1117.Vũ Từ Sơn – Bàn về chữ “Tầm”


Bàn về chữ Tầm
PNTB: Nhà thơ Vũ Từ Sơn (Bắc Giang), gửi cho PNTB bài này. Mình nghĩ, chắc anh cũng đang bức xúc với những ai chả đủ tầm mà vẫn cầm cái gậy chỉ huy thiên hạ. Nhưng thưa nhà thơ, đến con bò mà lắp được cho nó đôi cánh, nó vẫn tưởng có thể bay được kia mà!


           Trong một tập hợp người từ nhỏ đến lớn đều phải có người lãnh đạo. Muốn làm được chức năng lãnh đạo, người đó phải có "Tầm", nếu không sẽ hỏng việc, thậm chí hỏng cả một cơ nghiệp, sự nghiệp lớn.

          Vậy "Tầm" là gì ?
          Quy lại có ba trạng thái, ba cung bậc: dưới tầm, ngang tầm, trên tầm. Ba bậc này để nhìn nhận một người lãnh đạo. Ông A khi đảm nhiệm một cương vị lãnh đạo nào đấy luôn luôn không hoàn thành nhiệm vụ, để công việc lẹt đẹt, trì trệ, dẫn đến hỏng việc, là dưới tầm. Một lãnh đạo B, kết quả cho thấy chỉ đạt ở mức trung bình, đạt yêu cầu, là ngang tầm. Còn ông C luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ: đưa công việc họ đảm nhiệm, chức vụ họ được giao phó đến tốt đẹp, mỹ mãn. Người đó có thể sử dụng ở chức vụ cao hơn. Đương nhiên đó là trên tầm. Bàng Thống trong Tam quốc diễn nghĩa, tài cao học rộng, có tầm quốc gia, nhưng Lưu Bị chỉ sử dụng ông ta ở chức quan huyện, khiến ông suốt ngày uống rượu, làm thơ. Ông giải quyết công việc của một tháng chỉ trong một ngày.
          Mỗi con người đều trải qua một vòng đời: Sinh - Trưởng - Lão - Tử . Quỹ thời gian hữu hạn, đều phải trải qua thời kỳ nuôi dưỡng giáo dục, học tập, rèn luyện, phấn đấu đúc rút kinh nghiệm, vươn lên trau dồi đạo đức, trí tuệ. Sự giáo dục của gia đình, nhà trường, xã hội cộng với sự nỗ lực phấn đấu của bản thân để hình thành một cá nhân nhất định. Trường đời trong lao động nhanh chóng nhận rõ ai là người làm được việc. Lấy công việc làm thước đo, lúc đó tầm của họ được bộc lộ.
           Chữ Tầm bao hàm cả trí tuệ và phẩm hạnh. Ở đây xin bàn thêm về trí tuệ.
        "Thông minh vốn sẵn tính trời" (Nguyễn Du). Đó là nói về chỉ số thông minh, là gen di truyền. Nhưng thông minh không quyết định tất cả. Trí tuệ còn phụ thuộc vào ý thức rèn luyện chủ quan của con người và hoàn cảnh cuộc sống. Cụ Hồ viết: "Phần nhiều do giáo dục mà nên". Trong xã hội, trí tuệ được xếp theo hình chóp "Tam giác trí tuệ". Tam giác này chia loài người ra 5 tầng trí tuệ: dưới bình thường - bình thường - thông minh - thông tuệ - minh triết. Khảo sát trí tuệ dân số một đất nước theo tam giác trí tuệ: số người dưới bình thường, bình thường ở đáy tam giác chiếm tỷ lệ lớn; thứ đến người thông minh chiếm tỷ lệ đáng kể; người thông tuệ chiếm ít, người minh triết thì cực hiếm.
          Có người viết về nhà văn Nguyễn Huy Tưởng trên một tờ tạp chí với tiêu đề nghe rất sang trọng: Minh triết Nguyễn Huy Tưởng. Theo tôi, nghe thấy lạ.
        Ở nước ta, từ cổ chí kim người được coi là minh triết phải kể đến Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Huệ, Lê Quý Đôn, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hồ Chí Minh, ... và chỉ một số rất ít nữa mà thôi...
         Bi kịch thường xẩy ra khi không đủ Tầm (trí tuệ và phẩm hạnh), mà cố nặn lên theo kiểu "để là hòn đất, nặn lên thành ông Bụt". Có người ở tầm cao không làm được gì cho đất nước, khi về đời thường lại hành xử không bằng một thường dân, khiến dư luận chê bai. Hiện xã hội ta còn tồn tại một số người lãnh đạo có trí tuệ bình bình, nhưng lại được cất nhắc lên một vị trí cao hơn khả năng, khiến họ xử lý công việc hạn chế. Hơn nữa, lại vinh thân phì gia, bán rẻ lợi ích tập thể, mưu lợi bất chính...Thời gian và lịch sử sẽ trả lời, sẽ minh chứng. 
          Xã hội vận động tiến lên, mọi người đứng trong xã hội đều phải sống và làm việc theo đúng tầm của mình. Đó là xã hội phồn vinh.
          Nhưng quả là khó lắm thay !

VŨ TỪ SƠN
ĐC: Số 29 , ngõ 137 - Hùng Vương
TP Bắc Giang , tỉnh BG .






Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.