768. Một chuyến đi buôn lậu.

Một chuyến buôn lậu.
N.N.D

Những năm mình học ở Trường Tuyên huấn Trung ương I (1982 – 1985), bởi chưa thoát khỏi thời kỳ bao cấp nên đời sống của cả thày và trò cũng đều chật vật. Chỉ có các bạn ở các tỉnh miền Nam là khá hơn, ăn khá hơn, mặc khá hơn, tiền tiêu vặt khá hơn. Có lẽ hồi ấy ở miền Nam vẫn còn rơi rớt “tư duy của văn hóa tư sản”? Có lần các bạn ở TP Hồ Chí Minh khoe: Tối qua bọn tớ ra 37 Hùng Vương gặp anh Hai ra họp Quốc hội, anh móc túi cho mỗi thằng ít tiền và bảo bọn bây học hành cho tử tế nha. Anh tuyên bố: Thành phố cho mỗi đứa bộ đồ rét, cái chăn bông và cái xe đạp. Học xong để lại cho những thằng học khóa sau... Bọn mình nghe mà lác hết cả mắt, vì nó quá xa lạ với chính sách ở miền Bắc. Miền Bắc lúc ấy được đi học đã là một đặc ân rồi, ai còn dám xin tiền, nhất là những khoản ngoài chế độ.

Bấy giờ không ai nghĩ rằng tiền lương có thể nuôi sống bản thân. Cao, thấp, nhớn, bé thì cũng cứ “giật gấu vá vai” để mà sống. Nếu ở nhà ăn chung với gia đình còn tiết kiệm được nhiều khoản không phải chi phí. Đằng này ở Thủ đô hoa lệ nên dẫu có ki bo mấy vẫn bị “viêm màng túi”. Mỗi anh đi học đều có những “sáng kiến” riêng để làm sao có thể sống được với mức tối thiểu.

Anh Hoàng Xuân Thảo, người cùng cơ quan mình học lớp Xây dựng Đảng có sáng kiến là mua những hộp xà phòng kem ở ga Hà Nội gửi lên Yên Bái cho vợ bán, mỗi hộp lãi được vài hào. Năng nhặt, chặt bị cũng đủ tiền tàu về hè về Tết. Một lần mình về tranh thủ, anh Thảo gửi chục hộp xà phòng kem bảo đến Ga Yên Bái tàu đỗ lấy nước, lấy than lâu nên ông cố gắng chạy vào đưa bà xã tôi, nhà ở gần ga. Mình nhận lời. Cái túi đựng 10 hộp xà phòng đút xuống gầm ghế, mình ngồi trên lúc nào cũng thò chân xuống kiểm tra, nghĩ nếu không cẩn thận bọn trộm cắp trên tàu nó “mổ” mất thì mang tiếng. Đến ga Ấm Thượng, trời đã gần sáng, mình kiểm tra túi xà phòng vẫn còn nguyên mà khách thì đã xuống vãn, trên toa chỉ còn chưa đầy hai chục hành khách. Yên tâm là bây giờ nguy cơ mất trộm rất ít. Mệt quá mình thiếp đi. Khi tàu vào ga yên Bái, trời đã sáng hẳn, thò chân xuống thì gầm ghế rỗng. Hoảng hốt ngó xuống, cả cái túi xà phòng và đôi dép tiền phong không cánh mà bay! Buồn nấu ruột. Hành lý của mình có cái cặp ôm trên người thì còn. Tàu đỗ, mình xuống chạy một mạch vào nhà anh Thảo nói xin lỗi chị ấy về tình cảnh vừa xảy ra. Chị ấy cười bảo, thôi không sao anh ạ. Nhưng đối với mình thì chuyến đi quả là buồn...

Mình có sáng kiến làm quen với anh trưởng tàu tên Vinh, để đi tàu nhờ. Mỗi lần về hè, về Tết anh bảo: “Ông cứ ra 99 đường Nam Bộ gặp bất kỳ ai bảo tôi là người nhà anh Vinh thì họ sẽ gửi anh vào toa nhân viên lên Phố Lu, cũng đỡ được một suất vé, có tiền mua quà cho con”.

Có lần trước khi nghỉ hè mình thăm dò thị trường chợ Giời. Thấy họ bán thuốc đau mắt Trung Quốc, hỏi giá mua, họ nói “bẩy mươi”, tức là bẩy hào một tuýp. Họ bán ra bẩy nhăm. Trong thời gian nghỉ hè mình tìm được một cô bạn chuyên đi hàng Trung Quốc. Đó là pin đèn, phích nước, vỏ chăn con công và thuốc đau mắt. Mình nghĩ nhân tiện hết hè về trường mang thêm cái gì đó ra chợ giời “đổ” kiếm mấy đồng tiêu vặt. Cô bạn tư vấn, anh không nên mang vỏ chăn, phích nước, đèn pin...nó cồng kềnh dễ lộ. Nên mang vài trăm tuýp thuốc đau mắt gọn nhẹ. Tất cả những thứ hàng hóa ấy của Trung Quốc lúc đó được xác định là “hàng tâm lý”, thứ hàng của bọn thù địch. Đó là giai đoạn mà Đảng ta khẳng định Trung Quốc là kẻ thù nguy hiểm, trực tiếp... Vì vậy bắt được ai mang hàng tâm lý là tịch thu, không oong đơ gì hết.

Hai ngày trước khi về trường mình đi vay được hai trăm bốn mươi đồng, bằng khoảng 4  tháng lương, mua cất 400 tuýp thuốc đau mắt Trung Quốc với giá 6 hào một tuýp. Tính cua trong lỗ: xuống Hà Nội buổi sáng, chiều tranh thủ đạp xe ra chợ Giời giao bẩy mươi là đã kiếm được 1 hào/tuýp, 400 tuýp vị chi lãi được 40 đồng. Úi chà bằng hai phần ba tháng lương của mình rồi. Thời buổi này làm gì ra tiền nhanh thế? Phải trăn trở suốt đêm nghĩ cách mang hàng đi trên tàu sao cho an toàn, chứ nhỡ Quản lý thị trường họ vớ được thì chẳng những xôi hỏng bỏng không mà còn mang nợ, thậm chí lộ ra còn mang tiếng học viên Trường Đảng Trung ương mà đi buôn lậu. Lấy được hàng về, còn một ngày nữa mới đi mà tim lúc nào cũng cứ đập thùm thụp. Tất cả hành lý chỉ có mỗi cái cặp giả da mà mọi người thường gọi lịch sự là ca táp. Cái cặp có hai ngăn lớn, một ngăn ép vừa bộ quần áo. Ngăn kia mọi khi thường đựng cơm nắm hoặc bánh mỳ đi ăn đường. Đợt này thay bằng 400 tuýp thuốc đau mắt Trung Quốc. Mình nướng lá chuối cho mềm, để nguội rồi gói những hộp thuốc đau mắt như thể những gói cơm nắm mọi khi. Để tránh con mắt nghi ngờ của Công an, Thuế vụ, Quản lý thị trường, mình vứt cái cặp lên gác toa tàu, không thèm ôm khư khư như những người mang vật quý. Tàu xuôi đến ga Yên Bái, đội quân Quản lý thị trường liên ngành xông lên đầy các toa. Mình cứ lim rim giả vờ ngủ nhưng tim thì đập loạn xạ. Các đồng chí cán bộ quản lý thị trường cầm cái que nhọn đi dọc toa cứ thấy bao tải là chọc để kiểm tra xem có hàng lậu không. Có người bị phát hiện mang lưng bao tải măng khô, một loại hàng “quốc cấm” vì nó là kết quả của việc phá rừng ngay từ khi còn “trong trứng”! Bao tải măng bị ném qua cửa sổ toa tàu xuống đường ke. Vì sợ cái cặp của mình bị phát hiện nên mình không theo dõi kỹ vụ ấy, chỉ loáng thoáng thấy người đàn bà tội nghiệp quỳ mọp xuống đường ke van lạy cái anh cầm que nhọn đi chọc hàng, không biết cuối cùng giải quyết thế nào. Một người trong đội quản lý thị trường thò tay lên gác nắn nắn cái ca táp của mình, hỏi: “Cái này của ai?”. Mình vội trả lời: “Của tôi đấy”. “Cái gì đây?”. “Sách và cơm nắm đấy. Ông có đói làm miếng”. “Anh là sinh viên à?”. “Sinh viên gì già thế này. Học viên trường Mác – Lê nin thôi”. “Anh học Nguyễn Ái Quốc à? Tôi cũng có ông chú dạy ở Nguyễn Ái Quốc đấy. Học trường này là oách lắm. Ra trường toàn làm cán bộ to cả”... Đang chuyện với mình thì người đồng nhiệm với anh ta gọi đi. Toa mình đã được kiểm tra xong. Mình thở phào nhẹ nhõm. Người ta bảo cứ qua được ga Yên Bái thì từ đấy về Hà Nội là yên tâm. Quả vậy, mình đã mang trót lọt một món “hàng quốc cấm” về đến Hà Nội.

Đến chiều hôm sau mới được rảnh, mình mang cái cặp buộc vào gác ba ga đạp ra chợ Giời. Đi thẳng vào cái chỗ hôm trước thăm dò giá. Hỏi: “Chị có mua cất thuốc đau mắt Trung Quốc không?” “Có nhiều không, đưa xem nào”. Mình tháo dây chằng ra đưa cả cặp cho chị ta xem. “400 tuýp đấy”. “Vâng, thế anh để cho tôi”. Mình hỏi: “Chị giả bao nhiêu?”. “Thì nó có gia chung rồi. Năm mươi!”. “Chị có nói nhầm không đấy?” “Nhầm là nhầm thế nào?” “Sao hôm nọ tôi hỏi chị bảo lấy vào bẩy mươi cơ mà!” “Ơ hay cái anh này hôm nọ là hôm nọ, hôm nay là hôm nay chứ!”. Mình điếng người. Nghĩ bụng, toi rồi. Thế này thì lỗ chổng vó rồi. Đúng là Mả các cụ tổ nhà mình từ xưa đến nay chưa bao giờ có người nào phát về đường buôn bán. Mình nghĩ, bây giờ bán cho bà ta là lỗ mất 40 đồng, chưa kể công phu lo lắng, mang trót lọt được ngần ấy tuýp thuốc đau mắt từ Phố Lu về đến đây. Mình bảo: “Thôi, chị thương tôi, chị lấy giúp tôi với giá sáu mươi để tôi đủ tiền trả cho người ta”. “Anh cứ đi hỏi cả chợ ai trả hơn thì bán!”. Mình hoàn toàn thất vọng.

Trên đường quay về, mình nhớ đến chị  Loan vợ anh Phụng ở ngõ 105 Bạch Mai. Mình đạp xe hộc tốc về đó gặp chị. Sau khi nghe mình trình bày, chị Loan bảo: “Chú đúng là dân đi buôn một mùa!”. “Thì em lần đầu tiên trong đời gọi là đi buôn đấy chị ạ. Chả một mùa thì làm gì có hai!” “Thôi để chị gặp mấy đứa buôn bán ở chợ Hôm chúng nó xử lý cho, may ra thì lấy lại được vốn. Chị Loan phải đi gặp nhiều “đối tác” mỗi người giúp cho vài chục tuýp, cuối cùng thì thu lại được gần đủ 240 đồng mang về trả cho cô bạn ở Phố Lu...    

Nhận xét

congtheblocg đã nói…
Chuyện cũ giờ mới kể. Những hồi ức này là nhưngx tư liệu quý cần lưu lại bác phó ự!

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.