Sa chính từ miền Nam. Mấy năm nay, báo Tuổi Trẻ báo Thanh Niên thay nhau đăng chuyện phải tôn vinh hải quân Việt Nam Cộng Hòa đã chiến đấu, dần dần cho đến bây giờ.

Nhưng chính Trung Quốc do nó quá ngang ngược, nó đẩy một số anh quá u mê không thể kém cỏi hơn được nữa lâu như vậy. Lẽ ra những việc đó thì quá rõ ràng. Đối với chúng tôi, đối với rất nhiều người Tổ quốc là trên hết, không có gì cao hơn. Nếu anh thực sự xem tổ quốc trên hết thì anh đã khai thác cái này 20 năm nay rồi.

Quốc hội vẫn đăng những ý kiến như tôi nói và đăng rất nhiều, nhưng có những tờ báo không dám nói. Thường thì các anh nhà văn phải mạnh mẽ đi trước, bên chính trị đã nói rồi, thế thì anh còn đợi gì nữa? Bây giờ có cái gì ghê gớm đến nỗi vẫn còn không dám nói?

Điều này phải công khai và mạnh mẽ nhưng không đả kích nữa. Phải khai thác Hoàng Sa - Trường Sa, toàn bộ phải đặt tổ quôc lên trên hết chứ không phải tổ chức đảng hay ý thức hệ… Ý thức hệ chỉ là giai đoạn thôi tổ quốc mới trên hết. Xu hướng đó nếu đưa ra cách đây 40 năm hay vài chục năm thì tình hình có thể khác đối với Trung Quốc.

Thủ Tướng nói một câu rất hay như vậy, thế thì tư duy nhà văn các ông phải nói như thế nào nữa chứ, chứ không phải chừng đó. Có một cái dở là nhà văn phải đau nỗi đau lớn nhất của đất nước nhưng họ đều đứng bên ngoài. Vậy nó là cái gì? Trong lúc cả đất nước như vậy, văn chương chữ nghĩa là đó chứ không phải là cái gì khác. Tôi bây giờ nếu làm Tổng biên tập Sông Hương thì những nội dung tôi nói với anh chắc chắn phải được nêu lên.

Mặc Lâm: Xin cảm ơn nhà văn Tô Nhuận Vỹ.

Theo: Quê Choa

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.