2166.Kim bài miễn tử

Kim bài miễn tử
Trịnh Kim Thuấn


Thời phong kiến xa xưa, để tưởng nhớ các đại quốc công thần đã tận trung báo quốc, các nhà vua thưởng cho họ KIM BÀI MIỄN TỬ. Nghĩa là các vị nầy nếu chẳng may phạm tội chết, trình ra cái Kim bài nầy thì khỏi chết. Cái Kim bài có giá trị lâu dài, vị đại thần ấy chết thì được truyền cho đời con, đời cháu, đời chắt... đến khi nào triều đại nầy chấm dứt thì Kim bài mới hết hiệu lực.

Triều đại nhà Tống (Trung Hoa) có Bao Công, còn gọi Bao Chửng, Bao Hắc Tử, Bao Thanh Thiên..., người cầm cân nảy mực nổi tiếng trong lịch sử, trở thành truyền thuyết. Vua Tống ban cho Thượng Phương bảo kiếm để làm trong sạch cái xã hội phức tạp thời ấy. Có những vụ án tày đình như Ly miêu tráo chúa, đụng tới Lưu Thái Hậu và Tổng thái giám Quách Hoè, xử án Bàng Quí Phi, thứ phi được sủng ái nhất của Vua…Nhưng khi Bao Công đụng phải KIM BÀI MIỄN TỬ thì cũng đành thua.

Tuy nhiên, xem lại trong lịch sử xã hội Phong kiến với đặc trưng là chế độ quân chủ (Vua làm chủ), chứ không phải dân chủ, nhưng cũng đã có câu: Luật pháp bất vị thân...

Thế nên ngày nay, với xu thế dân chủ, một xu thế tiến bộ, xu thế bắt buộc mang tính quy luật của sự phát triển của nhân loại thì hầu như tất cả các nước đều dựa trên một hệ thống Hiến pháp và pháp luật với nguyên tắc Công bằng, Dân chủ. Như thế cũng có nghĩa mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Những nước càng văn minh thì tính thượng tôn pháp luật càng được đề cao. Và vì vậy, ngay cả Nguyên thủ quốc gia ở những nước nầy cũng không thể coi thường luật pháp, tức là cũng biết sợ pháp luật...

Nhưng thử soi xét trong xã hội ta ngày nay thì sao? Nói thật, vẫn đầy rẫy cái tư tưởng đã ngồi ghế cao rồi thì không coi pháp luật ra gì (mặc dù ngoài miệng vẫn nói tôn trọng pháp luật), nó giống như những kẻ được hưởng Kim bài trong xã hội phong kiến mà thôi. Nhưng ngày xưa cái Kim bài là hiện vật công khai, là một đặc ân rất minh bạch của nhà Vua, chứ không hề “mập mờ đánh lận con đen”, giấu giấu diếm diếm, mờ mờ ảo ảo bằng thói ngụy biện của một số kẻ được giao “thượng phương bảo kiếm”.

Sự mập mờ ấy không phải chỉ trong lĩnh vực pháp luật mà trong nhiều lĩnh vực khác. Ví dụ, có chuyện hài hước đến mức lẫn lộn cả Quốc hội và nhân dân! Mấy ngày nay, trên mạng xã hội xôn xao về câu nói nổi tiếng của ông Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, rằng: "Quốc hội tức là dân, dân quyết sai thì dân chịu, chứ kỷ luật ai” (!).

Một kẻ thấp hèn như tôi mà cũng sinh thắc mắc, sao Quốc hội cũng là Dân nhỉ? Quốc hội mà cũng là dân thì tốn tiền bầu Quốc hội làm gì? Bởi vì Quốc hội cũng là Dân thì đương nhiên Dân cũng là Quốc hội?...Nhưng không phải, vâng, trăm phần trăm không phải. Dân với Quốc hội cách xa nhau lắm. Quốc hội có quyền thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước.” (Điều 69 – Chương V, Hiến pháp 2013). Hãng hỏi, Dân có quyền ấy không, đến phúc quyết Hiến pháp còn không được nữa là. Còn Đại biểu Quốc hội thì được quy định: “Không được bắt, giam giữ, khởi tố đại biểu Quốc hội nếu không có sự đồng ý của Quốc hội hoặc trong thời gian Quốc hội không họp không có sự đồng ý của Uỷ ban thường vụ Quốc hội; trong trường hợp đại biểu Quốc hội phạm tội quả tang mà bị tạm giữ thì cơ quan tạm giữ phải lập tức báo cáo để Quốc hội hoặc Uỷ ban thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định” (Điều 81 – Chương V – HP 2013). Chẳng lẽ Dân cũng có những đặc ân ấy à?...

Nhưng xét cho cùng, đại biểu quốc hội được hưởng “đặc ân”, do vì được mệnh danh là đại biểu cho Dân thì cũng là hợp lý. Vì thế được công khai ghi vào Hiến pháp và nhân dân đồng tình.

Tuy nhiên, quan chức thì làm gì có đặc ân, làm gì được ngồi xổm lên trên pháp luật? Thế nhưng trong thực tế, cái ghế càng cao thì dường như đặc ân càng lớn. Đứng trước pháp luật, có vẻ như bình đẳng, nhưng người ta vẫn nhìn thấy kết quả của nhiều vụ so sánh giữa quan chức và dân thường là khác nhau. Nhãn tiền ngay vụ Tuy Hòa gần đây nhất: 5 sĩ quan công an đánh chết một người, án cao nhất tù 5 năm, thấp nhất án treo. (Giá ngược lại, người dân đánh chết một CA, thì tử hình là chắc?). Còn một cô gái dám tát vào mặt CA giao thông một cái (nhiều người bình luận là cái "tát yêu" thôi mà), nhưng cũng phải ra tòa, đi tù, mấy năm trước, một nông dân do nghèo đói, trót trộm hai con vịt cũng tù mấy năm giời!

Thế nên, dường như quan chức vẫn có "KIM BÀI", tất nhiên đó là những tấm Kim bài ẩn hình.


12/4/2014   TRỊNH KIM THUẤN
Tác giả gửi PNTB
Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả.



Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.