1312. Chuyện nhà thơ 5 say
![]() |
Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo |
NTT: Đang bận
trồng mấy cái cây nơi góc vườn thì có cô nhà báo trẻ đến “moi chuyện” mất gần
nửa buổi. Cánh nhà báo trẻ thời này khôn phết, thấy ai dễ là cứ xộc đến tận sào
huyệt rồi nghe, nhìn chằm bẵm. Máy ảnh, máy ghi âm đã sẵn lại còn kè thêm quyển
sổ và cây bút 5 màu. Mình đến đâu thì nói chuyện cho vui, còn cánh này về là
viết liền tắp lự, một hai trang báo là thường. Cái cô nhà báo trẻ này cũng vậy,
viết xong đăng ngay báo nhà, khiến ông bạn đọc được gọi điện cười phá, đòi
khao. Bài người ta viết, nhuận bút người ta nhận, mình được đồng nào đâu mà
khao? Thì được người ta viết về mình – ông bạn phấn chấn – đi quán 5 sao nhé.
Trước khi đi nhậu, đăng lại ở đây để làm kỷ niệm…
Nguyễn Trọng Tạo – Chuyện nhà thơ “5 say”
HÀM RỒNG –
THAO GIANG
Nguyễn
Trọng Tạo là một nhà thơ, nhạc sĩ, họa sĩ, nhà báo nổi tiếng nhưng chuyện về
anh cũng lắm giai thoại trong giới văn nghệ sĩ. Nhân một lần đọc được câu
chuyện “đệ nhất” lười tắm của Nguyễn Trọng Tạo do nhà văn Nguyễn Quang Lập
viết, tôi mới đem thắc mắc ra hỏi thì anh cười to: “Lập là nhà văn nên nó phải
‘sáng tác’ ra chứ. Nói quá lên mới ấn tượng. Lập có lối viết “humor” (hài hước)
ai cũng phải nể. Có người đọc xong truyện này cũng chạy tới bảo: “Tạo ơi răng
mi bẩn chi mà bẩn lắm rứa, vợ nó bỏ cũng phải”.
Nguyễn Trọng
Tạo năm nay đã quá lục tuần, nhưng còn trẻ và nhanh nhẹn lắm, khi tôi tới thăm
anh, thấy anh đang trồng hoa, làm vườn, bộ quần áo ở nhà dính đầy đất cát. Tôi
đang mải ngắm nghía ngôi nhà sàn bằng gỗ còn tươi màu gỗ thì nhà thơ đã kịp thay
một bộ quần áo tinh tươm khác và bưng ra khay trà và một bao thuốc lá đặt trên
chiếc bàn gỗ tròn, mời khách ngồi. Anh vừa pha trà vừa nói: “Hôm nay trời lạnh
nếu khách là đàn ông nhất định phải làm một chén cho ấm cái bụng, nói chuyện
mới vào”. Tạo là người mê rượu nên tôi cũng chẳng tỏ vẻ ngạc nhiên, tôi hỏi
anh: “Lâu nay cứ tưởng Nguyễn Trọng Tạo nghèo lắm, có ngờ đâu anh lại giàu tới
cỡ này. Có được mấy nhà thơ sung sướng như anh”. Tạo vẫn chẳng tỏ vẻ ngạc nhiên
lắm, anh cười: “Ấy mình cũng đâu đến nỗi nghèo nhưng cũng gọi giàu thì phải tới
đời sau. Cái mảnh đất này cũng là anh em quý mến mà rủ đến dựng nhà thôi,
mình chỉ gom góp, vay mượn thêm để làm cái nhà tạm này, chứ nghề thơ văn nhạc
hoạ cũng chỉ đủ nuôi thân, nuôi con ăn học”. Nói rồi anh rót cho tôi một chén
trà mới pha và bắt đầu câu chuyện văn, thơ, nhạc, họa và chuyện đời anh, lúc
nào cũng bằng cái giọng khề khà, chậm rãi đúng chất của một thi sĩ… nhàn tản!
Cuộc đời
lận đận của kẻ “tiên phong” và ý định tự tử không thành
Nguyễn Trọng
Tạo quê ở Diễn Châu, Nghệ An. Cha của anh là một nhà nho nhưng thông thạo tiếng
Pháp, đó là điều may mắn đầu tiên cho cái “gen” thông minh và truyền thống học
hành của chàng trai xứ Nghệ này nhưng cũng là cái “rủi” lớn nhất của gia đình
anh trong những năm tháng cải cách ruộng đất. Sau CCRĐ năm 1954, cha anh từ một
nhà nho, một đảng viên CS, một cán bộ xã đã phải vứt bỏ tất cả để trở thành ông
thợ cày “chính hiệu”, lam lũ nhọc nhằn cho tới cuối đời. Từ nhỏ Tạo đã học giỏi
có tiếng ở quê, anh học giỏi cả văn lẫn toán. Năm 14 tuổi Tạo đã bắt gặp những
trang thơ Hàn Mặc Tử, anh đã bắt đầu làm bài thơ đầu tiên như thế này: “Bạn
ơi trăng quá ngây thơ/ Còn tôi cằn cỗi già nua thế này/ Bao giờ tôi hóa làn
mây/ Hẳn tôi muôn thuở sum vầy với trăng…”. Lên cấp 3, Tạo được đi thi
học sinh giỏi Văn miền Bắc và cũng thi đậu trường chuyên Toán của tỉnh nhưng
không nhập học vì xã “giữ” giấy gọi quá ngày nên đành học ở trường huyện. Dù
vậy cái tiếng giỏi của Tạo vẫn cứ đứng nhất nhì ở huyện. Cứ với năng lực học
hành ấy, Tạo sẽ có một tương lai sáng láng nếu anh tiếp tục học lên đại học,
nhưng mà Tạo lại có nguyện vọng đi bộ đội. Anh kể: “Khi đó ông bà ngoại bị chết
vì bom Mỹ ném trúng giữa nhà, làng xóm tiêu điều, trong lòng tôi chỉ có mong
muốn được đi bộ đội giết quân thù nhưng mà vì vết “chàm” lý lịch gia đình nên
việc đi bộ đội cũng khó khăn. Mình quyết định cắt máu ngón tay viết tâm thư đi
bộ đội cho bằng được. Thế là cũng được nhập ngũ, ấy là năm 1969”.
Vốn có năng
khiếu thơ văn nên khi vào bộ đội Tạo làm tiết mục văn nghệ cho bộ đội đi diễn
và được giải cao, đơn vị mới giữ lại để làm công tác tuyên truyền văn hóa. Sau
đó anh được làm Đội trưởng Đội tuyên truyền văn hóa Đoàn 22B, Trưởng đoàn văn
công xung kích Sư đoàn 341B. Dù không trực tiếp chiến đấu nhưng những ngày
tháng đi thực tế ở chiến trường ác liệt như Quảng Bình, Quảng Trị, Lào… đã
khiến Tạo thêm yêu, thêm thương và tự hào về người lính. Thời kì đó anh viết
nhiều về lính với hàng trăm bài thơ được in trên báo Văn nghệ, Quân đội, Văn
nghệ quân đội… trong đó phải kể tới những tác phẩm lớn gây tiếng vang như
Trường Ca Đồng Lộc, Tình ca người lính, Người lính đi qua thành phố… đã giúp
Tạo định vị tên tuổi của mình trong làng thơ trẻ. Yêu thơ và đến với sự nghiệp
nghệ thuật trước hết bằng thơ nhưng chính âm nhạc đã đưa cái tên Nguyễn Trọng
Tạo đến với công chúng cả nước với ca khúc Làng quan họ quê tôi. Nhiều người
“xúi” anh đi theo âm nhạc nhưng anh cho rằng muốn viết nhạc là phải đi
học nước ngoài mới được học đến nơi đến chốn, còn thơ là niềm đam mê thiếu thời
của anh nên anh quyết định chọn trường Viết văn nguyễn Du khóa đầu tiên
để phát triển sự nghiệp nghệ thuật.
Sau sự thành
công bất ngờ của ca khúc Làng quan họ quê tôi, 3 năm sau Tạo lại
làm nên một thành tựu nổi bật khác cho sự nghiệp thơ ca của mình cũng như cho
thơ ca hiện đại với phát súng đầu tiên bằng bài thơ “Tản mạn thời tôi sống”. Dù
bài thơ được in trên báo Văn Nghệ và nhanh chóng lan truyền rộng rãi và
được giới trí thức đánh giá cao. Tạo dám tiên phong thay đổi, thay vì Thơ ở
trên cao thì nay Tạo hô hào đưa thơ về với “đời thường”, với thực tại trần
trụi, phản ánh cuộc sống chân thực của xã hội sau thời hậu chiến và trước đổi
mới. Với bài thơ này, Nguyễn Trọng Tạo đã đi xa hơn những nhà thơ cùng thời và
hé mở một con đường mới cho thi ca thời đổi mới mà phải tới 7 năm sau các nhà
thơ cùng thời anh mới bắt đầu nhập cuộc, đổi mới. Nhưng cũng chính cái tư tưởng
tiên phong ấy lại khiến Tạo phải lao đao, thậm chí nhà thơ trẻ từng định cầm
hai khẩu súng bắn vào đầu tự tử. Nhờ có niềm tin của một nhà thơ, niềm lạc quan
của tuổi trẻ Nguyễn Trọng Tạo đã tra súng vào bao và tin tưởng rằng “những bông
hoa vẫn cứ nở đúng mùa”.
Sau lùm xùm
ấy, Nguyễn Trọng Tạo phải bỏ dở năm cuối trường viết văn Nguyễn Du chuyển vào
công tác tại khu Bốn cũ với chức danh Trưởng ban biên tập Nhà Văn hóa Quân khu
Bốn. Cũng trong thời kì này Nguyễn Trọng Tạo gặp liên tiếp những sự cố riêng
tư, cuộc hôn nhân của anh trục trặc, người em gái ruột của anh bị nhiễm độc
máu, nhà thơ phải “lăn” vào công cuộc kiếm tiền để chữa bệnh cho em. Có những ngày
anh chạy “sô” đi nói chuyện thơ, chuyện nhạc tới nỗi khàn cả cổ, không kịp ăn
bữa cơm chiêu đãi, uống cốc rượu giao lưu, vội vàng cáo lỗi khán giả vào viện
chăm em. Cuối cùng những năm tháng gian nan ấy cũng qua, anh tiếp tục dành toàn
bộ tâm sức cho nghệ thuật. Tới năm 1988, anh chuyển về làm công tác biên tập
xuất bản tại Hội Văn học Nghệ thuật Bình Trị Thiên. Hai năm sau, Nguyễn Trọng
Tạo cùng nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường và nhà văn Nguyễn Quang Lập sáng lập ra
Tạp chí Cửa Việt, làm biên tập và phụ trách mỹ thuật tạp chí này bộ đầu tiên
gồm 17 số.
Đối với Nguyễn
Trọng Tạo, 15 năm ở Nghệ An, rồi vào Huế, thơ ca của anh trải qua hai giai đoạn
cách tân cùng với sự thăng trầm của cuộc đời anh và của hoàn cảnh đất nước. Từ
năm 1975 tới lúc đổi mới, Nguyễn Trọng Tạo chủ trương đổi mới thơ ca, chủ
trương thơ-đời-thường gần gụi với cuộc đời bụi bặm. Đó thực chất là một cách
“nhìn thẳng vào sự thật”, Tạo là đã đưa thơ ca khỏi những tư tưởng thời chiến
tranh, vượt khỏi những giáo điều để đưa thơ vào thế tục bui bặm của cuộc đời.
Từ khi Tạo về
sống ở Huế, thơ của anh được “Huế phả vào một vốc khói sương”, trở nên “ảo”
hơn. Từ đó Tạo lại tiếp tục thay đổi thơ ca với chủ trương cách tân ngôn ngữ
theo phong cách Phương Đông, những tập thơ tiêu biểu gây tiếng vang thời kì này
phải kể tới Đồng dao cho người lớn, và sau đó là Nương thân, Thế
giới không còn trăng… Là một nhà thơ cá tính và đi đầu đổi mới nên Nguyễn
Trọng Tạo thích những dòng thơ trẻ có sự sáng tạo và phá cách, nhưng với Tạo sự
phá cách phải có tư tưởng mới nếu không thì dễ thành phá bĩnh. Rất nhiều nhà
thơ trẻ thời kì này được anh phát hiện và nâng đỡ như Phan Huyền Thư, Vi Thùy
Linh, Nguyễn Hữu Hồng Minh, Văn Cầm Hải…
50 năm làm
nghệ thuật, Nguyễn Trọng Tạo đều đạt tới thăng hoa và thành công dù đó là thơ, nhạc,
họa, hay báo chí. Nếu như với thơ Nguyễn Trọng Tạo có trên 550 trang thơ,
trường ca, liên tục ẵm trên cả chục giải thưởng thơ có giá trị trong nước thì ở
văn xuôi, anh nổi tiếng tập truyện “Miền quê thơ ấu” (Mảnh hồn làng) cùng
những bài tiểu luận phê bình được đánh giá cao (Văn chương cảm và luận).
Với âm nhạc, những tác phẩm “Làng quan họ quê tôi” và “Khúc hát sông quê”, “Đôi
mắt đò ngang” đã đưa cái tên Nguyễn Trọng Tạo thành một nhạc sĩ được công chúng
biết đến nhiều nhất. Trong hội họa, Tạo cũng là tác giả của “Biểu tượng ngày
thơ Việt Nam”, “Cờ thơ”, anh lại “rinh” hai giải thưởng về bìa sách “Những con
chim kêu đêm” và “Khát”… Từng ấy thành tựu cũng đủ khiến cái tên Nguyễn Trọng
Tạo trở thành một kẻ thành danh đáng ngưỡng mộ trong giới văn nghệ sĩ.
Rót thêm cho
khách chén trà nóng, rồi châm một điếu thuốc khác, Nguyễn Trọng Tạo “tổng kết”
sự nghiệp của mình: “Cuộc đời tôi có hai bước ngoặt lớn ấy là sự ra đời “Tản
mạn thời tôi sống” và việc rời Hà Nội về miền Trung rồi trở lại Hà Nội sau 15
năm “lưu lạc”. Mình vẫn nghĩ, nếu làm thơ văn thì ở Hà Nội, còn nếu làm kinh tế
thì vô Sài Gòn và tôi đã quyết định chọn Hà Nội”. Tư tưởng Bắc tiến âm ỉ trong
lòng Nguyễn Trọng Tạo nhiều năm nhưng vì lúc này cuộc hôn nhân thứ hai của anh
đang ở Huế, vợ anh lại không có ý định ra Hà Nội như chồng nên vợ chồng anh xảy
ra những mâu thuẫn. Giữa lúc dùng dằng ấy thì nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm nhã ý
mời Nguyễn Trọng Tạo làm Phó Tổng biên tập tạp chí Sông Hương, nhưng cuối cùng
vì một câu nói của vị lãnh đạo cấp trên ông Điềm, chạm tới lòng tự trọng, anh
đã quyết ý ra ngoài Hà Nội với 5 triệu đồng giắt lưng.
Ra Hà Nội
không có nhà cửa phải vạ vật nhà bạn bè, nhờ mối quan hệ thân tình trước đó với
bạn văn thơ ngoài Bắc, mọi người hô hào góp tiền cho anh vay mua nhà. Tới khi
mua xong nhà anh vẫn còn dư tiền để mua sắm. Đời của Tạo lận đận chuyện tình
duyên chứ đường bạn bè thì lúc nào anh cũng tự xem mình là người may mắn.
Yêu ai thì
phải lấy cho bằng được
Cuộc đời
Nguyễn Trọng Tạo trải qua đủ những vinh quang, cay đắng trong cả sự nghiệp và
hôn nhân. Tạo trải qua hai cuộc hôn nhân nhưng đều tan vỡ, nguyên nhân thì anh
không thổ lộ với báo giới bao giờ. Khi hỏi chuyện này, Tạo có vẻ lưỡng lự,
những lúc như vậy anh lại rót trà, châm thuốc hút, đôi mắt trầm tư, một hồi anh
mới bảo: “Đó là những chuyện riêng đã qua, hai người đàn bà đi qua đời mình đều
là những niềm đau và không muốn nhắc lại. Cuộc đời mình đã nhiều lần rơi vào hố
sâu tuyệt vọng nhưng nhờ thơ và bạn bè mà mình đã được cứu rỗi”. Trong chuyện
tình yêu Tạo là người nghiêm túc. Có nhiều người bảo Tạo dại, yêu cô nào cứ
nhất định phải đến với cô ấy. Nhưng quan điểm của anh thì khác: “Tình yêu thực
sự là phải đi đến một cái gì đó bền lâu còn nếu không có sự xác định thì đó chỉ
là sự mơ mộng hoặc chỉ là nhăng nhít qua đường”. Nhiều người cho rằng sự đổ vỡ
của Tạo ít nhiều do thơ, hoặc do cá tính của một thi sĩ gây nên nhưng thực tế
Tạo là một người đàn ông trách nhiệm với gia đình, hết sức chăm lo cho vợ con.
“Dù hôn nhân đổ vỡ thì mình vẫn phải mang ơn họ, tình yêu sinh mâu thuẫn thì sự
tan vỡ sẽ là hiển nhiên, còn cái gì đã tốt đẹp thì cứ tốt đẹp mãi, lưu giữ
trong lòng mình”, Nguyễn Trọng Tạo nói.
Bây giờ nhìn
lại cuộc đời mình, Tạo không hề nuối tiếc chuyện gì, ngoại trừ những đứa con
luôn khiến anh phải suy nghĩ. Nguyễn Trọng Tạo có ba đứa con trong hai cuộc hôn
nhân, dù không may mắn đường phu thê nhưng anh may mắn đường con cái. Cô con
gái lớn với người vợ đầu tiên của anh giỏi giang và cá tính, từng được tuyển
thẳng vào đại học và đang làm ở một ngân hàng lớn ở Hà Nội và rất than thiết
với người vợ thứ hai của anh. Tạo là người cha thương con và trách nhiệm, dù vợ
chồng chia ly nhưng anh vẫn làm tròn trách nhiệm và tình thương của người cha.
Khi con gái vào đại học, anh ra Hà Nội làm việc, chăm sóc con và cũng để cho
con có chỗ dựa để học tốt. Cô con gái rất hiểu biết, thương bố và thương hai em
dù không cùng mẹ sinh ra. Khi cuộc hôn nhân thứ hai của anh trục trặc, Tạo càng
cố gắng bươn bả lo cho con cái không phải tủi thân và thiếu thốn. Khi con gái
đầu của anh đã trưởng thành và lấy chồng, anh đưa cho con gái sổ lương hưu 7
triệu để thay bố lo cho hai đứa em ăn học. Khi cậu con trai thứ hai học cấp 3,
anh đưa con trai từ Huế ra Hà Nội. Con trai anh thông minh, học đâu nhớ đấy,
phải cái tội ham chơi, có hôm đi chơi điện tử khuya không về, Tạo phải lấy xe
máy ra quán net tìm con thì thấy con trai ngủ gục trên bàn phím vi tính cùng cả
chục đứa bạn. Anh không quát mắng gì mà còn nhẹ nhàng nhắc con: “Lên xe bố chở
về nhà ngủ”. Sau này thi đại học Kiến Trúc, con trai anh chẳng may trượt. Một
người bạn thân mới muốn gúip Tạo cho con đi du học ở Trung Quốc nhưng con anh
xin bố cho ở lại ôn thi thêm năm nữa. Năm sau con anh thi điểm cao, ra trường
với điểm thủ khoa và được đi nghiên cứu sinh ở Ý tự túc được tiền ăn tiền
học không phải nhờ bố mẹ. Nguyễn Trọng Tạo thương con tới nỗi thấy con trai
thích xe SH, anh cũng chiều con khi cậu chàng đang là sinh viên. Còn cô con gái
út của Tạo hiện đang học năm cuối trường Kinh Tế. Ba con trưởng thành, giỏi
giang, thương bố thì đó là một niềm vui lớn nhất mà cuộc đời đã bù đắp cho anh
sau những truân chuyên tình cảm.
Chuyện trò tới
đây, Tạo lại đứng dậy pha ấm trà nóng khác, anh bảo: “Đời mình không đến nỗi
quá khổ như người ta nghĩ, những cái khổ đã qua nhắc lại làm gì, mình sẽ kể
những câu chuyện khác vui hơn”.
Rượu và thơ
và những những người bạn tri kỉ
Những chuyện
vui mà Tạo nói ở trên đều liên quan tới rượu và thơ và tới những văn nghệ sĩ
nổi tiếng. Trước tới nay, Tạo có hai cái thú ấy là uống rượu và hút thuốc lá.
Cái thú uống rượu của Tạo luôn là nhấm nháp, rề rà chứ không phải cái kiểu uống
100% , kiểu ấy Tạo ghét nhất mà anh gọi là phàm phu tục tửu. Tạo thẳng thắn bày
tỏ sở thích: “Mình thích rượu và thuốc lá, ai cho rượu thuốc là mình nhận liền,
mình không nhận thì rõ giả dối, chưa kể nếu không nhận người ta nghĩ mình ghét
người ta. Ấy là rượu và thuốc lá chứ còn cho đàn bà thì phải suy nghĩ”. Chuyện
Tạo mê rượu và say rượu trong giới văn nghệ sĩ đã thành giai thoại “Tạo 5 say”,
là “say văn, say nhạc, say đời, say họa và say rượu”. Người ta say một thứ đã
chết, còn Tạo say cả năm mà cái nào cũng say hết mình. Cái chuyện say của
Nguyễn Trọng Tạo thành giai thoại tới nỗi nhà văn Nguyễn Quang Lập phải nhiều
lần viết giai thoại về anh trong mấy tập truyện nhưng vẫn không hết chuyện để
kể.
Uống rượu
nhiều, thức đêm làm việc lắm nhưng may mắn sức khỏe Tạo vẫn khá, mỗi khi đặt
lưng xuống là anh có thể “kéo gỗ” ngay tức khắc và tửu lượng thì nhiều người
vẫn phải nể. Tạo là người quảng giao lại thêm cái thú rượu cho nên anh có nhiều
bạn văn, bạn rượu. Thậm chí có những mối quan hệ thâm giao trong giới văn nghệ
sĩ cũng nhờ rượu mà nên bạn bè, anh em. Trong đó ấn tượng nhất phải kể tới cố
nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, cố nhạc sĩ Văn Cao, cố nhà thơ Hoàng Cầm, cố nhạc sĩ
Phan Lạc Hoa… Đó là những người tài hoa bậc nhất của nền nghệ thuật Việt Nam và đối với
Nguyễn Trọng Tạo đều có thể được xem là tri kỉ thơ, văn và bạn rượu hợp “gu”.
Đầu tiên là cố
nhạc sĩ Văn Cao, Nguyễn Trọng Tạo kể, năm 1981, anh đi cùng với người bạn thân
là nhạc sĩ Phan Lạc Hoa tới nhà Văn Cao để lấy cái mẫu đề-co cho tờ nhạc bướm
ca khúc “Tàu anh qua núi”. Tới nhà Văn Cao, Phan Lạc Hoa giới thiệu Nguyễn
Trọng Tạo, không ngờ Văn Cao lại biết, cố nhạc sĩ mới “à” lên một tiếng: “Có
phải cái anh Đồ Nghệ nhận Quan họ làm quê không?”, nói xong cả ba cùng cười.
Sau đó câu chuyện trở nên thân tình, Nguyễn Trọng Tạo mới mời nhạc sĩ Văn Cao
và Phan Lạc Hoa ra chợ Đuổi uống rượu lòng lợn tiết canh ở một quán lều tranh.
Ngay lần đầu tiên gặp nhau, Văn Cao đã tỏ ra quý mến Nguyễn Trọng Tạo, ông đã
đọc cho Nguyễn Trọng Tạo nghe những bài thơ chưa ai biết mà ông vẫn có thói
quen viết trên bao thuốc lá: “Dòng sông đi qua để lại sóng/ đoàn tàu đi qua để
lại tiếng/ đoàn người đi qua để lại bóng/ tôi không đi qua tôi/ không để lại
gì”. Cả buổi đối ẩm đó, Văn Cao đọc thơ nhiều, rượu càng vào thì giọng thơ của
ông càng sáng láng, tư tưởng càng lấp lánh, nghe rất thích”, Nguyễn Trọng Tạo
nhớ lại.
Một sự gặp gỡ
khác của Nguyễn Trọng Tạo và nhà thơ “Bên kia sống Đuống” – Hoàng Cầm cũng bắt
đầu với chai rượu làng Vân. Hôm đó Nguyễn Trọng Tạo với cố nhạc sĩ Phan Lạc Hoa
và nhà thơ Nguyễn Hoa lần đầu tới thăm Hoàng Cầm. Nhà Hoàng Cầm có một quán
rượu nhỏ do vợ bán ở dưới nhà. Khi tới nơi, cả ba anh em ngồi uống nước và nói
chuyện dưới quán với vợ Hoàng Cầm, còn Hoàng Cầm ở trên gác. Khi biết có khách
thơ tới thăm, nhà thơ Kinh Bắc mới từ gác đi xuống và cầm theo một chai rượu có
mảnh giấy dán vào chai rượu ghi mấy chữ: “Rượu riêng của Hoàng Cầm”. Khi Nguyễn
Trọng Tạo giới thiệu từng người thì Hoàng Cầm mới bảo: “Tạo thì mình biết, cách
đây không lâu mình cũng đã đọc Trường Ca Đồng Lộc của cậu, còn bài hát Làng
Quan họ quê tôi là cậu viết quê của mình đấy. Hôm nay có khách quý mang chai
rượu riêng của làng Vân để uống”. Thế rồi 4 người nhâm nhi chuyện trò, nói chuyện
thơ nhạc hết buổi. Nguyễn Trọng Tạo thành thâm tình với nhà thơ Hoàng Cầm từ
đấy.
Riêng Trịnh
Công Sơn thì Nguyễn Trọng Tạo có duyên gặp gỡ từ năm 1976, khi đó Tạo đang phụ
trách đoàn nghệ thuật 341, đơn vị làm đường Sắt thống nhất ở núi Lệ Kì, Quảng Bình.
Một hôm, cậu lính trực ban chạy vào báo cáo: “Thủ trưởng có khách, mà khách lạ
lắm, mặc áo măng tô, tóc dài tới vai, cười thì có cái răng khểnh, đi cái xe
mini tòng tọc”. Nghe tả dáng thế nhưng Tạo vẫn chưa thể nhận ra ai. Khi anh
chạy ra thì thấy người đó cười rất hiền nói như bạn lâu ngày không gặp: “Mình
Sơn đây, Trịnh Công Sơn”. Nguyễn Trọng Tạo mừng quá bảo: “Tôi nghe nhạc anh
nhiều, thích lắm”, xong rồi mời Trịnh Công Sơn vào nhà thì nhạc sĩ họ Trịnh
bảo: “Đang còn mấy nghệ sĩ ở phía sau, họ đi với mình”. Hóa ra đây là đoàn văn
nghệ sĩ Huế cùng nhau đi một chuyến xe khách ra Quảng Bình để làm việc thì xe
bị hỏng dọc đường, có một ông nhà thơ biết Nguyễn Trọng Tạo ở gần đây nên họ rủ
nhau đạp 6 – 7km tới núi Lệ Kì. Trưa hôm đó, Nguyễn Trọng Tạo tổ chức cuộc
chiêu đãi văn nghệ sĩ Huế thịnh soạn với thịt tươi, có giò hộp cừu Mông Cổ,
rượu chanh… Buổi chiều Tạo lại mời đoàn nghệ sĩ Quảng Bình và Huế giao lưu với
đoàn nghệ thuật của anh nhưng Trịnh Công Sơn vẫn còn mệt nên chỉ ngồi
xem. Sau khi xem đoàn nghệ thuật quân đội của Tạo hát hợp xướng, Trịnh Công Sơn
“nổi hứng” mượn cây đàn ghi ta hát ca khúc Nối vòng tay lớnhăng say
như chưa mệt mỏi bao giờ. Kể từ lần gặp đó, Tạo là chỗ anh em với nhạc sĩ họ
Trịnh. Khi Tạo ra Hà Nội năm 1997, anh ít có điều kiện gặp Trịnh. Lần gặp nhau
cuối cùng vào đầu năm 2001, khi Nguyễn Trọng Tạo đi công việc vào Sài Gòn, bận
ấy Trịnh Công Sơn “đau”, còn Tạo thì bận việc, mãi khi sắp phải ra sân bay anh
mới chạy vội tới quán trà đường Đồng Khởi để gặp Trịnh Công Sơn. Chạy đến nơi
thì thấy bác sĩ chăm sóc đang bên Trịnh. Tạo lấy ra chai rượu ra, rót một ly
mời Trịnh Công Sơn uống nhưng bác sĩ không cho. Lúc này Nguyễn Trọng Tạo mới
bảo: “Bây giờ Tạo phải ra sân bay, anh nhấp một tí cho đỡ nhớ”, Sơn cười hiền
có vẻ tiếc nuối: “Tạo vội quá nhỉ?” rồi nhấp hết một nửa ly rượu. Tạo nhớ lại:
“Tới ngày 1.4.2001, khi Tạo đang ngồi uống bia ở hồ Ngọc Khánh thì nhận điện
thoại trong Nam
ra: “Anh Sơn mất rồi, đặt anh một bài về anh ấy”. Mình mới chửi: “Hôm nay mùng
1.4, mày định lừa anh à”, nhưng hóa ra là Trịnh mất thật. Hôm ấy biết Trịnh đã
mất mà buồn quá, uống bia cũng mau say hơn mọi hôm”.
Nói xong câu
chuyện về Trịnh, Tạo đứng dậy ra cái tủ gỗ lấy chai rượu rắn ra, rót một ly rồi
tự uống một mình, không nói năng thêm gì cả. Biết anh đang nhớ “cố nhân”, tôi
cũng lảng chuyện: “Bây giờ anh còn viết nhiều không”. Tạo lại nhấp thêm ngụm
nữa rồi nói: “Thời gian này mình ít làm vì cảm hứng thơ “chững” lại, giờ mình
lăng xăng mấy cái việc xuất bản, viết chân dung, vẽ bìa sách, làm sách nhiều…
chờ lúc nào cảm hứng trở lại thì viết thôi”. Tạo tâm sự rằng cuộc sống của anh
bây giờ rất thong dong, tự tại, anh xem mọi thứ đơn giản kể cả những đắng cay
và bon chen trong cuộc sống anh đều cười và cho qua nhẹ nhàng. Ngôi nhà của anh
ở bãi giữa sông Hồng trong khu sinh thái Vietnet dưới chân cầu Vĩnh Tuy là niềm
vui thanh thản bên bạn bè. Đối với Nguyễn Trọng Tạo niềm vui hiện tại của anh
đơn giản chỉ là mong sao cây cối trong vườn tốt tươi, và bạn bè năng lui tới.
Theo: Blog Nguyentrongtao
Nhận xét