796.Ông Liên 'hâm'

Ông Liên "hâm"
 N.N.D

Lần đầu tiên mình gặp ông Liên vào năm 1967. Phòng Y tế và Bệnh viện huyện sơ tán ở cây số 5 đường đi Xuân Quang. Một sáng chủ nhật, mình sang nhà ông Hùng trưởng phòng chơi thì thấy ông Liên đang đào hầm tránh máy bay cho gia đình ông Hùng. Ông mặc cái quần đùi, cởi trần, một mình lúi húi lấy xẻng xúc đất. Mình ngồi trên miệng hầm xem ông làm và tán: “Anh Liên năm nay dễ đến ba nhăm rồi còn gì, sao anh không lấy vợ, cứ lang thang thế này thôi à?” “Anh bảo, lấy ai được bây giờ?” “Thì bên Bệnh viện toàn gái xinh chưa chồng, mà anh lại đẹp giai, chọn ai chả được. Cô thịnh, cô Thụ, cô Quỳnh, cô Việt...” “Không được anh ạ. Nhiều cô chưa chồng thế, mình yêu người này, người kia tị, rồi sinh ra mất đoàn kết, thậm chí đánh nhau nữa là rất khó xử!”...

Thấy người ta nói ông ấy hâm. Những người biết ông đều gọi ông là Liên Hâm. Nhưng mình thì thấy ông là người chịu khó lao động, suốt ngày không ngơi chân ngơi tay, không đào bới thì đánh cây ra trồng rồi rào dậu, rồi bổ củi, quét dọn từ trong nhà ra đến tận ngõ ngoài...Hình như giời sinh ra ông không phải để cho ông ăn chơi?...

Bẵng đi gần hai mươi năm mình không có dịp gặp lại ông Liên nữa. Hình như mình đã quên ông rồi. Tháng 8 năm 1986, mình được điều động từ Trường Đảng tỉnh Hoàng Liên Sơn về công tác ở Ban Tổ chức huyện ủy Bảo Thắng. Thời kỳ đó, kinh tế đất nước đang gặp nhiều khó khăn. Nghị quyết Hội nghị Trung ương IV của Đảng đánh giá: “Nền kinh tế đất nước đang đứng trước bờ vực thẳm!”. Bởi thế, nảy ra cả cái phong trào “nhà nhà làm lương thực, người người làm lương thực” để khắc phục nạn thiếu đói. Mỗi công nhân viên chức một năm phải tự sản xuất ra một cơ số lương thực để trừ vào tiêu chuẩn tem phiếu. Ở miền núi ra sức phát rừng trồng ngô, lúa... Cho nên đã mấy chục năm không biết rừng rú là gì, bây giờ vợ chồng mình phải loay hoay tìm nương trồng ngô. Con Hồng năm ấy học lớp 7, một hôm về mách bố mẹ: Bạn con là con bác Đ. nó bảo, bố nó có nhiều đồi nương lắm. Lúc nào bố mẹ vào bác ấy nhường cho một mảnh đồi mà trồng ngô. Mình gặp ông Đ, ông ấy nói đúng vậy, cô chú cứ vào khu đồi Thiên văn, tôi cho mượn đất mà giồng.

Hôm chủ nhật, hai vợ chồng vác dao, cuốc vào rừng.  Đi xe đạp vào cây số ba gửi nhà bên đường rồi rẽ trái qua nơi sơ tán của cơ quan lương thực hồi còn chiến tranh. Đi sâu mãi vào một khe núi, lội mấy đoạn suối rồi theo con đường mòn lên đồi... Cuối cùng gặp một khu rừng già đã bị phát quang. Có nhiều nương lúa đã gặt và những nương ngô chỉ còn trơ ra toàn cây khô đã hái hết bắp. Nhưng ở đây vẫn còn những rừng nứa, cây to bằng cái phích nước. Đã mấy chục năm ở đất Phố Lu, mình chưa bao giờ bước chân đến nơi này. Cheo leo trên sườn đồi là một gian lều xinh xắn. Đó là lều của gia đình ông Đ, ăn ở tại chỗ để sản xuất lương thực. Đến nơi mới thấy gian lều ấm cúng như một ngôi nhà tranh vách nứa của đồng bào vùng cao. Trước cửa là một cái ao mi ni, rộng chừng 12 mét vuông, kè bằng đá cuội, có máng nước lần từ đỉnh núi xuống, thả cá rô phi. Bờ ao trồng những cây chanh, cây dâu rất đẹp mắt. Sau nhà trồng mía, chuối... Có một người đang lúi húi dọn dẹp ở trong nhà. Thấy “khách” đến, ông ta quay ra: “Chào anh chị!”. Tôi giật mình: “Ô, anh Liên!... Anh còn nhận ra tôi không?”. “Có chứ, anh Dương y tế”... Đã hai mươi năm, nom ông Liên già đi nhiều, nhưng chân tay vẫn rắn chắc, người hơi gầy mà bắp chân, bắp tay nổi cuồn cuộn. Vẫn như trước đây, trừ mùa đông rét mướt còn không mấy khi ông mặc áo. Chỉ đánh mỗi cái quần xà lỏn.

Ông kể tóm tắt về hai mươi năm qua trong cuộc thăng trầm của ông. Sau một thời gian ở cho ông Hùng y tế, ông đi theo những người thợ sơn tràng khai thác và xẻ gỗ cho người ta ở khu vực rừng Bát Xát. Người ta chỉ nuôi cho ăn thôi. Nhưng lúc làm ăn được, họ cũng cho ít tiền. Sau, ông sắm được một số “đồ đạc, tư trang” như cưa, rìu, dao, cuốc và nồi xoong, bát đĩa rồi ông “ra ở riêng”, ngày ngày vào rừng chặt củi về bán kiếm sống.  Tháng Hai năm 79, Trung Quốc đánh sang, Bát Xát là một trong những nơi bị tấn công nặng nề ngay từ những phút đầu tiên. Ông Liên chạy về Phố Lu. Ông chỉ mang theo được con dao phát, cái rìu. Đến Lu, ông chui thẳng lên khu vực đồi Thiên Văn này, một khu rừng già âm u, hầu như chưa từng có lốt chân người. Ông tính vào đây thì quân Trung Quốc chịu chết không thể tìm được. Ông làm cái lều này, tạm bợ hơn bây giờ. Rồi phát nương trồng lúa, trồng ngô. Hằng tuần hoặc nửa tháng ông mới lọ mọ ra thị trấn mua muối ăn, dầu hỏa và một vài thứ thiết yếu... Ông sống ở đây như một người rừng chính hiệu. Mình hỏi: “Tưởng toàn bộ khu này là của ông Đ chứ, hóa ra lại là của anh à?”. “Vâng ban đầu là của tôi, bây giờ là của ông Đ rồi. Tôi làm cho ông Đ mà. Năm ngoái ông ấy đi săn thú ban đêm ở dưới khe kia, thấy có ánh đèn ông ấy lên tận nơi. Mấy hôm sau ông ấy vào bảo tôi: Mày để tao làm chủ khu đồi này cho. Tao sắm thêm dụng cụ sản xuất. Mày chỉ việc ban ngày đi trồng lúa, trồng ngô...tối về ngủ ở đây trông nom nương đồi. Tao ở ngoài phố, thỉnh thoảng lại vào, thiếu gì tao mua. Sống mày làm cho tao, chết tao chôn!... Từ ngày ông Đ làm chủ khu đồi này, ông bảo tôi sửa sang lại cái lều đẹp thế này đấy. Hồi trước nó bé hơn, chưa có cái ao kia đâu”. Tôi hỏi: “Thế ngoài ông Đ ra, có ai đã vào đến đây chưa?” “Có, có mỗi anh Tờ ủy ban, một lần cũng đi săn đêm, anh ấy vào thấy tôi ít quần áo quá, toàn cởi trần mà quần đùi cũng rách không vá được, lần sau vào anh ấy cho mấy cái quần áo bộ đội cũ. Ở trong này có một mình cần gì phải diện. Còn mùa đông thì có bao nhiêu cái mặc tất vào là ấm rồi...”

Mùa hè năm Đinh Mão, 1987 huyện Bảo Thắng bùng phát một trận dịch sốt rét và sốt xuất huyết chưa từng thấy...Trận dịch đã cướp đi mạng sống của một số người, trong đó có anh Hoàng Quý, trưởng phòng Tài chính và cô giáo Nhường. Nhà mình ở gần bệnh viện, chứng kiến cứ khoảng mươi mười lăm phút lại thấy một cái võng đưa bệnh nhân chạy vội vào viện. Trước đó mình đã bị một trận cảm thập tử nhất sinh nên không thoát khỏi trận dịch. Cán bộ lãnh đạo huyện từ bí thư, chủ tịch, phó bí thư... cũng phải đi nằm viện. Tất cả đều sốt rét, nhưng các vị nhẹ hơn. Còn cơn sốt cao của mình thì kéo liên miên ba ngày đêm, đến ngày thứ tư được bổ sung một liều thuốc đặc hiệu thì mới cắt cơn...

Một buổi sáng mình đi xuống buồng tiêm, qua đoạn hành lang, thấy một người quấn cái chăn chiên nằm ngay giữa lối đi. Chả là bệnh viện quá tải do trận dịch nên nhiều bệnh nhân phải trải chiếu nằm ra hiên và hành lang. Mình tò mò ngó xuống, nhìn kỹ thì phát hiện ra ông Liên. Hỏi, ông bảo ốm phải vào viện. “Thế ông Đ đâu?”. “Hôm rồi sốt quá, ông ấy đưa vào đây rồi về”. “Thế ai mang cơm cho anh?” “Tôi chỉ được tiêm thuốc thôi, hai ngày nay không có gì ăn!”... Tiêm xong, mình quay lại dìu ông Liên lên phòng mình. Mình có bát cháo vợ mang cho mới ăn hết một nửa, đưa ông Liên: “Anh ăn đi!”. Ông không nói gì bưng bát cháo húp một hơi hết sạch. Mấy bệnh nhân cùng phòng người có quả chuối, người có cái bánh tẻ đưa cho, ông Liên cũng lẳng lặng cầm lấy ăn ngon lành. Ăn xong ông chỉ nói mỗi câu: “Bây giờ thì tỉnh rồi!”... Mình biết, ông bị bỏ đói vì tất cả bệnh nhân đều có người nhà chăm sóc, còn ông thì không có ai. Cả Bệnh viện đang tập trung cho cấp cứu dịch, phải mở thêm phân viện sang Trường Đảng huyện mới có chỗ chứa bệnh nhân. Những ai thuộc diện nghèo được hỗ trợ ăn uống phải có giấy giới thiệu của địa phương. Nhưng đối với ông Liên thì toàn là con số không. Vì thế hôm đầu vào viện được cấp cứu, ông đỡ, bệnh nhân khác nặng hơn vào chiếm giường, ông ra hiên nằm. Ông Liên không có ai cho ông ăn, y bác sĩ cũng chẳng để ý vì ông không nói. Mình lập tức đến gặp bạn là Đào Trọng Thịnh làm phó giám đốc bệnh viện. Mình bảo: “Trường hợp này ông vận dụng kiểu gì thì vận dụng, miễn là ông Liên phải có cơm ăn trong thời gian điều trị. Nếu không, ông ấy sẽ chết đói chứ không phải chết bệnh đâu!”. Thế là Thịnh chỉ đạo cho nhà ăn bệnh viện giải quyết cho ông có cơm ăn. Ông Liên điều trị thêm 3 ngày nữa là ra viện.

Mình đón ông về nhà mình và bảo: “Trước mắt anh cứ ở đây với tôi, lúc nào muốn vào đồi ông Đ thì vào”. Ông bảo: “Em không vào đồi ông Đ nữa”. Ông hơn mình dễ đến 15, 16 tuổi, nhưng chẳng hiểu sao từ lúc về ở cùng, ông cứ xưng em với vợ chồng mình. Mình ngượng bảo, anh đừng xưng hô thế, người ta cười cho. Ông vâng dạ nhưng lúc sau quên lại xưng “em”. Mấy hôm sau, ông Liên khỏe, ông muốn được làm việc. Lúc thì vào rừng lấy nứa về làm giàn mướp, lúc đi kiếm củi. Có lần thấy người ta đốn đi một cái cây to bên đường, ông xin tận dụng khai thác nốt cái gốc rồi về lấy xà beng, búa, rìu đào bằng được, bổ ra làm củi gánh về. Mỗi khi làm xong một việc, ông ngồi nghỉ, lấy giấy vụn ra quấn thuốc lào hút. Ông chỉ hút thế thôi, chứ không hút thuốc lá mua của mậu dịch. 

                                         ***

Thời gian này mình có dịp tìm hiểu ông Liên kỹ hơn. Mình hỏi ông về tuổi tác, gia đình, quê quán... Ông kể: Ngày bé, hồi lên bốn lên năm em bị người ta bắt đi bán cho một ông Ba Tàu. Em không nhớ bố mẹ tên gì, chỉ nhớ là nhà em ở gần ga tàu hỏa, gần bến xe điện...  Mình lập tức hình dung ra đấy là Hà Nội mà cụ thể là khu vực cửa ga Hàng Cỏ. Hình như cả cái nước Nam này chỉ có mỗi chỗ ấy là vừa gần ga tàu hỏa vừa gần bến xe điện. Một thời gian sau, ông Ba Tàu lại bán Liên cho vợ chồng một ông ở Thái Bình. Liên ở với gia đình này đến năm mười sáu mười bẩy, nhưng gia đình họ đông con, cuộc sống cũng khó khăn. Một hôm có mấy gã thanh niên rủ Liên đi làm ăn, anh trốn nhà theo ngay. Đi xa lắm, sau này Liên mới biết đấy là đất Bắc Hà, tỉnh Lào Cai.

Đó là những người thợ sơn tràng, họ chuyên đi khai thác gỗ ở trên rừng để xẻ bán. Liên làm việc cho họ như một người ở. Họ bảo gì làm nấy. Có lúc kéo gỗ, có lúc nấu cơm, đun nước, lúc lại tập xẻ. Đi lang thang hết khu rừng này sang khu rừng khác... Hằng năm, họ về nghỉ tết nhưng vẫn có người ở lại. Nhưng có một năm cánh sơn tràng về hết, Liên buồn không có việc gì đi lang thang. Anh vào một cơ quan ở huyện hỏi một ông: “Bác có bổ củi cháu bổ cho”. “Mày là ai, ở đâu đến đây? Tết nhất sao không về nhà”. “Cháu không có nhà, không có ai cả”. Thế rồi Liên kể cho ông cán bộ huyện ủy nghe về cuộc đời của mình. Ông ấy bảo: “ Thế thì mày ở đây chăn ngựa cho tao”. Liên đồng ý ngay. Đó là ông Trần Ngôn, Bí thư huyện ủy Bắc Hà. Ngày ấy bí thư huyện ủy đi công tác bằng ngựa chứ làm gì có ô tô. Ông bí thư đi công tác xuống xã là Liên theo để chăm sóc cho con ngựa của ông. Ông Trần Ngôn còn dạy cho Liên biết đọc, biết viết chữ để thỉnh thoảng Liên đi đưa công văn cho ông. Lúc ấy, tuyển người vào cơ quan chẳng có giấy tờ gì, ông Bí thư chỉ nói mồm là xong... Cũng trong thời gian làm việc cho ông Trần Ngôn, Liên được lập cái lý lịch. Ông Ngôn căn cứ vào lời kể của Liên và đoán rằng Liên sinh năm 1932 và đặt cho anh cái họ Nguyễn, vì trước đó Liên không biết năm sinh của mình và cũng không biết Họ mình là gì...

Thế nhưng, ở với ông Trần Ngôn được mấy năm, Liên lại chán công việc ấy và một hôm tự ý bỏ đi. Liên xuống Phố Lu rồi lang thang gặp ông Nguyễn Như Hùng, trưởng phòng Y tế huyện và ở cho ông Hùng một số năm. Từ những năm ấy, dân Phố Lu gọi anh Là Liên hâm.

                                              ***
Từ ngày về ở với mình, ông Liên rất chịu khó làm những việc vặt. Nhưng nhiều lúc không có việc gì, ông sinh ra chán nản. Những lúc ấy, tính “hâm” của ông bộc lộ rất rõ. Ngày xưa các cụ bảo ba mươi tuổi không lấy vợ là thành “ông mãnh” và tính tình thay đổi, thành hâm...Thế mà ông Liên lúc này đã 55, 56 rồi.  Ông không muốn ăn cơm cùng mọi người. Đến bữa gọi đi ăn, ông cứ lần khân, có ý chờ cho mọi người ăn xong rồi ông mới vào ăn một mình. Có hôm mình bắt ép ông phải ăn cơm cùng, ông nể phải nghe theo nhưng lúc ăn, ông cứ ngồi quay mặt đi, thỉnh thoảng quay vào mâm gắp thức ăn rồi lại vác bát quay đi... Thằng Ngọc, thằng Vinh đứa lên sáu, đứa lên bốn, đều còn “dở người” cả nên có lúc bác cháu đánh cãi nhau, bác vác gậy, cháu vác dao định chiến... Một hôm, ông Liên tự ý đi rừng lấy nứa. Đến tối rồi không thấy về, vợ chồng mình lo lắng, dọn cơm ra không ăn được, mà trời tối không biết đường nào mà tìm. Trong bụng nghĩ dại, lỡ có một mình ông ấy mà làm sao thì...Khoảng 8 giờ đang rối ruột thì thấy ông kéo lệt sệt về mấy cây nứa. Mình cáu, mắng ông té tát: “Từ mai, tôi cấm ông không được đi rừng một mình, hiểu chưa?”. Ông im lặng, không nói gì. Mắng rồi lại thương ông. Nhưng vợ mình phát hiện ra là do ông rất ngại gặp người nên cố ý chờ tối mới về chứ có vài cây nứa nếu ông về ngay thì ba giờ chiều đã ở nhà. Một thời gian sau, mình thấy ông thỉnh thoảng kêu đau bụng, cho vào bệnh biện huyện khám không phát hiện ra bệnh gì, nhưng có lúc ông lại buồn nôn. Ăn uống cũng thấy kém đi, nước da cứ tai tái. Mình rất lo, lỡ ra ông có mệnh hệ nào ở nhà mình thì thật phiền toái. Không khéo làm phúc phải tội! Mặc dù mọi người đều biết mình đối xử với ông Liên rất tốt, thậm chí có người còn nói với vợ mình: “Sao anh Dương cứ tự rước lấy những cái vạ giữa đàng thế?”. Bà xã bảo: “Tính anh ấy vậy, thấy ai nghèo khó, khổ sở là hay động lòng...”.

Nhà mình chỉ có hai gian lợp giấy dầu nên tối đến kê giường cho ông ngủ nhờ thư viện huyện, sát cạnh nhà, nơi bà xã mình làm việc. Một hôm, sáng ra thấy ông nôn mửa ra đầy thư viện. Vợ mình phải gánh nước giếng lên rửa. Mình rất muốn đưa ông Liên đi bệnh viện tỉnh (lúc ấy ở Yên Bái) khám bệnh để chữa trị, nhưng cả hai vợ chồng đều đang công tác mà tiền thì không có. Một hôm mình biết tin nhà ông Trần Ngôn, cựu bí thư huyện ủy Bắc Hà, người đã tuyển ông Liên chăn ngựa và làm liên lạc năm xưa ở gần bệnh viện tỉnh Hoàng Liên Sơn. Mình quyết định tổ chức cho ông Liên xuống Yên Bái khám bệnh, nhờ ông Trần Ngôn giúp đỡ. Mình cho ông chút tiền ăn đường và xin một cái giấy giới thiệu của Phòng thương binh xã hội huyện để ông đi tàu người ta miễn vé cho. Mình viết thư cho ông Trần Ngôn rồi chỉ dẫn ông Liên rất tỉ mỉ đường đi nước bước...để ông về Yên Bái khám bệnh. Ông đi mấy ngày về “báo cáo kết quả” là được ông Ngôn giúp đỡ rất chu đáo vào khám, người ta kết luận giun móc và cho thuốc điều trị. Nhưng rồi bệnh cũng không thuyên giảm mấy.

Thời kỳ đi học ở Hà Nội những năm 82 – 85, mình gặp bà Liên, người phố Nguyễn trường Tộ trên một chuyến tàu Hà Nội - Phố Lu. Mình đưa bà về nhà mình nghỉ để chờ xe đi Sa Pa. Bà đi mua dược liệu về bán cho các hiệu thuốc Bắc ở Hà Nội. Mình thấy bà rất phúc hậu và có nhiều nét giống bu mình. Thế rồi mình nhận bà là mẹ nuôi. Từ đấy trong những chuyến Hà Nội – Sa Pa, bà đều qua lại nhà mình. Khi gặp ông Liên ở đây bà đặt vấn đề: “Mẹ ở Sa Pa có quen ông Giảng, ngày xưa từng làm bí thư huyện ủy Mường Khương, ông ấy cho biết, có bà Châu khoảng tám mươi tuổi, là mẹ liệt sĩ. Nhà bà đất rất rộng, có vườn cây ăn quả như lê, mận, đào...nhưng bà sống cô đơn, đang cần một người giúp việc. Trông nom vườn tược, dọn dẹp nhà cửa, đỡ bà những lúc trái gió trở trời... Mẹ muốn đưa anh Liên lên đó đi ở giúp cho bà Châu”. Mình đồng ý cho ông Liên đi Sa Pa và viết thư cho ông Giảng nhờ ông giúp đỡ, mong sao ông Liên có chỗ ăn, chỗ làm... Mẹ nuôi đi Sa Pa đưa ông Liên đi, khi về mẹ đưa cho mình lá thư của ông Giảng. Mình chưa gặp ông Giảng bao giờ nhưng được nghe câu chuyện, trong thư ông ca ngợi lòng trắc ẩn của mình đối với một người cô đơn như ông Liên và ông cho biết, ông Liên đã yên tâm đến ở cho bà Châu.

Sau hai năm, vào khoảng 1990, một hôm thấy ông Liên về. Ông bảo: “Em nhớ anh chị và các cháu quá nên về”. Mình hỏi: “Thế anh về hẳn à?” “ Vâng về hẳn. Em đi đâu cũng không thể quên được anh chị. Phải về ở với anh chị thôi!”. Mình bảo: “Hay anh ở với bà Châu có chuyện gì?”. Ông gạt đi: “Không, bà Châu rất tốt, ở cho bà ấy hàng ngày chỉ làm cỏ trong vườn, gánh nước, bổ củi, nấu cơm...bà ấy quý lắm. Mà anh xem, thấy em khỏe ra nhiều không. Ở đấy thỉnh thoảng em đào cái củ bắc mộc hương và củ xuyên khung ở vườn nhà bà Châu ăn sống, thế mà khỏi hẳn bệnh đau bụng anh ạ”. Tôi thực sự mừng cho ông Liên. Còn bây giờ ông về lại nói vậy thì không nỡ bắt ông quay lại nhà bà Châu nữa...

Tuy nhiên, mình thấy về lâu về dài rất lo cho ông Liên. Năm ấy ông đã 60 tuổi rồi. Sức còn tương đối khỏe, nhưng lỡ ốm đau, bệnh tật thì vợ chồng mình nghèo thế này sao cáng đáng được. Một hôm, mình sang phòng Thương binh xã hội, gặp chú Năm, trưởng phòng...Sau khi nghe mình trình bày, chú Năm rất nể và tư vấn: “Anh về viết cái đơn xin trợ cấp xã hội đối với người cô đơn không nơi nương tựa... Vì anh là thường vụ huyện ủy nên chắc Sở sẽ duyệt ngay thôi”. Mình quyết định làm thủ tục xin trợ cấp cho ông Liên. Kết quả là ông có quyết định được trợ cấp hằng tháng (nay mình không nhớ số tiêng là bao nhiêu), nhưng hằng quý mới lĩnh tiền. Mình nói cho ông Liên biết và yêu cầu: “Số tiền này anh lĩnh về gửi tiết kiệm, khi nào ốm đau mới dùng đến, còn bây giờ ăn uống sinh hoạt tôi nuôi”. Ông vâng vâng dạ dạ. Hôm lĩnh tiền trợ cấp quý đầu tiên, ông trực tiếp đi lĩnh. Tối về thấy bà xã nói: “Hôm nay anh Liên đi lĩnh trợ cấp, mang tiền ra chợ mua hết dừa về xếp đầy gầm giường kia kìa! Còn thừa ít tiền, ông tạt vào cửa hàng dược mua nốt mấy gói polivitamin về cho thằng Ngọc và thàng Vinh ăn thay kẹo. Hai thằng say lử ra...May không việc gì ”.  Tôi mắng: “Sao anh lại làm thế? Anh mua nhiều dừa thế này về ai ăn được? Tôi đã nói là phải gửi tiết kiệm để phòng lỡ lúc ốm đau còn có tiền tiêu chứ!”. Ông cười: “Thôi, cứ đến đâu hay đến đấy. Có tiền trong tay không nên giữ. Những người giữ tiền là rất dại. Cầm tiền là qua cầu gió bay!”. Những quý sau, mình phải dùng biện pháp giám sát chặt chẽ nên đã lập được cho ông một sổ tiết kiệm.

Tháng 5 năm 1993, mình được điều động công tác lên tỉnh ủy, biết tỉnh mới thành lập Trung tâm nuôi dưỡng người cô đơn, không nơi nương tựa, gọi là Trung tâm bảo trợ xã hội.  Mình làm việc với cơ quan thương binh xã hội và họ tiếp nhận ông Liên vào Trung tâm này. Sau này mình được biết, ông Liên ốm nặng, người ta đưa ông đi một Bệnh viện ở Hà Nội và ông mất ở đấy.        

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.