1708.Như một lời chia tay

LTS: Ý kiến từ các cộng tác viên thân thiết và bạn đọc “như một lời chia tay” đầy ý nghĩa, giúp chúng tôi cảm thấy ấm lòng phần nào vì đã làm tròn trách nhiệm với độc giả của mình.
Như một lời chia tay

Ảnh: TL SGTT


Khát vọng chia sẻ

Sài Gòn Tiếp Thị tuy “sinh sau đẻ muộn” nhưng đã nhanh chóng vươn lên có thị phần đáng kể và được sự tin cậy của độc giả và doanh nghiệp vì khát vọng nói lên sự thật, và tinh thần chia sẻ với bạn đọc và doanh nghiệp. Với đội ngũ phóng viên trẻ, tâm huyết, các bài báo trên Sài Gòn Tiếp Thị luôn thể hiện nét riêng, khác biệt bằng những thông tin chọn lọc, những nhận xét độc lập, sắc sảo. Tờ báo luôn nói lên tiếng nói của người dân và doanh nghiệp, người dân và doanh nghiệp tìm thấy ở đây những thông tin có ích đối với cuộc sống của họ, họ thấy được sự đồng cảm của tờ báo đối với nỗi gian truân trong cuộc sống của người dân hay của doanh nghiệp trong kinh doanh. Tờ báo đã nhanh chóng vượt khỏi phạm vi hạn hẹp về địa lý và lĩnh vực của tên nó, thực sự trở thành một tờ báo có tầm cỡ cả nước, nhiều bài báo của Sài Gòn Tiếp Thị luôn được trích dẫn trên mạng thông tin điện tử trong nước và quốc tế. Về mặt báo chí, không nghi ngờ gì nữa, Sài Gòn Tiếp Thị là một thành công, đã trở thành một thương hiệu đáng tin cậy.

Sài Gòn Tiếp Thị là tờ báo cởi mở, đã vươn cao nhờ đứng trên vai những người khổng lồ. Tờ báo có đội ngũ cộng tác viên có chất lượng trong nước và ngoài nước, đã tổ chức nhiều cuộc toạ đàm về các vấn đề thời sự của đời sống kinh tế – xã hội, quy tụ nhiều người với những suy nghĩ khác nhau. Tờ báo cũng thể hiện trách nhiệm xã hội cao, đã tổ chức quyên góp, cứu trợ người nghèo.

Sự ra đi của tờ báo ngày hôm nay để lại bao niềm nuối tiếc của người đọc và bạn bè. Chúc cho các bạn Sài Gòn Tiếp Thị mã đáo thành công trong năm Giáp Ngọ này.

Lê Đăng Doanh

Mong chỉ là tạm biệt

Thế hệ chúng tôi, dù đang sống trong hay ngoài nước… mỗi người là cuốn tiểu thuyết sống. Dù cuộc sống chúng ta đã trải qua quá nhiều biến động, thăng trầm và bất cập trong một thời gian dài, nhưng khả năng sinh tồn, tính thích nghi, tinh thần tạo dựng vẫn còn rất mạnh trong mỗi người Việt.

Tôi xin cám ơn báo Sài Gòn Tiếp Thị đã tạo ra một diễn đàn cho nhiều người đóng góp và tham gia. Sự đóng góp của nhiều người, từ góc độ quan điểm, chuyên môn trên diễn đàn này trong suốt thời gian qua, là vô giá. Làm phong phú thêm kiến thức và sự cân phân trong cuộc sống còn nhiều chao đảo.

Thiết nghĩ sự chia tay với tờ báo lần này chỉ là sự tạm biệt của nhiều người.

Trần Đức Cảnh (Tổng giám đốc công ty du lịch và khách sạn Việt Mỹ)

Về mặt báo chí, không nghi ngờ gì nữa, Sài Gòn Tiếp Thị là một thành công, đã trở thành một thương hiệu đáng tin cậy.

Hãy giữ cho mình niềm tin

Đây là tờ báo đã vượt ra khỏi hình ảnh ban đầu là những trang thông tin, quảng cáo được người tiêu dùng (đặc biệt là phụ nữ) tìm đọc để trở thành một tờ báo có những chuyên mục thời sự, kinh tế, xã hội… khá hấp dẫn. Nội dung các bài viết không quá hàn lâm nhưng đầy đủ những số liệu, phân tích, đánh giá giúp người đọc có cái nhìn toàn diện, bổ sung những thông tin có được từ những báo khác. Chẳng phải ngẫu nhiên mà Sài Gòn Tiếp Thị từng là lựa chọn của Vietnam Airlines trong các mặt báo cung cấp cho khách hạng thương gia.

Trong nhiều trang mục của Sài Gòn Tiếp Thị, tôi đặc biệt thích trang Giá trị sống với nhiều bài phỏng vấn, chia sẻ từ những nhân vật ở nhiều lĩnh vực khác nhau, những xuất thân và quá trình trải nghiệm cuộc sống muôn màu muôn vẻ nhưng lại có thể tìm thấy nơi họ những điều tưởng chừng rất nhỏ và giản đơn nhưng là bài học, là nguồn động viên, là tấm gương cho những ai còn có và muốn tin vào lẽ phải, vào cuộc sống này.

Chia tay tờ báo cũng là chia tay với nhiều trang mục mà ngay chính mình cũng thường xuyên không đồng tình với các tác giả nhưng lại thú vị vì tìm thấy những bài viết có cá tính riêng.

Mong rằng nhiều nhà báo, các cộng tác viên và những con người từng gắn bó với Sài Gòn Tiếp Thị vẫn tìm cho mình những trang báo tốt để viết và giữ được cho mình niềm tin và giá trị sống như tờ báo đã từng gieo vào lòng bạn đọc.

TS Lê Nguyễn Minh Quang, Tổng giám đốc công ty Bachi Soletanchi

Sài Gòn Tiếp Thị & Tiếp thị Sài Gòn

Cuối năm 2008, mùa đông Hà Nội rét buốt, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp bê ra nhà tôi một tập A4 viết tay nhờ cô thư ký của tôi gõ. Xong xuôi ông bảo in cho tôi một bản, đó là vở kịch Nhà Ôsin. Thiệp bảo: “Ông quảng giao, tôi nhờ ông chọn in báo nào cũng được miễn là có nhiều người đọc”. Năm hết tết đến, sau mấy ngày ôm “bảo kiếm” của “hiệp khách” Thiệp, tôi gửi đến Sài Gòn Tiếp Thị. Số xuân 2009 của Sài Gòn Tiếp Thị đã in trọn vẹn vở kịch như một phụ trang tặng bạn đọc. Năm đó vợ chồng nghệ sĩ nhân dân Lê Khanh dắt tay nhau đi hội báo Xuân mua một tờ Sài Gòn Tiếp Thị, về đến nhà chị say sưa đọc một mạch Nhà Ôsin và sau đó chị đã cùng với nhà hát Tuổi Trẻ dựng vở này.

Năm 2010, tôi lại được Sài Gòn Tiếp Thị đặt một bài cho số xuân. Tôi nghĩ, Sài Gòn Tiếp Thị tiếp thị cho mọi người, mọi ngành, mọi loại hàng hoá nhưng ít người tiếp thị cho Sài Gòn. Thế là tôi ngồi xuống lia bút một bài dài (bài Sài Gòn vùng văn hóa đa văn hoá), so sánh tính cách của người Bắc (Hà Nội), người Trung (Huế) và người Nam (Sài Gòn) trên cơ sở tính chất địa vùng văn hoá để thấy rõ đặc tính người Sài Gòn mà tôi gọi đó là tính cách của nước: năng động, trôi chảy, cởi mở, ăn to nói lớn, nhanh nhạy, hợp với những việc cần gấp, cần quyết định ngay, hợp với những việc cần luôn luôn phải chuyển động, phải thay đổi, hợp với thời của thay đổi nên người Sài Gòn dễ thích nghi với thay đổi. Dù thế nào cũng sẽ lại thích nghi thôi. Tôi nghĩ thế.

Lê Thiết Cương

Nhiệm vụ nhà báo vẫn phải tiếp tục

Sài Gòn Tiếp Thị là một tờ báo chuyên nghiệp của những nhà làm báo chuyên nghiệp. Từ khi xuất hiện trong làng báo Sài Gòn cách nay nhiều năm, Sài Gòn Tiếp Thị đã trở thành một người bạn đường của doanh nghiệp Việt Nam, với những bài báo phân tích tình hình sắc bén, những hiến kế rất giá trị về điều hành vĩ mô, những thông tin cập nhật rất bổ ích cho cả nhà sản xuất lẫn người tiêu dùng. Sài Gòn Tiếp Thị đã trở thành một thức ăn tinh thần không thể thiếu mỗi ngày trên bàn làm việc của các doanh nhân, các nhà quản trị doanh nghiệp.

Trước đây, khi nói về nguyên nhân một tờ báo đóng cửa, người ta hay dùng câu “nhiệm vụ lịch sử đã hoàn thành”. Như vậy, với tờ báo thân thương Sài Gòn Tiếp Thị, phải chăng nhiệm vụ lịch sử của các anh chị đã hoàn thành, và các anh chị đã có thể nhẹ gánh nhẹ lòng để sẵn sàng nhận nhiệm vụ mới? Chúng ta hoàn toàn có thể tin vào điều đó, không phải vì chúng ta thực sự tin như thế, nhưng đó có thể là một điều an ủi cho tất cả những anh chị làm báo chuyên nghiệp ở Sài Gòn Tiếp Thị còn nặng nợ với độc giả. Rất mong các anh chị vẫn sẵn sàng tiếp tục kiếp tằm nhả tơ để trả nợ cho đời, ở những toà soạn khác, cũng với một bầu nhiệt huyết như thế, một tấm lòng trong sáng như thế, một tác phong chuyên nghiệp hiếm hoi như thế. Nhiệm vụ lịch sử của một tờ báo có thể kết thúc, nhưng nhiệm vụ công dân của nhà báo đối với lịch sử lâu bền của dân tộc vẫn phải tiếp tục...

Huỳnh Bửu Sơn

Nhiệm vụ lịch sử của một tờ báo có thể kết thúc, nhưng nhiệm vụ công dân đối với lịch sử lâu bền của dân tộc vẫn phải tiếp tục....

Hẹn ngày gặp lại

Với ý nghĩa nhân văn và trách nhiệm công dân, Sài Gòn Tiếp Thị là một tờ báo lớn. Báo lớn là một tờ báo nhiều người quan tâm, nhiều người cần.

Tôi chắc chắn một điều rằng nhiều cộng tác viên, nhiều bạn đọc trong và ngoài nước vẫn hâm mộ và kỳ vọng vào những đóng góp của báo chí, của công luận trên bước đường dựng xây xứ sở, dựng xây quê hương, đất nước. Trong những năm tồn tại của mình, Sài Gòn Tiếp Thị đã có những đóng góp xứng đáng theo hướng đó và thực sự là tờ báo của công chúng.

Cho phép tôi được bày tỏ đôi lời tri ân này bằng việc kể lại điều tôi hằng tâm niệm, thường nói và gần đây nhất, sáng ngày 18.2 tại nhà khách bộ Quốc phòng, trong buổi ra mắt cuốn Điệp viên hoàn hảo của Larry Berman. Trước đông đảo các vị chức sắc và độc giả, được phép của ban tổ chức, tôi đã lễ độ có đôi lời, trong đó có đoạn tôi thưa rằng: “Thượng đế sinh ra cho chúng ta mỗi người một cái mồm. Cái mồm ấy có bổn phận phải nói thật những điều mình nghĩ, dù đúng hay sai nhưng nó là của mình. Không có lý do gì cái mồm mà thượng đế ban cho ta lại phải nói những điều dở hơi của kẻ khác muốn…”

Tạm biệt! Chia tay với Sài Gòn Tiếp Thị, tôi muốn nói lời cảm ơn tình nghĩa và hẹn có ngày gặp lại. Ngày ấy không xa.

Đạo diễn Trần Văn Thuỷ

Thay lời cảm ơn

Sài Gòn Tiếp Thị tiếp thị điều gì? Với riêng tôi thì đó là văn hoá, đó là một lối sống có ích cho đất nước, cho xã hội. Mỗi lần cầm tờ báo mới trong tay vẫn để lại trong tôi nhiều xúc cảm.

Giữa một rừng các tờ báo ngày, báo tuần, tạp chí... mỗi người sẽ chọn cho mình tờ báo mà mình yêu thích, tờ báo cung cấp thông tin theo đúng mong mỏi của mình, giúp mình hiểu biết thêm nhiều điều về cuộc sống, về xã hội, về những gì đang diễn ra trong nước và trên thế giới theo quan điểm sống của bản thân mình. Với góc nhìn đó, có lẽ tờ Sài Gòn Tiếp Thị hợp với tạng người như tôi, tìm kiếm những thông tin nghiêm túc, mơ ước một cuộc sống tốt đẹp cho đất nước, cho con người...

Nghe tin rồi đây tờ báo sẽ thay đổi dung mạo, tôi viết những dòng này thay cho lời cám ơn của cá nhân đến những con người đã lao động với tư cách người làm báo, người mang một trọng trách thiêng liêng: đem đến cho người đọc món ăn tinh thần hàng ngày trong cuộc sống. Thầm mong rồi tới đây, tờ báo vẫn làm tròn chức trách của mình, có những thông tin trung thực nóng sốt, có những bài báo giúp bạn đọc tăng nhận thức và thêm tin yêu vào cuộc sống này.

Trần Thị Tuyết Nga
Chủ nhân làng nghề Một thoáng Việt Nam

Nguồn: sgtt.vn số cuối cùng (28/02/2014)


Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.