718.Thủ tướng có nên hưởng lương bèo?

Thủ tướng có nên hưởng lương bèo?

Đào Tuấn 

Một chuyên gia dự án hỗ trợ cải cách hành chính có lần đã bàn: mức lương quá thấp sẽ dẫn tới hội chứng “tước đoạt để bù đắp” trong thực thi công vụ 

Cuối năm 2011, khi câu chuyện lương được bàn trong một hội nghị của Bộ Nội vụ, người ta đã dùng từ chỉ định lượng là “quá thấp” khi đưa ra số tiền mà một bộ trưởng được nhận. Quá thấp so với mặt bằng xã hội, vốn cũng chưa từng được đánh giá là… không thấp. Và thấp đến độ giáo sư lẫy lừng Văn Như Cương có lần thẳng thắn “Nhà nước giả vờ trả lương”, còn những người nhận lương thì “giả vờ làm việc”.
Hôm qua, khi Bộ trưởng Vũ Đức Đam công bố tiền lương của Thủ tướng “chắc chắn chưa tới 15 triệu đồng”, dư luận có thêm một bằng chứng về sự tệ hại của đồng lương.

Ừ thì là quy định. Nhưng mức lương của người đứng đầu Chính phủ chỉ “chưa tới 15 triệu”, rõ ràng là quá rẻ.

Cũng vào thời điểm tháng 12.2011, một phán quyết của Tòa án Lương bổng độc lập Autralia đồng ý với đề xuất tăng lương cho các chính trị gia. Thủ tướng được tăng 31% lương, để đạt con số 476.000 USD. Việc tăng lương cho các chính trị gia, bộ trưởng, nghị sĩ hẳn nhiên sẽ dồn thêm gánh nặng tiền thuế của người dân, khi đó ngay lập tức đã bị phản đối. Thậm chí, có vị bộ trưởng tuyên bố ông không cần tăng lương bởi lương hiện nay của ông đã “rất ổn”.

Nhưng chính dân Autralia lại là những người ủng hộ đầu tiên với lập luận các chính trị gia phải phục vụ lợi ích quốc gia với trách nhiệm nặng nề “biết mọi chuyện, trả lời mọi câu hỏi liên quan đến trách nhiệm của chính quyền” và “rất dễ mất ghế”.

Quan điểm về việc trả lương của Autralia cũng y như Singapore. Năm 2007, người đứng đầu Chính phủ Singapore đã lãnh mức lương tương đương 2,05 triệu USD, còn các bộ trưởng, cũng 1,26 triệu USD, gấp hơn 3 lần mức lương 395.188 USD của Tổng thống Mỹ. Trước Quốc hội Autraylia, quan điểm trả lương chính trị gia được nói rõ ràng rằng: “Để giữ chân một bộ trưởng giỏi, chúng ta phải theo kịp tiến độ của ngành kinh tế tư nhân”. Thậm chí, Thủ tướng Lý Hiển Long bấy giờ còn phàn nàn rằng lương của các quan chức Singapore “thấp hơn chuẩn lương của các doanh nhân hàng đầu trong lĩnh vực kinh tế tư nhân”.

Nhưng quan điểm trả lương cao cho Thủ tướng, cho Bộ trưởng, cho các chính trị gia khắp nơi trên thế giới, ngoài việc để giữ chân và thu hút người tài vào những vị trí chủ chốt trong bộ máy Chính phủ nói riêng và bộ máy nhà nước nói chung, dường như còn có một khía cạnh khác mà có lần, một chuyên gia dự án hỗ trợ cải cách hành chính người Việt, ông Diệp Văn Sơn đã nói tới, là nhằm tránh tình trạng “mức lương quá thấp sẽ dẫn tới hội chứng “tước đoạt để bù đắp” trong thực thi công vụ, hay nói cách khác là “làm khó để ló ra tiền”.

Lương Thủ tướng, theo nghị quyết 730, có hệ số 12,5 (x lương cơ bản). Nhưng dù đó là mức lương cao thứ nhì trong danh sách lương lãnh đạo nhà nước, thì số tiền thực tế vẫn chỉ là “chưa tới 15 triệu”. Các Bộ trưởng, ít hơn, với hệ số 9,7, và được đo lường trong một phát ngôn nổi tiếng: Đó là mức lương “40 năm chưa mua nổi nhà thu nhập thấp”.

Có lẽ, với tư cách người đóng thuế, người dân muốn Thủ tướng nhận lương cao, tương xứng với trọng trách và trách nhiệm của người đứng đầu Chỉnh phủ, trong đó có cả trọng trách chèo lái nền kinh tế có nhiều tiền, để trả lương cho các bộ trưởng, cho cán bộ để họ không phải “trả vờ làm việc”, không “tước đoạt để bù đắp”.

Bởi nếu lương Thủ tướng thu nhập chỉ 15 triệu, tức là chỉ trên dưới 700 USD mỗi 30 ngày, thì làm sao cán bộ có thể thu nhập cao? Cán bộ không có thu nhập cao thì làm sao người dân có thể đàng hoàng sống “rất ổn”.


    Nhận xét

    Bài đăng phổ biến từ blog này

    5044. Màu đỏ Artek

    5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

    6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.