810.Chuyện nhà Thà


                                                                Chuyện nhà Thà

Truyện ngắn: Ngọc Dương
Nhà Thà giàu nhất thôn An Phú. Nhưng không phải giàu tiền của, mà giàu... người. Lấy nhau được mười sáu năm, vợ Thà đẻ liền chín đứa con. Đứa nào cũng như củ khoai, củ sắn. Cứ lăn lóc gầm giường, xó chạn, góc sân... Ăn gì cũng được, ngủ đâu cũng xong. Đến bữa, vợ Thà luộc độ một yến khoai lang, đổ ra rổ. Mỗi đứa nhặt vài củ, tản mát ra góc sân, đầu hè, bờ ao, ngoài vườn. Thế là xong bữa. Có hôm mụ nấu nồi cơm to, luộc rổ rau muống ao. Cơm chín, mụ bê ra cửa bếp, mở vung, lấy đũa cả xới tung nồi cơm lên. Con bé Nhớn cầm cái muôi ra đứng cạnh nồi cơm, gọi to: "Cái Nhỡ, thằng Nhỏ, thằng Nhóc, cái Nháy, cu Nhít, thằng Tỵ, thằng Tèo, thằng Tẹo về lấy bát, ăn cơm !". Không biết từ những xó xỉnh nào, bọn trẻ chạy ào vào chạn bát lấy mỗi đứa một cái bát to với cái thìa, ra gần nồi cơm, xếp hàng trật tự. Đứa đến trước đứng trước, đến sau đứng sau, không chen lấn, xô đẩy, không phân biệt nhớn bé. Thực ra thì chúng cũng sàn sàn trứng gà trứng vịt. Cái Nhớn cầm muôi vục vào nồi cơm. Tất cả lần lượt chìa bát ra. Cái Nhớn úp muôi cơm vào từng bát cho chúng. Đứa nào xong, ra rổ rau luộc thò tay bốc một bốc và một dúm muối trắng bỏ vào bát cơm, rồi ra ngồi hiên nhà, cửa bếp, chân đống rơm, cạnh đống củi hoặc gần cầu ao mà ăn.
Cái giếng khơi nhà Thà đào ngay đầu bếp, nước trong veo. Nhưng chẳng có tiền xây, nên vẫn là giếng đất, quấn đai tre nứa. Trên miệng giếng, Thà đóng những cái cọc bằng tre rồi lấy nứa ken vào. Lâu ngày, mưa nắng mục, gầu nước kéo bằng tay, va chạm, gẫy mấy chỗ. Thà đang lúi húi dọn dẹp ở trên nhà. Một tiếng "ùm" ở giếng. Thà giật mình, nghĩ ngay đến đàn con. Vợ Thà ở bếp rú lên "Ối giời ơi, có đứa rơi xuống giếng rồi !" Bọn trẻ đang chơi trên sân, chạy xô lại như đàn vịt. Thà từ trên nhà cuống quýt nhảy như con căng cu ru xuống “hiện trường”, không kịp cởi quần áo, tùm ngay xuống giếng, lặn một hơi tận đáy. Lát sau ngoi lên, ướt như chuột lột. Mồm lắp bắp: "Không, không thấy đứa nào !" Vợ Thà chỉ đầu từng đứa trẻ, lẩm nhẩm: "Một, hai, ba, bốn, năm ...", rồi mụ reo lên: "Đủ rồi, đủ chín đứa rồi !" Thì ra miệng giếng lở một tảng đất, giờ mới nhìn thấy.
Một hôm tôi đến chơi, Thà khoe: "Hôm nay bán buồng chuối xanh, mua được hai lạng lạc với chai rượu nút lá chuối. Anh phải ở lại uống với tôi". Nể Thà, tôi ở lại. Thà trịnh trọng đặt chai rượu, đĩa lạc rang và hai cái chén con lên cái bàn uống nước. Cái bàn cao độ sáu mươi phân tây, kê giữa nhà. Chúng tôi cạch chén, chỉ có hai người, chuyện vẫn nổ như pháo. Thằng bé độ mười tuổi vừa đi chơi về, ngồi sán vào cạnh bố. Tôi hỏi Thà: "Cháu nó học lớp mấy?" Ngần ngừ một tí, Thà quay ra hỏi con: "Mày học lớp mấy nhỉ?" Thằng bé trả lời: "Con học lớp ba". Thà lúng túng: "Ờ... ờ... cháu nó học lớp ba". Rồi quay ra: "Này, con xuống bếp ăn cơm với mẹ nhá". Thằng bé ngoan ngoãn chạy đi.

Cái tang rượu “quốc lủi”, ngọt nước, nhắm với lạc rang "vào" ra phết. Tôi nhón mấy hạt lạc vê vê trên tay, chẳng may tuột rơi xuống gầm bàn một hạt. Tôi ngó xuống.  Lại một thằng bé nằm phủ phục, như con Mực. Nó đưa tay chộp lấy hạt lạc rơi. Tôi khẽ kêu lên: "Ối, thằng cu. Ngồi lên đây với bác". Tôi bốc lạc trong đĩa, bảo nó xòe tay ra. Thà bảo: "Ấy, cháu nó có phần ở dưới bếp rồi !" Nghe bố nói vậy, nó liền nũng nịu: "Ứ, ở bếp ứ có lạc!”...
*          *
*
Chuyện trên đã cách nay bốn mươi năm. Bây giờ ngôi nhà của lão Thà đã được xây khang trang như một biệt thự giữa làng An Phú. Chín đứa con, nhờ hồng phúc, mát tay, vợ chồng lão nuôi đậu cả. Chúng đều có mỗi đứa một cơ ngơi ở thành phố. Có đứa còn có nhà cả ở nước ngoài. Ba đứa con gái toàn lấy được chồng giàu. Một thằng làm giám đốc Công ty; một thằng Việt Kiều ở Thái Lan; một thằng Tây ở Canađa. Sáu đứa con trai đều làm ăn phát đạt. Nghe nói, có hai, ba thằng làm quan chức gì to lắm ở  trên tỉnh. Còn vợ lão thì đã về với tổ tiên.
Lão Thà lọm khọm, mắt kém, suốt ngày quanh quẩn trong khuôn viên ngôi nhà rộng như cái đình làng. Ngôi biệt thự đầy đủ tiện nghi, nhưng cứ lành lạnh vì thiếu hơi người. Lão Thà phải nuôi một chú Vàng để đêm hôm thỉnh thoảng nó sủa vu vơ cho ngôi nhà đỡ quạnh. Hơn nữa, nhà lão nổi bật giữa một vùng quê nghèo, đã kín cổng cao tường vẫn cần có con chó canh giữ cho thêm phần sang trọng. Không có chó canh cổng thì mất hết vẻ oai nghiêm của ngôi biệt thự.
Lâu lắm mới lại có mấy đứa con, cháu đánh xế hộp về. Ào vào nhà, giúi cho lão xấp tiền rồi lại ào đi như thủy triều lên, xuống. Thậm chí, nhiều lần chúng cả không kịp ăn với lão bữa cơm. Lão Thà nhẩm tính: chín đứa con của lão bây giờ tính cả dâu, rể là thành mười tám. Cháu nội, cháu ngoại thì đông lắm lão không thể nhớ được. Nhiều khi chúng có đảo qua thì lão cũng chẳng biết chúng là con cái nhà nào. Ngày Tết có đứa về qua một lúc rồi đi, có đứa cũng chẳng về. Lâu rồi thành quen, lão chẳng quan tâm đến cái bọn như người dưng nước lã ấy.
Chúng đi rồi, lão Thà ngồi trầm ngâm như bức tượng đặt trên bộ phô tơi sang trọng. Dưới ánh đèn nê-ông trắng xanh, bóng lão đổ dài xuống nền nhà lát đá hoa cương bóng loáng. Chú Vàng ngồi chồm hỗm, nghếch mõm lên, đôi mắt thao láo nhìn lão Thà như đang chờ đợi điều gì. Bỗng lão chống tay đứng dậy ra chỗ con Vàng, ngồi xệp xuống cạnh nó. Bàn tay già nua của lão cứ vuốt ve mãi trên bộ lông mượt như nhung của Vàng. Lão lẩm bẩm như khấn Thổ công:
"Con ơi, đừng đi đâu nhé, ở nhà trông nhà cho lão, tối nay lão đãi con một bữa thịt bò làm bít tết. Giờ đây ta chỉ có một mình con, con chó, con vàng của ta!".

Tháng 9/2006
         N.D

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.