931.Bộ trưởng nên đấm ngực và nói: “lỗi tại tôi”!
Bộ trưởng nên đấm ngực và nói: “lỗi tại tôi”!
![]() |
Bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường (áo trắng) thuật lại vụ việc với cơ quan điều tra tại cầu Thanh Trì (bắc qua sông Hồng). Ảnh: TL |
1. Kinh hoàng, phẫn nộ, lên án, đó là phản ứng chung
của nhiều người trong những ngày qua về hành vi “vứt xác nạn nhân” để phi tang
của Nguyễn Mạnh Tường. Đúng là chẳng còn gì để nói về việc làm phi nhân tính
này, người bình thường hành động như thế đã không thể chấp nhận, huống hồ đây
lại là một bác sĩ.
Thật ra chuyện bác sĩ hành động man rợ như thế không phải
là cá biệt. Đầu những năm 2000, nước Anh rúng động khi cảnh sát phát hiện bác
sĩ Harold Frederick Shipman giết chết 215 người trong quá trình hành nghề từ
năm 1978 – 1998. Năm qua, cảnh sát Thái Lan cũng vào cuộc điều tra bác sĩ Supat
Laohawattana, người bị tố cáogiết chết ít nhất bốn người rồi thiêu xác họ.
Tháng 5 năm nay, báo chí Mỹ lật lại hồ sơ vụ bác sĩ Ali Salim người Pakistan , sống ở Ohio , bị cáo buộc hãm hiếp và sát hại một
thai phụ hồi mùa hè 2012.
So với những vụ việc nước ngoài trên, hành vi của Nguyễn
Mạnh Tường dường như “chẳng thấm” vào đâu. Thế nhưng, trong bối cảnh một xã hội
mà những bê bối y khoa ngày càng được phơi bày và nhân lên về mức độ như nước
ta, tội ác của người bác sĩ Việt Nam – có lẽ lần đầu tiên trong lịch sử y khoa
nước nhà – lại đặt ra một câu hỏi lớn: Liệu đó có phải là giới hạn cuối cùng
cho sự chán chường của người dân về sự xuống cấp của ngành y tế chưa, hay còn
phải chờ đến giới hạn nào nữa?
2. Có thể xem hành động “vứt xác nạn nhân” của bác sĩ
Nguyễn Mạnh Tường là đỉnh điểm cho sự xuống cấp y đức trong ngành y tế nước
nhà. Vậy mà, tại cuộc họp Quốc hội hôm qua (24.10), nói về chuyện này, bộ
trưởng bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chỉ biết bày tỏ sự “xót xa, khổ tâm, day
dứt” cùng những hứa hẹn và kêu gọi chung chung. Thật sự thất vọng với cách xử
sự như thế.
Cứ tưởng sau hàng loạt vụ bê bối trong ngành y vừa qua, từ
“nhân bản xét nghiệm”, “ăn phim X-quang”, “tai biến sản khoa”... và nay là cao
trào “thủ tiêu xác nạn nhân”, người đứng đầu ngành y tế phải đấm ngực và nhận
trách nhiệm về mình bằng câu nói “lỗi tại tôi”, thì bà bộ trưởng lại tiếp tục
biện hộ cho ngành và đẩy trách nhiệm cho toàn xã hội.
Không ai phủ nhận ngành y tế nước nhà vẫn còn nhiều tấm
gương sáng, chấp nhận sự hy sinh, thiệt thòi của nghề nghiệp mà không quan tâm
đến đãi ngộ. Nhưng liệu những cái tốt này còn được duy trì bao lâu trước sự
nhân lên của cái xấu, ngày càng tinh vi và biến tướng kinh hoàng?
3. Thanh tra toàn diện các cơ sở thẩm mỹ, đó là chỉ
thị của lãnh đạo bộ Y tế gửi đi các địa phương sau câu chuyện Nguyễn Mạnh
Tường. Hành động này chẳng khác gì chuyện “mất bò mới lo làm chuồng” trước đó
của bộ Y tế sau những sự cố tử vong sản phụ, tai biến sau chích ngừa, phòng
mạch “chui” Trung Quốc. Những năm trước đây, có lẽ người dân còn tin tưởng vào
những giải pháp xoa dịu dư luận như thế, nhưng hôm nay nhiều người đã quá chán
ngán, cạn kiệt niềm tin về chúng.
Thật ra quy định, luật lệ liên quan đến khám bệnh, chữa
bệnh ở nước ta đâu thiếu gì, từ quy định quảng cáo, phạm vi hành nghề đến xử
phạt, nhưng vấn đề là mọi thứ có được thực hiện nghiêm minh hay không. Nói đến
công tác thanh tra y tế, một thanh tra viên của sở Y tế TP.HCM thừa nhận rất
khó thực hiện vì quan hệ và lợi ích đan xen nhau chằng chịt. “Hàng ngày chúng
tôi gặp mặt và ăn uống chung với nhau, khi có chuyện làm sao xử phạt được?”,
người này hỏi. Bởi vậy, không lạ khi một thẩm mỹ viện chưa có giấy phép vẫn
ngang nhiên hoạt động ngay giữa lòng một thành phố lớn, một bác sĩ không có
bằng cấp chuyên môn phẫu thuật thẩm mỹ vẫn thoải mái nâng ngực cho khách hàng
để dẫn tới sự cố chết người.
4. Ngày 19.10, bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường để xảy ra tai
biến chết người tại cơ sở thẩm mỹ của mình rồi lẳng lặng mang xác nạn nhân đi
vứt. Trước đó một ngày, tại bệnh viện đa khoa huyện Thiệu Hoá (Thanh Hoá), mẹ
con sản phụ Nguyễn Thị Xuân lìa trần trong uất ức vì không được những thầy
thuốc cứu chữa kịp thời. Hai sự kiện nghiêm trọng trong hai ngày liên tiếp như minh
chứng về sự bất lực trong quản lý của ngành y tế nước nhà. Sau bao nhiêu “liều
thuốc” do những nhà quản lý đưa ra, những bê bối trong ngành y tế vẫn không cải
thiện mà dường như ngày càng nhiều hơn và tệ hại hơn. Sau “nhân bản xét
nghiệm”, “ăn phim X-quang”, “thủ tiêu xác nạn nhân” rồi sẽ đến chuyện gì? Đã
đến lúc cần đến những “liều thuốc” mạnh hơn vì bệnh đã quá nặng. Và dù đó là
“liều thuốc” nào, trước nhất người giữ cương vị bộ trưởng phải dũng cảm nhận
trách nhiệm về mình, thay vì đùn đẩy trách nhiệm cho giới truyền thông hay cho
toàn xã hội. Sự chia sẻ “xót xa, khổ tâm, day dứt” là cần thiết, nhưng cần
thiết hơn phải là lời nói “lỗi tại tôi” để làm gương cho những người bên dưới.
BÌNH YÊN/ SGTT
(xem
thêm bài Do đâu mạng người như rơm rác?)
Nhận xét