2275.Tuổi đảng viên

Phiếm
Tuổi đảng viên
PNTB


- Chào cụ!

- Vâng, kính cụ! Sao hôm nay nom cụ có vẻ đăm chiêu thế?

- Chả là tôi đang suy nghĩ, không biết đảng viên ta năm nay bao tuổi?

- Đúng là đảng viên lão thành có khác, lúc nào cụ cũng trăn trở về Đảng. Nhưng có thế mà sao cụ phải suy nghĩ? Đảng thành lập năm 1930 năm nay 2014, chả 84 tuổi là gì?

- Sai! Đấy là tuổi đảng. Tôi hỏi cụ tuổi đảng viên cơ mà.

- Ừ nhỉ. Thế thì cứ cộng tất cả tuổi của đảng viên toàn quốc lại rồi cụ chia ra, lấy trung bình cộng?

- Cũng sai.

- Thế thì tôi chịu.

- Tôi có cách tính tuổi đảng viên rất khoa học, tương đối nhưng mà rất chuẩn. Thế này nhé:

Tôi vừa nghe chuyện ông bạn đảng viên ở tỉnh B cho biết người ta cấm, không cho đảng viên được mở mạng in te net xem báo “lề trái”. Ví dụ như bọn blog bliếc, bọn Đài RFI, RFA chẳng hạn... Tất cả cái bọn ấy nó nói về đảng mình, chế độ mình cái hay thì ít, cái dở thì nhiều. Chúng còn “bêu riếu” cán bộ lãnh đạo các cấp của mình, hễ sơ sẩy một tí là chúng vạch ra, làm mất uy tín cán bộ... Vì thế phải cấm tiệt. Ở chi bộ ông ấy hàng ngày đồng chí bí thư còn phân công các đồng chí trong cấp ủy đi kiểm tra máy tính của các đảng viên, bắt được anh nào mở mạng đọc lề trái là lập biên bản cuối năm không được xếp loại đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ. Nếu nhiều lần thì phải xử lý từ phê bình, nhắc nhở đến các hình thức kỷ luật từ thấp đến cao...

- Khoan! Cụ nói cái gì linh tinh vậy? Đang nói chuyện tuổi đảng viên kia mà?

- Ô hay thì câu chuyện tôi đang nói nó liên quan đến tuổi đảng viên mà.

- Vậy thì cụ nói tiếp đi.

- Này nhé, quãng những năm 60 của thế kỷ trước, khi bắt đầu có cái đài (radio), thì Tổ chức cấm không cho nghe các loại đài như Đài phát thanh Sài Gòn của chế độ Việt Nam Cộng hòa, đài BBC của nước Anh... Đấy là “đài địch”.

- Vâng, cụ nói đúng. Cái chữ “đài địch” ra đời từ ngày ấy đấy. Ai có tiền mua được cái đài bắt sóng thì phải mang ra bưu điện đăng ký để tiện cho an ninh theo dõi việc anh sử dụng cái đài ấy như thế nào. Có đăng ký thì mới được cấp sổ mua pin giá cung cấp...

- Vâng, nên có người nói, kiểu “cấm đoán” ấy có khác gì bố mẹ cấm đoán, quát tháo mấy đứa con nít là không được nghịch chỗ nguy hiểm... Thôi thì những năm ấy, dân trí còn thấp, quan trí còn lùn, nhiều nơi coi đảng viên và nhân dân như đàn cừu hay những đứa trẻ 4 - 5 tuổi cũng là chuyện khôi hài đã đi vào quá khứ.

Nhưng bây giờ thì đã khác, khoa học và công nghệ đã phát triển đến mức không cái gì trên quả địa cầu này xảy ra mà trong tích tắc cả thế giới không biết ngay tắp lự. Người ta gọi là “thế giới phẳng” – nghĩa là không một tài năng nào, kể cả Tôn Ngộ Không với bẩy mươi hai phép thần thông biến hóa có thể bịt mắt, bịt mồm con người thời đại trước mọi sự kiện. Thế mà cấm đảng viên xem báo lề trái thì có khác gì ngày xưa cấm nghe “đài địch”? Và thế là lịch sử lặp lại việc coi dân, coi đảng viên ở cơ sở như những đứa trẻ chưa đủ tuổi vào lớp Một.

- Ồ, tôi hiểu rồi. Đấy cũng là một cách tính tuổi đảng viên. Nghe đâu ở tỉnh K vừa rồi còn phát động cuộc thi “Tìm hiểu lý thuyết đạo đức người cộng sản”. Trong thể lệ cuộc thi bắt buộc tất cả đảng viên phải tham gia...

- Chắc đảng viên của họ bây giờ phẩm chất, đạo đức kém quá rồi hay sao mà bắt buộc ai cũng phải thi cái lý thuyết ấy?

- Cũng chả biết, nhưng có điều lạ là, thể lệ cuộc thi “khuyến khích làm bài thi viết tay”. Khi về đến cơ sở có cấp ủy lại dọa đảng viên: “Nếu bài thi đánh máy vi tính là không nhận”. Đảng viên lôi thể lệ ra cự lại: “người ta khuyến khích viết tay chứ có cấm đánh vi tính đâu” thì cấp ủy viên bảo “thôi được, tôi cứ tạm nhận, nếu trên kia họ không nhận thì tôi trả lại để đồng chí phải viết tay đấy!”...

- Lạ nhỉ, ở thời @ này mà vẫn còn khuyến khích người ta viết bằng bút mực thì có khác gì bắt loài người quay lại thời kỳ đi bằng bốn chân?

- Mà lại bảo càng viết dài càng tốt. Trong thể lệ còn ghi “ít nhất bài phải từ 5 trang A4 trở lên”. Tôi nhớ đến một nhà văn hóa thế giới có câu nói đại ý, trí tuệ càng ngắn thì lời nói càng dài... thế chẳng hóa ra thi xem anh nào trí tuệ ngắn nhất?! Có bài báo còn ca ngợi một đảng viên ở nông thôn, suốt ngày bán mặt cho đất, bán lưng cho giời mà còn viết được những 5 chục trang bằng tay trong cuộc thi! Nghĩ mà thương cho người nông dân này, không biết nếu bài ấy được giải thì được thưởng bao nhiêu tiền, có đủ bù đắp lại sức lao động của họ khi phải bỏ hằng chục ngày đi cày trên nương để ngồi nhà cày trên giấy trắng, mà khổ nỗi vất vả gấp trăm lần cày nương, vì “cày giấy” không phải sở trường của nông dân. Đảng viên không biết làm vi tính thì rất vui vì được khuyến khích viết tay. Đảng viên làm vi tính lâu ngày, bây giờ viết bút mực chỉ vài trang là chữ ríu vào nhau như gà bới... nên bực mình lụng bụng: “Các ông ấy xúc phạm sự tiến bộ của khoa học, công nghệ!”

- Cụ nói tôi nghe cứ như chuyện trên cung trăng ấy!

- Hỏi ra, tại sao lại có quy định như thế, thì được trả lời: vì sợ không khuyến khích viết tay để tất cả làm vi tính thì đảng viên mình vốn đạo đức xuống cấp, không thật thà đi cóp của nhau, chỉ thay mỗi họ tên, địa chỉ, giống như xét nghiệm nhân bản của Y tế tỉnh nào ấy... Quả nhiên, chuyện đó có thật. Được biết ở một chi bộ cơ quan có hơn chục đảng viên, đồng chí bí thư phân công cho 1 đảng viên ‘chuyên trách làm bài thi’, rồi bảo anh em “nhân bản” cho đủ số lượng gửi cấp ủy cấp trên, đảm bảo thành tích 100% đảng viên chi bộ tham gia theo yêu cầu bắt buộc. Có chi bộ khu dân cư phát hiện ra tên đảng viên thì ở chi bộ này mà địa chỉ lại ở khu dân cư kia. Hóa ra đảng viên mình đi cóp của anh khác nhưng “ăn vụng chưa kịp chùi sạch mép” nên bị chi ủy phát hiện. Nhưng thôi, cũng tắc lưỡi vì biết thừa cái này nó là “phong trào” rồi mà!

- Cụ nói tôi liên tưởng đến một ông bố cậy quyền làm bố ra lệnh cho đứa con gái đang tuổi dậy thì: “Tao cấm mày chơi bời lêu lổng, tối đến phải ở nhà học hành cho cho tử tế, chứ cứ thập thà thập thò, nhoằng cái đã biến mất là có ngày bôi gio trát trấu vào cái mặt thằng bố mày đấy!”. Nghiêm như thế nhưng rốt cục đứa con gái rượu một hôm vác cái bụng ễnh về, bảo: “Yêu là quyền của con, bố mẹ không cấm được. Ngày xưa ai cấm duyên bà/ bây giờ bà già bà cấm duyên tôi. Bây giờ chúng con yêu nhau hiện đại rồi, yêu là phải “sống thử”, được mới cưới. Con đã thử có kết quả rồi đây, bố mẹ cho cưới đi!...”.

- Đấy là trong gia đình, chứ trong tổ chức vẫn còn cấp này cấp nọ, chỗ này chỗ kia hễ cứ ngồi trên là muốn làm bố, làm mẹ người dưới, tưởng muốn làm gì thì làm, nên mới có những quy định đối với dân, với đảng viên kiểu như ông bố quy định cho đứa con gái đã biết mọi thứ rồi mà tưởng nó vẫn chưa thành người nhớn.

- Vâng, chính thế tôi mới ngẫm từ đấy ra thì thấy đảng viên mình bây giờ còn nhiều nơi vẫn chưa qua tuổi “mẫu giáo nhớn”!

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.